Tuesday 8 March 2016

Lm Lê Quang Uy DCCT : NGƯỜI LANG THANG ĐÃ VỀ ĐẾN NHÀ…



NGƯỜI LANG THANG ĐÃ VỀ ĐẾN NHÀ…
( TƯỞNG NHỚ CHA VŨ KHỞI PHỤNG, VỊ KHAI SÁNG EPHATA )
Năm Đại Thánh 2000, cha Vũ Khởi Phụng bảo mấy anh em trẻ chúng tôi: "Rất đông, có lẽ cả triệu người đang nô nức đổ về Roma để dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới JMJ. Nhưng còn biết bao nhiêu người khác, nhất là các bạn trẻ Việt Nam mình không thể đi được thì mình phải làm một cái gì đó cho họ hiệp thông chia sẻ được với Đại Hội chứ nhỉ ?" Và "cái gì đấy" cha Phụng gợi ý, cuối cùng chính là trang báo điện tử ( E-Magazine ) mang tên Ephata chào đời.
Thoáng một cái 16 năm ! Đến nay, với 683 số báo Ephata, có lẽ cũng có được xấp xỉ gấp đôi số trang ấy dàn trải những bước chân lang thang của cha Phụng. Có giai đoạn cha viết rất khỏe và đều tay, một kỳ báo có thể 6, 7 trang. Nhưng cũng có lúc cha muốn mà không viết được, vì ồn ào thế sự, vì dồn dập biến cố, vì cả những bệnh tật bất ngờ ập tới. Do vậy bẵng đi một thời gian dài, mục "Giọt Nắng Giọt Mưa" bị trống vắng, bài "Có một người được sai đến tên là Gioan" bị dở dang sau mấy chục kỳ liên tiếp, còn ký sự "Mật Hội bầu Giáo Hoàng" đang hấp dẫn hồi hộp thì bị đứt… phim !
Có thể nói cha Phụng là người khởi sự nhiều cái lắm, nhưng dường như chưa có cái nào cha chịu hoàn tất cả. Cha là ông bố cho chào đời rất nhiều nhóm đủ kiểu đủ loại, nhưng cứng cáp một tý thì cha buông ra mà hồn nhiên lập ra nhóm khác. Cha dạy rất nhiều lớp Thần học, nhiều khóa Kinh Thánh, nhiều lớp Giáo Lý Dự Tòng, nhưng chưa bao giờ cha bảo là đã kết thúc.
Đặc biệt có một cái cha tâm đắc và thao thức nhiều nhất, đó là "Hội Ngộ Bắc Trung Nam", còn gọi là "Huế – Sàigòn – Hà Nội" theo một câu hát của Trịnh Công Sơn, được tổ chức hằng năm luân phiên ở từng miền với mấy trăm con người của nhiều nhóm tham dự. Ấy vậy mà bây giờ, cha Phụng cũng đã sớm "bỏ cuộc chơi" mà chưa kịp bàn giao cho ai, của đáng tội, cũng chẳng tìm ra ai xứng đáng để bàn giao, để kế thừa chương trình dễ thương này !
Những chuyện lớn mà còn thế, huống chi tờ báo Ephata quá nhỏ bé giữa một rừng mass media thời nay ? Dù vậy, bây giờ ngài đã an nghỉ, kiểm lại mới thấy ngài đã ghi những dấu ấn rất đậm, khởi đầu trên Ephata rồi từ đây, sau những bài viết, sau những phác họa sơ thảo, anh em chúng tôi và các nhóm đã ứng dụng, đã khai triển, đã biến ý tưởng của cha thành sự sống Mục Vụ hết sức sinh động.
Tôi xin đơn cử hai dấu ấn chính:
Cách gọi "Bảo Vệ Sự Sống". Khởi đầu từ năm 2002, chúng tôi còn đang băn khoăn không biết dùng cách nói nào tương ứng với cách nói quốc tế bằng tiếng Anh là Pro-Life. Cha Phụng bảo chuyện "Pro-Life" của người ta là để chống lại chuyện Pro-Choice, còn bên Việt Nam mình, sự sống đang bị bức hại kinh khủng, đang bị tổn thương ghê gớm, thì ta nên gọi là "Bảo Vệ Sự Sống" chứ không phải là "Phò Sự Sống". Và thế là cách viết, cách nói, cách gọi BVSS bắt đầu lan ra qua Ephata, qua các tờ bướm, qua các buổi thuyết trình khắp nơi, bây giờ đã thành ra quá quen thuộc trong cả nước. Tận bên Mỹ, bên Tây, bên Úc, hễ chỗ nào có người Việt yêu quý sự sống và dứt khoát chống phá thai thì người ta đều dùng bốn chữ viết tắt BVSS !
