Saturday 19 March 2016

Diệu Vân : 10 KINH LẠY CHA CHO BỐ PHỤNG




10. Lần cuối con gặp và nói chuyện với bố là năm 2009 ở Nhà Thờ Nam Đồng, Thái Hà, Hà Nội. Hồi đó con dẫn bạn trai đi thăm coi có yêu mến Việt Nam không thì mới… cưới. Khuôn viên yên bình xưa của Tu Viện không còn. Lúc bước vô con tưởng đó là công trường xây dựng, đặc biệt có người canh gác. Lễ xong bố con vui mừng trò chuyện mà con chẳng được thoải mái vì không khí ngột ngạt bởi cái ông đeo kính đen nón cối, mặc đồ bộ đội, ngồi ghế ngang nhiên trong sân Nhà Thờ. Bố vẫn ung dung tự tại, các bà các cô đi lễ vẫn áo dài ríu rít... Tới bây giờ con vẫn còn bị ám ảnh cái mặt trâng trâng đeo kính râm.
9. Khoảng thời gian 1998-2002 khi làm phóng viên, biên tập viên cho tạp chí Thế Giới Phụ Nữ, mỗi lần con hỏi "Bố có đề tài gì hay không" thì thế nào mắt bố cũng ánh lên tươi cười, rồi nhẩn nha "có chuyện này, "hay là viết về..." Con người bố luôn dồi dào chất sống. "Sôi sục" thì không phải, nghe hơi dữ dội. Bố sống như một dòng chảy cuồn cuộn thì đúng hơn. Bố bắc cầu. Bố nối kết. Bố truyền cảm hứng.
Một trong những cầu nối ngày đó là cô phóng viên từ Sàigòn theo một nhóm các bác sĩ người Hà Nội ( nhóm anh Khoát ) đi khám chữa bệnh từ thiện. Về tòa soạn viết một mạch về ấn tượng gian khó trên con đường khổ nạn và hai bé bệnh da. Sếp đọc một lèo, không sửa một chữ. Phóng sự hai chị em bé Mai và Mơ bị bệnh da bẩm sinh, tuy không hề có lời kêu gọi giúp đỡ nào mà bạn đọc cứ gửi tiền về "ép" tòa soạn. Sếp quyết định phải theo bạn đọc. Hai chị em được đưa vô Sàigòn chữa trị... Chẳng phải đó cũng là hoa quả người nghèo từ tay bố sao !
8. Một nhịp cầu khác: bố và con và cô Nhâm ( ở đường Trần Nhân Tông ) đi thăm mẹ của bố, một bà cụ đẹp lão. Sau đó bố gửi con đi với cô Nhâm vô Thanh Hóa thăm em Ngọc Lan, một cô bé gia cảnh nghèo, bị liệt tay, có tài viết văn. Chuyến về đi suốt đêm mệt mỏi mà còn không quên vì bị lừa: Còn cách Hà Nội cả bốn mươi cây số, trời tối mù, trên xe còn gần chục khách, có cả một anh thương binh đi phải chống nạng, vậy mà tài xế nói xuống xe nghỉ ngơi, đổ xăng, rồi khi nhúm khách mỏi mệt đang vặn vẹo thư giãn thì nghe lịch bịch, lịch bịch. Họ vất hành lý xuống xe rồi chạy mất, không chở vô tới Hà Nội như thỏa thuận khi mua vé. Thiệt tức giận và bất lực ! Giữa đêm đen, khách chửi dân Thanh Hóa lừa đảo. Mình an ủi Thanh Hóa còn sinh ra Ngọc Lan, sinh ra bố Phụng. Sau này bố báo tin em Ngọc Lan được đi học Trường Viết Văn Nguyễn Du.
7. Trong một chuyến "Bắc Trung Nam", bố dẫn đi thăm Nhà Thờ Phát Diệm, kể chuyện cụ Sáu Trần Lục không có bằng kỹ sư hay kiến trúc, mà xây quần thể Nhà Thờ trên vùng đất lún sình lầy. Con nhớ mãi cái chuông Nhà Thờ ở đó, theo thời tiết bốn mùa mà gõ chuông bốn hướng khác nhau, để tiếng chuông được vang đi xa nhất.
Ấn tượng nữa là không khí hòa đồng thoải mái trong Tòa Giám Mục Phát Diệm. Trong phòng ăn lớn, mọi người ngồi ăn chung, đạm bạc và vui vẻ, có các cha, các chú, khách và Giám Mục. 
Câu chuyện "trái sầu riêng miền Nam" được kể ở đây. Rằng khách phương Nam yêu quý mang sầu riêng tặng Đức Cha. Ngài nhanh nhẹn tặng các Linh Mục. Các cha chuyền ngay cho các chú. Các chú đưa xuống nhà bếp. Cuối cùng bếp mang để ngoài sân mà vẫn chưa khui. Khách phương Nam ngỡ họ còn ưu ái để tặng ai, chứ không biết rằng mùi sầu riêng làm kinh sợ phương Bắc !
Bố cũng thu xếp để mọi người được thăm Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng ở Hà Nội. Nhưng ấn tượng hơn vẫn là nghe Quan Họ Bắc Ninh, và thăm vị Linh Mục hiền lành theo Chúa nhẹ tênh theo cả nghĩa đen, vì ngài chỉ cân nặng 38kg, cha Tảo. Cha cười hiền khô, ai muốn bế thử thì cha cho… bồng thử cho biết. Nhưng ngài là vị chủ chăn tài giỏi, vì khan hiếm Linh Mục, phải trông coi một vùng rộng lớn hơn nhiều so với các cha trong thành phố lớn.
6. Con ở phòng cho khách trong Nhà Dòng, nhớ mãi cha Hiên, vị chủ nhà nhỏ nhẹ, hiền lành... Tối cuối tuần đi theo mấy chú tham dự sinh hoạt các nhóm Sinh Viên Công Giáo.
Một hôm bố bảo có chỗ này hay lắm, cách Hà Nội 5km đường chim bay mà năm 2000 chưa có điện, và nhờ hai chú tập tu dẫn con đi Quèn Gianh, còn giải thích thêm: có lẽ tên "Quèn Gianh" là do vùng đấy xưa mọc toàn cỏ tranh.
Lần đầu tiên trong đời mình thấy con sơn dương ( con dê núi ) là ở Quèn Gianh, tụi nó trèo leo trên núi đá ăn cỏ, rất khéo léo trên địa hình chông chênh. Muốn vô làng phải có người chèo thuyền chở. Sông núi cảnh đẹp hữu tình, nhưng điều kiện sống của dân làng rất thấp. Một em gái nói với mình, xin lỗi, viết thẳng cho dễ hiểu, rằng em tới ngày có kinh thì không có băng vệ sinh để dùng. Nước sạch không có.
Không biết bây giờ, 2016, Quèn Gianh ra sao ?
5. Huế có lẽ là nơi đầu tiên ở Việt Nam có người hiến đất để chôn cho các thai nhi. Bố dẫn đến nghĩa trang các thánh anh hài. Các bạn Huế kể cho nghe và chỉ cho thấy hoạt động của nhóm Bảo Vệ Sự Sống ở đây. Nếu trong đời ai đó cũng có vài chuyện ghê rợn để kể thì mình hay kể "chuyện ma" sau đây, là chuyện thực:
Mỗi khi biết có một thai nhi bị tống ra khỏi bụng mẹ, bác sĩ hoặc y tá trong nhóm sẽ gọi, cho "địa chỉ" để mấy anh chị em BVSS đến đúng chỗ mà nhận bé mang đi chôn. Nhóm BVSS Huế có ni cô, ma xơ, bác sĩ, nông dân, sinh viên... Anh Hiếu, giọng Huế rặt, kể là anh hay mang cái hũ sành đựng xác thai nhi bơi qua sông, đến ngọn đồi dành riêng ấy, đọc kinh cầu nguyện và chôn xuống đất. 
Hôm ấy người mang thai nhi đi chôn là một chị đạo Phật. Khi đã đặt hũ sành xuống đất, chị nghe tiếng lạch cạch, lạch cạch. Hết hồn nhìn quanh, tưởng ma, chị nhắm mắt niệm Phật chăm chú hơn, cầu siêu cho thai nhi như vẫn làm trước khi chôn. Mở mắt ra, vẫn nghe tiếng lạch cạch. Nhìn xuống hũ sành, chị thấy nắp hũ động đậy và tiếng lạch cạch phát ra từ đó. Chị tức tốc ôm hũ quay lại bệnh viện. Các bác sĩ nói "em bé đã quay lại với chúng tôi thì chúng tôi phải làm hết sức để cứu em..."
Em sống ! Em được các ni cô nuôi trong chùa. Năm đó, khi nhóm "Bắc Trung Nam" đang ở Huế thì em hơn ba tuổi, các ni cô nói mặt mũi em đẹp và tươi sáng như mặt Phật. Phóng sự ở Huế của mình đã xong layout, chị Tổng Biên Tập ở Hà Nội hôm đó duyệt bài trong Sàigòn, không cho bài đi, bảo "nước mình làm gì có những chuyện như này" !
4. Đông người đi với nhau nhiều ngày bằng đủ loại tàu xe, nhưng chưa bao giờ bố to tiếng hay nổi giận. Về miền Tây ngọt ngào cây trái, bố đi tới vùng nào nói chuyện sử địa vùng đấy, trên ghe cũng như xe đò. Đặc biệt bố thích kể và dẫn đi thăm di tích các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Mới đây, một chị họa sĩ có tâm có tài, nhờ tìm người rành về các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Mình nói chị đến thăm bố ở Kỳ Đồng đi, nhanh nhanh lên, bố còn minh mẫn lắm. Bố mà đi rồi là mất cả kho sử sống động về các Thánh Tử Đạo đó. Không biết chị ấy đã kịp gặp bố chưa ?
3. Những năm 1997-1998, lễ nhóm Sinh Viên Công Giáo đông 200-300 người, những dịp lễ lớn trên hội trường lầu ba ở Kỳ Đồng thì 400-500. Thời đó như vậy là đông lắm. Bài hát, vũ điệu học hỏi của cha Tiến Lộc, thầy Quang Uy, sinh hoạt nhóm, linh thao v.v… hiển nhiên là hấp dẫn hơn... sinh hoạt Đoàn. Cho nên khi không khí chuẩn bị lễ ra trường năm 1998 đang vui như hội thì một tuần trước đó, trong Thánh Lễ ở phòng Nhóm tại hội trường lầu một của Nhà Hiệp Nhất B, bố buồn bã thông báo: Bố bị ép trong thế phải chọn lựa Nhà Dòng hay nhóm sinh viên !
Nhóm sửng sốt, buồn. Để ngăn nước mắt, anh Kỳ cầm ghi ta và nhóm hát "này bạn thân ơi, bạn đã đến... chia tay hôm nay nguyện bình an đến với nhau..."
2. Nhưng nhóm không chết mà còn lớn mạnh và phong phú hơn. Từ tập trung một chỗ ở Kỳ Đồng, nay Nhóm chia về sinh hoạt theo các khối ở 6 địa điểm khác nhau, được nhiều người cưu mang hơn. Khi có lễ lớn thì tập trung ở Tân Định, Mạc Ty Nho... Chuyện hơi giống các Kitô hữu thời đầu, sau khi bị bắt bớ đập tan thì các mầm sống tung đi nhiều nơi, Diaspora, Hội Thánh trở nên lớn mạnh hơn.
Và bố vẫn luôn dõi theo, giúp đỡ. Ấn tượng nhất là bố chịu chơi, đến dâng Thánh Lễ đêm cho nhóm trong rừng Nam Cát Tiên. Lửa trại bập bùng, tí tách. Trời đầy sao. Đêm đen tĩnh mịch. Cha con sốt sắng. Bố hát cao và hay. Đó là một Thánh Lễ tuyệt vời.
1. Đọng lại luôn mãi là hình ảnh sống động trong lòng nhiều người: Bố Vũ Khởi Phụng, dáng người cao lớn, ăn mặc đơn sơ. Bố vui tươi, hóm hỉnh. Bài giảng của bố sâu sắc mà dễ hiểu. Tài viết văn cũng không hổ danh là một người mang tên Thánh Mátthêu ( nghĩa tiếng Việt là Thiên Ân ).
Bố chia lửa, chia nhiệt huyết. Có việc chạy đến bố là bố động viên, tìm cách, tìm người giúp đỡ. 
Nếu các Tu Sĩ thích cha Phụng giảng thần học sâu sắc, thì Giáo Dân như con mê bố với các chuyến đi phượt Bắc Trung Nam nhiều ơn ích.
Giờ bố đã dừng bước giang hồ, "người lang thang đã về tới nhà". Con nghĩ đến bố, đọc 10 kinh Lạy Cha và nhớ 10 chuyện này. Bố nhớ cầu cho chúng con mạnh sức trên đường về Nhà Cha, nha bố !
DIỆU VÂN, Munich, tháng 3.2016

No comments: