Khi
vừa nhận được tin linh-mục Vũ Khởi Phụng từ-trần hồi 21 giờ ngày Thứ Tư
02-3-2016 tại Tu-viện Thái-hà - Hà-nội, tôi thật bình-tĩnh trong lời thầm nhủ là
ngày giờ phải đến thì đã đến thôi. Song rồi tiếp sau đó là bắt đầu thấy bâng-khuâng
với một cảm-giác hụt-hẫng và mất-mát cứ thấm dần, thấm dần. Nhất là sau khi nhìn
qua một số hình ảnh đầu tiên tại tu-viện Dòng Chúa Cứu Thế Thái-hà khi ông mới
ra đi. Người
đi vừa thoát hết hệ-lụy, nằm đó thanh-thản như còn say trong giấc ngủ muộn nhưng
nhìn những người ở lại đang đứng vây quanh sao lòng thấy bùi-ngùi, se-thắt.
Cha con một thuở là đây,
thầy trò duyên nợ cũng còn đây và anh em một đời gắn-bó trong ân-tình và tín-nghĩa
cũng chỉ còn những phút này đây. Rồi từ đấy những hồi-ức cứ từ-từ quay ngược về
quá-khứ đã bắt tôi đặt bút viết những dòng hoài-niệm này.
Viết… thay cho nén hương
bái-biệt.
Cuộc đời có nhiều
chuyện tình-cờ đến mà người ta thường gọi nó là duyên. Và tuy chỉ có một chữ duyên
đơn-giản song lại gói-ghém biết bao nhiêu ý tình để nhờ đó mà đời người có những
liên-hệ làm thành mối tương-quan cảm-thông trong tình thân-hữu, thân-thiết trong
nghĩa đệ-huynh hoặc gắn bó bằng tâm-linh giao-cảm.
Nhớ lại, một ngày nào đó năm 1980, tôi đi lễ chiều ở nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp vì
nhà tôi muốn tìm một linh-mục Dòng Chúa Cứu Thế giải-tội và lại còn nhờ tôi góp
ý chọn giúp một vị nào đó trong những linh-mục tôi đã quen hoặc biết ở đấy. Tôi
lừng-khừng trả lời rằng linh-mục nào chẳng có đủ bảy chức thánh, chẳng được
trao ban và uỷ-thác cho năng-quyền tha tội…Để Chúa chỉ cho. Vậy là nhà tôi xăm-xăm
đi vào phòng khách nhà dòng, còn tôi ngồi lại chờ trước núi đá Đức Mẹ.
Khoảng hai mươi phút
sau, cha Phụng và nhà tôi từ trong cửa phòng khách nhà dòng bước ra, quẹo phải
và song-song chậm bước đi vòng theo khu sân trước nhà dòng, đi tiếp ngang qua
mặt tôi để về phía phòng thánh rồi lòng-vòng đâu đó một hồi thật lâu nữa mới
trở lại. Tôi vội đứng lên, ông bắt tay tôi rồi chào từ-biệt sau khi nhắc với nhà
tôi ngày giờ họ đã hẹn gặp lại.
Nhà tôi nét mặt rạng-rỡ, nhẹ-nhàng kể-lể là đang
đứng lớ-ngớ trước cửa phòng khách thì gặp lúc cha Phụng vừa tiễn khách về đang
quay vào, bèn lại gặp. Rồi vào phòng khách xưng tội và sau đó cùng nhau đi lòng-vòng
để nghe cha chia sẻ về một số cảm-nghiệm tâm-linh. Và nhà tôi kết-luận là cha
có cách nói chuyện rất “người”, không bị ảnh-hưởng bởi cái chủ-quan thường có nơi
các giáo-sĩ; nhất là khi làm “cha giải tội” thì chỉ giảng và dạy. Cha Phụng giải
tội mà như một người bạn tâm-linh, muốn ủi-an nâng đỡ hơn là làm cho xong một
thủ-tục, một trách-vụ.
Từ đó, nhà tôi có vẻ
“mê” ông, hay ghé thăm chuyện trò, lại còn rắc-rối thắc-mắc là sao ngay từ thời
sinh-viên tôi cũng hay tới lui sinh-hoạt và lễ lạy ở nhà thờ Kỳ-đồng, đã quen
biết các linh-mục, tu-sĩ tại đấy như cha
Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Cao Đình Trị, Phạm Gia Thụy…chẳng hạn, mà sao lại không
quen cha Vũ Khởi Phụng thì tôi chỉ trả lời gọn lỏn và ngang chành là tại không
có duyên.
Thực ra thời vào gian
ấy, cha Phụng mới chịu chức, rất trẻ-trung và được rất nhiều người ái-mộ vây
quanh. Thỉnh-thoảng tôi cũng gặp ông tại phòng làm việc của cha Chân Tín, của
Nguyễn Ngọc Lan…và dù vẫn có chào hỏi đủ lễ nhưng không hiểu sao tôi lại không
thích nhập vào cái đoàn rồng rắn lúc nào cũng tíu-tít rộn-ràng ấy.
Rồi bỗng dưng từ một nhu-cầu
tâm-linh của nhà tôi mà đã mở ra một mối thân-tình cho đến nay.
Độ ấy, tại nhà thờ Giáo-xứ
Đức Mẹ Hằng Cứu-giúp, Thánh-lễ tám giờ mỗi sáng Chúa-nhật thường do linh-mục Phạm
Gia Thụy phụ-trách và Thánh-lễ 6 giờ 30 chiều do linh-mục Vũ Khởi Phụng phụ-trách.
Gia-đình tôi chọn đi lễ tám giờ sáng vì tôi thích nghe cha Thụy giảng trong
phong-cách mà người nghe có cảm-tưởng như ông đang trải-nghiệm những suy-tư tâm-linh
của chính đời mình.
Thế nhưng bây giờ đành
phải nhường, đổi sang lễ 6 giờ 30 chiều để nhà tôi nghe cha Phụng giảng mà theo
anh thì tự nhiên như chia sẻ tâm-tình. Tôi chỉ biết lẩm-bẩm với chính mình rằng
để xem chia-sẻ được bao lâu và tự hứa sẽ chú tâm nghe để còn đem sợi tóc ra chẻ
cho vui.
Thú thực, thời-gian đầu tôi không thích lắm cách
giảng của cha Phụng với văn-phong chữ nghĩa mà tôi cho là hơi bóng-bảy và có chút
“làm dáng” khi diễn ý. Tuy thế tôi đã bắt đầu thầm phục ông về thái-độ luôn chủ-động
trong khi diễn giảng, luôn ý-thức về những gì mình đang nói. Lại còn rất nhanh
khi cần tự-động chuyển ý nội-dung diễn-tả để ứng-đối cho kịp tình-huống bất ngờ
nào đó thật uyển-chuyển mà người nghe có thể vẫn nghĩ như là có soạn sẵn.
Có lần, chỉ một đoạn
Tin Mừng mà các tác-giả Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca ghi rất gọn sự việc Chúa chữa
cơn bệnh nhức đầu cho bà mẹ vợ ông Phê-rô thôi mà cha Phụng thao-thao trên toà.
Tôi nghĩ có thể nhiều người chẳng hiểu hết hay nắm bắt được bao nhiêu ý-nghĩa nhưng
đã vẫn lắng nghe theo bài-bản và thật mát tai với ý mới được diễn giảng về những
điều ông gọi là “cơn cảm cúm và váng-vất tâm-linh”.
Lễ xong, chúng tôi đến
trước cửa phòng thánh gặp ông. Do vẫn quen với việc chúng tôi thường hay góp chút
ý này, ý khác để chia sẻ sau những lần nghe giảng nên cha Phụng hỏi chúng tôi ngay
về bài giảng vừa rồi ra sao. Vì mối tương-quan giữa chúng tôi lúc đó đã đủ thân-thiết
và tự-nhiên nên tôi nói ngay là cứ như bánh phồng tôm. Ông thẳng-thắn thú nhận
là vì vừa đi giảng ở ngoài về, lại thấy nội-dung gọn-gàng quá nên không soạn trước
và ông cười nói với nhà tôi rằng, đồng ý là bánh phồng tôm tuy không bổ, không
no nhưng lâu lâu ăn một lần kèm theo các món khác thì cũng thêm hương-vị, nhất
là sự giòn-giã của nó, thì cũng đâu phải sợ bị lạc-điệu.
Một dịp trao-đổi khác, tôi rất cực-đoan đòi hỏi
rằng Thần-khí Đức Ki-tô trao ban và sự sáng của Thánh-linh soi dẫn để đâu mà
khi người ta làm bậy, nhất là các đấng bậc, thì lại đổ cho ma quỷ cám-dỗ hoặc là
những phút yếu lòng. Đấy là cách nói ăn gian và đổ vấy …Cha Phụng bảo tôi nếu
không thích kiểu ăn gian và đổ vấy như thế thì nói cách khác vậy…chẳng hạn như
là Chúa Thánh-linh đi vắng chốc lát hay đi vắng thường-xuyên. Lại một lần, trong
dịp gặp mặt “bỏ túi” tại nhà, có cả linh-mục Thiện Cẩm cũng là một thân-hữu chí-thiết
của gia-đình, sau bữa ăn tôi vừa gọt xoài vừa rào đón là rất ngại mua loại trái
cây này vì không biết chua ngọt ra sao. Cha Thiện Cẩm bảo nếu sợ chua thì đừng ăn
xoài mà đổi sang đu-đủ đi, còn cha Phụng nói ngay là pha ly nước đường uống là
chắc nhất…
Đại-khái những cái kiểu
nói “chuyện chẳng ra chuyện” mang ngôn-ngữ đời thường và không cầu-kỳ này thường
là nội-dung của các dịp trò chuyện mà có thể nhiều người sẽ gọi là chuyện huề vốn.
Với tôi lại khác, tôi thấy mình có lời khi bắt buộc phải thêm nhiều suy-nghĩ để
tự-thân rà lại tính quá-khích và cực-đoan của mình trong tâm-linh cũng như ngoài
cuộc sống; về đạo cũng như với đời…
Tuy-nhiên, cái cơ-duyên
tâm-linh dẫn đến tương-quan bằng-hữu này không phải lúc nào cũng đơn-giản như
vị chua của xoài, vị ngọt của đu-đủ hay của ly nước đường. Chẳng hạn trong những dịp cùng phân-tích, trao
đổi về dội-dung hay bình-phẩm về các nhân-vật trong một số sách ông cho tôi mượn
về đọc như Sous le soleil de satan, Les Grands Cimetières sous la Lune và Journal d'un
curé de campagne của Georges Bernanos; L'Avocat du diable của Morris West hay La saison des pluies của Graham Greene… thì lại toàn là “lý sự”
khô-khan và gai-góc với một số cách nhìn cuộc sống được phản-ảnh qua các nội-dung
câu chuyện. Có điều, cũng nhờ đó tôi nhận ra rằng bằng tâm-thức của một nhà tu
hoà với chất văn-chương và nghệ-thuật trong di-truyền, linh-mục Vũ Khởi Phụng đã
tạo cho người chung quanh hay thân-cận dễ tìm được nơi ông phong-độ của một hiền-nhân
đầy tình người nhẹ-nhàng, dễ làm cho người khác thấy được cảm-thông hơn là một
quyền-uy chỉ dùng lý-tính để cột buộc. Đôi khi, dựa vào mối thân-tình sẵn có, chúng
tôi đùa vui nói là hèn chi ông có làm cao lắm cũng chỉ đến Phó Giám-tỉnh chứ không
bao giờ “dám” tỉnh.
Lần đầu chúng tôi đến
căn nhà ở trong khu trại Bùi-phát thăm hai cụ thân-sinh của cha Phụng từ Hà-nội
vào là dịp người em trai út của ông vừa ở trại tù cải-tạo về. Khi cụ ông Vũ Thế
Hùng vừa giới-thiệu anh Vũ Đằng Giao, tôi buột miệng đọc câu văn trong bài tự Đằng-vương các của Vương Bột, danh-sĩ thời
nhà Đường bên Tầu: Đằng-giao khởi-phụng,
Mạnh học-sĩ chi từ tông (Giao-long vượt cao, phụng-hoàng nổi dậy; đó
là tài-hoa của Mạnh học-sĩ, ông tổ của từ chương - Trần Trọng San dịch) thì
cụ ông đọc ngay câu kế tiếp Tử-điện
thanh-sương, Vương tướng-quân chi võ-khố (tia chớp tía, hạt sương trong, đó là tiết-tháo của Vương tướng-quân).
Rồi sau những lời chào hỏi với hai cụ, với chị Phụng-Anh
và anh Giao xong, cụ ông trở lại ngay bài tự Đằng-vương các với thắc-mắc là xưa nay, câu được nhiều người coi như
tuyệt-bút trong bài văn viết theo thể “tự”
này là câu Lạc-hà dữ cô-vụ tề phi.
Thu-thuỷ cộng trường-thiên nhất sắc (Ráng chiều rơi và con cò cô độc cùng bay; nước sông mùa thu nhập với bầu trời
thành chung một mầu) mới phải chứ. Tôi thưa với cụ là vì thuộc cả bài nên vừa
nghe hai “tên tuổi” trong nhà thì nhớ đến và chắc không ra ngoài ý này. Cụ cuời
thay cho lời xác-nhận.
Thế là ngay trong buổi
sơ-kiến, nội-dung thăm hỏi thì ít mà cùng tâm-đắc về văn-chương đạo-học Đông-phương
thì nhiều. Tôi phải khai thêm lý-lịch là trước 30-4-1975 đã học Văn-chương Việt
Hán ở Đại-học Văn-khoa Sài-gòn như muốn gián-tiếp “khoe” với hai cụ cái nếp đào-tạo
của nền học-thuật tại Miền Nam Việt-Nam.
Từ đó, mỗi thời-gian
hai cụ ở Sài-gòn thì chúng tôi hay tới lui thăm hỏi và nghe chuyện văn-chương,
chuyện về chốn cũ người xưa của đất cố-đô. Trong câu chuyện, nếu như cha Phụng
có được nhắc đến thì cả hai cụ cũng chỉ dùng tên trống không để gọi… Phụng thế
này, Phụng thế nọ. Còn với chị Phụng-Anh
và anh Giao thì có thêm chữ “ông”.
Năm 1987, tôi có dịp ra
Hà-nội. Cả hai cụ niềm-nở chuyện trò khi tôi đến thăm và cụ ông ân-cần bảo tôi …“cô
đi vào Nam lúc còn quá nhỏ, cho nên bây giờ dù có thông-kim bác-cổ cũng chưa đủ
nếu không biết gì thêm về Thăng-long ngày trước. Tôi tình-nguyện làm người hướng-dẫn
cô đi ngược về cái thuở còn núi Nùng, sông Tô-lịch…”. Sáng sớm ngày hẹn, cụ từ đường
Trần Hưng Đạo đến đón tôi ở phố Hàng Ngang. Người chị dâu trưởng-tộc của gia-đình
tôi đem hết chút di-sản ngàn năm văn-vật trước 1954 còn rơi rớt lại ra dùng đón
cụ. Hai cụ con vừa ra khỏi nhà là cụ khen bà chị dâu tôi rối-rít. Tôi phụ-chú là
ở ga Hàng Cỏ có bao nhiêu băng nhóm và nói bao nhiêu thứ tiếng là chị con thông-thạo
hết đấy. Cụ nói bằng giọng xót-xa… “Xã-hội này nó bắt con người phải ra như thế
cô ạ. Tôi khen là chị ấy còn giữ được, chứ bây giờ người ta ứng-xử và giao-tế bằng
thứ ngôn-ngữ thô-lậu cứ như dân chợ búa thôi”…
Lần đó, tôi được cụ đưa
đi thăm chốn hành-cung ngày xưa của các vua nhà Lê là chùa Trấn-quốc hiện nay;
sang Trấn Võ để xem pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ đứng cao sừng-sững hơn ba mét
và cái gác ở ngay cổng vào, nhỏ như gác chuông của một ngôi chùa ở nhà quê mà cụ
bảo rằng đấy là cái lầu nơi đó các văn-nhân đồng thời ngồi nhìn ra Hồ Tây xướng
hoạ, ngâm vịnh. Vào vườn Bách-thảo đứng trên đỉnh núi Nùng bây giờ chỉ còn là cái
gò đất. Cụ cũng chỉ cho tôi khu trường Bưởi ngày trước là nơi có một đoạn sông
Tô-lịch đã bị lấp mất. Khi về lại trong Nam, tôi nói với cha Phụng “đường
gian-nan - nếu có - cha đã trải qua chưa
bằng gang tay so với những tháng năm hai cụ phải hoà vào nhịp sống của xã-hội
Miền Bắc mà tuyệt-đại đa-số đã mất gốc văn-hoá và đạo-học của thời hai cụ”.
Năm 2006, tôi còn được
gặp hai cụ thêm lần nữa ngoài Hà-nội, tại Thái-hà. Được cùng cụ đọc lại bài Thăng-long thành hoài-cổ của Bà Huyện
Thanh-quan với đá trơ gan cùng tuế nguyệt
…nước chau mặt với tang thương… và chỉ vạch cho tôi cái tên đường Cổ Ngư vô
nghĩa. Theo cụ, con đường gọi là đường Thanh Niên ngày nay, thuở xa xưa là một
lối mòn cỏ mọc kín đầu dẫn vào túp lều tranh của một ông già tên là Ngự, chuyên
cất vó cá. Người chung quanh vì kính ông cao tuổi nên gọi là cố Ngự. Khi con đường
đuợc mở rộng và nối dài ngăn đôi giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch thì vẫn còn giữ tên
cũ Cố Ngự nhưng lại bị đọc trại thành Cổ Ngư.
Các cha Cao Đình Trị
và Phạm Gia Thụy ngạc-nhiên thấy tôi thân với cha Phụng. Theo hai vị thì cách
nhìn sự việc của cha Phụng và tôi không giống nhau. Mà cũng đúng, tôi thấy ông
nhiều khi như hơi luộm-thuộm, ba phải; các lằn ranh nào ông cũng đứng giữa. Còn
ông thì phê tôi lúc nào cũng “jongler avec des concepts”. Tôi tự dịch ngay cho ông
nghe và giải-thích là dịch không cần hay hoặc chính-xác mà chỉ cần đúng ý của
người nói; đó là “nhảy như con loi-choi với các định-kiến”. Ông cũng bảo tôi rằng
chữ nghĩa rất hiền-hoà và vô-tư mà sao cô dùng nó thì cứ như những lưỡi dao, những
mũi kim sắc nhọn. Tôi trả lời là vì không đi tu, lại càng không phải một “rédemptorist”.
Có điều, tuy cứ mở miệng
là “đốp chát” nhưng tôi cũng nhận ra sự đáng quý nể nơi cha Phụng là cái tâm hiền-hoà,
cái tinh-thần khó nghèo và kiêm-ái trong nếp sống đơn-sơ cần thiết của một bậc
tu-trì. Quanh năm suốt tháng chỉ đi xe đạp. Nghe đâu cũng có lúc đeo đồng-hồ,
nhưng đã gỡ ra cho “đệ-tử” đem bán lấy tiền giúp người nghèo rồi không chịu đeo
lại, dù có nhiều người - trong đó có cả nhà tôi - cứ gạ-gẫm mua tặng cái khác.
Cha Trị cản đừng mua vì có đeo rồi cũng gỡ ra để đâu không biết hoặc thấy ai đó
than khổ thì cho ngay. Lễ thánh bổn-mạng không loan-báo rềnh-rang, ai có biết mà
mừng mà chúc thì nhẹ-nhàng cám ơn. Các dịp kỷ-niệm khấn dòng hay thụ-phong
linh-mục thì do nhà Dòng làm; còn bản-thân, như chị Phụng-Anh nói, là phải nhắc và bắt về nhà ăn cơm mới nhớ…
Linh-mục Cao Đình Trị
là người đã cho tôi nhận ra mối dây huynh-đệ đẹp lành và đầy liên-đới giữa anh
em Dòng Chúa Cứu-thế với nhau qua những chia sẻ của ông với tôi về cha Phụng. Một
buổi chiều đầu năm 1992, tôi gặp cha Trị trước giờ lễ chiều thì được báo tin “Phụng
mới bị đụng xe, đang nằm ở Trần Hưng Đạo”. Cái lối nói chuyện thân-tình này lúc
đầu tôi cũng hơi ngại vì vắng bóng những chữ “ngài” này, “ngài” nọ mà chỉ còn
chữ “ông ấy” thế vào. Rồi lâu dần tôi cũng bị nhiễm nên cũng quen tai và dùng rất
tự-nhiên. Song nếu như khi người khác, nhất là các giáo-dân ngoan đạo, nghe ăn
nói như vậy thì sẽ cho là “gở lạ”.
Tôi vào thăm thấy một
chân ông đang treo bằng sợi dây “cable”
nhỏ máng trên một bánh xe “rouleau”, đầu kia là một khối nặng nằm kênh trên sàn
nhà. Y-tá giải-thích vì lúc chân bị cán lên thì chỗ xương gẫy đã chồng lên
nhau, giờ phải kéo từ-từ cho ăn khớp lại rồi mới mổ ra bắt vít bắt ốc. Tôi chào
“Tại đi nhiều quá nên Chúa tạm treo chân thôi” và ông cười theo cái tính mà nhà
tôi gọi là “xem nhẹ các sự thế-gian” trả lời “Người chỉ bẻ nhẹ một chân thì chưa
chừa được”. Tâm-linh cũng là thế đấy.
Năm 2008, giữa lúc Thái-hà
đang sáng rực ánh nến công-lý, tôi ghé nhà Kỳ-đồng gặp cha Cao Đình Trị, xin được phỏng-vấn
linh-mục Giám-tỉnh Phạm Trung Thành và linh-mục Vũ Khởi Phụng khi ấy đã ra Hà-nội
làm Bề-trên tu-viện Thái-hà. Sau gần 10 năm không gặp mà cha Trị vẫn cứ cách xưng
hô vui-vẻ ngày trước thường dùng “Xếp ở đâu về và về bao giờ vậy”. Trong khi chờ
cha Giám-tỉnh Phạm Trung Thành từ trên lầu xuống, câu chuyện hàn-huyên nhanh gọn
và về Thái-hà: “Sao lại đưa “ngài” ra đấy vào giữa lúc này, Chúa có lầm không và
anh em có hại nhau không vậy”. Cha Trị cười bảo “…có vậy mới phải chịu khó làm việc nghiêm-túc và theo nguyên-tắc
đi, để sử-dụng cho hết những cái xưa nay được đánh giá là giỏi-giang, uyên-bác,
thâm-trầm và khôn-ngoan trước khi chết chứ…”
Đêm Giáng-sinh năm
2011, tôi đến Thái-hà nghe Thánh-ca và dự lễ đêm. Tôi cứ đứng chù-chừ không biết
làm sao chen vào trước một rừng người dầy đặc ngay từ đường lớn dẫn vào bệnh-viện
Đống-đa và chật cả khu sân rộng trước Tu-viện. Cuối cùng phải liên-lạc với Nguyễn
Hữu Vinh để được dẫn vào qua lòng nhà thờ, xuyên ngang phòng áo rồi từ đấy ra phía
sau sân khấu mà xuống chỗ cộng-đoàn đang ngồi. Cha Phụng đứng lên đón rồi chỉ cho tôi vào ghế trống ngay phía sau ông
mà ai đó đã nhường cho. Tới cuối buổi trình-diễn Thánh-ca, ông lên nói lời kết-thúc
và không quên có lời chào mừng “khách quý”. Ngày hôm sau tôi trở lại Tu-viện định
chào để ra phi-trường vào Sài-gòn thì cha Phượng cho biết ông đi dâng lễ ở một
nhà dòng nữ nào đó. Và lần cuối cùng nói chuyện với ông là khi gọi điện-thoại từ
Sài-gòn ra chào để về Úc.
Và bây giờ, tin ông mất
đã làm bao hồi-ức kéo về để rồi một mảnh trời kỷ-niệm được mở ra và sẽ dần-dần khép
lại.
Cha kính
Giờ này, xác-thể cha
đã tan thành tro than, đã trở về với mớ cát bụi tuyệt-vời từ nguyên-thủy; song con
tin rằng làn hơi thần-khí đã hà vào cho chúng ta thành thân-phận thì vẫn còn đó
và đang bay gần về cõi phúc trường sinh.
Hoặc giả như người xưa quan niệm “thác là
thể phách, còn là tinh-anh” thì trong cái tinh-anh ấy đang hoà theo khí thiêng
trời đất, khí thiêng sông núi, mong rằng cha vẫn không ngừng nài xin ơn Người phù-trợ
cho anh em, cho Giáo-hội, cho Quê-hương, cho khí-phách phượng-hoàng bền vững nơi
hết thảy anh em mình. Cho đến một ngày không còn những cái mà theo cách một người
anh em Phan-sinh của chúng ta là linh-mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh đã gọi là những
con gà mái đủ mầu đỏ, tím, đen.
Vĩnh biệt…
No comments:
Post a Comment