Wednesday 16 March 2016

Lm Vĩnh Sang DCCT "NÓ LỚN RỒI, HỎI NÓ !"





Trong Tin Mừng Thứ Tư, chương 9, Thánh Gioan có kể một câu chuyện dài về việc Chúa Giêsu chữa cho một người mù từ thở mới sinh (9: 1-41), câu chuyện xảy ra ở cửa Đền Thờ. Chúa Giêsu từ Đền Thờ đi ra thì gặp một người mù từ thuở mới sinh, vì thương cảm hoàn cảnh mù lòa của anh nên Người đã ra tay chữa lành cho anh, cho anh được thấy. Tuy nhiên hành động này của Chúa Giêsu không được người Do Thái ủng hộ, vì Chúa Giêsu đã "làm" phép lạ vào ngày Sabát. Cái lối giữ lề luật cực đoan đã khép lòng con người lại khiến họ không còn đủ sự nhanh nhạy để nhận ra biến cố can thiệp lạ lùng của Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại, xuyên qua những người nghèo bất hạnh một cách ngoạn mục như vậy.
Thái độ không chấp nhận của người Do Thái được sự đồng tình và khuyến khích của giới cầm quyền. Đến đây thì không còn đơn giản là cách giữ lề luật nữa nhưng biến thành một thứ độc tài, độc tôn và không chấp nhận người có chính kiến khác mình.
Tất cả những phản ứng đó nhúng trong một môi trường độc ác, vô cảm và tự mãn. Hãy xem cách mà dư luận xã hội đánh giá về sự khốn khổ mà kẻ bất hạnh phải cam chịu: “Lỗi anh ta hay của cha mẹ anh ta” (c. 2). Kẻ khuyết tật, kẻ nghèo hèn trở thành bệ kê cho kẻ giàu có, may mắn và thành đạt, bức tranh xã hội càng tương phản thì càng vuốt ve lòng kiêu hãnh của họ. Dã man hơn nữa khi họ không chấp nhận sự an ủi nhỏ bé hoặc sự may mắn lẻ loi mà kẻ nghèo được nhận lãnh, họ càng lồng lộn hơn nữa khi thấy Thiên Chúa nghiêng mình bên kẻ nghèo hèn. “Mày sinh ra trong tội lỗi ngập đầu” (c. 34).
Đối với người Do Thái và giới lãnh đạo Do Thái, quyền lợi xã hội là của họ, mũ áo xênh xang là của họ, ngày ngày yến tiệc linh đình là của họ, kẻ ăn xin, người mù lòa, người què cụt, … vẫn phải tiếp tục thân phận như vậy để tô điểm cho thứ bậc và đẳng cấp của họ. Thật ra thì họ vẫn bố thí cho kẻ nghèo hèn, nhưng họ chỉ chấp nhận thứ bố thí “hoạt động trong luồng” của họ để tô son trát phần cho tên tuổi của họ, vừa đủ cho người nghèo không chết nhưng chẳng đủ và càng không chấp nhận cho người nghèo được sống xứng đáng là con người. Người nghèo hèn không có quyền thoát nghèo, không có quyền làm người.
Điều đáng nói là những người có trách nhiệm chung quanh câu chuyện đã vì ích kỷ, sợ hãi và vô cảm nên từ chối sự thật, lánh xa sự liên hệ và để mặc kẻ khốn khổ vùng vẫy trong kiếp khốn khổ của mình. Đứng trước quyền lực thế gian, người ta từ chối nói lên sự thật, từ chối làm chứng cho sự thật, và từ chối mối tương quan với những ai liên hệ tới sự thật.
Hãy nghe Tin Mừng ghi lại một cách đau đớn câu nói mang tính rửa tay của chính cha mẹ anh mù: “Nó lớn rồi, hỏi nó” (c. 21). Sẽ là sự chới với thật sự với những ai trong cơn quẫn bách nghe được lời từ chối sự thật phát ra từ chính miệng lưỡi của những người gần gũi mình nhất, biết rõ nhất và dính dáng đến mình nhất. Chiếc phao cuối cùng dành cho người chết đuối giữa biển khơi bị sự sợ hãi quyền lực thề gian đánh xẹp, sẽ phải tự mình vùng vẫy.
Xả hội hôm nay đang diễn lại “tuồng” cũ. Kẻ bị cướp đứng giữa đường bất lực nhìn quyền sống của mình bị tước đoạt khi những người chung quanh quay đi, nhẹ nhàng nhất là im lặng, còn không thì hùa vào với kẻ cướp mà lên án người bất hạnh. Như câu chuyện trong Tin Mừng, đau đớn ở chỗ câu nói vô cảm lạnh lùng lại thoát ra từ cửa miệng người thân.
Nhưng với Chúa Giêsu thì mọi sự sẽ khác.
Lm. VĨNH SANG, DCCT,
tuần thứ tư Mùa Sám Hối 2016

No comments: