Friday, 15 July 2016

Lm Vĩnh Sang DCCT : AI SẼ LÀ ÊLIA ?




Tĩnh tâm hay cấm phòng là những chữ trong nhà đạo chỉ về một sinh hoạt thường xuyên của Hội Thánh dành cho các Kitô hữu nhằm giúp người ta có thời gian nghỉ ngơi, khôi phục, củng cố đời sống tâm linh và định hướng cho cuộc sống. Có khi người ta dùng thời gian tĩnh tâm hay cấm phòng để suy nghĩ về một tình huống quan trọng nào đó hoặc để xin một ơn cần thiết cho chính mình. Tùy hoàn cảnh sống mà người ta chọn lựa thời điểm các cuộc tĩnh tâm và thời gian tĩnh tâm. Đối với các Tu Sĩ, tĩnh tâm trở thành một chương trình sống bắt buộc được ghi vào khoản lề luật Dòng.
Tôi vừa tham dự tĩnh tâm cùng với một Đan Viện trong khoảng thời gian 10 ngày. Mười ngày tách biệt khỏi cuộc sống thường nhật, ẩn mình trong bầu khí tĩnh lặng, nghiêm trang và thánh thiện của đời sống đan tu đã cho tôi rất nhiều cảm nghiệm và niềm vui làm khỏe mạnh tâm hồn.
Khung cảnh tràn ngập cây xanh, không gian thoáng đãng, tiếng chim hót rộn vang mỗi sáng, những tia nắng trong lành ban mai xuyên qua cành lá, tiếng chuông chiều trầm mặc ngân vang, những bóng dáng của các Đan Sĩ ẩn hiện thấp thoáng thầm lặng, cảm giác đi chân trần trên những phiến gạch sạch sẽ đã giúp tôi tìm lại được sự nhẹ nhàng, bình an và thanh thản.
Mỗi ngày, khi bóng tối còn dày đặc không gian, khi những giọt sương đêm vừa hình thành kết tụ, khi muôn loại còn đang thiếp ngủ say, khi đồng hồ sinh học đang tiến vào khoảng thời điểm nghỉ sâu nhất, thì tiếng chuông đã đột ngột ngân vang giữa đêm vắng, một giọng nam chắc khỏe xướng lên “Nào ta hãy chúc tụng Chúa” cả Đan Viện bừng lên lời đáp “Tạ ơn Chúa”.
Ta có thể nghe thấy tiếng nhảy của đôi chân xuống sàn nhà, ánh đèn từng căn phòng bừng sáng lên, tiếng ho đầu ngày, tiếng nước chảy… Mười lăm phút sau tất cả đã có mặt ở Nhà Nguyện. Nhẹ nhàng từng chiếc bóng trong tu phục với áo khoác ngoài, các Đan Sĩ bắt đầu một ngày mới, một ngày “cầu nguyện và lao động” ( Ora et Labora – châm ngôn của đời đan tu ).
Tiếng chiêng thủng thỉnh ngân lên, kéo dài và vang dội, dứt tiếng chiêng, giờ kinh ban mai khởi sự. Một ngày họ dành hơn 6 tiếng cho việc cử hành Phụng Vụ thờ phượng Thiên Chúa, tất cả các giờ kinh Phụng Vụ: Kinh Ban Mai ( Kinh Sáng ),  Kinh Trưa Giờ Ba, Giờ Sáu và Giờ Chín, Kinh Chiều, Kinh Tối và Kinh Đêm ( Kinh Sách ), Thánh Lễ.
Ngoài các giờ Phụng Vụ thờ phượng, các Đan Sĩ còn có giờ suy ngẫm, giờ lần chuỗi Mai Khôi, giờ đọc sách thiêng liêng và chầu Thánh Thể. Có thể nói toàn thời gian họ dành cho việc cầu nguyện và thờ phượng Chúa. Một ngày họ lao động để mưu sinh ít giờ, ngay cả trong lao động họ cũng phải giữ luật thinh lặng những khi cần thiết.
Có một câu chuyện vui không biết có thật hay không. Một Đan Sĩ nọ lo thư viện, ông ta lấy cuốn sách bị ẩm ướt ra và đưa cho vị Đan Sĩ làm bếp, ông ra dấu bảo người bạn tu hơ cuốn sách trên lửa cho khô sách, nhưng vì giữ luật không nói nên vị kia tưởng bạn mình nhờ đốt sách, ông ta quăng cả cuốn sách vào bếp cháy tiêu !
Mỗi tuần khi thay đổi phiên làm việc, các Đan Sĩ lo làm bếp, giúp bàn ăn, lo đọc sách vào giờ cơm, họ lần lượt ra trước cộng đoàn trong Nhà Nguyện, mọi người cầu nguyện cho những vị này chu toàn trách nhiệm phục vụ của mình trong lòng yêu mến, những vị ra khỏi phiên làm việc cũng ra trước cộng đoàn xin lỗi vì những sai lầm hoặc thiếu sót trong việc bổn phận. Sứ mạng của họ là cầu nguyện cho mọi người, cho Hội Thánh, cho toàn thế giới. Bảng ghi lời xin cầu nguyện dày đặc các tờ giấy của khách thập phương đến xin ơn…
Mấy ngày nay, không gian sống ở Đan Viện Thiên An Huế dậy sóng, từ lâu rồi, nhà cầm quyền lấy nhiều mảnh đất của Đan Viện này làm khu vui chơi khai thác kinh doanh, làm thu hẹp không gian sống của Đan viện, làm mất việc lao động mưu sinh của các Đan Sĩ, phá vỡ bầu khí trầm lắng cô tịch của Đan Viện. Gần đây họ tiếp tục lấy nốt các phần đất còn lại của hơn 100Ha rừng thông sở hữu của Đan Viện từ khi thành lập.
Một đoạn video lan truyền trên mạng hình ảnh các Đan Sĩ quỳ cầu nguyện khi nhà cầm quyền hạ cây Thánh Giá biểu tượng của Kitô giáo trên đỉnh một đồi thông, trong video này có cảnh một nhân viên nhảy lên cánh phải Thánh Giá khi đã bị hạ xuống, ông ta đập vỡ cánh tay bên phải của Chúa Giêsu.
Không chỉ Thiên An Huế, nói riêng về Đan Viện, nhiều Đan Viện đã bị lấy một cách thô bạo như vậy, Nhà Kín Hà Nội, Nhà Kín Thanh Hóa, Nhà Kín Bùi Chu… Sau năm 75 ở miền Nam, Đan Viện đầu tiên bị xóa sổ là Đan Viện Phước Sơn Thủ Đức, Đan Viện này ngày nay trở thành trường Cảnh Sát Nhân Dân, tên hành chánh đổi là quận 9. Hai chữ Phước Sơn còn nguyên nên có những anh cảnh sát khoe mình học ở trường Phước Sơn ra. Học ở Phước Sơn là học cầu nguyện, học yêu thương chứ không phải học để đi… cướp đất người khác !
Đúng khi ngồi viết những hàng chữ này, Kinh Sách của Hội Thánh đang suy niệm về cuộc đời và sự nghiệp của Ngôn Sứ Elia ( 1V 17, 1 tt. Tuần thứ 15 Thường Niên ), hôm nay Thứ Tư là câu chuyện vua Akháp cướp vườn nho của Navot, vườn nho của gia tộc nhọc công khai phá, gia đình Navot chăm sóc giữ gìn. Vua Akháp đã cướp bằng cách xui người vu khống tội cho Navot, lập tòa án xử tử hình, ném đá Navot, rồi cướp vườn nho làm vườn rau !
Có lời Đức Chúa phán với ông Êlia, người Títbe, rằng: "Ngươi hãy đứng dậy, xuống gặp Akháp, vua Ítraen, ở Samari. Này, nó đang ở trong vườn nho của Navốt, vì nó đã xuống chiếm đoạt vườn nho ấy. Ngươi hãy nói với nó rằng: "Đức Chúa phán thế này: Ngươi đã giết hại, lại còn chiếm đoạt nữa ư ? ngươi hãy nói với nó, Đức Chúa phán thế này: Tại chính nơi chó đã liếm máu Navốt, thì chó cũng sẽ liếm máu ngươi" ( 1V 21, 17 – 19 ).
Ai sẽ là Elia những ngày tháng này của chúng ta ?
Lm. VĨNH SANG, DCCT, thứ tư 13.7.2016

No comments: