Wednesday, 28 August 2013

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Thơ Thánh Phaolô thứ I Corinthô Đọan 3



Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Thơ Thánh Phaolô thứ I Corinthô Đọan 3 câu 16 đến câu 17 và câu 18-23

Câu 16-17:
Thánh Faolô để kết thúc đạo-lý trên thì nại vào một đạo-lý mà ngài coi như một điều tín-hữu Côrinthô không thể biết (anh em lại không biết…): như vậy giả-thiết đạo-lý Hội thánh. Đền thờ của Thiên Chúa, Thánh-Thần ờ trong tín-hữu là một đạo-lý quen biết,và chính thánh Faolô đã giảng rồi. Như vậy, thì fải nói thánh Faolô đã biết lời báo trước của Chúa ám-chỉ trong Mc 14: 58 theo một hình-thức khác. Đạo-lý này cũng là thành-fần chắc-chắn của đạo-lý cánh-chung Do-thái: ngày tận-thế Thiên Chúa sẽ xây dựng một đền thờ mới rực-rỡ và trọn-hảo, và Người sẽ ở trong đó (Ys 28: 16t Hênóc 91: 13 Jub 1: 17). Điều đó, Hội thánh sơ-thời coi như đã thành-tựu. Nhưng Hội thánh sơ-thời cũng nhận rằng một đền thờ tận-thế mà do tay người ta làm ra là điều vô-lý, và không thể có, nên lời báo trước đã được hiểu theo nghĩa cốt-tử của ý-nghĩa Đền-thờ: chính Hội thánh chính cộng-đoàn là “oikos pneumatikos” (1P 2: 5) là Đền thờ cánh chung đã hứa.

Nhưng trong mấy câu này có điều khó là: ai lại ra sức fá-hủy đền-thờ này của Thiên-Chúa? Trước đây chỉ nói đến những người xây cất. Sau các câu này lại là vấn-đề Sự Khôn-ngoan. Như vậy, có lẽ thánh Faolô đã nghĩ đến những điều fải nói sau trong đoạn 5-6 (lời về Đền thờ lặp lại trong 1C 6: 19).

Câu 18-23
Thánh Faolô trở về lại chủ-đề 2 Sự Khôn-Ngoan.
Chỗ này không loại hẳn hạng người khôn-ngoan, miễn là họ đành lòng bỏ đi sự khôn-ngoan giả-dối, đành lòng bị coi như điên-rồ trước mặt kẻ khác. Nhưng nên để ý tiếng “điên” (moros) là tiếng của môn “khuyển-nho” (École cynique) để chỉ những người chống-đối triết-lý.

Thánh Faolô trưng hai lời Kinh thánh (Yb 5: 13 Tv 94: 11) có thích-ứng với mạch-lạc. Rồi thánh Faolô trở lại vấn-đề bè-đảng tại Côrinthô: tín-hữu hỉnh mũi về mình vì tưởng chọn thầy này thầy nọ là khôn-khéo. Thánh Faolô nhắc lại rằng: họ không thuộc về tồng-đồ nào cả (nghịch lại với những lời huênh hoang của họ… các tông-đồ là tôi-tớ của cộng-đoàn. Hơn thế nữa, tất cả tạo-thành, hữu-hình vô-hình, cả những quyền-năng trên sự chết, thời hiện-tại và thời sẽ đến hết thảy là của họ, tức là tín-hữu khơng nhận rõ địa-vị chân-chính của mình.

Nhưng, tín-hữu thuộc về Chúa Kitô, trực tiếp, chứ không phải ngang qua một tông-đồ, và Chúa Kitô thuộc về Thiên-Chúa: tư-tưởng của Faolô bao giờ cũng dẫy đến chính Thiên-Chúa và một trật nhấn rằng tín-hữu nhờ thuộc về Chúa Kitô mà thuộc về chính Thiên Chúa.

Lời kết-luận rất đặc sắc cho tư-tưởng của Faolô về ơn cứu thoát: fục tùng Chúa Kitô là bí-quyết của việc giải-fóng con người ta khỏi mọi mãnh-lực nhân-loại và vũ-trụ.

Theo môn Khắc-kỷ (Epictète Diatr, III, 22: 48t) quân-tử là “basileus, despotès: người quân-tử có hết mọi sự, là chủ cả thế-giới – còn Faolô đem về lòng tin (không có quyền-năng nào có quyền gì trên tín-hữu, vì mọi quyền-năng đã phải hàng-fục Chúa Kitô (Rm 8: 38t). Tư-tưởng có đụng-chạm về hình-thức, nhưng nội-dung khi khác hẳn: tín-hữu là chúa hết mọi sự, không fải vì có “thân ngoại vật” (theo châm-ngôn:abstine, sustine); nhưng là vì Thiên Chúa đã kêu gọi tín-hữu cho thông-chia vương-quyền của Người.                                                                                                                                                                        (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích bài dạy Kinh thánh thập-niên ’60))


No comments: