Tuesday, 27 August 2013

Lm Vĩnh Sang DCCT: Nghiêng vai gánh lấy tội đời



NGHIÊNG VAI GÁNH LẤY TỘI ĐỜI

Lm Vĩnh Sang DCCT

Có một quy ước không thành văn, anh em chúng tôi trong Tu Viện không nói chuyện công việc trong bữa cơm, đăc biệt là bữa cơm trưa, quy ước này nhằm dùng bữa cơm là cơ hội để vui sống, thư giãn và củng cố tình huynh đệ, cũng vì lý do đó mà cũng không quy định ai ngồi đâu, chỗ nào. Anh em được tự do chọn lựa chỗ ngồi, nhưng khuyến khích thay đổi chỗ để có dịp gặp gỡ với nhiều anh em khác.
Bàn của tôi hay ngồi “vi phạm” điều khuyến khích chung chỉ vì những người ngồi bàn đó có một mối “thâm thù” không sao giải quyết được, tôi xin chỉ ra ngay “kẻ gây sự” cho mọi người là một cha tên là Phêrô NTT ( ai muốn hiểu hai chữ NTT là gì cũng được ), từng thời điểm sẽ có một “nạn nhân” của “kẻ gây sự”, riêng tôi luôn đứng vai trò “lắp ráp” các sự kiện để gây thêm… kịch tính. Có một thời gian “nạn nhân” là cha Giuse PVB. Cha Giuse PVB rất hiền lành và có phần loay hoay lúng túng mỗi khi bị đối phương NTT “gây sự”. Và thế là để tạo ra tình huống gây cấn, tôi đã “sáng tác” ra một câu chuyện.
Câu chuyện như sau: Khi đến ngày cuối cùng, Giuse PVB đến trước cửa thiên đàng, Thánh Phêrô sưu tra lý lịch, xong xuôi ngài hỏi một câu duy nhất: “Buổi trưa ăn cơm ngồi gần ai ?” Giuse PVB trả lời: “Thưa, con ngồi cạnh NTT.” Thánh Phêrô phán quyết không chần chừ: “Vào thiên đàng !” ( Xin chú thích một chút: câu chuyện này phỏng theo khá nhiều câu chuyện tiếu lâm nhà Đạo khác cho rằng, kẻ ở thế gian đã phải chịu nhiều đau khổ thì thôi, không phải chịu đau khổ ở đời sau nữa… )
Nhưng khi Giuse PVB mới đi được vài bước thôi thì Thánh Phêrô bất ngờ gọi giật lại, khiến cho PVB rất hoang mang bối rối. Thánh Phêrô hỏi: “Thế ngồi cạnh như vậy bao nhiêu năm ?” – “Dạ thưa, hơn 10 năm ạ”. Nghe vậy, Thánh Phêrô tuyên bố chắc nịch: “Con hãy vào làm… Thánh tổ trưởng !”
Kể từ đó, Giáo Hội có Lễ kính… Giuse PVB và các bạn Tử Đạo !
Của đáng tội, cha NTT vẫn thường “vỗ ngực xưng tên” là mình đạo đức thánh thiện nhất Nhà Dòng, nên tôi mới dựa vào câu ngạn ngữ “chung quanh một vị Thánh có nhiều Thánh Tử Đạo” để “sáng tác” ra câu chuyện tiếu lâm này, nó trở thành “cây gậy” cho cha Giuse PVB nhiều năm tháng, và nó trở thành “yếu huyệt” của cha Phêrô NTT ít là cho đến hôm nay.
image003Câu ngạn ngữ “xung quanh một vị Thánh có nhiều Thánh Tử Đạo” có thể không hoàn toàn đúng trong thực tế, nhưng chắc chắn chung quanh một vị Thánh có nhiều người được hưởng ân huệ của Thiên Chúa, thậm chí sức mạnh thánh thiện của vị Thánh có khả năng làm thay đổi thế giới.
Một Phanxicô đã ghé vai gánh vác, chỉnh lại “ngôi Nhà Thờ” bị nghiêng ngả. Vâng, chỉ một Phanxicô gầy gò, nhỏ bé và khiêm nhường thôi. Một Thêrêsa Hài Đồng Giêsu xuất hiện âm thầm trong Đan Viện, 24 năm hiện diện ở trần gian, đã làm bừng sáng một thế giới đang chìm lỉm trong u tối của sự kiêu căng, ảo tưởng về văn minh tiến bộ và sức mạnh bom đạn. Một Gioan Phaolô 2 đầy can đảm và khôn ngoan, đầy nhiệt thành và quảng đại, đã làm xoay chuyển nhân loại, phá tan khối thuốc nổ như lúc nào cũng sẵn sàng làm tan tành cả thế giới, vén bức màn sắt che khuất tầm nhìn của nhân loại.
Thứ sáu ngày 5 tháng 7 vừa qua, tại Đền Thờ Laterano. Nhà Thờ Chính Tòa của Đức Giáo Hoàng, cùng với việc công bố Thông Điệp Lumen Fidei, Hội Thánh kết thúc giai đoạn Giáo Phận của hồ sơ phong Chân Phước cho Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyên Văn Thuận ( 1928 – 2002 ). “Cũng trong ngày thứ sáu, sau Thánh Lễ long trọng tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Antôn Padova tại Rôma, tại giảng đường Antonianum sẽ diễn ra việc công bố bản dịch tiếng Ý của 6 lá thư Mục Vụ của Đức Hồng Y Thuận, được viết giữa năm 1968 và 1973, được Libreria Editrice Vaticana ấn hành và được Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hoà Bình sắp xếp” ( bản tin Vietcatholic ).
Chúng ta đã được nghe nói nhiều về con người này, sự thánh thiện và lòng yêu mến của ngài đã trở nên tấm gương sáng ngời cho mọi người chúng ta. Trong hoàn cảnh hết sức rối ren của xã hội Việt Nam hiện tại, chúng ta có quyền hy vọng vào một vị Thánh của Việt Nam sẽ nghiêng vai gánh vác ngôi nhà dân tộc này. Hãy góp thêm niềm hy vọng bằng chính lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, thứ bảy 6.7.2013

No comments: