Thursday, 17 March 2016

Nguyễn Hoàng Phương : Lm Vũ KHởi Phụng vừa nghỉ giấc bình an




Từ năm 1975 đến năm 2013, tôi dẫn dắt nhiều ca đoàn. Khởi đầu là CUNG CHIỀU ( Trung Tâm Đắc Lộ, Yên Đổ ), rồi đến TÂM CA ( Nhà Nguyện Regina Mundi ), DẤN THÂN ( Nhà Thờ Phanxicô Đakao ), LANG THANG ( Nhà Thờ DCCT ), BÊ-LINH ( Nhà Thờ Tân Định ), và sau cùng, tại Nhà Thờ Mạc-Ty-Nho, chúng tôi lấy lại tên ban đầu là TRÙNG DƯƠNG. Mỗi ca đoàn mỗi vẻ mỗi sắc thái tùy thuộc vào hoàn cảnh khách quan lúc bấy giờ, khi mà đất nước vừa trải qua một cuộc thay đổi kinh khủng, và những năm tháng sau đó tiếp tục là những biến đổi quan trọng. ( Ảnh chụp cha VKP đứng hát chung với ca đoàn Trùng Dương năm 2010 trong dịp mừng cha 70 tuổi ).
Cha VKP đến với chúng tôi trong giai đoạn Lang Thang. ( từ đoạn này, xin cho tôi được phép gọi Ngài như cách chúng tôi thường thân mật gọi ngài là VKP, biệt danh Vít Vồ ).
Khi ấy, tôi đang dẫn dắt cùng lúc 2 ca đoàn Tâm Ca và Dấn Thân, với ý định dành cho mỗi ca đoàn 1 năm để củng cố cho họ về kỹ thuật ( 2 ca đoàn này không do tôi thành lập ). Khi sắp hoàn thành nhiệm vụ, sửa soạn chuyển giao cho Ca Trưởng kế nhiệm thì năm 1978 có người rủ tôi về DCCT hoạt động. Nghe tên DCCT thì tôi ưng ngay vì "ân sư" của tôi, Ca Trưởng Trần Văn Quý, vốn xuất thân từ nơi này.
Tại DCCT, chúng tôi là một nhóm độc lập, không tùy thuộc vào Nhà Thờ, cũng không chịu sự quản lý của Ban Hành Giáo. Chúng tôi hoạt động độc lập, và tập hát tại tòa báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nơi có văn phòng của VKP. Với uy tín của người đứng đầu là VKP, anh em dần dần quy tụ, một số đông là các Ca Trưởng tại nhiều nơi, đến với Lang Thang để tìm hiểu thêm về kỹ thuật. Lang Thang chuyên hát hợp xướng 4 bè và là ca đoàn duy nhất tôi dẫn dắt không có mục tập bè. Bài hát được in ra, một bản của ca đoàn, một bản phát cho ca viên. Khi gặp nhau, chỉ việc ráp thôi. Trình độ nhạc lý của số đông ca viên tương đối khá, vì thế chúng tôi tập rất nhanh.
Lang Thang cũng là ca đoàn có sự điều hành với tinh thần tập thể khá cao, với những tay nòng cốt như Đinh Hoài Ngọc, Trần Ngữ... đứng đầu về tinh thần bởi VKP. Mọi hoạt động đều được bàn bạc kỹ lưỡng, phân chia nhiệm vụ rõ ràng, vì thời gian đó tình hình rất là "nhạy cảm", sơ sẩy thì rất dễ đi tu-chùa-huyền. ( Ảnh chụp ca trưởng Hoàng Hương điều khiển một bài hợp xướng do cha VKP đặt lời Việt ).
Ban đầu, tôi cho anh em hát với các bài bản của Trùng Dương để lại. Để tìm cách thay đổi không khí, có một hôm, tôi đưa cho VKP một bài tân nhạc của Aimé Duval nhờ cha viết lời Việt. Cha viết rất nhanh và hay không ngờ. Tôi bèn đưa bài này cho thầy Vũ Văn Tuynh hòa âm. Bài này có mang âm hưởng jazz, quá hợp với Vũ Văn Tuynh. Và thế là bài đầu tiên, mang số hiệu Lang Thang 01, ra đời với tựa đề LANG THANG TRONG CHIỀU, lời việt của VKP. Bài này được ca viên đón nhận một cách thích thú vì nó rất khác style Thánh Ca mà anh em thường hát.
Thừa thắng xông lên, tôi đưa VKP lần lượt thêm nhiều bài khác. Đúng lúc Ngài đang cao hứng, thế là repertoires của Lang Thang ngày càng thêm phong phú với lời việt của VKP viết cho các tác phẩm kinh điển như LÒNG TRỜI ( cổ ca Ái Nhĩ Lan, hòa âm Vũ Văn Tuynh ), TA LẠI ĐƯỢC THẤY NGƯỜI ( Pie Pelicane ), AVE MARIA ( J. Arcadelt ), AVE MARIA ( khuyết danh ), các bài về Mùa Vọng và Giáng Sinh như CHÚA ĐÃ GẦN BÊN ( bình ca thế kỷ 13 ), THEO ÁNH SAO, các bài về Mùa Chay và Phục Sinh như GIỜ THẬP GIÁ với hòa âm của Hồ Đăng Tín, XIN DÂNG LÊN CHÚA, rồi các tác phẩm của J.S. Bach như NGƯỚC TRÔNG LÊN NGƯỜI, CHÚA ĐÃ THƯƠNG TA, THÁNH DANH SIÊU VỜI, NGƯỜI ĐÃ ĐẾN, XÁC THÂN LÀM BÁNH, SỚM MAI PHỤC SINH, các bài Thánh ca Da Đen ( Negro Spirituals ) như MONG CHỜ YESU, NGUỒN THẦN LINH. Ngoài ra còn có NHÀ CHÚA CHÚNG TA, AVE VERUM CORPUS ( W.A. Mozart ). Lời ca của VKP đặc biệt rất hợp với các tác phẩm cổ điển của J.S. Bach. Chính những bài này với lời của VKP đã tạo nên một nền tảng rất đặc thù cho Lang Thang, khiến cho Lang Thang không giống với bất cứ một ca đoàn nào khác.
Thời gian Lang Thang đóng đô tại DCCT là thời gian mà VKP làm cho bài bản của Lang Thang phong phú nhất. VKP cũng viết một số bài khác không dành cho Lang Thang như TIN VUI NƯỚC TRỜI, NGỢI CA AN PHONG, MẸ LÀ NIỀM HY VỌNG, CHÚA LÀ CÂY ĐÀN, NGHĨA NẶNG TÌNH SÂU ( hai bài này VKP viết chung với Cha Tiến Lộc ) và có lẽ còn một số bài khác mà chúng tôi không sưu tầm được.
Với số vốn này trong tay, và với khả năng kỹ thuật khá tốt của số đông ca viên, Lang Thang phát triển thêm một cách mạnh mẽ các dòng nhạc khác, từ Negro Spirituals, cổ điển Tây phương, cho đến các làn điệu dân ca Việt Nam như Tây nguyên, ca trù... Lang Thang chấp nhận tất cả, miễn là bài hát có ý nghĩa, hòa âm tốt, giai điệu hay.
Ngay từ khi vừa thành lập, Lang Thang đã dám đứng ra tổ chức một cuộc tranh tài thể thao về nhiều môn, từ bóng đá, bóng ném, bóng rổ, bóng bàn, quy tụ nhiều ca đoàn và tập thể, và nhân giải World Cup 1978 tại Argentina, chúng tôi đặt tên cho giải của chúng tôi là Bêlem 78 vì diễn ra vào cuối năm. Nhân dịp này chúng tôi cũng mạo hiểm tổ chức trò chơi lớn ( grand jeu ) theo kiểu Hướng Đạo ở Mai Thôn.
Với sự cố vấn của VKP, tại DCCT Lang Thang dựng cả một vài vở kịch vui ( chỉ diễn cho nội bộ xem thôi ) dựa trên tác phẩm Le Petit Monde de Don Camillo, có vở về ông Cha mê đá banh, rồi đám cưới "giả bộ" ở Mai Thôn, để lại biết bao kỷ niệm.
Lang Thang cũng sẵn lòng "lang thang" đến những nơi hẻo lánh, bị bỏ quên, các khu kinh tế mới, các nhà thờ nơi hẻo lánh, nhằm mang Thánh ca đến với anh em nghèo. Có thể kể đến khu kinh tế mới Lê Minh Xuân, Kinh Điều ( Bến Tre ), Tân Quý Đông ( Nhà Bè ), trại phong Thanh Bình ( Thủ Thiêm ), trại phong Bến Sắn, và nhiều nhiều nữa, nhớ không xuể. Cứ xe đạp cọc cạch mà lê, nhiều khi phải 2 người 1 xe, thay nhau đạp. VKP cũng phải đạp như mọi người. Có lẽ đó là cái "mầm" cho Trùng Dương sau này nối tiếp với bước chân lang thang qua trại phong Di Linh ( Lâm Đồng ), Núi Sạn ( Nha Trang )...
Nhưng rồi nhà nước xiết chặt vòng kim cô nơi các tập thể tôn giáo. Họ đòi hỏi các ca đoàn phải đăng ký, có phép mới được hát, lập danh sách ca viên, ai ở xứ nào hát tại xứ đó, và thế là Lang Thang hết đất cắm dùi. Đành phải ra đi. VKP cũng không che chở được.
Thời may có Cha Bùi Quang Diệm, cũng DCCT, Cha Sở một nhà thờ nhỏ ở xứ Fatima trong khu hẻo lánh tối um mà chúng tôi gọi đùa là Mascova By Night. Ngài cho chúng tôi về tá túc một thời gian. Chúng tôi vẫn lang thang, nhưng gặp nhiều khó khăn hơn trước. Rồi sau cùng, năm 1982, Lang Thang được Cha Sở Tân Định Phan Văn Thăm gọi về. Trong giai đoạn mới này, thấy rằng việc lang thang không còn thích hợp nữa, nên chúng tôi nhận lời "định cư" tại Tân Định.
Sau khi rời DCCT, vai trò của VKP trong ca đoàn chúng tôi không còn rõ rệt như trước vì Ngài cũng đa đoan công việc. Mặc dù thế, giữa chúng tôi và VKP vẫn luôn có sợi giây liên kết chặt chẽ. Những ngày sôi nổi của Thái Hà, chúng tôi đã gửi ra cho Ngài và Thái Hà đĩa nhạc ĐƯỜNG HY VỌNG nhằm ủng hộ tinh thần cho cuộc tranh đấu đầy chính nghĩa của Thái Hà. Video clip quay cảnh các chiến sĩ Thái Hà, hàng ngũ nghiêm chỉnh, hiên ngang cầm cành thiên tuế ra tòa án ở Hà Nội, được thực hiện với nền nhạc chính là bài Đường Hy Vọng của chúng tôi. Một đĩa khác cũng được gửi cho Đức Tổng Ngô Quang Kiệt trong cuộc chiến Tòa Khâm Sứ.
Thời gian Lang Thang ở DCCT không lâu, chỉ từ 1978 đến 1981, nhưng đã để lại những dấu ấn hết sức tích cực, và dấu ấn sâu đậm nhất chính là dấu ấn của VKP. Chúng tôi luôn ghi tâm khắc cốt những gì VKP đã làm cho chúng tôi, cho anh em nghèo, cho những kẻ bất hạnh, cho Giáo Hội.
Nay Ngài nằm xuống, hoàn thành nhiệm vụ, thênh thang về Quê Trời.
Cha VKP ơi, Rest In Peace.
NGUYỄN HOÀNG HƯƠNG, Westminster, tháng 3.2016

No comments: