Được biết
vào tháng 9 năm 2013 ( từ ngày 9 đến 16 tháng 9 ) tại Hà Nội có hội diễn 10 vở
kịch của Lưu Quang Vũ, để tưởng niệm 25 năm ngày mất của nhà thơ, nhà biên kịch
tài danh.
25 năm
trước, xã hội Việt nam sôi động vì những kịch bản của Lưu Quang Vũ xuất hiện ồ
ạt trên sân khấu nghệ thuật, nội dung kịch bản chạm vào những vấn đề nhức nhối
của xã hội, mà khi ấy không mấy ai dám nói, dám bình phẩm. Lưu Quang Vũ đã đem
lên sân khấu để nghiềm ngẫm, lý giải, tiên đoán và gợi hướng thoát.
Là một
khán giả ở phương Nam, say mê với cải lương Lá sầu riêng trổ bông, Dưới hai màu
áo, tha thiết với kịch của Túy Hồng nhạc minh họa Lam Phương, bình tĩnh với
kịch Vũ Đức Duy, lãng mạn với nhạc phim Nhật Trường – Thanh Lan, … tôi chưa
quen lắm với lối diễn xuất kịch nghệ thuật từ phương Bắc, nhưng tôi đã hoàn
toàn bị say đắm bởi kịch bản của ông khi đến rạp xem “Tôi và chúng ta",
"Hồn Trương Ba da hàng thịt"…
Đột nhiên
một ngày nghe tin ông mất, chuyến xe định mệnh từ Hải Phòng về Hà Nội, ông ra
đi cùng với đứa con yêu, Lưu Quỳnh Thơ, và người vợ tài hoa, thi sĩ Xuân Quỳnh.
Thương tiếc và chán nản, vì cái chết xem ra khó hiểu và quá đột ngột. 25 năm
sau, tôi không có dịp ra Hà Nội để xem hội diễn, nhưng báo chí bảo rằng: người
ta chen nhau vào xem, có khi chỉ để ngồi sau lưng người khác nghe lời thoại.
Tôi tìm vào mạng xem vở kịch “Ông không phải là bố tôi”. Câu chuyện xoay
quanh một gia đình ba thế hệ, từ “cuộc kháng chiến” người trai trẻ bỏ lại vợ
con lên đường, hết chiến tranh anh ta không về lại quê nhà, khi vợ con tìm đến,
anh sợ mất điểm với chế độ, vì bố vợ anh di cư vào Nam năm 1954, anh đã từ chối
vợ con.
Kịch bản
bắt đầu từ câu “Tôi không phải là bố anh” để rồi xuyên suốt vở kịch, câu “Ông
không phải là bố tôi” được lập đi lập lại, từ miệng đứa con trai của anh bộ đội
năm xưa, cho đến thế hệ kế tiếp nữa là đứa con trai của anh ta. Sân khấu bày ra
sự bế tắc về xã hội mà nền tảng là gia đình bị phá vỡ, chỉ vì danh vọng, chỉ vì
bám víu lấy sự tồn tại trên cõi đời, chỉ vì ham mê thế gian, con người lọc lừa
gian dối nhau, từ chối nhau, hành xử bất nhân bất nghĩa với nhau...
Giữa những
cái lùng nhùng bế tắc đó, anh con trai, thế hệ thứ ba, cháu nội của người cán
bộ năm xưa từ chối con mình, đã thiết kế dàn dựng một bài học làm sáng mắt cha
mẹ và ông nội mình, mang lại cho người xem chút hy vọng vào thế hệ trẻ, thế hệ
ý thức và đảm nhận trách nhiệm đứng lên xây dựng lại nhân phẩm và con người.
Báo chí
trong tuần qua tường thuật lại những phát biểu tại phiên họp Thường Vụ Quốc Hội
Việt Nam, Từ ông chủ tịch Quốc Hội, đến bà phó chủ tịch Nước, cùng các đại biểu
đều đưa ra những nhận định chua xót về xã hội, một xã hội phá sản đến tận cùng,
một xã hội rơi xuống đáy của tôn ti trật tự, của lòng tự trọng và của nhân bản.
Lưu Quang
Vũ có lời tiên tri trong các kịch bản của ông, lời tiên tri về sự xuống dốc, 25
năm đủ minh chứng lời ấy, và hình như lời tiên tri đó cũng đúng cho cả phần
cuối. Một lớp trẻ đang ý thức và sẵn sàng đứng lên dựng lại cơ đồ.
Bài Tin
Mừng Chúa nhật 25 Thường Niên C đưa ra một quả quyết “không ai có thể làm tôi hai chủ…
Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” ( Lc
16, 13 ), phải có một chọn lựa dứt khoát, thế gian ( hiểu theo nghĩa xấu ) và
Thiên Chúa là hai thái cực, hoặc chọn bên này mà bỏ bên kia, hoặc chọn bên kia
mà bỏ bên này, đi tìm một thỏa hiệp là tự giết chết mình và phản bội sứ mạng.
Hãy làm
chứng rằng Tin Mừng thật sự là tin mang đến nỗi vui mừng cho mọi người, người
ta chen lấn đến dù chỉ để nghe lời thoại một vở kịch của một tác giả đã chết,
vậy Lời thật của một Đấng hằng sống phải được công bố để làm thỏa cơn đói khát
người nghe.
Lm. VĨNH SANG, DCCT,
Chúa Nhật 22.9.2013
No comments:
Post a Comment