Cách gọi "Người Xa Quê". Một Mục Vụ khác dành cho những con người phải tạm xa quê quán để mưu sinh lập nghiệp được cha Phụng đề nghị tên gọi Mục Vụ Xa Quê thay vì cách gọi của Tổng Giáo Phận Sàigòn từ trước đến nay là Mục Vụ Di Dân. Cha Phụng bảo là đại đa số những anh chị em Miền Bắc và Miền Trung đổ vào Nam, Miền Tây và Miền Đông tìm việc làm ở đất Sàigòn, họ không di cư, cũng không nhập cư vào hẳn một nơi ở mới, nhưng họ chỉ là khách tạm cư, thậm chí là du cư, nơi nào có việc làm, có le lói chút hy vọng đổi đời thì họ tìm đến. Thế rồi dịp Tết, họ lũ lượt ngược trở về quê quán bằng mọi con đường, khá giả thì máy bay, kém hơn thì xe lửa, mà nghèo nữa thì xe khách. Những ngày ấy Sàigòn vắng hẳn đi mấy triệu người lam lũ, các thứ dịch vụ mua bán ăn uống bình dân chẳng tìm đâu ra. Phải chờ đến mùng 5, mùng 6 Tết, cũng những con Người Xa Quê ấy lại tràn vào Sàigòn, có khi kéo theo thêm hàng ngàn, hàng vạn những con người đáng thương khác đang đói việc làm, đang khát một cơ hội sinh nhai. Cha Phụng viết trên Ephata, giảng ở Nhà Thờ, chia sẻ ở các cuộc họp mặt, cha cũng thích lang thang, lê la chỗ này chỗ kia với họ, và khích lệ họ: "Các bạn xa Quê Đất nhưng lại gần Quê Trời hơn chúng tôi đấy !" ( Ảnh chụp cha Phụng bên các bạn Xa Quê gốc Nghĩa Ải, tỉnh Hà Tây cũ, vào Sàigòn đẩy xe bán ngô chiên bắp luộc ).
Năm 2010, khi cha Phụng vừa tròn 70, cha Tiến Lộc bí mật bàn với chúng tôi cùng làm một đêm Văn Nghệ hát toàn các bài nhạc ngoại quốc cha Phụng đã đặt lời Việt. Chúng tôi chọn mãi mới ưng ý với chủ đề đêm hôm ấy là "Lang thang cùng Giêsu". Cha Phụng hoàn toàn bị bất ngờ đến nỗi không biết để mặc áo Dòng đến dự. Cộng đoàn mấy trăm người hôm ấy cùng với ca đoàn Trùng Dương đã hòa nhịp trong hơn 30 bài hát để đời của cha Phụng, hợp xướng trang trọng có, sinh hoạt tưng bừng có, cầu nguyện nhẹ nhàng có, những lời hát mộc mạc, những ý tưởng bình dị, cứ nhẩn nha lãng đãng đưa người nghe và chính người hát vào sâu trong cõi tâm an nhiên tự tại của một Giêsu vai mang thập giá lang thang giữa thế gian.
Nhớ lại những ngày sau biến cố 30 tháng 4, cha Phụng lần lượt cho ra đời một lô nhóm mang những cái tên ngồ ngộ: Gió Lành, Lôi Thôi, Lếch Thếch, Lang Thang… Dạo ấy, đang khi cuộc sống trải qua những đảo điên khốc liệt, con người như bị cuốn vào vòng xoáy của yếm thế, của hận thù, của sợ hãi, của thủ thế tự vệ, thì cha Phụng lại chọn cách thế Lang Thang để lướt đi tìm bình minh giữa những ngổn ngang hoang tàn. Cha cứ cọc cạch một chiếc xe đạp mà kéo theo anh em bạn trẻ chúng tôi đi nhảy múa với người điên, hát hò với người cùi, chơi đùa với trẻ khuyết tật…
Ở trên chúng tôi có nói cha Phụng đã… sớm "bỏ cuộc chơi", là vì đáng lẽ với cái dáng đi lững thững không lẫn vào ai, cha còn có thể lang thang cùng Giêsu, lang thang cùng mọi người trong nhiều cuộc hành trình vạn lý trần gian này. Chẳng còn tí tách những "Giọt Nắng Giọt Mưa", chẳng còn ai dẫn đầu một đoàn lang thang đi gõ cửa Trời xin Chúa Giêsu "Ephata"
Tiếc quá, nhưng biết làm sao được, Người Lang Thang ấy nay đã về đến Nhà rồi đó ! Thôi, không được tiếc, không có gì phải tiếc !

Lm. QUANG UY, DCCT, thứ năm 3.3.2016

No comments: