Thursday 5 May 2011

Lm Bill O’Shea : Thắc Mắc Của Người Công Giáo

Lời Mở Đầu

Khi ấn bản lần thứ nhất của quyển sách này xuất hiện vào năm 1984, tôi viết phần Lời Mở Đầu để giải thích lý do sách được chào đời. Đó là một sự tổng hợp những câu hỏi và đáp trong một mục hàng tuần của báo The Catholic Leader mà tôi bắt đầu phụ trách từ tháng Bảy năm 1982, được gọi là mục Vấn Đáp.

Ấn bản đầu tiên của quyển Thắc Mắc Của Người Công Giáo bao gồm những vấn đề do độc giả nêu lên trong khoảng thời gian chừng mười tám tháng, từ tháng Bảy năm 1982 đến đầu năm 1984. Từ đó đến nay (*) nhiều vấn đề tương tự đã được độc giả nêu lên trong những khía cạnh khác, và vì thế đưa đến nhu cầu có những giải đáp khác.

Trong ấn bản lần thứ hai này, nhà xuất bản và bản thân tôi đã thảo luận là có nên xuất bản một quyển sách hoàn toàn mới chỉ bao gồm những câu hỏi được nêu lên và được giải đáp sau khi ấn bản thứ nhất đã được phát hành, hay là ấn bản thứ hai cũng nên bao gồm nội dung trong ấn bản lần đầu và được nới rộng ra với phần giải đáp mới cho những câu hỏi tương tự như trong ấn bản cũ.

Chúng tôi đã quyết định chọn phương cách thứ nhì, bởi vì chúng tôi cảm thấy là phương cách thứ nhất sẽ có nguy cơ làm nội dung bị phần nào thiếu sót và làm cho độc giả rối trí vì một số câu hỏi chủ chốt lại không được bàn thảo.

Do đó trong ấn bản mới này, độc giả sẽ thấy có một sự hiệu đính kỹ càng phần nội dung trong ấn bản trước. Một số câu giải đáp trong ấn bản trước không được chọn in lại trong ấn bản kỳ này, và một số câu giải đáp khác được hiệu đính lại nhằm cố gắng loại bỏ những ngôn từ thiếu chính xác hoặc thiếu rõ ràng. Một số câu giải đáp trong ấn bản trước được mở rộng thêm với những câu hỏi mới trong cùng vấn đề do độc giả của báo The Catholic Leader nêu lên trong những năm gần đây. Và nhiều chủ đề mới được giới thiệu trong ấn bản mới này.

Hơn nữa, vì những lý do để khỏi choán chỗ và để giữ cho quyển sách không quá dài, chúng tôi đã tóm gọn nội dung của các câu hỏi mà độc giả gởi về, nhưng vẫn cố gắng giữ nguyên ý chính trong từng câu hỏi. Nói một cách ngắn gọn, ấn bản mới lần này là một sự hiệu đính kỹ càng của ấn bản lần trước, và hoàn toàn không phải chỉ là một tái bản.

Khi tôi chấp thuận lời đề nghị của vị chủ bút tờ The Catholic Leader vào khoảng giữa năm 1982 để phụ trách một cột báo hỏi-đáp hàng tuần, tôi không ngờ rằng đến tám năm sau cột báo này sẽ vẫn còn hiện diện. Nếu mà tôi đoán trước được một nhiệm vụ kéo dài như vậy, thì tôi nghĩ có lẽ tôi đã từ chối đề lời nghị đó.

Khi phải giữ đúng kỳ hạn cho một cột báo hàng tuần trong suốt một khoảng thời gian lâu như vậy, thì điều tất nhiên là một số những điểm thiếu khúc chiết và thiếu chính xác sẽ xảy ra. Tôi tin rằng yếu tố này có phần nào gây ra những rắc rối mà tôi gặp phải với Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin vào năm 1987. Tôi phỏng chừng là Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin cũng đã suy xét đến yếu tố này khi cứu xét những lời than phiền về các bài viết của tôi. Thánh Bộ đã không kết án các bài viết của tôi là đi ngược chính thống, nhưng đặt câu hỏi về sự cẩn trọng trong một số câu giải đáp của tôi, đặc biệt là những câu giải đáp về các quyền của lương tâm cá nhân đối với quyền giáo huấn của Giáo Hội.

Song song với việc đó, tôi lúc nào cũng hiểu vai trò làm tác giả mục Vấn Đáp của tôi không chỉ là vai trò viết giải đáp cho các câu hỏi theo hình thức dạy giáo lý, mà là khuyến khích và kích thích độc giả tự mình suy nghĩ, tuy nhiên luôn giữ trong khuôn khổ của truyền thống Công Giáo. Tôi tin là tôi đã thành công trong việc này, xét theo những cung giọng chủ yếu là tích cực và nội dung của hàng ngàn lá thư mà tôi nhận được trong vòng tám năm tồn tại của cột báo.

Tôi xin được bày tỏ lòng tri ân chân thành tới vị chủ bút tờ báo The Catholic Leader, ông John Coleman, và vị ký giả lão thành, ông Ray Owen. Mục Vấn Đáp đầu tiên là sáng kiến của hai vị này. Tôi đặc biệt mang ơn cô Joan Hannam vì sự chính xác phi thường mà cô đã ghi chép lại những câu giải đáp của tôi – những câu giải đáp đã tạo thành nội dung của quyển sách này – khi tôi đọc cho cô qua điện thoại từ tuần này sang tuần nọ.

Tôi biết ơn Đức Tổng Giám Mục Francis Rush của Tổng Giáo Phận Brisbane vì lòng tin tưởng ngài luôn dành cho tôi; tôi cũng biết ơn các Đức Giám Mục Phụ Tá, James Cuskelly và John Gerry, vì đã nâng đỡ và khuyến khích tôi.

Trong ấn bản lần đầu của quyển sách này, tôi đã có lời tri ân một số anh em linh mục trong Tổng Giáo Phận Brisbane, những người đã giúp đỡ tôi vào dịp này hay dịp khác để viết phần giải đáp cho những câu hỏi ngoài tầm lãnh vực chuyên môn của tôi. Tôi xin được tri ân họ một lần nữa.

Tôi cũng xin cảm ơn nhà xuất bản Collins Dove vì sự tin tưởng mà họ dành cho tôi khi khuyến khích và hướng dẫn cho ấn bản lần thứ hai của quyển Thắc Mắc Của Người Công Giáo được hoàn thành. Về công trình kiểm duyệt và giúp hiệu đính sách, xin dành lời đặc biệt “tri ân” đến ông Hugh McGinlay.

Tôi phải nhắc đến tất cả quý bạn đọc và quý độc giả đã gởi thư bàn luận và góp phần vào sự thành công của mục Vấn Đáp trong những năm qua, dù cho các quý vị đó có đồng ý với phần giải đáp của tôi hay không. Một vị nữ độc giả, trong một cuộc tiếp chuyện qua điện thoại gần đây, đã bảo tôi rằng bà mua báo The Catholic Leader mỗi tuần để đọc mục Vấn Đáp vì bà thích các câu hỏi – mặc dù bà không quan tâm cho lắm đến phần trả lời! Chính nhờ vào sự hưởng ứng của độc giả mà cột báo Vấn Đáp đã có thể tồn tại lâu dài, và nhờ đó mà quyển sách này có thể được xuất bản.

Ngoài các vị nêu trên, tôi muốn dành một lời tri ân đặc biệt đến Đức Giám Mục Bernard Wallace, từng là Giám Mục ở Rockhampton, người mà tôi xin dành tặng quyển sách này. Tôi quen biết với Đức Giám Mục Bernard Wallace từ năm 1955, ban đầu khi tôi còn là chủng sinh tại Chủng Viện Banyo và ngài là linh mục trong ban giảng huấn, sau đó khi tôi trở thành đồng nghiệp của ngài trong ban giảng huấn đó. Từ khi ngài được gia nhập vào hàng ngũ các giám mục vào năm 1974, ngài luôn tiếp tục là tấm gương cho biết bao nhiêu linh mục, tu sĩ, giáo dân, trong cũng như ngoài địa phận của ngài, noi theo qua sự thông minh sáng suốt và lòng nhiệt tình trong mục vụ của ngài.

Việc dành tặng quyển sách này cho Đức Giám Mục Bernard Wallace chỉ là một sự nhìn nhận rất nhỏ bé đối với những đóng góp của ngài cho Giáo Hội Úc Châu trong cả hơn nửa thế kỷ qua.

Sau hết tôi xin bày tỏ một lời trần tình ngắn về việc xuất bản một quyển sách như thế này trong bối cảnh của đạo Công Giáo thời hiện đại.

Khi ý tưởng về một cột báo dành cho việc hỏi-đáp trên một tờ báo Công Giáo địa phương mới được bắt đầu bàn thảo vào tám năm trước, nhiều sự hoài nghi đã được nêu ra là có cần phải có một loại mục vụ như vậy trong giáo hội Úc Châu vào thập niên 80 hay không. Một số người nghĩ rằng khoa thần học chuyên việc bênh vực cho các tín lý Ki-tô Giáo đã không còn là một mối quan tâm chính trong giáo hội thời hiện đại nữa.

Những sự hoài nghi đó lẽ ra không đáng có, bởi vì những thay đổi trong giáo hội sau Công Đồng Vatican II đã gây băn khoăn cho nhiều tín hữu Công Giáo. Nhiều người vui lòng đón nhận các sự thay đổi, nhưng có một số người cảm thấy mất phương hướng hoặc ngay cả cảm thấy bị phản bội bởi những gì mà họ nghĩ là làm suy yếu truyền thống và di sản của họ.

Hơn 25 năm(*) sau Công Đồng Vatican II, chúng ta đã thấy sự xuất hiện của những nhóm bảo thủ trong giáo hội với ý định giữ chặt lấy những truyền thống Công Giáo mà họ đã từng hiểu biết, và chống đối lại những sự thay đổi mà họ tin là đối nghịch với truyền thống đó.

_______________

(*) Chú thích của người dịch: tính đến thời điểm 1990, khi ấn bản lần thứ hai của quyển “Thắc Mắc Của Người Công Giáo” được phát hành.

Chúng ta cũng đã thấy sự gia tăng của những phong trào thiếu kiên nhẫn với sự chậm chạp trong việc thay đổi, họ háo hức – đôi khi háo hức quá mức – muốn đẩy giáo hội theo những phương hướng luôn đổi mới.

Trong phần giải đáp của tôi trong hơn tám năm qua, tôi đã hiểu rõ hơn sự đa dạng trong giáo hội hiện đại. Sự đa dạng không làm tôi lo ngại thái quá, bởi vì việc nghiên cứu Thánh Kinh đã thuyết phục tôi là sự đa dạng về thần học là một nét của đời sống giáo hội trong thời Tân Ước. Sự đa dạng là khả dĩ và có thể được chấp nhận, thậm chí còn cần thiết nữa, với điều kiện là sự đa dạng không làm thiệt hại nền tảng của sự hiệp nhất. Nếu như giáo hội của thời đại ngày nay có thể noi theo khuôn mẫu Tân Ước, thì sự hiệp nhất trong đa dạng không nên bị xem là điều lầm đường lạc lối. Sự đa dạng hợp pháp trong một niềm tin duy nhất có thể là một yếu tố tích cực và sáng tạo trong nỗ lực của chúng ta nhằm khám phá sâu sắc hơn những mầu nhiệm của Đức Ki-tô và Giáo Hội.

Nước Úc chỉ là một phần nhỏ nhoi trong Giáo Hội Hoàn Vũ, và quyển sách này chỉ là một phản ánh nhỏ nhoi ngay cả trong Giáo Hội Úc Châu. Nhưng chúng ta chia sẻ niềm vui và nỗi buồn, hy vọng và thất vọng, thành công và thất bại của toàn thể đoàn dân Chúa lữ hành, và tiếng nói của chúng ta cũng phải được lắng nghe.

Tôi tin rằng điều mà Giáo Hội của chúng ta cần nhất trong thời đại ngày nay là một bầu khí hòa giải, chứ không phải đối đầu. Một số nhà phê bình trong giáo hội hiện đại đã nói về một cuộc chiến đang bùng nổ giữa các phe phái nhằm tranh giành ưu thế kềm chế thần học. Đáng buồn là mặc dù họ có thể đúng, nhưng chính cái ngôn ngữ mà họ sử dụng lại có tính đối đầu, và thường thì người ta muốn nghĩ rằng “kềm chế” không phải là mục đích của bất cứ phe nhóm nào trong giáo hội. Đó không phải là một từ ngữ có thể dễ dàng thích hợp với tinh thần của Đức Giê-su.

Niềm hy vọng của tôi trong quyển sách này là sách sẽ góp một phần nhỏ vào việc hòa giải những người có quan điểm thần học khác nhau. Điều quan trọng là chúng ta biết lắng nghe nhau, tôn trọng nhau, nhưng trên hết là, yêu thương nhau.

Lm Bill O’Shea

Wilston, Qld.

Thiên Thần

Câu hỏi #1:

Cha nghĩ sao về sự hiện hữu của các thiên thần?

Câu đáp:

Câu hỏi về sự hiện hữu của các thiên thần là một câu đưa đến sự tranh luận trên nhiều bình diện khác nhau.

Trên bình diện triết lý, không có chi khó khăn về việc chấp nhận sự hiện hữu của một thể loại gồm những hữu thể chỉ đơn thuần là tâm linh, với một hình thức sự sống cao cấp hơn sự sống của nhân loại, nhưng vẫn thấp kém vô hạn so với Thiên Chúa.

Trong hệ thống đẳng trật của trật tự tạo dựng của Thiên Chúa, nếu tính từ thấp lên cao thì ta bắt đầu từ bậc những hữu thể vật chất vô tri vô giác, không có sinh khí. Trên bậc này là những hình thức sự sống sơ đẳng, sự sống thực vật, và sự sống động vật đơn thuần.

Những hữu thể nhân loại như chúng ta thì ở bậc cao nhất của những hữu thể vật chất / tâm linh. Chúng ta hoàn toàn khác biệt với Thiên Nhiên nhưng chúng ta cũng là một phần hợp nhất với Thiên Nhiên, bởi vì chính chúng ta cũng là một phần trong trật tự tạo dựng của Thiên Chúa.

Bậc tiếp theo trong hệ thống đẳng trật của các hữu thể là những hữu thể tâm linh mà chúng ta gọi là thiên thần – angels.

Thuật ngữ angels có nguồn gốc từ chữ angelos trong tiếng Hy-lạp, mà chữ angelos này lại là được phiên dịch từ chữ mal’ak trong tiếng Do-thái, có nghĩa là “messenger – sứ giả”.

Sự hiện hữu của thiên thần nhắc nhở chúng ta rằng trong trật tự tạo dựng còn có nhiều điều khác ngoài những điều mà ta có thể thấu hiểu bằng cảm thức, đó là, những điều mà giác quan của ta có thể nghe, thấy, nếm, ngửi, và sờ được.

Sự hiện hữu của thiên thần có mục đích nối nhịp cầu khoảng cách giữa Thiên Chúa và chúng ta, và nhắc nhở chúng ta về những thực thể tâm linh mà mắt thường không thể trông thấy, cũng như sự luôn luôn hiện diện nâng đỡ của Thiên Chúa.

Trong thời đại thám hiểm không gian của chúng ta ngày nay, nhân loại đã dần dần nhận thức được rõ ràng hơn rằng chúng ta chỉ là một phần nhỏ bé trong vũ trụ bao la.

Khi chúng ta đối diện với những khả năng hầu như vô hạn về việc có thể có sự sống đúng nghĩa ở những nơi khác trong vũ trụ, những gì nói về thiên thần nhắc nhở chúng ta là thật sự thì loài người hiểu biết không được bao nhiêu cả về trật tự tạo dựng của Thiên Chúa.


Lm Bill O'Shea

Wilston, Queensland Úc

Bản Việt Ngữ: Cecilia My-Hanh Nguyen

No comments: