Thursday, 8 August 2013

Lm Frank Doyle sj : “Bao năm sương trắng bụi mờ,



“Bao năm sương trắng bụi mờ,
Bao năm tay trắng để giờ trắng…tay!
Ta về qua ngõ chiều nay,
Nghe mùa trăng lạnh từ ngày xa em.”
(thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn)
Lc 13: 22-30
            Trắng bụi mờ. Chờ nhiều năm. Lạnh mùa trăng. Xa vắng. Lặng thinh. Ngày xa em. Ấy đó, là tình tự ở đời. Giữa người. Về qua ngõ. Nghe mùa trăng. Là, tâm tình nhà Đạo. Chúa bảo mọi người. Ở trình thuật hôm nay.
            Trình thuật hôm nay thánh Luca ghi chép điều Chúa nói rõ cách thức qua cửa hẹp mà vào Nước Trời. Là, chốn không còn sự rẽ chia, căm thù, hờn ghét, nữa. Không còn có ý nghĩ vẫn để trong đầu, của người xưa rằng: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?" (Lc 13: 5). Câu hỏi trên, phản ánh niềm tin của nhiều người Do thái, thời của Chúa. Họ tin rằng chỉ mình họ mới là “Dân được chọn”. Tức là, người ngoài luồng hoặc không tin, không giữ lề luật của cha ông sẽ bị đào thải và sẽ chẳng được cứu độ, như đã hứa.
            Như mọi lần, Chúa không trả lời trực tiếp cho câu hỏi, mà Ngài lại đưa ra truyện kể với dụ ngôn, để cắt nghĩa. Dụ ngôn hôm nay, là việc qua được cửa hẹp. Là, chuyện người nhà từ chối không mở cửa cho người gõ cửa hỏi giúp đỡ, vào ban đêm. Để rồi, phải nghe những lời thống thiết, thật khủng khiếp:

“Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến.” (Lc 13: 25)

            Thành thử, khi đối đáp câu hỏi từ ai đó, Đức Giêsu không xác định hoặc chối bỏ là “chỉ một số ít người được cứu rỗi mà thôi”, đâu. Điều Chúa nói, chính là: ơn cứu thoát không đảm bảo cho bất cứ một ai. Bởi, không thể cậy vào chuyện: “Chúng tôi từng được ăn uống trước mặt Ngài”, là đủ. Hoặc, cậy vào sự quen biết hoặc tự hào mình thuộc nhóm hội đoàn thể, hoặc mang danh tánh với bằng cấp, chức năng do Giáo hội chuẩn thuận, là được cứu! Chẳng phải thế trước mặt Chúa.
             Chúa cũng chẳng khẳng định: chỉ ít người, là “được cứu”. Toàn bộ Tin Mừng thánh Luca, minh xác một điều, là: Đức Giêsu mang đến với thế giới phàm trần tình yêu thương tự do, cho con người. Ở mọi chốn. Mọi thành phần. Không kỳ thị. Chẳng phân chia. Không ai bị đẩy lùi khỏi tình thương cứu độ, của Đức Chúa. Nên, người Đạo Chúa không nên hợm hĩnh hoặc để tâm giành giựt.
            Vai trò tiên quyết trước hết của cộng đoàn nhà Đạo vẫn luôn là và chỉ là: giảng rao Tin Vui an bình về tình thương của Đức Chúa với thế giới. Rao và giảng, để sẻ san thông điệp Chúa gửi, làm nền tảng cho cuộc sống, ở đời. Với người người. Với hy vọng rằng, người người sẽ ứng đáp thông điệp của sự sống ấy qua việc chuyển hướng đời mình, cho đúng cách. Dân con Đạo Chúa sẽ xử trái, nếu cứ tưởng rằng chỉ có người mình mới xứng đáng với ân huệ độc đáo Chúa phú ban.
            Và, dặn dò Chúa nói hôm nay còn vang vọng, là: nếu ta chỉ giảng và rao mỗi giáo lý Kinh Sách thôi, vẫn không đủ. Mà phải là, toàn bộ cuộc sống cá nhân hay cộng đoàn của nhà Đạo, phải là lời rao báo cho ai đang kiếm tìm Sự Thật. Tình yêu. Và, Công lý. Tìm, mà sẻ san cuốc sống có yêu thương, giùm giúp, đỡ đần. Tìm và kiếm, mà chiến đấu chống bất công. Chống bạo lực. Đó, mới là ảnh hình đích thực của Hội thánh Nước Trời, ta thuộc về.
            Ai là người “được cứu thoát”, rất đúng nghĩa? “Được cứu thoát”, là người biết sống chết trong quan hệ mật thiết với Chúa. Với mọi người. Là, sẻ san thị kiến sống động, mà Chúa cống hiến cho ta. Chúa vẫn bảo:

Chính ở điều này mà mọi người sẽ biết các ngươi là môn đồ của Ta: ấy là các ngươi có lòng yêu mến lẫn nhau.” (Yn 13: 35).

Chỉ những người như thế, mới được cứu thoát. Mới được gọi là “người của Chúa”, tức môn đồ. Tức, những người sống có ý thức. Yêu thương. Và, trách nhiệm.
            Khung cửa hẹp, Chúa nói ở trình thuật, Là, cửa ngõ dẫn vào cuộc đời tóm gọn bằng cụm “yêu thương. “Giùm giúp”. Yêu thương, là cụm từ mang nặng cả nghĩa bóng, lẫn nghĩa đen. Là, động thái dẫn đưa người người vào với lựa chọn, không dễ thể hiện. Nhiều người, nhiều vị đã thấy khó, vội vứt bỏ. Có người, lại đi tìm con lộ tẻ ngắn nhất, cho rằng như thế mới “rất người”, mới tự nhiên, như cỏ cây. Thế đó, là ý nghĩa của hờn giận, ghét ghen, trả đũa.
            Điều Chúa nói rất hôm nay, là thế này: nhiều người vẫn cứ tự coi mình là người thuộc Đạo rất chung, như Công Giáo. Nhưng, vẫn thường đóng cửa lại, khi có người kêu gọi mình giúp đỡ. Vẫn có người nói ở đâu đó: “Tôi chẳng biết Anh/chị là ai hết”. Cũng chẳng quen biết.”. Rồi lại hỏi: Sao Chúa lại không nhận ra tôi, người con yêu thương được thanh tẩy làm con Chúa, người đạo hạnh, vẫn đều đặn tham dự thánh lễ, ngày của Chúa? Sao Chúa nói, không còn biết tôi đây là người rất siêng chăm việc đạo đức và vẫn làm công quả?
            Thật ra thì, đạo đức siêng chăm đâu là căn cước để định dạng, người của Chúa. Bởi ngày nay, được mấy ai nhận biết Chúa nơi những người bị bỏ rơi, lạnh nhạt, ghét bỏ. Mấy ai đã tìm cách giúp đỡ kẻ đau khổ, nghèo hèn, tủi hổ hay là vẫn coi họ  như con cái Chúa như chính Chúa ở trong ta?
            Quả thật là, một mai khi giáp mặt Chúa rất trực diện, người người sẽ ngạc nhiên không ít khi thấy rằng chính những người bị coi là “ngoại Đạo”, hay ngoài luồng lại là những người kịp đến với Chúa, trước nhất. Những người vẫn bị ta coi là vô Đạo, lạc Đạo, cặn bã của xã hội, nhưng biết thực hiện Lời Chúa trong yêu thương sẽ là người “được cứu thoát”, trước hơn chính ta.
            Chúa quả quyết:

“Thiên hạ từ Đông sang đoài, từ Nam tới Bắc, sẽ tề tựu đến dự tiệc nơi bàn thánh Nước Trời.”(Lc 13: 29).

Bởi, Nước Trời vẫn dành để cho ai biết thực thi Lời Chúa, trong yêu thương, giùm giúp, đỡ đần. Người “được cứu thoát” đâu có bị điều tra căn cước xem có là nguời Công giáo. Chính thống. Hay đạo Hồi. Hoặc, là ai.
            Hiện diện nơi Vương Quốc Nước Trời, vẫn là người thực thi điều Chúa dạy bằng động thái yêu thương ,đùm bọc,sẻ san. Sẻ và san, những chua cay ngọt bùi, của cuộc sống. San và sẻ, Lời Chúa với hết mọi người. Cả những người không được biết đến hoặc không được trọng dụng ở đâu đó nơi  phương xa. Và khi đó, “Những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu. Và, có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.” (lc 13: 30), trong danh sách người “được cứu thoát” rất rõ ràng.
            Lm Richard Leonard sj
             Mai Tá lược dịch

No comments: