Friday 18 March 2016

Hạnh Nguyên : ĐÃ CÓ MỘT THỜI TÔI GẶP NGÀI




 “Ngài sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó.
Ngài sai tôi loan Tin mừng ơn cứu độ chứa chan nơi Ngài. 
Ngày đi xuân tươi hoa cỏ, với bao nỗi niềm thân thương.
Đường xa nên duyên nên nợ,
Bao nhiêu người vấn vương vui buồn”
 ( Vũ Khởi Phụng )
Tôi lặng người thảng thốt trang tin truyền thông Chúa Cứu Thế vừa đăng cáo phó: “Linh Mục Matthêu Vũ Khởi Phụng đã về với Chúa”. Niềm đau phủ kín tâm can, kỷ niệm như từng khúc phim quay trở về khi nhìn di ảnh cha, chân dung lột tả trung thực hình ảnh ngày xưa nơi cha: vui tươi, thánh thiện, con người toát lên nét gần gũi thân tình trẻ trung, tất cả đã để lại ấn tượng không nhỏ đến tuổi trẻ chúng tôi ngày ấy và mãi đến bây giờ.
Thấm thoát đã gần bốn mươi năm qua đi trong đời, tuổi trẻ chúng tôi chớm biết suy tư mơ ước dự tính cho tương lai rồi bất ngờ bị cuốn phăng trong cuồng phong khi đất nước vừa đổi thay về thể chế chính trị. Giữa dòng đời khó khăn, tương lai bế tắc, niềm tin chao đảo, bạn bè cũ đã đi kinh tế mới hay ra nước ngoài chẳng hề gặp lại, tôi trở lại mái trường chẳng qua để chạy trốn công tác linh tinh thời ấy. ( Ảnh chụp cha Vũ Khởi Phụng, DCCT, đồng tế với cha Mai Văn Hùng, OP, cho Nhóm Mai Khôi tháng 4.1988 ).
Như bao bạn trẻ miền Nam, chúng tôi vào trường Đại Học chẳng còn rong duổi ghế đá công viên hay lang thang Sàigòn trên những con đường rợp bóng me mơ ước một thời… Ngày nhập học nghe diễn văn chào mừng đầy ngôn từ xa lạ rồi những giờ học chính trị Mác-Lênin, học quân sự liên tiếp, đến đợt lao động thủy lợi chân lấm tay bùn. Sinh viên Công Giáo chỉ là thiểu số trong môi trường vô tín ngưỡng luôn thiệt thòi, bị chê bai mai mỉa, thi thoảng chúng tôi còn mặc cảm và hoài nghi về tôn giáo mình theo bởi vốn kiến thức tôn giáo quá thấp, bao năm chỉ giữ đạo truyền thống !
Ngày ngày đi học, tôi và bạn thường đạp xe qua Nhà Thờ Chúa Cứu Thế, ghé vào để nghỉ chân giữa quãng đường từ trường về nhà quá xa, một phần cũng viếng đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp dâng cho me những lời cầu xin. Như một cơ duyên gắn bó vô hình, qua thông tin giáo xứ tôi tham gia lớp Giáo Lý tổ chức ba tháng, học về Phụng Vụ Bí Tích và Kinh Thánh. Tôi đã may mắn làm học trò cha Phụng, một linh mục khá trẻ, thân thiện mà bạn hữu thường gọi là “bố Phụng”. Ấn tượng đầu tiên nơi cha toát lên vẻ gần gũi khác hẳn với nhiều cha tôi đã gặp, các anh chị học viên cũ quấn quýt nói chuyện tự nhiên với cha như người trong gia đình khiến học trò mới như tôi cũng ngài ngại.
Cũng từ ngày ấy tôi mới biết sống Lời Chúa qua những giờ học hỏi với cha, Lời Chúa không chỉ thêm niềm tin mà còn thôi thúc chúng tôi tìm ra lý tưởng dấn thân trong môi trường sống của mình. Tạ ơn Chúa đã gửi đến người thầy tâm linh thánh thiện, nhiệt thành thật đúng lúc tuổi trẻ đang hoang mang về tương lai. Từ thời điểm đó và cho đến hôm nay tôi vẫn cảm nghiệm sự sắp đặt yêu thương từ Mẹ Hằng Cứu Giúp Thái Hà gìn giữ cha tôi khi lâm nạn, Mẹ Kỳ Đồng nơi tôi thụ giáo với cha Phụng trong lớp Giáo Lý bốn mươi năm về trước, tìm thấy hình ảnh mẫu mực nơi cha để tiếp tục sống chứng nhân trong xã hội vô thần.
Khi còn ở Việt Nam những năm đầu đi dậy đầy khó khăn, ít năm sau ra nước ngoài, cuộc sống nơi xứ người tất bật, thêm sự vô ơn vốn có sẵn, thời gian dài qua tôi chẳng liên lạc với ai, nhiều khi chẳng còn nghĩ đến những người thầy xưa giúp làm nên con người tôi hôm nay.
Cho mãi đến thời điểm năm 2008, qua biến cố Tòa Khâm Sứ và DCCT Thái Hà chìm trong biển khổ, như một thôi thúc vô hình tôi chợt nhớ về kỷ niệm những ngày đi học trong khuôn viên DCCT. Người thầy xưa kính mến đang bị lăng nhục xỉ vả… đau lòng khi nghĩ về sự chiến đấu đơn độc của ngài bên những Giáo Dân Thái Hà. Từ đó tôi thường xuyên theo dõi tin tức Giáo Hội quê nhà, tìm đọc lại những bài viết về cha Phụng, nghe những bài giảng trong các Thánh Lễ Công Lý Hòa Bình để thấy long thanh thản hơn nhưng cũng lo lắng nhiều về cha trong tuổi già sức yếu phải đương đầu thật khó khăn.
Nếu ngày xưa gần bốn mươi năm trước, trong lớp Giáo Lý tôi đã gặp cha Phụng, một Linh Mục trẻ gần gũi, tính hiền hòa, yêu thương giới trẻ, thì vài năm qua tuy sức khỏe, sắc diện cha thay đổi theo tuổi tác, bệnh tật… nhưng bầu nhiệt huyết nơi cha vẫn như xưa, can đảm và khôn ngoan nơi Thái Hà, đầu sóng ngọn gió khơi nguồn lên ngọn lửa đòi hỏi công lý và tự do tôn giáo cho Viêt Nam.
Cảm phục cha suốt đời linh mục theo gương Chúa Kitô luôn bênh vực người nghèo, đứng về lẽ phải, dù biết rằng sự dấn thân nhiều khó khăn và đơn độc, con người Linh Mục như cha thật hiếm có, kẻ sĩ thật khó tìm trong xã hội Việt Nam hiện nay ! Chỗ đứng của cha không chỉ có mặt nơi Tòa Khâm Sứ, giáo xứ Thái Hà, nhưng luôn bên cạnh bao người bị ức hiếp, dân oan… chia với họ nỗi buồn đau trong một đất nước thiếu vắng nền công lý, một xã hội sự ác đang ngự trị. Với nhiều bút hiệu, đặc biệt cha đã khai sinh tờ Ephata điện tử của Trung Tâm Mục Vụ DCCT, chia sẻ tấm lòng bác ái đến những người bất hạnh, bài viết của cha thao thức niềm đau cõi nhân sinh, khơi nguồn cho giới trẻ cất lên tiếng nói ngôn sứ, rồi cùng đồng hành với họ, trở thành tấm gương động lực cho những người trẻ ngay cả khi họ trong chốn lao tù vì công lý và nhân quyền. Paulus Lê Sơn đã chia sẻ trên mạng xã hội: “Những ngày ở trong tù, hình ảnh và lời dạy của cha Phụng chính là động lực to lớn cho tôi vượt qua nỗi sợ hãi…”
Từ ngọn lửa nhen nơi Thái Hà, tòa Khâm Sứ đã nhân rộng lên ngọn lửa của lòng tin vào sự thiện sẽ chiến thắng cái ác, thúc đẩy ý thức đấu tranh cho sự công bằng, an ủi phần nào bao dân oan trên khắp đất nước Việt Nam. ( Ảnh chụp cha Phụng trong Thánh Lễ Tạ Ơn ở DCCT với Phương Uyên trong ngày ra tù ).
Tôi đã thấy hình ảnh cha Phụng qua từng nỗi đau của tha nhân, từ anh Đoàn Văn Vươn mất đất ở Hải Phòng, sự ra đi đơn độc của bà Đỗ Thị Tần ( mẹ của Paulus Lê Sơn ) đến hành động tự thiêu vì phản đối tòa án nơi bà Kim Liêng ( mẹ chị Tạ Phong Tần ) và cả những người đấu tranh cho công lý nhân quyền: luật sư Lê Quốc Quân, các thanh niên Công Giáo Giáo Phận Vinh, nhà giáo Lê Đăng Định, nhạc sĩ Việt Khang, An Bình, Phương Uyên… khi vào tù mọi người đều xa lánh bỏ rơi nhưng cha Phụng vẫn đồng hành bên họ qua những bài viết hay bài giảng của cha. Lm. Đinh Hữu Thoại ( trước đây phụ trách Phòng Công Lý – Hòa Bình DCCT ) nói: “Cha Phụng đã hoàn thành sứ mạng người rao giảng Đức Tin và để lại di sản tinh thần phụng sự người nghèo, cũng như đồng hành cùng những người thấp cổ bé miệng, các nhà hoạt động đấu tranh dân chủ bị tù đày…"
Cha Mátthêu đáng kính,
Hôm nay nơi phương trời xa hướng về quê hương, cùng hội dòng, thân bằng quyến thuộc, giáo hữu, học trò xưa… đang ngậm ngùi kính viếng cha lần cuối, con không thể trực tiếp thắp cho cha được nén nhang, nhưng lòng con đang hướng về cha thật nhiều. Con nhớ mãi những lời cha dậy, đọc lại những bài viết của cha trong mọi hoàn cảnh để nuôi dưỡng niềm hy vọng vào cuộc sống tình người như cha. Lớp học trò cũ chúng con vẫn nghĩ sự may mắn Chúa gửi đến khi được học với cha, một ân sư, một thần tượng của bao lớp trẻ, hướng họ lên cao hơn để phục vụ, chia sẻ và yêu thương. Gương sống Tin Mừng nơi cha chúng con sẽ cố gắng bắt chước trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ngọn nến yêu thương nơi cha đã nhen lên bao năm qua chắc chắn sẽ đẩy tan bóng tối sự dữ nơi quê hương và Giáo Hội Việt Nam thân yêu. 
Xin được kết thúc bằng chính tâm sự của cha trong một bài hát để nghĩ về cuộc đời cha đã hoàn thành tốt đẹp: “Hôm nao khi Chúa đến thăm cuộc đời, tôi nghe như có tiếng Chúa kêu mời, tôi thưa rằng, có kiếp sông cũ kỹ này đây, bán nó ngay vẫn trắng tay nghèo khó, thế rồi chỉ xin đi theo gần Người…” ( Lm. Vũ Khởi Phụng ).
HẠNH NGUYÊN, Boston

No comments: