Thursday 19 May 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Kinh thánh và Mặc KHải Cứu Rỗi (tiếp theo)


Tiên tri là gì? (tiếp theo)

2)Tiên tri xúc tiến việc thực hiện ý định của Thiên Chúa

Công trình của Thiên Chúa đã được báo rồi thì còn phài được thực hiện. Sự thực hiện đó là do Thiên Chúa thật, nhưng lại làm giữa người ta, và nơi người ta qua hết các thời gian. Và ngay nơi việc dùng người ta, và việc ý định phải tiến dần đó mà có thể xảy ra bất trắc: sự bất cập hãn ngữ bước tiến, và sự bất cập bởi người cộng tác không đi vào được tinh thần của người chủ động.

a)Bất cập bởi thiếu tinh thần

Kế đồ của Thiên Chúa trong lịch sử được thực hiện nhờ sự cộng tác của người ta. Người ta có thân xác và sống trong xã hội. Bởi đó, sinh hoạt thiêng liêng cũng sống trong sự trtao đổi với nhau nhờ tiếng nói, cử chỉ, hình ảnh. Trên bình diện tôn giáo, ta sẽ có những công thức này khác (một kinh, một ca vịnh…), những việc đạo đức (ăn chay, bố thí…kinh nguyện), các nghi tiết (ở Israel, các lễ bài, tế tự). Các dấu bên ngoài sẵn có để chờ thi hành, áp dụng, ta gọi chung là “qui chế”. Hết thảy là những dấu bên ngoài để diễn tả ra thực tại bên trong, tức là chính con người có lòng đạo, lòng thành tín đối với Thiên Chúa.

Nguy hiểm là dừng lại nơi qui chế, chứ không ngang qua qui chế như phương tiện để đạt đến điều phải có bên trong trước mặt Thiên Chúa: lương tâm và ý thức về Thiên Chúa. Dừng lại như thế nơi việc làm như vậy, chúng ta thấy điển hình như thái độ của Biệt phái. Nên cái nạn bất cập về tinh thần, chúng ta có thể mệnh danh “nạn biệt phái”.

Các tiên tri là lương tâm của dân: họ luôn luôn phản kháng thái độ đó. Hiểu được “nạn biệt phái” và nhận ra việc phản kháng của Chúa Yêsu, chúng ta sẽ biết được thái độ kháng cự của các tiên tri thế nào.

Phong trào biệt phái là một phong trào phản kháng thiêng liêng chốn lại những người đô hộ chính trị, mà còn quyết tâm diệt đạo Do thái. Những người thành tín mới cổ võ để kháng bằng cách duy trì triệt để các nghi tiết, phong tục tôn giáo, kiểu sống Do thái. Nhưng phong trào đến thời Chúa Yêsu đã có cả một dĩ vãng, mà phải nói là rực rỡ thật, nhưng nguyên nhân đã chấm dứt từ lâu rồi: nghi tiết và phong tục hiểu theo nghĩa đen và cặn kẽ từng li được coi như mục đích, chứ không còn như phương kế sống đạo cho lương tâm: thi hành đúng là đã an toàn, không còn phải bối rối nữa. Chúa Yêsu sẽ nói “Hưu lễ vì người ta chứ không phải người ta vì hưu lễ”… các tiên tri cũng thế trong khi nhân danh Thiên Chúa mà chỉ trích mọi qui chế: luôn luôn nhắc lại cử chỉ là tuỳ vào ý nghĩa của chúng, nghi tiết là phụ đối với lòng thành, chữ viết phải ở sau tinh thần.

Hình thức bề ngoài là mối nguy của nghi tiết; nghi tiết lại là việc của hàng tư tế. Nên không lạ gì đã có mâu thuẫn giữa tiên tri và hàng tư tế (đây có vấn đề thệ phản đối với giáo quyến).

Đối với những người sẵn địa vị, họ là những người quấy rối. Nhưng trong thánh sử, họ là tiếng nói của lương tâm Dân Chúa.

b)Bất cập bởi dừng lại trong bước tiến.

Một vật sống khác những vật chết, là nơi sự phát triển để đi viên thành. Thánh sử là kế đồ của Thiên Chúa Hằng sống, nên cũng phát triển dần dần. Cái nguy cho một điều phải tiến là dừng lại, không muốn bị lay khỏi đợt đã thấy rồi. Một điều rất dễ hiểu: đổi mới thời làm hoang mang. Nên những người có việc duy trì sinh hoạt bình thường rất ưa bảo thủ những hình thức một thời đã là cách diễn bày ý tưởng sống động. Làm thế mà quên đi rằng mầm giống, ý tưởng, lời hứa còn phải vươn mình xa hơn. Thái độ này cũng thấy điển hình nơi chế độ tôn giáo Israel thời Chúa Yêsu: chung chung đạo Do thái khước từ sự thành tựu Chúa Yêsu đem đến; để trung thành với Lề luật tức là sự thể hiện lịch sử khiếm khuyết, họ đã chối bỏ nguyên tắc: Israel trước mặt Thiên Chúa là một ơn huệ, là một lời hứa còn chờ thành tựu: Sự thành tựu đó chính là Chúa Yêsu, dân Do thái không còn là Israel như ý định Thiên Chúa họ trở thành hội đường: khước từ sự viên thành, vượt quá “chữ viết” của Lề luật. Sau cùng vì trung tín với Lề luật mà họ đã đi đến việc đóng đinh Chúa Yêsu.

Bây giờ đại đồng hoá thái độ đó ra, chúng sẽ nói Hội đường là thái độ khư khư giữ lấy những gì ơn huệ Thiên Chúa đã cho xuất hiện một thời, và biến điều đò thành sự ngăn cản Thiên Chúa can thiệp để thực hiện tất cả lời hứa. Tiên tri có vai trò giữ cho đạo của dân Chúa luôn luôn bỏ ngỏ, và quả quyết rằng những hình thức đã có và đã được y chuẩn không thể làm cạn ý nghĩa của nguyên lý, tức là thiên triệu do tự Thiên Chúa. Các tiên tri sẽ có thái độ dường như mâu thuẫn: vừa phải vừa không như thế mà cũng không như thế, lời hứa đã được thực hiện và chưa thực hiện: thí dụ về Đền thờ: Thiên Chúa sẽ bỏ mặc Đền thờ bị phá, vì không có đền thờ nào lại có thể chứa được uy linh của Người: nhưng Thiên Chúa sẽ luôn luôn ở với dân của Người, ngay cả trong lúc lưu đày, và sẽ có một đền thờ mới, nguồn gốc cho mọi sự chúc lành không ai lường được.

Thiên triệu làm tiên tri như vậy gồm có nhiệm vụ cảnh tỉnh, đòi dân của Thiên Chúa lướt cơn cám dỗ trở thành hội đường; và như vậy tiên tri xúc tiến công việc của Thiên Chúa đến chỗ viên thành.

(còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR

(trích tài liệu giảng dạy phổ biến nội bộ)

No comments: