Monday, 12 August 2013

Lm Bill O'Shea Các câu hỏi Giáo dân thường hỏi Câu 50 51 52

Chương 4

_____________________________________

Độc Thân, Linh Mục, Người Giúp Lễ

Câu hỏi #50:
Con nhìn nhận giá trị của cuộc đời linh mục độc thân, nhưng con cũng cảm thấy là các linh mục có gia đình sẽ làm phong phú cho Giáo Hội. Xin cha cho biết lịch sử của việc linh mục độc thân. Việc đó có quan trọng hay không, hay cha có nghĩ đó là một phương diện sẽthay đổi trong tương lai?
Câu đáp:
Xét tận gốc thì việc thực hành cách sống linh mục độc thân trong truyền thống của Hội Thánh có thể được truy nguyên từ những lời Đức Giê-su nói với các môn đệ trong Mát-thêu 19:11-12, trong đó Đức Giê-su nói về những người “chọn cách sống độc thân, tự ý không kết hôn vì Nước Trời”.
Đức Giê-su còn nói tiếp theo và nhấn mạnh rõ ràng là chỉ có những ai với ơn phúc đặc biệt của Thiên Chúa thì mới nên theo cách sống này: “Ai sống được nhưvậy được thì sống.” (*)
_______________
(*) Chú thích của người dịch: bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch câu này là “Ai hiểu được thì hiểu”, còn bản dịch của Lm Nguyễn Thế Thuấn là “Ai hiểu nổi thì hãy lo hiểu lấy !”.
Dĩ nhiên không có dấu chỉ gì trong Tân Ước cho thấy những lời đó của Đức Giê-su có bất kỳ sự liên quan gì đến đời linh mục Công Giáo.
Tân Ước không đưa ra bất kỳ phương hướng nào về tình trạng hôn nhân của những người phục vụ cộng đoàn, ngoại trừ đoạn 3:2 trong thư 1 Ti-mô-thê: “…giám quản phải là người không ai chê trách được, chỉ có một đời vợ …”.
Trong lịch sử về sau của Hội Thánh, trào lưu gia nhập đan viện – một trào lưu thật sự đã bắt đầu từ tiền bán thế kỷ thứ tư – mới kết hợp cái gọi là “nhữngđức tính mang tính phúc âm hóa” của đức khó nghèo, khiết tịnh, và vâng phục.Đối với các đan sĩ, khiết tịnh có nghĩa là đồng trinh hay độc thân.
Vào thời đó không có ràng buộc nào bắt tư tế Công Giáo phải sống độc thân.
Luật độc thân lần đầu tiên được áp đặt trên hàng giáo sĩ theo nghi lễ Latin là trong cuộc Cải Cách Gregory do Đức Giáo Hoàng Gregory VII khởi xướng – ngài từ trần năm 1085.
Khi việc độc thân và đời tư tế được gắn liền với nhau vào lúc ban đầu, có khá nhiều bằng chứng cho thấy động lực của sự liên kết này hoàn toàn không hẳn là vì lý do thiêng liêng hay lý do mục vụ.
Một trong những tệ nạn trong Hội Thánh vào thời Đức Giáo Hoàng Gregory VII mà ngài muốn phá bỏ là nạn ăn cắp tài sản (tức là chuyển nhượng tài sản của Giáo Hội thành tài sản riêng trong tay con cái của các vị giám quản hay tư tế).Việc áp đặt luật giáo sĩ độc thân là một phương cách hiệu quả để đối phó với tệnạn đó.
Sau đó người ta biện hộ cho luật giáo sĩ độc thân bằng cách lập luận rằng một vị tư tế, nếu không bị ràng buộc trách nhiệm với vợ con gia đình, thì mới có thể tự do hiến mình lo lắng tận tụy hơn cho giáo dân của mình.
Vì không là một người cha theo nghĩa tự nhiên của chữ “cha”, vị tư tế có thể làm một người cha cho giáo dân theo một nghĩa sâu sắc hơn, và vì thế thật sự xứng đáng với danh hiệu “Cha” đã được phong cho ngài.
Cách biện hộ này cho luật giáo sĩ độc thân có thể viện đến một ủng hộ viên không ai khác hơn là chính Thánh Phao-lô.
Thánh Phao-lô chắc chắc đã quan niệm rằng tình trạng không kết hôn, được chọn vì những lý do chính đáng, thì cao trọng hơn tình trạng kết hôn bởi vì sống không kết hôn thì khiến người ta tự do hơn để phụng sự Đức Ki-tô.
Ngài viết: “Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ” (1 Cô-rin-tô 7:33). Ngài xem người kết hôn là người bị giằng xé giữa hai thế lực, và ngài nhấn mạnh sự khó khăn của việc hiến mình trọn vẹn cho việc phụng sự Thiên Chúa khi người ta bị ràng buộc bởi những lo lắng cho gia đình.
Dù tôn trọng huấn quyền của Thánh Phao-lô – lý luận của ngài trong 1 Cô-rin-tô 7, ngay cả sau khi đã xét đến bối cảnh đặc thù của thời đại ngài sống và bầu khí bất ổn khi ngài viết thư đó, dường như phản ánh một quan điểm khá bi quan về khả năng của người có vợ / chồng trong việc sống cuộc đời tông đồ thực thụ.
Chúng ta phải rất cẩn thận để không dễ dãi kết luận là một vị giáo sĩ có chức thánh mà không độc thân thì hẳn là kém “hiến mình vì mọi người” so với một vị giáo sĩ độc thân.
Không thiếu những vị giáo sĩ có chức thánh trong các Hội Thánh Ki-tô Giáo khác, mặc cho nặng gánh bổn phận đối với gia đình, họ vẫn có thể thực hiện một sứ vụ lớn lao cho cộng đoàn, mà quả thật lại còn được nâng đỡ với sự hợp tác từngười phối ngẫu của họ.
Bạn nói rằng bạn “nhìn nhận giá trị của cuộc đời linh mục độc thân”, tôi mong là đa số người Công Giáo cũng nghĩ như vậy.
Giá trị đó nằm ở đời sống chứng nhân sống động cho thế giới biết là nhân loại có một đích điểm cao đẹp hơn – một đích điểm vượt quá cái trật tự hiện tại.
Giá trị đó nên được xem như dấu chỉ hiển nhiên của một thực tại tâm linh sâu thẳm hơn, của một tình trạng hân hoan hạnh phúc tuyệt vời trong sự hiệp nhất trực tiếp với Thiên Chúa – Đấng là cùng đích của nhân loại.
Tuy nhiên, vấn đề không phải là ở chỗ giá trị của đời giáo sĩ độc thân, mà là ở chỗ Giáo Hội có nên luôn luôn đặt việc độc thân thành một điều hoàn toàn cần thiết gắn liền với ơn gọi sống đời linh mục.
Nhiều nhà thần học xem đây là cốt lõi của vấn đề. Tình trạng độc thân, được chọn vì mục đích loan truyền Phúc Âm, là một ơn phúc đặc biệt do Thiên Chúa ban tặng, không phải cho tất cả mọi người nhưng chỉ cho những người đủ khả năng sống đời độc thân đó.
Vậy thì, câu hỏi là: Giáo Hội có nên tiếp tục đặt ra luật lệ đối với một ơn phúc thiêng liêng, và đòi buộc là hai ơn gọi khác biệt nhau (ơn gọi sống đờiđộc thân, và ơn gọi sống đời linh mục phục vụ Giáo Hội) phải được kết hợp trong cùng một cá nhân con người?
Khi diễn tả quan điểm của bạn là “các linh mục có gia đình sẽ làm phong phú cho Giáo Hội”, rõ ràng bạn đã cho thấy bạn muốn trả lời câu hỏi đó cách nào.
Tôi tin quan điểm của bạn là quan điểm chung trong sự thay đổi lớn lao vềthái độ đối với việc linh mục độc thân – một sự thay đổi đã diễn ra trong hàng ngũ giáo dân trong vòng 20 năm qua.
Không nhất thiết là có sự kết nối nào, dù là vì lý do lịch sử hay lý do mục vụ, giữa đời linh mục và đời độc thân. Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI, trong tông thư khẳng định việc linh mục độc thân, đã chừa chỗ cho việc nghiên cứu xa hơn về câu hỏi trên.
Đối với người Công Giáo theo nghi lễ Đông Phương và người Ki-tô Giáo theo phái Chính Thống, cả hai hình thức của đời linh mục (độc thân và có gia đình)đều luôn được nhìn nhận.
Vô số các giáo sĩ Tin Lành đã từng, và vẫn đang phục vụ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân một cách hiệu quả trong vai trò một người đàn ông có vợ (hay một phụ nữ có chồng).
Đồng thời trong số các nhóm này thì đời độc thân vẫn được thực hành bởi một số ít, nhưng đáng kể các giáo sĩ.
Thí dụ như, ở miền nam nước Pháp, có một đan viện nổi tiếng của nhóm Taize, nơi có một số đan sĩ Tin Lành sống độc thân, nghèo khó trong việc phụng sựThiên Chúa và phục vụ thế giới.
Về câu hỏi cuối cùng của bạn:
“Cha có nghĩ đó là một phương diện sẽ thay đổi trong tương lai?” – tôi tin rằng một sự thay đổi trong luật lệ của Giáo Hội là điều không thể tránh khỏi về lâu về dài.
Luật buộc linh mục độc thân là luật của Giáo Hội, chứ không phải luật của Thiên Chúa, và mỗi một luật Giáo Hội đều có thể được thay đổi.
Trong Giáo Hội tương lai, tôi tin là sẽ có những cộng đoàn tu sĩ vẫn gìn giữ giá trị quan trọng của việc độc thân như là một dấu chứng cần thiết cho thếgiới, và cũng sẽ có các linh mục địa phận hay linh mục đời thường là những người sẽ được cho phép chọn lựa một trong hai cách sống (kết hôn hoặc độc thân).
Câu hỏi #51:
Phải bao nhiêu tuổi mới được phong chức phó tế hay linh mục?
Câu đáp:
Điều 1031 trong Bộ Giáo Luật Mới nói rằng “thiên chức linh mục chỉ có thể được phong cho những ai đã đủ 25 tuổi, đã trưởng thành thích đáng; và hơn nữa phải có ít nhất khoảng thời gian sáu tháng làm phó tế trước khi làm linh mục.
“Những ai có triển vọng được thụ phong linh mục thì phải được gia nhập vào hàng ngũ phó tế nhưng chỉ khi nào người đó đã đủ 23 tuổi.”
Phần thứ hai trong điều luật này đưa ra luật tương tự cho các ứng viên vào chức phó tế vĩnh viễn; nếu độc thân họ phải ít nhất được đủ 25 tuổi, còn nếu có gia đình, ít nhất phải đủ 35 tuổi.
Phần III của Điều Luật 1031 nói: “Thượng Hội Đồng Giám Mục (nghĩa là, HộiĐồng Giám Mục cấp Quốc Gia) có thể ban hành quy định đòi hỏi số tuổi cao hơn đối với chức linh mục và phó tế vĩnh viễn trong quốc gia của họ.
Sau hết, điều luật này nói rằng bất cứ việc miễn trừ nào vượt quá khoảng thời gian một năm so với số tuổi quy định là “quyền quyết định riêng của Tòa Thánh”, nghĩa là, chỉ có Giáo Hoàng mới có thể ban một sự miễn trừ như vậy.
Câu hỏi #52:
Quan điểm của Giáo Hội vềviệc truyền chức linh mục cho phụ nữ là gì?
Câu đáp:
Khi bạn hỏi về một câu đơn giản nói lên quan điểm của Giáo Hội về việc truyền chức linh mục cho phụ nữ, tôi đoán ý bạn muốn nói đến quyền giáo huấn của Giáo Hội, chứ không phải toàn thể Dân Chúa.
“Giáo Hội”, trong nghĩa hạn hẹp của từ này, đã tuyên bố quan điểm của mình bằng những từ ngữ đơn giản nhất khả dĩ trong Điều Luật 1024 của Bộ Giáo Luật Mới.
“Chỉ có những người nam đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội mới có thể lãnh nhận thành sự Bí Tích Truyền Chức.” Nói cách khác, thẩm quyền của Hội Thánh cấm việc truyền chức linh mục (và chức phó tế) cho phụ nữ.
Trong những năm gần đây câu hỏi này đã được thảo luận sôi nổi. Các lập luận tích cực nghiêng về phía thuận với việc truyền chức thánh cho phụ nữ gồm có:
Việc loại trừ phụ nữ ra khỏi hàng ngũ linh mục là một sự xâm phạm đến phẩm giá con người của họ, và là một sự mâu thuẫn với nhiệm vụ của họ khi chịu phép rửa tội, là nhiệm vụ tham gia vào sứ mạng của Hội Thánh dựa trên căn bản khảnăng, điều kiện và ơn gọi của mỗi người, chứ không phải dựa trên căn bản giới tính.
Phụ nữ đã từng phục vụ trong vai trò phó tế vào thời Giáo Hội sơ khai.
Không có điều khoản nào trong Sách Thánh cấm việc truyền chức thánh cho phụnữ.
Để đối lại với các lập luận trên, bản Tuyên Ngôn về Việc Truyền Chức Thánh Cho Phụ Nữ, ban hành năm 1976 bởi Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, đã tái khẳng định giáo huấn truyền thống của Hội Thánh về vấn đề này.
Bản Tuyên Ngôn có đoạn nói rằng:
Thiên chức linh mục không phải là một “quyền con người”, mà là một “hồng ân hoàn toàn nhưng không” không thể được diễn tả theo nghĩa công bằng hay quyền lợi.
Người ta hoàn toàn không biết là các phụ nữ được gọi là “nữ tư tế” trong Tân Ước có được truyền chức thánh hay không, hay việc “truyền chức” của họ có phải là một phép bí tích hay không.
Đức Giê-su không gọi bất cứ một phụ nữ nào, kể cả mẹ ngài, vào hàng tư tế.
(Đối lại với lập luận này, có người đã chỉ ra rằng dựa theo bằng chứng trong Tân Ước, cũng không có gì rõ ràng là trong thời gian tại thế Đức Giê-suđã có gọi bất kỳ người nào vào hàng tư tế khác hẳn với hàng môn đệ hay tôngđồ).
Một số các lập luận khác chống việc truyền chức thánh cho phụ nữ là:
Sự kêu gọi gìn giữ truyền thống ngàn đời của Hội Thánh – một truyền thốngđi ngược lại với bất kỳ điều nào khác lạ như vậy; và
Sự thật minh nhiên là vị linh mục có chức thánh, người hành động nhân danhĐức Ki-tô, phải có khả năng đại diện cho Đức Ki-tô về mặt thể lý cũng như mặt tâm linh.
Những người cổ võ cho việc truyền chức thánh cho phụ nữ lý luận rằng nữgiới bình đẳng với nam giới về mặt phẩm giá con người và bình đẳng trước mặt Thiên Chúa.
Cái tư tưởng cho rằng nữ giới không thể đại diện cho Đức Ki-tô một cách đầyđủ, và vì thế phải bị loại trừ khỏi việc truyền chức dựa trên căn bản giới tính, ngụ ý (theo lời họ) là nữ giới kém xa phẩm chất so với nam giới, và do đó, căn bản là kém khả năng hơn nam giới – nếu không nói là không xứng đáng – trong việc đại diện cho Đức Ki-tô và cho Hội Thánh trước mặt Thiên Chúa.
Quan điểm của Đức Giáo Hoàng đương kim(*) rất rõ ràng.
_______________
(*) Chú thích của người dịch: tức Đức Gioan Phao-lô ĐệNhị, đương kim Giáo Hoàng vào thời điểm sách được ấn hành.
Ngài gọi việc loại trừ nữ giới khỏi hàng tư tế là chuyện “do chính Đức Ki-tô thiết lập cho hàng tư tế thừa tác”, và đã nói rằng việc đó “nằm ngoài vấnđề kỳ thị”.
Đó là một trong những đề tài mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đề cập đến trong một bài diễn văn trước một nhóm giám mục Hoa Kỳ vào tháng Chín năm 1983.
Trong dịp đó ngài nói rằng lòng hăng say mục vụ của các giám mục “sẽ được chứng minh qua việc hỗ trợ phẩm giá phụ nữ và tất cả những sự tự do chính đáng của họ hợp với bản tính tự nhiên và hợp với nữ tính của họ. Giám mục được kêu gọi phải chống lại tất cả những sự kỳ thị, hay bất kỳ sự kỳ thị nào đối với nữgiới chỉ vì lý do giới tính.
“Trong việc này ngài (vị giám mục) cũng phải cố gắng giải thích cho rõ ràng thuyết phục hết sức mình rằng giáo huấn của Hội Thánh về việc loại trừ phụ nữkhỏi hàng tư tế thừa tác là việc nằm ngoài vấn đề kỳ thị, và rằng việc loại trừ đó có nguyên do từ ý định của chính Đức Ki-tô dành cho hàng tư tế.
“Vị giám mục đó phải chứng tỏ khả năng mục vụ và khả năng lãnh đạo của ngài bằng cách rút bỏ tất cả mọi hỗ trợ dành cho các cá nhân hay các phe nhóm nào mà, nhân danh tiến bộ, công bằng, bác ái, hay nhân danh bất kỳ “lý do” nào khác, đề cao việc truyền chức thánh cho nữ giới.
“Khi làm như thế, những người đó hay phe nhóm đó quả thật là đang gây tổn hại đến chính cái nhân phẩm của nữ giới mà họ tuyên bố là họ đề cao và thăng tiến. Tất cả những nỗ lực chống lại chân lý thì chung cuộc sẽ dẫn đến không chỉthất bại, mà còn thất vọng cá nhân não nề.
“Bất cứ điều gì mà vị giám mục có thể làm để ngăn ngừa sự thất bại và thất vọng đó bằng cách giảng giải chân lý thì đều là một nghĩa cử không những có tính bác ái trong mục vụ, mà còn có tính lãnh đạo tiên tri.”
Câu nói của đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II rằng việc loại trừ phụ nữ ra khỏi hàng tư tế là “ý định của chính Đức Ki-tô dành cho hàng tư tế” đã là đầuđề của nhiều cuộc tranh cãi.
Câu nói đó dựa trên niềm tin là Đức Giê-su đã tỏ ý định của ngài trong việc này qua cách ngài chỉ chọn toàn là nam giới làm Tông Đồ.
Tuy nhiên, lời của Đức Giáo Hoàng đúng là diễn tả giáo huấn chính thức và thực hành của Giáo Hội trong hiện tại, và đó là điều bạn muốn hỏi.
Bất kể vấn đề truyền chức thánh cho phụ nữ, việc nhìn nhận sự bình đẳng trọn vẹn về nhân vị và bình đẳng trọn vẹn về tư cách Ki-tô hữu giữa nữ giới so với nam giới là một việc hoàn toàn thiết yếu nếu như Hội Thánh có thể được xem là, và có thể hoạt động như là, một tổng thể Dân Thiên Chúa.
Hội Thánh là Bí Tích của Đức Giê-su Ki-tô, và vì thế phải luôn luôn trung thành với gương mẫu của Người. Thay vì nhìn vào sự chọn lựa chỉ toàn là nam giới vào hàng môn đệ thân cận, chúng ta có thể nhớ rằng, thật trái ngược với phong tục Do-thái đương thời, Đức Giê-su luôn có các phụ nữ đi theo kề cận và phụng sự Người (Lu-ca 8:2-3; 10:38-42).
Chính những phụ nữ đó đã được truyền lệnh đi loan báo tin Phục Sinh “cho các Tông Đồ và cho ông Phê-rô” (Mát-thêu 16:7).
Mục đích của việc Tạo Dựng và Cứu Chuộc là sự hiệp nhất của tất cả mọi người nơi Thiên Chúa. Hội Thánh được kêu mời làm dấu chỉ và công cụ của sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa với nhân loại, và giữa nhân loại với nhau (Hiến Chế về Giáo Hội điều 1).
Để đạt được điều này, rõ ràng là Hội Thánh phải làm chứng bằng lời nói và gương mẫu cho nhân phẩm Ki-tô hữu trọn vẹn của nữ giới.

No comments: