Truyền giáo trong thay đổi
_______________________
Lm Joe Mai Văn Thịnh, CSsR
Qua bài tin mừng hôm nay, chúng ta thật hãnh
diện vì đuợc Chúa mời tham dự vào sứ mạng truyền giáo, làm cho bộ mặt trái đất
này đuợc thay đổi.
Tuy nhiên, nếu hiểu những gì Chúa nói theo
nguyên ngữ thì tôi phải đấm ngực mà thưa rằng ‘Lậy Chúa, hành trang của con còn
nặng như chì, như vậy làm sao con có thể tiếp tục ra khơi.’ Lại một kiểu nói mặc
cảm! Sự thật là Chúa vẫn yêu và tin tôi. Nhưng tôi có tin để Chúa dùng hay
không?
Tất cả đều là môn đệ. Vì thế, thái độ thứ nhất
mà chúng ta cần có là tạ ơn và ngợi khen những kỳ công mà Chúa thực hiện trong
sứ mạng của người môn đệ mà Chúa yêu thuơng. Và trong tâm tình đó, chúng ta
không nên để những thứ rất bề ngoài làm hành trang của chúng ta. Những thứ đó
có thể là chức vụ, năng quyền, tài năng, học vấn, kiến thức, các việc làm đạo đức,
hy sinh bên ngoài….
Tuy nhiên, Đức Giêsu không dạy chúng ta đừng
mang bất cứ một thứ gì. Chúng ta không nên quảng diễn những lời của Chúa hôm nay
theo nguyên ngữ. Thật ra, qua lịnh truyền cho các môn đệ, Chúa cũng gửi cho
chúng ta một tin nhắn; đó chính là đừng chất trên hành trang của mình những thứ
lỉnh kỉnh với các dấu hiệu bên ngoài mà chúng ta sẽ mang lại. Điều quan trọng
nhất là trái tim của mình, một trái tim biết rung cảm trước nhu cầu của người
khác. Trong mối quan hệ dựa trên tình cảm của hai con tim giữa ta và Chúa,
chúng ta sẽ ý thức và chấp nhận những giới hạn của bản thân, để rồi cần sự giúp
đỡ của Thiên Chúa mà hoàn sứ mệnh đuợc trao ban chứ không phải dựa vào sáng kiến
hay cố gắng của riêng mình.
Vì vậy, thông điệp mà Chúa muốn chúng ta thực
hiện để hoàn tất sứ mạng là gì?
Chúa muốn chúng ta là khí cụ của hòa bình và là
tác nhân của lòng thương xót. Nhưng, làm thế nào chúng ta sẽ mang lại hòa bình
và lòng thương xót cho người khác trong khi còn bị chi phối và lo lắng về nhiều
thức khác.
Anh chị em thân mến, chúng ta đang ăn mừng
năm Thánh của Lòng Thương xót. Năm hồng ân này đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô
ban hành. Chúng ta đã được nhắc nhở để trở thành dấu chỉ và khí cụ của bình an
và thuơng xót cho thế giới. Vì lý do này, Năm Thánh có nghĩa là thời gian để
chúng ta nhớ lại trách nhiệm ra đi, loan báo cho cả thế giới rằng Tình yêu, lờng
thuơng xót của Thiên Chúa vẫn hiển trị.
Đối diện với những bi thảm đang xẩy ra trong
thế giới của chúng ta hiện nay, như nạn khủng bố lan tràn, niềm thất vọng của
những người tỵ nạn, và nỗi đau khổ của các nạn nhân về sự bất công và lạm dụng,…
Chúng ta có thể cảm thấy bất lực và bị nghiền nát.
Vài tháng trước, tôi đã đến tham dự tang lễ của
một người mẹ mất cậu con trai đầu lòng mà chị rất yêu thuơng. Đối với chị, anh
là kho báu mà Chúa đã ban. Chị đã nức nở và than khóc với Chúa rằng tại sao đã
cất cháu ra khỏi vòng tay yêu thuơng của gia đình? Tại sao??? Trong hoàn cảnh
như thế, tôi có thể nói thế nào về lòng thương xót và sự bình an của Thiên
Chúa? Đối với tôi đó là không thể ....
Có quá nhiều đau đớn và tổn thương ở giữa
chúng ta.
Và như vậy chúng ta cũng có thể hỏi:
"Làm thế nào chúng ta có thể đối phó thích đáng với các tội ác đang lan
tràn trên thế giới cùng với những nỗi đau của nó?" Đối với chúng ta thì đó
là điều không thể. Chỉ có Chúa mới có thể mang lại cho chúng ta những gì chúng
ta cần.
Thần khí đã đuợc ban xuống, và đó chính là năng
lượng thúc đẩy chúng ra ra đi để đến với người khác. Chúa đã ban cho chúng ta Thần
khí sự sống và trao quyền để chúng ta trở thành khí cụ bình an. Hãy để cho quyền
năng này huớng dẫn và chúng ta sẽ thấy hiệu lực của sự tự do mà Chúa đã ban.
Chúa sẽ thực hiện chuơng trình của Ngài trong nỗi yếu đuối của nguời môn đệ.
Chính Chúa Giêsu đã sai 72 môn đệ và cũng làm
cho họ cảm nhận đuợc sự bình an và lòng thuơng xót trọn vẹn của Thiên Chúa,
không phải cho riêng họ mà là để trao cho nguời khác. Đó chính là quà tặng mà
Chúa cho tất cả chúng ta hôm nay, suốt cả năm Thánh, và còn cho những ngày còn
lại của cuộc sống mình.
Vì vậy, như món quà của lòng thương xót và sự
bình an mà chúng ta nhận được là để cho người khác. Hãy đứng dậy và lên đuờng
mà làm cho thế giới của chúng ta hòa bình hơn, để rồi tất cả mọi dân tộc đều có
thể đón nhận tình thuơng và sự bình an của Thiên Chúa cho mình và cho nhau.
Sứ điệp là sự bình an. Đó không phải là nghi
lễ xã giao. Thật ra, nó đã đuợc trao ban như một quà tặng của Chúa. Vì vậy, sứ
điệp bình an cần đuợc thể hiện truớc tiên nơi bản thân của người công bố. Đây
không phải là điều dễ làm, vì chúng ta thuờng hay chọn những giải pháp dễ tìm;
sẵn sàng thỏa hiệp với các phuơng thức thuận tiện cho mình.
Bình an là quà tặng của Chúa Phục Sinh; Đấng
đã chết rồi Thiên Chúa mới siêu tôn. Như vậy, không thể nói đến sự bình an mà
quên cây Thập giá. Đó chính là hành trang và phuơng thế để
canh tân và đổi mới cuộc sống của người môn đệ; và như lời của Thánh Phaolô “Về
phần tôi, ước gì tôi đừng có vinh vang (nơi một điều gì) trừ phi là nơi Thập
giá của Chúa chúng ta, Ðức Yêsu Kitô, … Trên những ai sẽ rập theo qui tắc ấy,
bình an cho họ! và lòng thương xót (của Thiên Chúa) … Hỡi anh em, ân sủng của
Chúa chúng ta, Ðức Yêsu Kitô, ở cùng Thần khí anh em. Amen. (Galat 6,
14-18)
Joe Mai Văn Thịnh CSsR
Kogarah, Sydney 02/7/2016
Joe Mai Văn Thịnh CSsR
Kogarah, Sydney 02/7/2016
No comments:
Post a Comment