Tin
Mừng thánh Gioan đoạn 11 câu 1-45 chúng ta vừa nghe hôm nay trình bầy cho chúng
ta thấy một vụ kiện tụng rất hy hữu.
Các
nhân vật trong vụ án gồm có:
Tội
nhân: người đàn bà phạm tội ngoại tình.
Công
tố viện: các luật sĩ và biệt phái.
Người
xử án: Đức Giêsu.
Theo
trình thuật thì tội của người đàn bà này là ngoại tình. Không ai ngoại tình một
mình. Ngoại tình là ngoại tình với ai; và nhân vật mà chị ta đã ngoại tình với hiện
đang ở đâu? Trường hơp ngoại tình mà còn bị bắt quả tang thật là hiếm; và nếu
đã bị bắt quả tang thì nhân chứng và chồng chị đâu?
Dựa
vào nội dung của trình thuật, Thánh sử đã cho chúng ta biết đây chỉ là cái bẫy
mà các luật sĩ và những người biệt phái dùng để kiếm cớ bắt tội Đức Giê-su. Nếu
Chúa bảo họ tha cho bà ta thì chính Ngài đi ngược lại lề thói và tập tục của tiền
nhân và họ có cớ để cáo tội Ngài. Thật ra, theo luật Mai-sen thì cả hai người phạm
tội ngoại tình đều bị ném đá; thế mà chỉ mình người phụ nữ bị cáo tội!!!
Việc
gài bẫy và dùng quyền uy (dựa trên lề luật) để buộc tội nhau vẫn còn xẩy ra thường
xuyên. Dân đen dù có thâm độc đến đâu cũng không dám gài bẫy để buộc tội các đấng
bề trên. Bẫy chỉ được gài bởi những kẻ biết rõ về luật.
Khi
viết đến đây, tôi chợt nhớ lại một sự kiện đã xẩy ra khoảng năm 1984-85 tại
Sydney. Anh bạn tôi - nay đã là linh mục và đang truyền giáo bên Á Châu - lúc
đó mới chân ướt chân ráo từ trại tỵ nạn sang. Nếu không vì hoàn cảnh chung của
đất nước thì anh đã được đón nhận thừa tác vụ vào cuối thập niên 1970. Bản chất
anh rất thật thà và đơn sơ, vì thế chúng tôi đặt tên cho anh là ‘lão ngoan đồng’.
Một
ngày kia anh nhận được cú điện thoại của các đấng bản quyền mời anh ra chia sẻ
trong một Thánh Lễ. Anh chưa phải là giáo sĩ nên chưa có năng quyền giảng dậy;
vì thế họ mới mời anh ‘chia sẻ’. Tội nghiệp bạn già của tôi; chuẩn bị thật kỹ
và hẳn nhiên là cầu nguyện nhiều khi dọn bài chia sẻ; thế mà sau bài chia sẻ
anh lại nhận được những lời nói móc.
Sau
này, một người trong nhóm của họ cho biết là ‘họ’ chủ đích lập mưu, gài bẫy để
hạ uy tín của anh.
Những
cái bẫy vẫn còn, các mưu mô của những kẻ có uy quyền và dùng luật để kiểm soát
‘ân huệ’ của Thiên Chúa vẫn hiện diện. Vì thế, cách xử thế của Đức Giê-su trong
trình thuật hôm nay nên được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần để những kẻ có quyền
không ngủ yên trên lề luật mà biết đến với dân chúng bằng lòng thương xót.
Cách
hành xử của Đức Giê-su thật tuyệt diệu. Ngài viết trên đất. Chúng ta không nên
tìm hiểu xem Ngài đã viết điều gì. Điều này không quan trọng. Hành vi viết trên
đất của Đức Giê-su ám chỉ đến sự từ khước tham gia vào cuộc tranh luận với họ.
Thái
độ hòa hoãn của Chúa không khiến họ chùn bước. Họ tiến xa hơn và dồn Chúa phải
có thái độ.
Từ
đầu đến giờ Đức Giêsu chưa nói lời nào. Đến đây trình thuật chuyển sang hướng
khác. Bấy giờ Đức Giêsu mới ngẩng lên và bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội,
thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi" (8,7). Họ đã chỉ nhìn đến lề luật và tội
lỗi của người đàn bà. Họ tự tin, họ ngạo mạn rồi dương dương tự đắc. Ngược lại,
Đức Giêsu nhắc chọ họ biết về thân phận của họ. Ai trong chúng ta lại không có
tội. Và nếu đã là tội nhân thì chúng ta đâu được phép lên án cho ai. Tất cả đều
cần chạy đến suối ân sủng, nguồn tình thương, lòng thương xót của Thiên Chúa để
được tha thứ.
Sau
đó, Ngài lại cúi xuống tiếp tục viết, và viết tiếp để cho cho họ có giờ mà suy
nghĩ.
Kết
quả như sau: các đối thủ của Đức Giêsu chấp nhận lời nhắc nhở thật tế nhị và
nhân bản của Ngài. Không một ai dám khẳng định là mình không có tội. Không một
ai dám cầm đá mà ném trước cả. Tất cả đã bỏ đi.
Khi
Đức Giêsu ngẩng đầu lên, thì chỉ còn lại người phụ nữ đang đứng đó. Cho tới
đây, trình thuật hướng sang một khúc rẽ khác, quan trọng và là chủ đề chính mà
câu truyện muốn nhắm đến. Những người tự nhận mình là công chính theo lề luật
đã bỏ đi. Giờ đây hiện trường chỉ còn lại người đàn bà và Chúa. Ngài lên tiếng ngỏ
lời với bà: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” (c. 10). Tất cả
mọi kẻ tố cáo đã bỏ đi, không ai kết án bà phải chịu ném đá. Đến đây Đức Giêsu
mới bầy tỏ cho chị ta thấy lập trường: chính Ngài cũng không kết án bà: “Chị cứ
về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (c. 11).
Qua
lời tuyên bố trên, Đức Giê-su khẳng định là Ngài có quyền tha tội. Ngài tiếp nhận
quyền này từ Thiên Chúa, Cha Ngài. Chúa tỏ mình ra là Đấng có quyền tha tội, an
ủi, khuyến khích, phục hồi nhân phẩm cho kẻ có tội – và việc Chúa làm hoàn toàn
phát xuất từ tình thương của Thiên Chúa dành cho mọi người.
Tuy
Chúa đã tha cho bà, nhưng Ngài cũng cương quyết bài trừ sự tội. Chúa nói: chớ
phạm tội nữa. Đối xử từ bi với kẻ có tội không phải là nhân nhượng với sự dữ. Sự
dữ trước sau vẫn là sự dữ; và sự dữ sẽ có cơ hội phát triển và bành trướng nếu
chúng ta dùng nỗ lực của bản thân để chống lại nó; chỉ diệt trừ được sự dữ bằng
sức mạnh, quyền năng yêu thương của Thiên Chúa mà thôi. Đức Giêsu xét xử theo
đường lối yêu thương Thiên Chúa. Ngài hành xử theo quyền của Đấng Mesia, Đấng
được sai đến để cứu vớt kẻ có tội nhưng kết án sự tội.
Trong
mối dây thông hiệp với Chúa Cha, Đức Giê-su biết rõ ‘giờ’ của Ngài đã đến; ‘giờ’
đổ máu ra để nhân loại được tha thứ. Vì thế, qua lối hành xử của Chúa với người
đàn bà hôm nay, chúng ta nhận ra Tình yêu từ bi và lòng thương xót của Chúa nóng
cháy biết chừng nào.
Ngày
nay, Ngài cũng cư xử với mỗi người chúng ta đúng như Ngài đã đối xử với người
đàn bà trong bài Tin Mừng hôm nay. Trên thánh giá, Ngài ban ơn tha thứ cho tất
cả cùng được cứu thoát, Ngài tạo nên một dân mới.
Một
lần nữa, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn vào cõi lòng mình, nhìn vào tình thương
tha thứ của Thiên Chúa và đừng để mặc cảm tội lỗi khiến chúng ta xa Chúa. Một
khi nhận ra bản thân tội lỗi của mình là lúc chúng ta thấy được Tình Chúa yêu
thương chúng ta đến chừng nào. Chính nhờ vào tình thương của Thiên Chúa giúp
chúng ta nhận ra rằng, dù cho đến muôn đời chúng ta còn là tội nhân; nhưng
không bao giờ chúng ta mất đi niềm hy vọng vào Lòng Thương Xót của Người. Amen
No comments:
Post a Comment