Wednesday 27 August 2014

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Tông đồ Công vụ Chương 8 Phần 1



CHƯƠNG 8
STÊFANÔ
BIÊN SOẠN I :
Câu 8 : nói đến phép lạ, không nói đến việc giảng dạy. Nhưng c.10.
c.9 : đối thủ của Stêfanô là nhóm Dothái kiều :
Những người được phóng thích : Libertini : Dothái bị bắt làm tù binh sau đã được phóng thích (có lẽ đây là nhóm Dothái Pompeius đã bắt năm -64 và đem về Rôma – cũng có thể là nô lệ sau đã được phóng thích và tòng giáo. Theo bi chí : tại Yêrusalem có hội đường của những người này : coi Robert-Feuillet, Introd.à la Bible II,357 (fig.4 Inscription de la Synagogue des Affranchis)).
- Ở Kyrênê cũng có Dothái : 1M15:23 2M2:24 Mc15:11 (Simon. Cv2:10).
- Alexandria : văn chương các Rabbi có bàn đến Hội đường của nhóm người này (coi St Bill II,663-664), sau này Rabbi Eleazar ben Sadoq đã mua lại làm của tư (lối năm 100).
Rồi còn nhóm người Kilikia và Tiểu á (tức là tỉnh Rôma, có Ephêsô là tỉnh lị).
Bây giờ có vấn đề khúc mắc, các nhà chú giải không đồng ý được : có mấy hội đường : 5 (BWeiss, Lietzmann) 2 (Wendt, Zahn), 1 (JJeremias).
c.11 : kiểu hành động của đối phương, không ra mặt; nhưng mua chuộc ít người đi phao vu rằng Stêfanô nói phạm đến Lề luật (Môsê) và Đền thờ (Thiên Chúa).
Câu 12 : Lần đầu dân chúng có thái độ chống đối với tín hữu. Trong trình thuật không rõ chủ từ cho “họ làm chấn động,... họ sấn đến..” là ai (những người giựt dây, những người bị mua chuộc, hay (khi đến bắt) vệ quân của Đền thờ).
Câu 13t : lời hạch tội cũng hơi lạ. Phải so sánh với Mc14:58 Mt26:61 Yn2:19 (về Đền tội) và về Lề luật : Mc2:23tt 3:2tt 7:14t 10:5t Mt5:21t.
Bình luận
Chúng ta cũng phải xét trình thuật theo mạch lạc Công vụ, và rút ra những gì thuộc khúc ngoặt này của Kitô giáo.
1) Luca muốn cho thấy làm sao người ta đã đả kích Stêfanô : phép lạ làm Hi hóa tức tối. Không trả đũa được bằng tranh luận thì họ dùng những phương tiện để hạ là phao đồn vu khống, làm cho dân cùng công nghị quay nghịch lại với Stêfanô. Sau đó, Stêfanô bị lôi ra trước công nghị và bị cáo tội là phạm thượng đến Môsê và Thiên Chúa. Chứng : Stêfanô đã nói rằng Yêsu đã phá Đền thờ và thay đổi Lề luật Môsê. Nhưng Stêfanô như thể ở trong hào quang chứng tỏ Thiên Chúa ban cho ngài Thần khí như đã hứa (Lc21:15)
Trong mạch lạc Cv, thì trình thuật này là chóp đỉnh cho những cấm cách từ trước : ngăm đe (4:17 21), tra tấn (5:40), đây sẽ đến tử hình, phân tán.
2) Khó khăn : Vụ kiện có thực và ra trước Công nghị, hay là một vụ bạo động ngoài pháp luật? Đây ta lại đụng chạm đến vấn đề : công nghị có quyền ra án tử hình không. Nhiều tác giả muốn hiểu rằng trong thời này là thời Filatô bị cất chức, một thời chưa có trấn thủ thực thụ thay thế, nên có thể xảy ra những việc bất hợp pháp hoặc do Công nghị hoặc do dân chúng, mà người Rôma đành nhắm mắt bỏ qua. Việc xác định thời gian đó cũng thuận tiện, nhưng chỉ là phỏng đoán. Có tác giả đặt vào lối năm 34. Dịp thuận đó sẽ không còn nữa. Nhưng dù sao, Luca xử dụng truyền thống đáng tin cậy : vì bây giờ Stêfanô là trung tâm biến cố và bắt bớ, trước kia là các tông đồ. Bây giờ đối thủ là nhóm Dothái kiều Hi-hóa, trước kia là bè Sađóc (4:1t 5:17t), không có lẽ gì bắt Luca phải đổi vai trò như thế theo hướng đạo lý hay minh giáo của mình. Lý do bắt bớ chống đối không thỏa đáng (phép lạ của Stêfanô), phải có tranh luận gì gắt gao, quá khích đối với những người Dothái này mới được.
3) Những lời vu cáo. Chỗ này Luca lại đem ra lời lẽ chứng gian Luca đã gạt bên trong vụ kiện Chúa Yêsu (Mc 14:55-60), tức là một lời gây băn khoăn nhiều cho các tác giả Tin mừng, nên họ đã tìm cách giảm nhẹ hay giải thích. Còn Luca đặt ở đây có khi cũng vì cảm thấy khó nên kéo xa ra khỏi chính vụ kiện Chúa Yêsu. Nhưng muốn có cấm cách bắt bớ dữ dằn như vụ kiện Stêfanô, thì nhất thiết thế nào cũng có một cớ đích đáng, cớ đích đáng không thể là làm phép lạ, cũng không thể chỉ là vì tin Chúa Yêsu là Mêsia (Giáo hội Yêrusalem tin thế, Yacôbê tin thế, mà vẫn vững cho đến thời chiến tranh Dothái-Rôma). Duyên do cũng không thể vì nhóm Hi-hóa đã thanh tẩy cả những người ngoại không chịu cắt bì (cái nhiên với lịch sử hơn là việc mãi sau mới xảy ra như thế). Và như thế duyên do ở chỗ nhóm Stêfanô lần đầu tiên rút những kết luận về tính cách độc đáo của Tin mừng : ơn cứu rỗi không tùy Lề luật.
7:1-53 : Diễn từ của Stêfanô.
Đề tài chung chung là lược thuật thánh sử :
   2-16    : thời các tổ phụ
   17-43  : thời Môsê
44-50  : từ Môsê đến Salômôn (từ Nhà tạm đến Đền thờ)
   51-53 : công kích Dothái.
Nhưng cần thiết phải để ý đến những ý tưởng hàm ẩn :
- thái độ tiêu cực đối với lĩnh thổ Dothái và Đền thờ (thiên triệu, mạc khải, giao ước, các tổ phụ đều ở ngoài khu vực Dothái và xảy ra nơi đất ngoài. Dân Dothái vào chiếm đất thì đã khá muộn và bây giờ mới dựng Đền thờ và tế lễ.
- Dân Dothái đã từ khước chối bỏ những kẻ Thiên Chúa sai đến (Yuse, Môsê), nhưng những kẻ bị chối bỏ đó lại là những kẻ mang sứ mệnh cứu dân.
- Lời công kích cho thấy rằng Lề luật có tầm độ thiêng liêng.
Bây giờ chúng ta để ý qua đến ít điều khó khăn :
c. 3 : Khác với Kn12:1 (TCh hiện ra cho Abraham ở Harran).
Nhưng Kn15:7 (TCh nói là đã kéo Abraham ra khỏi Ur) Nê 9:7 (Ur xứ Khalđê).
Và Philô (de migr Abraham 14) cũng vậy. Những lời trưng ra thuộc Kn12:1 nói tại Harran.
c.4 : Theo Kn11:27-12:4 dể hiểu là Abraham ra đi Tharê còn sống. Đây sau khi Tharê đã chết, giống Philô (De migr.Abr) (Làm toán một tí : Tharê 70 tuổi sinh ra Abraham – Abraham 75 tuổi thì ra đi. Tharê sống 205 tuổi. Nhưng Ngũ thư Samari : Tharê sống 145 tuổi).
Nên để ý : hướng bút chiến “nơi các ngươi hiện đang ở” (Stêfanô ở đâu).
c.5 : Trưng Kn17:8, nhưng trước tiên dùng từ ngữ Tl 2:5.
Nhưng Abrham đã mua hang Macpêla (Kn23:16) (có lẽ : mua lấy, chứ Thiên Chúa không cho).
c.6 : Kn15:13 (LXX) (còn TM Xh12:40 430 năm, Ga3:17 cũng thế).
c.7 : Kn15:14 (LXX) và Xh3:12 (nhưng thay vì “núi này” (Horeb) thì “chỗ này” (Canaan hay Yêrusalem).
Các xuất xứ đổ đồng với nhau có mục đích hướng lời hứa đến một ý nghĩa thiêng liêng (không nhấn vào việc chiếm đất, mà thờ phượng).
c.14 : Kn46:27 : 66 người + Yacob Yuse và 2 con.
Nhưng LXX : 66 + 9 người con của Yuse : 75 người (thế Cv dựa vào LXX).
c.16 : gây lúng túng nhất cho minh giáo về tính cách vô ngộ của Kinh thánh.
Kn 49:30 Yacob được chôn ở hang Macpêla (tức là Hêbrôn).
Yôs 24:32 Yuse : ở Sikem, trong đồng của Hêmor.
Josephus Ant.2,8,2 : Yacob và các con đều chôn ở Hêbrôn.
Mua đất : Kn23:16 Abraham mua Macpêla tại Hêbrôn.
Kn33:19 Yacob mua đất ở Sikem, đất của con   của   Hêmor.
Truyền tụng gì Luca sử dụng hình như đem cả về Samari.
c.22 : Xh4:10-16 Môsê phân phô mình không biết nói. Khiêm tốn? Josephus.
Ant2:27 3:13tt : Môsê một nhà hùng biện.
c.25 : lý luận đó không có trong Kinh thánh. Nhưng đã bắt đầu “Môsê dung mạo tượng trưng” cho Cv – và dọn kết luận c.51tt : Chối từ kẻ Thiên Chúa sai đến.
Còn Xh 2:13 thì hình như Môsê sợ bị bại lộ.
c.29 : Xh 2:15 Faraô muốn giết Môsê, nên ông chạy trốn. Đây dân đã bắt ông phải ra đi.
c.35 : Không còn thuật suông, nhưng đã có tính cách hạch tội. Như Yuse (c.10) Thiên Chúa chọn và nhắc lên, kẻ dân Dothái từ bỏ. Hướng về Chúa Yêsu. Nhất là các tước hiệu nói về Môsê (là những tước hiệu Giáo hội sung cho Chúa Yêsu).
c.39 : Xuất xứ Ez10:13 16 Ds14:3. Nhưng không phải là trở về với om thịt, nhưng là thần tượng Aicập.
c.42t : Trưng theo LXX (Amos 5:25-27). Một câu còn tranh luận. Nhưng ở đây ám chỉ đến hướng thờ quấy trong dân. Không rõ có ngụ ý rằng ngay tế lễ tại Đền thờ Yêrusalem cũng mang tính cách của hướng đó không.
c.45 : Muốn thấy trướng Giao ước tạm bợ đó đã là điều cốt thiết đủ rồi, chẳng cần Đền thờ, trong một quãng thời gian lâu lắm.
c.46 : Một câu khó khăn về văn bản. Ý chính : dẫu Đavít đã được nghĩa cùng Thiên Chúa, nhưng chính ông lại đã không xây cất Đền thờ. Như thế Đền thờ phụ thuộc không cần cho được nghĩa với Thiên Chúa.
c.47 : Salômôn xây nhà cho Người! Xây nhà... Đền thờ = một thứ sa đọa thờ quấy.
c.48 : Không chỉ nói đến giá trị tương đối của Đền thờ, hay là Thiên Chúa cao cả hơn một nơi chốn. Nhưng đền thờ hầu như một chứng chỉ phạm thương đối với Đấng Chí cao.
Những vật tay phàm làm ra (Kheiropoièta) : LXX dùng để chỉ tà thần.
c.51 : Nếu xiết chặt các câu này với 40-50, thì triệt để khước từ Đền thờ.
c.52 : Đây ám chỉ đến việc bắt bớ hết các tiên tri, truyền thống Dothái. Coi Mt5:12 23:30 37. Justin.Dial.16:4. Yer2:30.
Bình luận
Đây cũng phải hiểu diễn từ theo 2 quan điểm : quan điểm Luca và biến cố đã xảy ra.
Về mạch lạc Cv và quan điểm Luca : Cuộc tử đạo thứ nhất không phải là biến cố riêng biệt một mình, nhưng là một chặng trong một lịch sử tích cực : những người đã làm chứng cho Thiên Chúa đều chung một số phận. Tiêu cực : thái độ dân Dothái đối với những người mang sứ mệnh của Thiên Chúa (thời Luca cũng như các thời xưa).
Còn về biến cố lịch sử : có thể nhận kiểu phân tích của Marcel Simon mà nói : đây là giai đoạn biến chuyển của Hội thánh sơ thời. Nhóm Hi-hóa tản mác trước tiên cũng chưa đi thẳng đến dân ngoại (Cv11:20), nhưng đến với những nhóm cũng bị loại khỏi cộng đồng Israel như họ, nhóm Samari chẳng hạn (để ý đến việc rao giảng của Philip, và ít điều liên lạc với nhóm Samari, trong diễn từ) (Cullmann gợi đến Yn4:38).
Diễn từ dĩ nhiên không được nói ra trong hoàn cảnh vụ kiện, nhưng thực sự chiếu dọi lại tư tưởng nhóm Hi-hóa và Stêfanô, chứ không phải là hoàn toàn giả tạo : vì mang nhiều sắc thái cựu trào về đạo lý và dùng đến những midrash Dothái ngoài Kinh thánh. Tư tưởng, phản ứng dọi lại một phong trào cải cách Dothái, không nhận Luật Thiên Chúa nào ngoài Luật Môsê ở Sinai, không nhận kiểu phụng thờ nào ngoài việc phụng thờ trong nhà tạm sa mạc, chỉ trích lễ bái Aharon đã thâu nhận, và Đền thờ Salômôn đã xây. Diễn từ lấy Môsê, Đavít, các tiên tri như tương phản với cách xử sự đó. Nhóm Hi hóa Kitô giáo hình như phát xuất tự nhóm Dothái cải cách đó (đây là một ức thuyết để cắt nghĩa sự kiện).
Còn về Kitô luận : nếu cứ chiếu theo Cv7:56-59 mà thôi thì Kitô luận còn thô thiển. Marcel Simon quá nhấn về sự thô thiển đó, và cho rằng : Stêfanô chỉ coi Chúa Yêsu như một người cải cách tạm thời bị ruồng bỏ, nhưng sẽ đến lại và phá Đền thờ và lễ bái của Đền thờ.
Hướng cải cách Dothái này hình như đã bắt đầu trong 2S 7:5-16 (bỏ ngoài câu 13), rồi đến các tiên tri, sau gặp lại nơi Dothái kiều (chỉ trích sùng bái vật chất, và dựa trên ảnh hưởng của triết lý Hilạp, dấu vết thấy được trong bản dịch LXX).
Marcel Simon thấy tư tưởng diễn từ có gì tương tợ với nhóm Ebionit nhóm Nasaraioi thánh Epiphaninus đã nói đến (bỏ tế lễ, và cả Ngũ thư nữa, để nhận một luật chân chính khác Môsê đã chịu lấy).
Bây giờ phải đặt vị trí của nhóm Hi hóa này thế nào trong Hội thánh sơ thời? Một nhóm giữ lập trường lưng chừng giữa những người tạm thời vẫn trung thành với Đền thờ và Lề luật qui chế như hoàn toàn còn hiệu lực, chỉ cần bổ túc thêm – và phong trào bỏ Lề luật nghi tiết, nhưng coi như thực sự có hiệu lực trong quá trình của Dân Chúa, y chuẩn tạm thời và cần thiết vì tình trạng tội lỗi và vì là dọn đến những thực tại cứu rỗi sẽ đến. Marcel Simon coi phong trào Hi hóa của Stêfanô như nhóm Kitô giáo rất gần với đạo Dothái; không chút mở ra cho dân ngoại, không có gì là đại đồng phổ cập, chỉ muốn trở về lại một đạo Môsê thuần túy. Nhưng nói thế Marcel Simon không châm chước một điều : nguồn tin của chúng ta quá sơ lược. Không có gì làm chúng ta chắc được rằng các Hi hóa tản mác đã giảng như thế tại Fênikia, Kyprô, Antiokia (11:19).
Đàng khác về Kitô luận : c.52, Chúa Yêsu là đối tượng của các lời tiên tri, tuy rằng nói Ngài là “Đấng Công Chính” (một tước hiệu cựu trào), c.56 xa hơn nữa. Tuy vậy Luca chưa có thể nói lên tước hiệu mà Luca sẽ đặt nơi miệng Phaolô (9:20) : Ngài là Con Thiên Chúa.
7:54-8:3 : Stêfanô chịu tử đạo và cơn cấm cách.
c.54 : Tưởng chừng họ xâu xé ngay Stêfanô, nhưng vẫn còn chờ.
c.55t : Con Người đứng... : không chỉ như Đấng khải hoàn bên hữu Thiên Chúa, mà là như Đấng bàu chữa, bênh vực, trong khi người ta lên án là phạm thượng. Cullmann dựa vào đây để nói Kitô luận tập trung nơi tước “Con Người” là đặc điểm của nhóm Hi-hóa (coi Die Christologie des Neuen Testaments, 188-189).
c.57 : bịt tai và kêu la là cốt át lời phạm thượng đi. Họ xông vào mà không có tuyên án gì cả. Luca gọi công nghị cũng có thể buông mình vào cơn tức tối loạn xạ như thế.
c.58 : Người ta phải xử tử ngoài thành, và khi ném đá : người chứng 1 xô người bị xử tử xuống một cái hố sâu chừng 2 con người, nếu chết thì xong việc. Nếu không, người chứng 2 ném đá vào ngực; nếu còn sống : dân chúng mới ném đá (coi StBill.II,684-685).
Đây Luca để Phaolô đi vào trình thuật.
c.59 : Lại nói đến ném đá một lần nữa. Lời Tv31:6 (Kinh tối của Dothái) được nói với Chúa Yêsu!
c.60 : quì xuống (không đi được với cách ném đá theo Mishna) (Sanh6:1-3). Cả lời kêu xin cũng thế. Các lời Stêfanô nói : phải so với Lc : c.56 / Lc22:69 ; c.59 / Lc23:46 ; c.60 / Lc 23:34.
Mishna dạy : người bị ném đá phải xưng thú tội mình, và lĩnh chịu lấy án ném đá để đền tội lỗi mình.
8:1-3 : các ý tưởng diễn không theo liên tục : Saulô đồng tình / cấm cách cả thể / việc làm tang cho Stêfanô / Saulô cấm cách bắt đạo kịch liệt.
Cách hành văn muốn nối lại nhiều giai đoạn khác nhau : nối với trước và sau (tức là việc giảng đạo tại Samari, và việc Phaolô trở lại, rồi việc giảng đạo xa hơn nữa 11:19).
c.1 : kiểu nói về Saulô : không chỉ là một hành vi nhất định, nhưng là một tâm trạng (= là đồng ý việc cấm cách bách hại đó). Cấm cách lớn, vào theo Luca, thì cả Hội thánh (coi như chỉ có một Giáo hội) bị tan rã hoàn toàn, mọi người đều phải chạy trốn, chỉ trừ có các Tông đồ ở lại để gọi là giữ sự liên tục.
c.2 : Họ làm tang cho Stêfanô. Những người nhân đức đó là ai? Tín hữu theo Luca đã chạy xa cả rồi, thì những người này phải là Dothái. Theo Mishna : người bị ném đá xong phải treo lên, rồi chôn ngay trước khi đêm đến, trong huyệt dành cho những kẻ bị xử tử (ném đá, và bị thiêu riêng với nhau, và người bị chém hay thắt cổ riêng với nhau) thịt rã rời, thì cho lấy xương về chôn tại huyệt gia đình. Sanh6:6. Cấm làm tang người bị xử tử (chỉ khóc thầm thôi).
c.3 : Thái độ Saulô thay đổi quá đột ngột. Muốn nối với 8:1 thì đã có tác giả muốn dựa vào 26:10 mà coi Saulô như có tham dự phiên Công nghị xử án – có người muốn coi như một thẩm phán trong vụ. Nhưng thực sự trong văn bản không có gì cho phép hiểu như thế. Sự thực thế nào phải bình luận sau. Nhưng hãy nhận ra kiểu chuyển văn của Luca : để dẫn Phaolô vào trình thuật : trước tiên Luca đặt Saulô một góc trong việc xử án Stêfanô – rồi nhấn đến sự biểu đồng tình, không phải chốc lát mà là một tâm trạng – rồi từ đó bỗng Saulô thành “thể hiện” cho cả cấm cách, quét sạch tín hữu khỏi Yêrusalem – rồi 26:10t khu vực hoạt động ra đến các thành khác – để rồi lên đường đi Damas.
Bình luận
1) Việc xử tử Stêfanô. Trình thuật muốn vụ Stêfanô có tính cách tư pháp công khai (điệu ra trước tòa, có chứng nhân tuy là chứng gian. Nhưng có nhiều điều không đi được với việc xử án công khai :
c.57 : không thấy có tuyên án; 58tt : kiểu ném đá của Luca không thấy có gì giống như kiểu Mishna, nhưng là kiểu “bạo động” của một lũ đông ồ ạt hành hạ chạy theo (hay ném vào một người đứng thẳng) một người họ ghét mà lia đá; 8:2 người ta làm tang cho Stêfanô : nếu là vụ xử án thì không được làm thế; kiểu chôn cất cũng vậy. Nên phải hơn Stêfanô đã chết vì bạo động. Trong một ngõ hẻm nào đó (sau một cuộc tranh luận sôi nổi?), nhóm Hi-hóa với nhau đã tự động thanh toán đối thủ. Và vì thế quyền Rôma không sao can thiệp được. Như vậy không cần gì phải đặt vào mùa đông 36-37 khi Filatô bị truất.
2) Trình thuật tử đạo : Chúng ta phải nối 6:15 với 7:55tt : một trình thuật liên tục. Và khi đó thì thấy rõ cuộc tử đạo của Stêfanô rất tương tợ với vụ án Chúa Yêsu (trước Công nghị, chứng gian, lời cáo tội (Chúa Yêsu sẽ phá Đền thờ), Con Người trong vinh quang, dâng chúng phẫn nộ, tha thứ cho lý hình khi chịu chết, phó thác mình trong tay Chúa). Sự tương chiếu đã quá rõ! Chúng ta đã thấy là một việc “bạo động” bộc phát cái nhiên hơn. Nên phải nói rằng truyền tụng về Stêfanô đã muốn tả Stêfanô như môn đệ đích thực của Chúa Yêsu, và được chết giống như Ngài. Và người ta đã tả theo những “Acta martyrum” : loại văn tả việc tử đạo có những kiểu diễn tả đạo đức, có phương nuôi lòng sốt sắng cho tín hữu. Còn cái chết vì lòng tin, tự nó cũng đã có những điều giống nhau rồi.
Dụng tâm của Luca là thị kiến và lời tuyên ngôn cuối cùng về Chúa Yêsu : Stêfanô được chết như chứng tá cho Chúa hiển dương trên trời, thực tại vượt quá ngàn trùng những cái tranh luận trần gian, bảo đảm cho chính nghĩa là ở đâu, không phải nơi Đền thờ (đã bị phá rồi khi Luca viết chương sách này) mà là nơi lòng tin của tín hữu. Chính cái điều hiển nhiên trong lịch sử đó, Luca muốn nói, mà người Dothái đã không thể nào chịu được.
3) Việc bắt bớ Hội thánh. Theo Cv8:2 chúng ta có một cuộc bắt bớ toàn diện. Nhưng ngay đó một chi tiết rất ngạc nhiên : các Tông đồ vẫn ở lại Yêrusalem bình yên vô sự. Như thế đã rõ là không xuôi. Chỗ này ta phải nói là Luca tả theo quan niệm của mình. Hội thánh sơ thời : chỉ có một Hội thánh. Quây quần xung quanh các tông đồ tại Yêrusalem. Nhưng như chúng ta đã nói : Giáo hội Yêrusalem gồm có 2 thành phần khác nhau : Nhóm Hipri, và nhóm Hi-hóa. Việc xảy ra cho Stêfanô chỉ đụng chạm đến nhóm Hi-hóa. Vậy cấm cách bắt bớ chỉ nhắm vào những người cầm đầu nhóm đó. Họ phải chạy thoát thân khỏi Yêrusalem, và chính họ sẽ khởi sự sáng lập một Hội thánh dân ngoại. Với họ, Hội thánh như thoát khỏi kén gò bó sức sống của mình mà thành một đạo đại đồng đúng nghĩa. Nhưng Luca muốn nói gì khi vạch ra trình tự biến cố? Diễn từ Stêfanô đã cho thấy Israel từ lâu rồi đã từng đi vào đường lầm lạc; việc sát hại Stêfanô lại chứng tỏ lần nữa là Israel không muốn trở lại, đã ra cứng lòng. Luca dùng lịch sử chứng điều đó (còn Phaolô mới đặt hẳn vào thần học, coi Rm9-10). Israel khước từ, cộng đoàn tiên khởi bị phân tán, thế là truyền giáo cho dân ngoại khai mạc được và được biện chính (coi Cv 13:46). Nhưng việc phân tán đó không đủ trước mặt lòng tin, vì còn đứng trong bình diện nghiệm thấy. Phải có tay Thiên Chúa tỏ bày ra hơn, điều đó sẽ thấy trong truyện Cornelius (Cv10). Bởi đó cái hậu quả quan trọng nhất của việc nhóm lĩnh đạo Hi-hóa bị phân tán, việc giảng cho dân ngoại, lại đặt sau vụ Cornelius.
Đàng khác Luca thuật theo kiểu bình dân, và mục đích xây dựng đạo đức, nên tập trung cả một trào lưu vào từng nhân vật đại diện : Phêrô cho Hội thánh tiên khởi, Stêfanô cho một phong trào mở rộng, còn Phaolô là điển hình cho tất cả công cuộc truyền giáo dân ngoại.
Nhưng phải đối chiếu lại những chi tiết Luca ghim qua trong trình thuật : đã có tín hữu tại Damas, Samari, Galilê, Fênikia, Aniokia, Ephêsô, Rôma trước khi Phaolô khởi sự công việc, so sánh như thế ta mới có một cái nhìn sát với sự thực hơn: như vậy có cả một phong trào truyền giáo dân ngoại do những nhân vật khả kính vô danh trước và đồng thời với Phaolô.

No comments: