Tôi theo
những anh em trong lãnh vực Mỹ Thuật đến thăm Cổ Thành Đinh Công Tráng, tỉnh
Quảng Trị, vào những ngày hè nóng bức tháng 7 năm 2016. Ở đây đang có trại sáng
tác các tác phẩm mỹ thuật của ngành điêu khắc. Cuộc triển lãm được đặt tên:
“Bất tử và Hồi sinh”.
Nói đến Cổ Thành Đinh Công Tráng tỉnh Quảng Trị hay còn gọi tắt là Cổ
Thành Quảng Trị là gợi về một nỗi đau của dân tộc Việt Nam, nơi đây vào những
ngày đầu năm 1972, kéo dài cho đến mùa thu năm ấy, cuộc chiến khốc liệt giữa
hai miền Nam Bắc đã tàn phá biết bao cuộc đời những thanh niên trai tráng khỏe
mạnh, dũng cảm đang tuổi xuân tràn đầy sự sống. Không chỉ gây ra những cái chết
đau thương, chiến tranh còn để lại những di lụy trên những người què cụt trở về
và một miền đất ngập tràn bom đạn.
Ngoài
những người lính của hai miền, bao nhiêu đồng bào vô tội đã chết thảm dưới vì
chiến tranh, bao nhiêu tài sản, nhà cửa bị tàn phá… 44 năm qua rồi, nhiều chứng
từ đã được công bố, nhiều bài viết đã ghi lại cuộc chiến tàn khốc này, chỉ cần
vào trang Google gõ những chữ liên quan như: Cổ Thành Quảng Trị, Mùa Hè Đỏ Lửa…
sẽ gặp hàng trăm bài viết, hàng trăm hình ảnh về biến cố đau thương của miền
đất dân gầy quê hương ta.
Ngay cửa
chính vào Cố Thành, một đống đá gạch vụn nát còn lại phía bên phải như một
chứng tích duy nhất về một cổ thành một thời lừng danh với người anh hùng yêu
nước Đinh Công Tráng, tất cả đã được xây dựng lại, xòa đi những vết tích chiến
tranh, vết tích của một trận chiến dài ngày đến nỗi không còn một hòn đá nào
trên hòn đá nào.
Qua cửa
chính, khách viếng thăm không khỏi xúc động trước câu thơ được in trên một tảng
đá:
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi,
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ,
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió,
Ru mãi bài ca Bất Tử đến vô cùng.
( Phạm
Đình Lân )
Quả thật
người ta đã để lại rất nhiều đồng đội “nằm yên dưới cỏ”. Những người đang thực
hiện những tác phẩm dự triển lãm chỉ cho chúng tôi một tác phẩm điêu khắc nằm ở
giửa khu vườn bên phải cửa vào, họ nói, khi đào móng để làm bệ tượng, chúng tôi
gặp một bộ cốt nằm dưới đất. Tôi hỏi kỹ về bộ cốt này với những câu hỏi như có
thấy thẻ bài không, có thấy đôi giầy còn không, có thấy dây đeo vật dụng quân
trang bên hông không… Tất cả là không, không một dấu vết nào về bộ cốt “nằm yên
dưới cỏ”. ( Ảnh chụp một người lính VNCH
quỳ cầu nguyện giữa đống đổ nát của Vương Cung Thánh Đường La Vang, Mùa Hè Đỏ
Lửa 1972 ).
Có bao nhiêu bộ cốt không vết tích còn “nằm yên dưới cỏ” ở nơi “trời
trong xanh và lộng gió” này ? Bao nhiêu gia đình 44 năm nay ra vào thương nhớ
người con thân yêu ? Bao nhiêu người con gái cuộc đời xoay hướng khác vẫn còn
thầm nhớ về người bạn trai năm xưa ra đi không trở về ? Không một dấu vết !
Dạo quanh
một vòng các tác phẩm điêu khắc người ta nhận ra ngay sự đơn điệu đến trơ trẽn
của một thể loại được kể là nghệ thuật đương đại trong trại gọi là trại sáng
tác này. Hơn một nửa nội dung các sản phẩm chúng ta đã gặp thấy ở bất cứ cuộc
triển lãm nào về điêu khắc hoặc hội họa. Cũng nón tai bèo, cũng chiến sĩ khăn
rằn cầm súng ra trận, cũng bà mẹ liệt sĩ đứng ngẩn ngơ, cũng liên minh công
nông… Về ngôn ngữ và bút pháp có thể nói các sản phẩm cùng một thể loại, không
cái nào khác đột phá ra ngoài những đường nét hao hao từa tựa nhau như các sản
phẩm cùng một lò thủ công nghiệp. Thô thiển hơn nữa là các bệ đặt sản phẩm đươc
xây như nhau, cái nào cũng trên bệ cao 1 mét ! Nói cho công bằng thì cũng tìm
được một vài tác phẩm xem ra đỡ làm khách thăm viếng mỏi mắt, nhưng còn lên thì
đầy dẫy những hạt sạn khó nhai, làm ê cứng răng khách thưởng ngoạn.
Tôi được
biết các tác phẩm dự trại gởi mẫu phác thảo đến, có một đơn vị nhận thầu mọi
chuyện từ đầu đến cuối, tác giả chỉ cần ra để mài dũa một chút và làm công việc
đề tên mình, dĩ nhiên kinh phí do ngân sách đài thọ được chia đúng quy trình.
Chúa Nhật 18 Thường Niên năm C, bài đọc 1 trích trong sách Giảng Viên.
Tác giả Kinh Thánh nhắc chúng ta về sự chọn lựa khôn ngoan trong cuộc sống,
chạy đua theo những lý tuyết phù du gây tổn hại cho bao người, tan nát bao gia
đình, tổn thương bao tâm hồn, chính là tự phá tan tương lai đời đời mình. Tàn
ác trong hành xử để gây dựng cơ đồ hiện tại, hưởng thụ trên bàn son thảm gấm mà
quên rằng: “Đồ ngốc, đêm nay ta đòi mạng người về, ngươi để lại những thứ đó
cho ai ?”
Lm. VĨNH SANG, DCCT,
29.7.2016
Tựa đề lấy từ bài hát "Một mai giã từ vũ
khí" của Ngân Khánh
1 comment:
hay quá!
hạt điều sấy mè trắng
Post a Comment