Monday 23 May 2011

LmEmmet Costello SJ; Lm Karl Rahner - nhà thần học nhấn mạnh tình yêu đối với Đức Giê-su trong bản tính loài người


Là tác giả của hơn 4000 quyển sách và các bài báo với nội dung uyên bác vô song và có tính khai phá đặc biệt, Cha Karl Rahner SJ được mô tả là “nhà thần học phong phú nhất và lỗi lạc nhất trong thế kỷ này và có thể nói là trong cả nhiều thế kỷ qua.”

Lời khen ngợi đó là của nhà thần học luân lý lẫy lừng người Mỹ, linh mục Richard McCormick, SJ dành cho Cha Karl Rahner. Lời khen ngợi đó cũng được sự đồng tình của Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, người đã gọi Cha Rahner là một nhà thần học “quý giá”. Cha Rahner cũng đã từng được tặng 15 bằng tiến sĩ danh dự.

Do tính uyên thâm sâu sắc, các tác phẩm của Cha Rahner không dễ gì mà được thấu hiểu, nhưng may thay một trong các môn sinh giỏi nhất của ngài, linh mục Harvey Egan, SJ, đã dành nhiều công sức để “quảng bá rộng rãi” về Cha Rahner qua hai quyển sách, “Nội dung Đức Tin” (viết chung với hai thần học gia khác), và đặc biệt hơn trong quyển “Karl Rahner, Nhà Thần Bí trong Đời Sống Thường Ngày”. Quyển sách thứ hai này là một quyển cổ điển chứa đựng những điều chính xác, rõ ràng; và tôi sẽ trích dẫn thật nhiều từ quyển sách này, với sự cho phép của nhà xuất bản Crossroad Publishing Company, New York.

Lòng thiết tha yêu mến Đức Giê-su Ki-tô phải được ghi dấu trong mỗi một cuộc đời Ki-tô hữu. Đối với Cha Rahner, Đức Giê-su không phải là một lý tưởng tôn giáo trừu tượng, mà là một con người thật sự, một con người bằng xương bằng thịt. Hữu thể Thiên Chúa / Nhân Loại đó không phải chỉ là một hữu thể nhân loại đầy sức thu phục, mà chính là bản tính nhân loại của Thiên Chúa ở thế gian. Thiên Chúa hóa thành nhục thể chính là để chia sẻ sự sống của Người với chúng ta. Nhưng do bởi tội lỗi của chúng ta, sự tự hiến của Thiên Chúa cũng phải mang thêm mục đích tha thứ, hàn gắn, và cứu chuộc chúng ta.

Đức Ki-tô gần gũi với chúng ta biết bao. Sự bình thường của cuộc đời Đức Giê-su đã đánh động Cha Rahner một cách sâu sắc. Cuộc đời Đức Giê-su gói trọn trong mô hình của cuộc sống thường nhật bình thường – chúng ta thậm chí có thể nói rằng nơi Đức Giê-su, sự hiện hữu rõ rệt của một con người được thấy trong hình thức căn bản nhất và cấp tiến nhất. Nơi Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã sống và thực hiện những công việc thường nhật trong đời sống một con người.

Theo Cha Rahner, lòng yêu mến Đức Giê-su Ki-tô và lòng yêu mến những người xung quanh ta không bao giờ có thể được cạnh tranh với nhau. Chúng ta phải yêu mến mọi người xung quanh mình – những người mà ta có thể nhìn thấy, nếu như ta có thể yêu mến Đức Giê-su – người mà ta không thể trông thấy. Lòng tôn sùng Thánh Tâm Đức Giê-su đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống tâm linh và thần học của Cha Rahner. Chỉ một năm trước khi qua đời, Cha Rahner đã viết một bài báo than phiền về sự suy thoái việc tôn kính Thánh Tâm trong thế giới Tây phương.

Trong những lúc vinh quang cũng như những giây phút tối tăm nhất của cuộc đời, chúng ta phải cố gắng mà cầu nguyện rằng: “Lạy Thánh Tâm Chúa Giê-su, xin thương xót chúng con” … và cố gắng để nhận ra rằng Thiên Chúa, mặc dù ta không hiểu được Người, nhưng Thiên Chúa thật sự thương yêu chúng ta, và rằng nơi Thánh Tâm Chúa Giê-su tình yêu đó đã trở nên bất diệt.

Những lời cầu nguyện cụ thể và sự chiêm nghiệm thần học sâu sắc về lời cầu nguyện – những điều này luôn luôn nổi bật trong suốt cả cuộc đời Cha Rahner. Khi một ký giả gặng hỏi về niềm tin vững chắc của ngài mặc cho sự khủng khiếp của chủ nghĩa Nazi, Cha Rahner đã trả lời: “Tôi tin bởi vì tôi cầu nguyện”. Và ngài thêm rằng: “người ta có thể nói một cách đúng đắn rằng ít nhất thì một số những người đáng thương đó đã đi vào lò hơi ngạt mà trong lòng vẫn cầu nguyện và tin tưởng vào Thiên Chúa.”

Theo Cha Rahner, khía cạnh quan trọng nhất của phẩm giá nhân loại là “con người có thể thưa chuyện cùng Thiên Chúa trong bất cứ chuyện gì, có thể kêu cầu cùng Thiên Chúa, và trong khi kêu cầu Thiên Chúa thì tìm đến với Người … trong ơn phúc như một chốn cầu nguyện – có nghĩa là ở khắp mọi nơi. Tạo vật con người đó là một thực thể không tan biến vào hư không khi đối diện với Đấng Tạo Hóa.” Việc thưa tiếng “xin vâng” với Thiên Chúa bằng toàn bộ bản thể của một con người, với sự trợ giúp của ơn Chúa, sẽ biến “những tiềm năng to lớn nhất” của người đó thành hiện thực. Và cũng xin lưu ý điều này – người ta sẽ vô cùng hiểu lầm quan điểm Thiên Chúa huyền bí của Cha Rahner nếu họ không hiểu rằng Thiên Chúa là tình yêu mật thiết không thể tưởng tượng nổi.

Cha Rahner nhấn mạnh việc cầu nguyện liên lỉ và xác quyết là lời cầu xin đó bao giờ cũng thấu tới Thiên Chúa. Do mối liên hệ con-và-Chúa giữa một con người với Thiên Chúa, con người đó phải luôn phó thác với tâm tình yêu thương sự hiện hữu thường nhật của bản thân mình vào Thiên Chúa. Vì lý do đó Cha Rahner khuyến khích mọi người nên cầu nguyện “trong mọi sự thường nhật” … xung quanh những hoàn cảnh trong cuộc đời nhiều khi rất máy móc của chúng ta. Ngài nói rằng: “Tất cả mọi sự đều tùy thuộc vào cách chúng ta sống cuộc sống thường nhật này. Cuộc sống đó có thể biến chúng ta thành những kẻ tầm thường, vô vị, nhưng cuộc sống đó cũng có thể khiến chúng ta được tự do thoát khỏi chính mình mà không điều gì khác có thể làm được.

“Ngay cả khi một người chỉ nói một cách đơn giản là: ‘Lạy Chúa, xin giúp con!’ thì đó đã là một điều rất tốt đẹp.” Và một lần nữa, ý tưởng đơn giản này: “Qua việc cầu nguyện, người ta học cách cầu nguyện”.

Cha Rahner có lần nói với người bạn đồng nghiệp thân thiết, linh mục Harvey Egan, SJ, như sau: “Hãy coi chừng người nào không có lòng tôn kính gì cả và người nào không cầu nguyện gì cả.” Cha Rahner rất không hài lòng về sự suy giảm những việc tôn kính Thánh Thể chẳng hạn như việc quỳ chầu cung kính trước cung thánh, hay việc dành một khoảng thời gian thinh lặng tạ ơn sau khi rước lễ.

Và ngài không ngại ngần gì khi nhắc nhở chúng ta: “ngọn đèn nơi cung thánh ở các nhà thờ Công Giáo vẫn luôn tiếp tục mời gọi chúng ta lưu lại trong thinh lặng để chiêm ngắm mầu nhiệm ơn cứu chuộc dành cho chúng ta.” Và vai trò của tình yêu trong lời cầu nguyện: “Chỉ có những ai yêu mến người khác và yêu thương đón nhận người khác vào đời họ thì mới có thể thật sự đạt được sự hiệp thông với Thiên Chúa.”

Việc Cha Rahner luôn thường nhấn mạnh tình yêu không đổi dời của Thiên Chúa dành cho chúng ta thông qua công trình của Đức Ki-tô chắc hẳn phải là một động lực mạnh mẽ thúc giục chúng ta cầu nguyện và kiên tâm cầu nguyện – mặc cho những trở ngại và những nỗi u ám trong tâm hồn. Cha Rahner tin tưởng rằng một trong những thành công to lớn của Công Đồng Vatican II chính là niềm lạc quan hy vọng của Công Đồng vào ơn cứu độ.

“Đó là một trong những điều trớ trêu trong lịch sử,” linh mục Harvey Egan viết, “khi ngay từ thưở ban đầu của Ki-tô Giáo cho đến tận thế kỷ của chúng ta, người ta cứ băn khoăn với một câu hỏi cốt yếu là: ‘ai sẽ được cứu độ?’ Kể từ Công Đồng Vatican II thì câu hỏi đó là ‘có bất cứ ai sẽ bị hư mất hay chăng?’ ”

Cha Rahner nhấn mạnh là ngài không gia nhập Dòng Tên để trở thành một vị học giả hay một bậc giáo sư vị vọng, nhưng để trở thành một “chủ chiên cho mọi người”. Cha đã rao giảng đạo hầu như mỗi ngày trong suốt 52 năm sống đời linh mục của ngài. Người linh mục, đối với ngài không phải chủ yếu là một nhà thần học, mà là một người được thánh hiến để giảng đạo. Cha Rahner hiểu một cách nghiêm túc về lời của Đức Ki-tô rằng thông điệp của Người thật sự là “tin mừng”, một tin mừng được loan báo cho người nghèo (Mát-thêu 11:5).

Trong ngữ cảnh này người nghèo có nghĩa là người tự thấy mình là kẻ có tội. Với người đó Đức Giê-su nói rằng vương quốc Thiên Chúa giờ đây đã hiện diện và đã được tỏ lộ qua Đức Ki-tô. Ở mức độ sâu thẳm, Ki-tô Giáo rao giảng một niềm vui viên mãn, một hiện thực vô hạn, trọn vẹn – thật sự là “tin mừng”.

Cha Rahner viết: “Ơn phúc của Thiên Chúa và sự hiệp thông vĩnh viễn của Thiên Chúa với chúng ta đã xuất hiện một cách rõ ràng, một cách vĩnh viễn, một cách bằng xương bằng thịt nơi Đức Giê-su Na-da-rét, người đã bị đóng đinh và đã sống lại từ cõi chết. Tin mừng này phải được loan truyền.” Và nhấn mạnh thêm: “chúng ta đã cảm nghiệm được tình yêu vĩnh cửu và bất diệt của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su Ki-tô, và điều đó đã phá bỏ hết tất cả những giới hạn của chúng ta.”

Cha Rahner nhấn mạnh việc chuẩn bị những bài giảng chu đáo có nội dung sâu sắc, và lấy làm tiếc cho những linh mục chỉ biết lặp đi lặp lại những bài giảng nhàm chán theo kiểu dạy giáo lý; ngài kêu gọi hãy “luôn luôn nhắm đến việc làm thế nào để Thánh Kinh được rao giảng trong một cách có thể đánh thức và gieo đức tin vào lòng người.”

Người linh mục phải rao giảng những chân lý cổ xưa qua một phương thức mới mẻ, sống động.

Linh mục phải giảng giải điều xưa cổ bằng một cách mới mẻ. Phải có một nỗ lực loan báo tin mừng trong Thánh Kinh cho những người của thời hiện đại qua một cách có thể chạm thấu tâm hồn họ.

Giảng dạy về mầu nhiệm của nhân loại – Lạc Quan và Bi Quan trong Ki-tô Giáo: Chúng ta phải hiểu chính mình bằng cách nào? Giáo Hội phải giảng dạy sự lạc quan và bi quan trong Ki-tô Giáo vì theo Giáo Hội thì con người là một tội nhân đã được cứu chuộc. Tội lỗi của ông A-đam và sự tự hiến vinh quang của Thiên Chúa cho nhân loại qua Đức Ki-tô như một tình yêu bất diệt – cả hai việc này đều thấm vào bản thể của chúng ta.

Việc giảng dạy sự bi quan Ki-tô Giáo phải đánh động Ki-tô hữu về một sự thật không thể chối cãi – là họ được sinh ra trong một thế giới được hình thành một phần do các quyết định tự do và tội lỗi của những người đi trước họ … Một thế giới chìm đắm trong tội lỗi. Nhưng sự bi quan này không thể là một lý do để không làm gì cả trong việc biến đổi thế giới cho tốt đẹp hơn. Thánh Phao-lô đã giảng dạy một sự bi quan và lạc quan Ki-tô Giáo khi ngài nói: “Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng.” (2 Cr 4:8) Trong những từ ngữ đó cha Rahner thấy không những chỉ hoàn cảnh của thánh Phao-lô như một người tông đồ, mà còn là “một nét của đời sống Ki-tô hữu trong mọi nơi và mọi lúc.”

Giảng dạy niềm bi quan Ki-tô Giáo, theo cha Rahner, “là một việc thật hợp lệ bởi vì niềm tin Ki-tô Giáo tin tưởng rằng, nói cho cùng thì, việc nhìn nhận tội lỗi cũng giống như việc nhìn nhận sự đau khổ.” Cha Rahner nhấn mạnh điểm này.

Lạc Quan Ki-tô Giáo: bởi vì cha Rahner không bao giờ rời mắt khỏi chiến thắng vinh quang và vĩnh cửu của Thiên Chúa đối với tội lỗi và sự chết, cho nên ngài nhấn mạnh việc giảng dạy niềm lạc quan Ki-tô Giáo. Theo Cha Rahner, hai lời cầu nguyện của Đức Giê-su trên thập giá đã diễn tả quan điểm của cha về sự bi quan Ki-tô Giáo và niềm lạc quan Ki-tô Giáo. Đức Giê-su không chỉ cầu nguyện “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài nỡ bỏ rơi con?” mà còn: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha.” Đấng Thiên Chúa không-thể-hiểu-được của sự hàn gắn, của tình yêu thương tha thứ đó, chính là quá khứ, hiện tại, và tương lai của chúng ta. “Tôi tin là Thiên Chúa sẽ chiến thắng sự ngu xuẩn trong bản tính tội lỗi của nhân loại. Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta.”

Nguồn:

Theologian who stressed love of Jesus the person

By Fr Emmet Costello SJ

The Catholic Weekly 20.Mar.2011

Bản Việt ngữ: Cecilia Mỹ-Hạnh nguyễn

No comments: