THIÊN CHÚA Ở CÙNG MẸ –
MẸ Ở CÙNG CHÚNG CON
Lm Lê Quang UY DCCT
Những năm
sau 75, ở miền Nam có thể nói gần như gia đình nào cũng có ít nhất một người
phải đi cải tạo do làm việc cho chế độ cũ, hay bị bắt giam vì đi buôn đường dài
hoặc vượt biên, và như vậy là quanh năm, luôn luôn có những người mẹ, người vợ,
người em gái nào đó đang ruổi rong trên những chặng đường dài để thăm nuôi con,
thăm nuôi chồng hay anh trai. Lắm khi không có giấy báo cũng cứ đi với một chút
hy vọng mong manh được nhìn thấy mặt người thân, không được thì gửi vào mấy giỏ
bàng đựng cây thuốc lá, vài tán đường mía, mấy lạng chà bông và hũ mắm ruốc.
Nhà tôi có
ông anh cải tạo tập trung ở Z30C. Đều đặn hàng tháng, mẹ tôi lại chắt bóp từ
những đồng lẻ bán đá cục, yaourt, nước mắm, vay thêm một ít nữa, đủ để đi thăm
nuôi con. Đến ngày hẹn, quá nửa đêm, tôi chạy chiếc Mobylette cọc cạch đưa mẹ
ra góc đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1. Mùa khô hay mùa
mưa thì gió khuya cứ luôn se lạnh, hình như lại càng se lạnh hơn vì người ta
dạo ấy thiếu ăn, thiếu ngủ, và thiếu mặc, trong lòng lại trĩu nặng những buồn
thương. Khoảng hơn chục người đàn bà tội nghiệp loay hoay lụm cụm với nhau giữa
những giỏ bàng và bao bị chật căng đồ thăm nuôi, ai cũng ít lời ít điều vì còn
phải dành sức cho cả hành trình còn dài…
Khoảng 1g
rưỡi, chiếc xe than xịch đến, mọi người như thể đã thạo việc lắm rồi, phụ một
tay với bác tài và chú lơ để chất hàng lên. Tôi đứng đó nhìn mà không thể giúp
gì được, mẹ tôi bảo: "Cậu cứ về đi để đấy tôi lo, quen rồi !" Và thật
nhanh, chuyến xe vội vã khởi hành, chú lơ lấy cái vồ vỗ đùng đùng năm sáu cái
vào thùng than đeo ở đuôi xe, lửa xoè ra, hơi nóng phừng phừng, động cơ hộc lên
mấy tiếng mệt nhọc và xe bắt đầu lăn bánh. Bóng dáng chiếc xe đen đủi xừng xững
lao đi vào giữa những ánh đèn đêm vàng ệch của phố vắng…
Sau những
chuyến đi thăm nuôi ông anh như thế, xập tối về lại nhà bình an, mệt thì mệt,
bao giờ mẹ tôi cũng có một câu chuyện để kể cho các con nghe, về ông anh ở trại
cải tạo lúc này khoẻ hay yếu, về mấy anh CA lịch sự hay hỗn xược, về các tai
nạn bà gặp thấy trên đường… Nhiều chuyện vui vui, nhiều chuyện cũng bực mình
lắm, nhiều chuyện lại làm cho người ở nhà bị buồn lây cái buồn của người đi.
Nhưng tôi
nhớ nhất một lần mẹ kể:
Đi chung
với nhau mấy chuyến rồi, nhưng các bà các chị đi thăm nuôi vẫn chưa thân nhau,
chẳng ai buồn nói năng gì. Hôm ấy, trời tự dưng trở rét. Xe than nóng thì nóng
đấy, nhưng chỉ thấy ấm khi xe phải tạm dừng thôi chứ lúc đang lao đi thì gió
tạt hết hơi nóng về đuôi xe, các bà các chị ngồi trong thùng xe cứ phải chịu
rét căm căm, dần dần ngồi sát lại với nhau hơn.
Thế rồi bất giác mẹ tôi thì thầm: "Kính mừng Maria đầy ân phúc, Đức
Chúa Trời ở cùng Bà…" Chỉ thì thầm thôi, vì cũng tế nhị, trên xe may ra
chỉ vài người có Đạo. Không ngờ được một lúc thì tiếng thì thầm chuyển lên
thành tiếng rì rầm. Mẹ tôi nghĩ: Ồ vậy là lần chuỗi chung được rồi đấy, nhưng
chắc cũng vừa vừa, còn phải để mấy bà bên lương người ta… tranh thủ ngủ nữa chứ
!
Lại thêm
một lúc nữa, đến chục thứ ba, thứ tư, thì lạ thay, tiếng đọc kinh rộn hẳn lên,
hình như cả xe mọi người đã cùng đọc đều đều, rập ràng, nhất là khi đọc các
kinh Kính Mùng. Mẹ tôi còn bình luận thêm là bầu khí trong thùng xe có vẻ còn
vui hẳn lên là đàng khác. Và chuyện lạ tiếp theo là chuyến xe ấm áp hẳn lên, dù
bên ngoài trời buốt lạnh.
Mẹ tôi
ngạc nhiên lắm, nghĩ trong đầu: Hay nhỉ, hoá ra cả xe lần này lại toàn là dân
Công Giáo sao ? Ai cũng đọc kinh ngon lành nhất là kinh Kính Mừng. Đến đoạn
phải xướng thứ mấy thì ngắm, lúc đầu mẹ tôi chỉ lẩm nhẩm, bây giờ thì mẹ xướng
lên rành rọt cho cả xe cùng nghe…
Đến khi
hết chục thứ năm rồi, tự dưng mẹ tôi không thấy nhiều người đọc theo nữa, chỉ
còn mẹ và lác đác vài người cùng "Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành…" Mẹ tôi
ngoái nhìn mọi người qua những ánh đèn đường lọt vào trong xe quét loang loáng
từng đợt, khuôn mặt ai cũng đều thành kính chăm chú lắng nghe ! Mẹ tôi lại bắt bài hát: "Mẹ ơi bao người lạc
bước lưu đày…" thì vẫn chỉ thấy vỏn vẹn mấy người hát thôi, số còn lại im
lặng thật trân trọng, như muốn nuốt lấy từng lời bài Nguyện Ca với Mẹ Maria.
Xong ván
kinh, mẹ tôi mỉm cười với một chị còn trẻ ngồi đối diện, hỏi thăm: "Nhà cô
ở Giáo Xứ nào thế ?" Chị ta ngơ ngác không hiểu. Bà ngồi kế bên thấy vậy
mới bảo: "Cụ ơi, chắc cô này cũng giống tôi, tôi không phải người bên Đạo
!" Nhiều cô nhiều bà khác nữa cũng nhao nhao lên vui vẻ: "Cháu cũng
thế…", "Tôi thờ Phật…", "Còn tôi thì theo đạo ông bà, cụ ạ
!"
Mẹ tôi
tròn xoe mắt: "Ơ hay, nhưng sao ban nãy các bà các cô đọc kinh lần chuỗi
kính Đức Mẹ của bên Đạo chúng tôi giỏi thế ?" Một bà như thể đại diện tất
cả trả lời: "Thú thật với cụ là tôi không thuộc kinh nào bên Đạo cả, nhưng
nghe bà đọc đi đọc lại nhiều lần, tự dưng tôi lẩm nhẩm đọc theo rồi thuộc lòng
lúc nào không biết. Vâng, thuộc lòng mà vẫn không hiểu gì lắm, cụ ạ, nhưng sao
cứ đến đoạn "cầu cho chúng con là kẻ tội, khi nay và trong giờ lâm
tử" là tôi lại thấy ấm lòng, nước mắt ứa ra và nghĩ chắc là mình cũng được
Đức Mẹ của bên Đạo thương nhiều lắm !"
Sau lúc hàn huyên ấy, mọi người như thân với nhau hơn, móc trong túi ra,
người khoanh cơm nắm, người nửa ổ bánh mì không, các bà lớn tuổi còn mời nhau
ăn miếng trầu, chuyện trò vui vẻ cứ như là có họ hàng bà con với nhau vậy !
Chuyến xe từ trại về, cái chị trẻ trẻ còn nhắc: "Bác ơi, mình lại đọc kinh
nữa đi bác…" Và dọc đường Hàm Thuận – Sàigòn, gặp một tai nạn xe chết
người, mẹ tôi còn xin mọi người cùng đọc thêm cho hai người chết tức tưởi ấy 3
kinh Kính Mừng, rồi còn: "Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ…"
Mẹ tôi kết
thúc câu chuyện: "Đấy các cô cậu xem, tôi không bịa đâu nhé, từ lúc mọi
người trên xe cùng nhau đọc kinh lần chuỗi, rõ ràng không còn thấy rét lạnh
nữa, chuyến về cũng không ai thấy bực mình, buồn lo, chán nản hay mệt rũ ra như
những lần đi thăm nuôi trước !"
Vâng, tôi
biết bà mẹ già đạo đức chân chất của tôi chẳng bao giờ bịa chuyện. Cụ luôn có
cái xác tín rất… trực giác, không lý luận, không thần học cao xa chi cả. Tôi
ngộ ra vấn đề không phải là một thứ ảo giác tâm lý hay một thứ ám ảnh tập thể
chi cả, đơn giản chỉ là Lòng Tin thuần phác của những con người đang phải chịu
nhiều đau khổ đã gặp được lòng chạnh thương từ ái hay cứu giúp của Mẹ Maria.
Kính Kính
Mừng khởi đầu với ý nghĩa "Thiên Chúa ở cùng Mẹ". Kính Kính Mừng lại
kết thúc với ý nghĩa "Mẹ ở cùng chúng con".
Từ sau khi
nghe chuyện mẹ tôi kể, lại đi tu trong DCCT như vậy cũng đã được hai mươi lăm
năm rồi, tôi cũng dần bỏ đi cái lý trí duy chứng ương ngạnh, mềm lòng ra, và
xác tín "Thiên Chúa ở cùng Mẹ – Mẹ ở cùng chúng con" để biết tập cầu
nguyện với Mẹ bằng chuỗi Mai Khôi, điều lâu nay tôi vẫn có ý coi thường, chỉ là
chuyện của mấy cụ già nhà quê như mẹ của tôi, chuyện đàn bà ấy mà...
Lm. LÊ QUANG UY,
DCCT, 1.8.2013
No comments:
Post a Comment