Wednesday 25 May 2011

Lm Richard Leonard sj: Lắng nghe cho kỹ, phải chăng là giới lệnh


Phúc âm hôm nay làm nổi bật hai ý tưởng chủ chốt: Tình yêu và giới lệnh. Bằng vài lời ngắn gọn, Đức Kitô đã diễn đạt tương quan sẵn có giữa hai ý tưởng mang tính nghịch thường, tức là: lý và tình. Thoạt nghe, người thính tai lắm cũng thấy có điều gì như không ổn khiến mọi người băn khoăn không ngớt. Băn khoăn, vì đã là người thì từ nhỏ đến lớn, ai mà chẳng có lúc nghĩ rằng lề luật bao giờ cũng là kẻ thù không đội trời chung với tình yêu. Nhiều người vẫn cứ tưởng: chỉ có tự do và vui thú xác thịt mới là hoa quả đầu mùa của tình yêu vốn đã đâm hoa kết trái.

Tuy nhiên, trong một thoáng rất nhanh, liên tưởng đến những người thân thương hoặc đến các dự án hấp dẫn mà ta từng bỏ công sức và thời gian để cống hiến, mới thấy rằng con người chẳng cần nhờ đến luật lệ mới có được những cử chỉ hy sinh rộng lượng với người/việc mình yêu/thích. Có đáp lại yêu cầu của lề luật bằng những tư thế “vượt không gian và thời gian” như nhiều người từng làm, không phải vì luật buộc ta phải làm thế, nhưng đúng hơn, đó chính là do tình yêu thúc đẩy.

Hôm nay, Yêsu Đức Chúa khuyên ta: hãy biết chấp hành giới lệnh của Ngài; có thế, ta mới chứng tỏ được là mình đang có tương quan mật thiết với Ngài. Chấp hành là cụm từ Việt ngữ diễn nghĩa từ động từ oboedire bên tiếng La tinh nhằm mô tả trạng thái “lắng nghe cho kỹ” để rồi chấp nhận và hành động như lời Ngài dạy bảo. Đây là cách thức nhẹ nhàng/hòa nhã nhất khả dĩ giúp ta hiểu được lời mời gọi thiết tha của Chúa. Càng nhẹ nhàng/hoà nhã chấp hành giới lệnh của Đức Kitô, ta càng ở trong tư thế sẵn sàng “lắng nghe cho kỹ” lời mời gọi của Thánh Thần Chúa, trong đời thường.

Có điều là, giới lệnh nào là cần “lắng nghe” hơn cả? Quả thật, Chúa từng nói: “Toàn bộ giới lệnh và các ngôn sứ Thầy ban, có thể tóm tắt vào điều này: Hãy yêu thương Đức Chúa và người đồng loại như thương yêu chính mình”... Nếu bạn thấy giới lệnh này mang dáng dấp “chung chung” chẳng diễn tả được bao nhiêu, thì lời giải thích của thánh Phaolô tông đồ sẽ làm rõ nghĩa hơn. Giống Đức Kitô, thánh Phaolô giải thích: giới lệnh của tình yêu, trước tiên, sẽ không thể hiện ở điều ta nói hay có cảm xúc này khác, nhưng là qua hành động ta làm.

Đối với tín hữu Đức Kitô, tình yêu nhất định phải là chuyện có thực. Mỗi khi ta hiền hoà/nhẫn nại, đối xử tử tế và nhẹ nhàng hòa nhã với người khác, hoặc với nhau, tức là ta đã chấp hành giới lệnh của tình yêu rồi. Cũng vậy, khi ta biết thứ tha và tôn trọng sự thật, thì dù ở vào tình huống nào đi nữa, ta vẫn một lòng chung thủy với người khác và với nhau. Và, đó là lúc ta chú ý “lắng nghe cho kỹ” giới lệnh của Đức Chúa

Thánh Phaolô cũng quả quyết rằng: hoa trái đầu mùa, thành quả của tình yêu đích thực nơi người tín hữu Đức Kitô, còn là biết tự kềm chế chính mình. Hy sinh và tự kềm chế, là giới lệnh của tình yêu đi vào hiện thực. Thế giới hôm nay, tiếp tục rao truyền huyền thoại không-tưởng, khi có nhiều người bảo rằng: cách duy nhất để đạt hạnh phúc dài lâu là biết tỏ bày và phô trương cái hay cái đẹp của con người. Phần đông chúng ta đều cho rằng: lập trường này không mấy thích hợp. Bởi, nếu mọi người đều bộc lộ cảm xúc hoặc phô tương xác thịt, kèm theo các dục vọng hoặc lòng ham muốn được tâng bốc đến mức tối đa, thì thế giới này sẽ không còn đất sống cho loài người dung thân.

Thực tế cuộc đời, lắm lúc khiến ta nghĩ rằng: điều hay/điều tốt không phải là thực hiện được những chuyện như thế. Thử lấy ví dụ: nếu ta tỏ ra bất mãn, nóng giận đối với bạn bè, chòm xóm hoặc nếu ta cứ dùng lời lẽ xấu xa để khích bác hoặc dùng vũ lực để khống chế người khác, thì rồi ra kết cuộc chẳng đi đến đâu. Chẳng giúp ích được ai. Cụ thể hơn, nếu người người cứ hành xử sai trái như dụ dỗ vợ/chồng người khác để lợi dụng tình dục, thì rồi ra cũng đi đến kết cuộc đau thương, sầu hận.

Nói tích cực hơn, ta nên cảnh giác/cảm thông với tình trạng đói/nghèo trên thế giới, mà nhiều người đang cam chịu. Nếu biết rằng, những người nghèo đói bệnh tật đã hy sinh rất nhiều mới sống lây lất được đôi ngày, đó chẳng phải là vì họ không có tài như ta, hoặc đã tước đoạt điều gì từ ta, mới có thể sống.

Tự kềm chế, là bạn đồng hành với tình yêu. Nó giúp ta có thời gian thích hợp để hành động cho hợp lý hợp tình. Đường cong ngõ hẹp, thường dẫn đến hạnh phúc đích thật. Hạnh phúc ấy, chỉ có được nếu con người biết tự kềm chế. Nhưng vấn đề, là: ta không dễ gì làm được việc này nếu không khổ công luyện tập. Luyện tập có bài bản và thường xuyên, mới mong đạt diễm phúc toàn thắng mọi đấu tranh nội tại. Toàn thắng chính mình, trước khi chinh phục người khác. Có biết luyện tập kềm chế, chắc chắn rồi ra ta sẽ đảm trách được cuộc sống, thay vì cứ để cho cuộc sống kềm chế chính mình, mãi.

Cầu mong Tiệc thánh hôm nay, dấy lên được một đổi thay nơi ta. Cầu mong sao, ta biết hy sinh nhiều hơn nữa. Biết tự thắng và chế ngự mọi ham muốn lớn/nhỏ. Có như thế, ta mới thông qua cánh cửa mở rộng đang chờ ta thực hiện được giới lệnh của tình yêu mà Đức Kitô Phục sinh đang mời gọi. Cửa ngõ ấy Đức cố Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã kinh nghiệm suốt 13 năm hy sinh và kềm chế. Ngài đã chia xẻ kinh nghiệm ấy như sau:

“Tôi mơ về một Giáo hội có cửa thánh lúc nào cũng rộng mở để mọi người đi vào ngập tràn tình thương. Giáo hội cảm thông với các đau khổ của nhân lọai bằng những bảo bọc, ủi an; và dìu dắt con cái đến với Người Cha Thân Yêu. Tôi vẫn đeo thập giá và chuỗi này không vì nó nhắc tôi nhớ lại thời gian đau khổ kéo dài, nhưng vì nó biểu hiện niềm xác tín sâu đậm và liên tục bảo tôi: chỉ có tình yêu Đức Kitô mới làm đổi thay tâm can con người.

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá luợc dịch

No comments: