Saturday, 16 July 2016

Joe Mai Văn Thịnh CSsR: MARTHA VÀ MARIA, AI CHỌN PHẦN HƠN?



MARTHA VÀ MARIA, AI CHỌN PHẦN HƠN?
Joe Mai Văn Thịnh CSsR
Giả như tôi đuợc phép đón tiếp Chúa như việc viếng thăm bất ngờ của Chúa dành cho hai chị em Martha và Maria trong bài Tin Mừng hôm nay, thì tôi sẽ chuẩn bị và khoản đãi Ngài như thế nào? Tôi nghĩ là tôi sẽ làm tất cả để chào đón Người như một vị khách quí. Tôi sẽ lau chùi nhà cửa từ trên xuống dưới, rửa sạch và đánh bóng mọi thứ trong nhà và ngoài ngõ. Rồi, với khăn bàn, chén, đĩa, muỗng …., tất cả đều là các loại tốt nhất; và tôi sẽ bài trí bàn ăn với nến và hoa để căn phòng thật ấm cúng. Về thức ăn, tôi chọn món ăn sang trọng nhất. Và, khi tất cả đã sẵn sàng, tôi sẽ trải thảm đỏ và ra tận cổng chờ để đón tiếp Người.
Chúa đến nhà và tôi nghĩ rằng tôi đã làm tất cả và Người phải tự hào về tấm lòng hiếu khách của tôi. Tôi phô bày thành tích. Tôi cung kính đứng hầu bên cạnh Người. Tôi nghĩ, Chúa sẽ rất vui và bộc lộ sự thông cảm khi nhìn thấy tôi lúng túng. Khi Người ra về, tôi cảm thấy mọi sự thật tốt đẹp. Nhưng sau đó, không hiểu vì sao, lòng mình vẫn băn khoăn, cảm thấy hụt hẫng và trống vắng!!!
Trong tâm trạng đó, tôi tự hỏi: Qua cuộc viếng thăm của Chúa tôi đã học đuợc điều gì? Người đã để lại trong tôi những gì? Nhìn lại việc chuẩn bị, với tâm tình hiếu khách và một bữa ăn sang trọng đến như thế… tôi nghĩ (cảm tuởng của tôi) thật là hòan hảo… vậy thì tại sao tôi vẫn băn khoăn.
Nhưng rồi tôi nghe thấy một câu hỏi thứ hai vang lên trong tôi: Đã hòan hảo như thế thì Chúa còn cho tôi thêm điều gì nữa? Như vậy, Chúa đến thăm tôi làm gì? Chắc hẳn Chúa dự định cho tôi điều gì? Nhưng dù là điều gì, tôi đã không cho Người có cơ hội để ban cho tôi. Tôi đã tự nghĩ rằng mọi sự đã hoàn hảo và tôi không cần có thêm điều gì khác nữa.
Có những người rất hào phóng và tốt bụng khi cho người khác, nhưng lại rất nghèo nàn khi nhận. Bản thân tôi khi làm việc bên trại cấm ở Hong Kong đã trải qua một kinh nghiệm thật đau thuơng về việc cho và nhận. Vào một buổi chiều, trên đuờng rời trại cấm tôi gặp một bà cụ, trên tay cầm gói giấy, lúng túng và thẹn thùng trao cho tôi. Ngạc nhiên tôi hỏi cụ: “Thưa cụ, chuyện gì vậy?” Cụ trả lời “Con thấy cha hy sinh vất vả, vì vậy con biếu cha vài quả trứng gà để tẩm bổ. Đây là quà của trại đã phát cho con dâu của con, cháu đang mang bầu con so, cha ạ.” Lúng túng và ngại ngùng tôi mới thưa với cụ rằng: “Tôi không dám nhận món quà này đâu, vì hoàn cảnh trong trại thật là thiếu thốn, hơn nữa đây là phần bổ duỡng mà cao ủy Liên Hiệp Quốc đã dành các phụ nữ có thai. Thôi cụ cầm về đưa cho con dâu của cụ nhé.” Vừa nghe xong, cụ phật lòng, cầm gói quà, vùng vằng rồi lẩm bẩm “Cha khinh con nghèo, quà không xứng đáng…” Giờ đến luợt tôi choáng váng và chẳng biết phải hành xử thế nào!!!
Ngồi trên xe bus về lại nhà dòng mà tôi còn ân hận và tự hỏi mình rằng mình hành xử như thế có sai không? Và tại sao lại làm bà cụ phật lòng….
Tôi nhớ đến một truyện khác. Có người phụ nữ kia đã từng giúp đỡ mọi người. Nhưng đến khi cần phải nhận một quà tặng để cứu sống bà, thì bà cảm thấy vô cùng bối rối. Bà đã cho rất nhiều, nhưng giờ đây không thể giúp đỡ chính mình. Bà trong lòng luôn luôn muốn được yêu thuơng. Nhưng nhận được sự yêu thương của người khác thì thật là khó khăn. Bà nói về sự yêu thương của gia đình, của bạn bè, của những người chăm sóc bà như “một suối nước mà bà không biết phải uống như thế nào”. Bà cần học cách nào để lại trở thành một trẻ nhỏ, khiêm tốn đủ để nhận một món quà. Nhưng điều đó không dễ dàng bởi vì bà hoàn toàn đối lập với điều đó: bà thích cho một cách vị kỷ.
Những người vị kỷ, coi mình là trung tâm ban phát mà lại không thích nhận. Tại sao thế? Bởi vì khi nhận quà, họ cảm thấy mình thấp kém hơn người khác và tự nhận mình là kẻ mắc nợ, ăn bám người khác.
Điều họ thích cho, chưa hẳn là điều tốt nhưng phải chăng họ làm điều đó để đề cao và tâng bốc cái tôi của họ, và khiến họ đuợc xếp loại cao sang hơn kẻ khác!!!
Cho là việc quan trọng. Nhưng nhận cũng thế. Không ai trong chúng ta tự cho mình là đủ. Mọi người chúng ta đều bất toàn. Chúng ta đón nhận và hỗ trợ nhau. Trên hết mọi sự chúng ta cần đón nhận từ Thiên Chúa. Chúng ta không thể cho người khác điều chúng ta không có. Và, thật là thê thảm khi chúng ta không có khả năng để tiếp nhận. Biết cho như thế nào thì cũng phải biết nhận như thể ấy. Cho và nhận đều là những hậu quả của ân sủng.
Câu chuyện Tin Mừng cho chúng ta thấy sự khác nhau giữa Martha và Maria. Martha không có khả năng nhận, trong khi Maria có. Maria cho Chúa món quà là một tâm trí mở rộng và một tâm hồn mẫn cảm. Còn Martha, trong lúc rất tốt, rất hào phóng khi cho, lại rất nghèo nàn khi nhận. Cả Chúa cũng không thể cho cô điều gì. Để minh họa điều trên, chúng ta cùng đọc:
Nếu bạn có thể làm cho mình trống rỗng như một vỏ sò.
Và Thiên Chúa sẽ tìm thấy bạn đang trơ trọi trên bãi cát của đại dương
Rồi Người sẽ làm cho bạn đuợc đầy tràn.
Nhưng nếu bạn đã quá đầy đủ, và với bao hoạt động của sự khôn ngoan và lanh lợi,
Đến khi Người đến, sẽ nói: Bạn đã quá đầy đủ; không còn chỗ cho Ta nữa.
Với cái nhìn nông cạn, chúng ta dễ dàng đồng ý với Chúa là Maria đã chọn, không phải là phần tốt nhất mà còn dễ nhất nữa. Chị chỉ việc ngồi thừ ra đó, còn bao nhiêu việc tất bật khác thì Martha ôm trọn, thật là khó khăn! Nhưng suy nghĩ kỹ, chúng ta có thể thấy, phần việc của Maria khó khăn hơn nhiều trong hai phần việc ấy. Gạt bỏ công việc của mình và chú tâm hoàn toàn vào người khác không phải là việc dễ đâu. Đem sự chú tâm trọn vẹn ấy vào Thiên Chúa lại càng khó hơn. Nhưng đó mới là phuơng thế tuyệt hảo nhất trong việc hiệp thông để sinh ra lợi ích cho bản thân mình và tha nhân.
Có một bà thưa rằng: “Thưa cha, con đã cầu nguyện hầu như không ngừng suốt đời, và con chưa bao giờ có cảm giác gì về sự hiện diện của Thiên Chúa”. Linh mục đó mới hỏi: “Con có để cho Thiên Chúa có cơ hội lên tiếng không?”. “Ồ không”, bà nói, “Con đã nói với Người suốt thời gian ấy. Như thế không phải là cầu nguyện sao?”. “Không, tôi không nghĩ như thế. Bây giờ, tôi xin đề nghị với cụ thế này nhé: mỗi ngày, cụ hãy dành riêng năm hoặc mười phút để chỉ ngồi trước mặt Thiên Chúa”. Thưa cha, ngồi như thế dễ buồn ngủ lắm! Vị linh mục ôn tồn trả lời: “Bà ơi, ngủ trong bàn tay yêu thuơng của Chúa là một hồng ân đấy, bà cứ tập đi.”
Và bà đã làm như thế. Kết quả là gì? Không lâu sau, bà ta trở lại và nói: “Thật lạ lùng, khi con cầu nguyện cùng Thiên Chúa, nói cách khác khi con nói với Ngài, con không thấy điều gì. Nhưng khi con ngồi thinh lặng, yên tĩnh, mặt đối mặt với Ngài, con cảm thấy được bao trùm trong sự hiện diện của Ngài”.
Như vậy, Maria đã chọn phần tốt nhất. Chị đã không nói gì nhưng trao trọn vẹn tấm lòng và con tim cho Chúa để Chúa họat động. Còn Martha thì bận rộn để phô trương thanh thế, muốn chứng minh rằng mình đã quá đầy đủ, làm việc gì cũng hòan hảo thì Chúa đâu làm đuợc gì nữa.
Maria ngồi duới chân Chúa bộc lộ tâm tình lệ thuộc; và lắng nghe để nhận chỉ thị và huấn lịnh của Chúa. Còn Martha lại bận rộn rồi yêu cầu Chúa làm điều chị ta muốn: “nói em con giúp con”.
Như Maria chúng ta hãy lệ thuộc vào Chúa. Như Maria chúng ta hãy lắng nghe Lời Ngài chỉ dậy. Và, Chúa sẽ huớng dẫn, thúc đẩy và tác động để chúng ta trở thành những Martha, những Samaritanô sống động. Như thế, đâu còn ranh giới, đâu còn việc phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ hay mầu da….; và tất cả chúng ta đều là người thân trong việc phục vụ lẫn nhau.
Ngồi để lắng nghe Chúa dậy rồi cùng đi mà làm như vậy. Amen
Joe Mai Văn Thịnh CSsR
Kogarah 15.07.2016




Chúng ta không sống đời sống tâm linh một cách nghiêm túc, chúng ta không dành ra một ít thời gian để sống với Thiên Chúa và lắng nghe lời Người. Phần lớn chúng ta đọc một số kinh sáng và kinh chiều. Chúng ta cần cầu nguyện. Cầu nguyện giống như cơn đói phải được no thoả mà không gì có thể thay thế. Phuơng thức cầu nguyện như thế luôn làm cho chúng ta biến đổi và thêm sức mạnh. “Cầu nguyện không phải là xin xỏ. Nó là sự khao khát của linh hồn. Nó là sự thừa nhận mỗi ngày sự yếu đuối của chúng ta”.
Đối với nhiều người, cầu nguyện chủ yếu là đọc kinh hơn là cầu nguyện. Trong một ý nghĩa nào đó, cầu nguyện có lợi nhất chính là ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa, không nói hoặc làm điều gì. Chỉ ngồi trong sự hiện diện của Thiên Chúa, như Maria ngồi trong sự hiện diện của Đức Giêsu. Nhưng đối với một số người, điều đó có vẻ như lãng phí thời gian trong khi có rất nhiều việc phải làm.
Ở trong sự hiện diện, không nói hoặc làm điều gì, không phải là một việc dễ dàng. Bởi vì ngay khi chúng ta ngừng lại, chúng ta cảm thấy trống rỗng kể cả thấy mình vô dụng. Phần đông chúng ta có ý thức về giá trị của mình qua việc làm. Họ không biết đương đầu như thế nào với sự ngưng nghỉ và bất động. Kết quả là đời sống của họ nông cạn và hời hợt bên ngoài.

No comments: