Người ta chỉ đòi loại trừ những kẻ gian ác xấu xa và nguy hiểm cho xã
hội. Ngay cả khi một kẻ nào đó đáng bị loại trừ thật, người ta cũng không được
quyền đòi giết kẻ ấy. Đã có pháp luật xử lý và lương tâm chung của xã hội xét
đoán.
Người ta
chỉ dùng những từ ngữ xấu cho người không có nhân cách, sống người không ra
người. Cho nên những người nào bị xã hội “căm phẫn thói đạo đức giả, căm phẫn
tâm địa đen tối và mờ ám” thì những người đó hẳn là đã bị loại ra ngoài vòng
pháp luật. ( Ảnh
cha Phụng chỉ tay về phía Tu Viện DCCT Hà Nội đã bị Nhà Nước lấy làm Bệnh Viện
Đống Đa sau biến cố 1954 ).
Rồi còn
những người bị lên án là “bất hợp tác, quay quắt và tráo trở” thì sao ? Hẳn họ
là người ít học hoặc có học mà không có đức, chẳng theo nguyên tắc luân lý hay
tôn giáo nào, và chắc chắn là gây nguy hiểm cho xã hội.
Lẽ thường
là như thế, và thói đời là như thế !
Nhưng đã
có một con người bị đám đông hò hét đòi giết chết lúc nửa đêm, đã có một con
người bị báo chí, phát thanh, truyền hình chửi bới, lăng mạ rồi còn dùng những
từ ngữ báng bổ nhất như thế để kết án, đã có một con người bị những kẻ tự nhận
mình là có học ấy coi như phường… vô học !
Mà lạ lùng lắm, khi con người ấy vừa nằm xuống thì lại có bao nhiêu bài
viết ca ngợi tài năng, công đức và nhân cách được đăng tải trên vô số những
trang web uy tín nhất trong nước và cả ngoài nước. Khi con người ấy vừa từ giã
cõi đời thì mọi tầng lớp trong xã hội đổ ra không biết bao nhiêu nước mắt và ca
tụng bằng không biết bao nhiêu lời. Khi con người ấy hoàn tất cuộc hành trình
dương thế, thì từ người dân nhỏ bé, oan ức cho đến những bậc cao trọng các tôn
giáo, các lãnh sự quán, các giáo sư đầu ngành phải nghiêng mình tiếc thương.
Khi con người ấy chuẩn bị đến nơi an nghỉ, thì những vành khăn tang bao phủ
hàng ngàn mái đầu, làm trắng cả Thánh Đuờng và trắng cả những quãng đường
thương khóc. Thử hỏi trên đất nước này, trong xã hội này mấy ai được như thế,
nhất là kẻ có chức có quyền ?
Con người
đã chạm đến rất nhiều trái tim đồng lọai, khơi lên bao tâm tình cao cả và
truyền lửa tình người cho nhân gian ấy là ai vậy ? Con người làm nhiều tâm hồn
vươn lên, bay cao ấy là ai vậy ? Con người không ép buộc ai mà nhiều người vẫn muốn
quấn vành khăn tang nhớ ơn ấy là ai vậy ?
Và đám
đông điên cuồng chửi bới người là ai, chiếm bao nhiêu phần trăm xã hội ? Rồi
động lực nào, ý đồ nào nằm đàng sau những lời lẽ ghê gớm đầy mùi diêm sinh của
địa ngục ấy ? Và Satan đã nói gì với họ trong tiếng gió gầm rú của những đêm
đông năm Mậu Tý âm lịch cách đây tám năm ?
Những lời ca tụng dành cho Bố Mátthêu Vũ Khởi Phụng bây giờ là tấm gương
cho người còn sống. Những lời rất thật của một bậc chân tu tài đức như của Đức
Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt nói Bố là “một nhân cách trổi vượt, một trí
tuệ uyên bác, một Linh Mục thánh thiện” và hàng triệu con chữ khác là dành cho
người ở lại để nhớ đến và theo gương Bố. Còn Bố thì đã đi xa, rất xa và rất
cao…
Những giọt
nước mắt đổ xuống rồi, những bài giảng hùng hồn dành cho Bố, nói về Bố cũng bay
lên rồi, ngày dài tháng rộng trước mắt, chỗ của Bố rồi cũng có người thay thế.
Nhưng có một điều sẽ ở lại và còn đi với nhân gian cho đến ngày gặp lại Bố, ấy
là vị trí của một Con Người mà Chúa muốn đặt vào giữa thế giới này để làm chứng
cho Tin Mừng bằng chính nhân cách, trí tuệ và lòng đạo đức.
Và nếu Bố phải và sẽ
còn sống mãi với lòng người, thì những tiếng tà gian phải câm đi. Chắc chắn
những kẻ mở miệng thốt ra lời xảo quyệt độc địa ngày nào bây giờ có người chẳng
còn ở vị trí cũ, lên hay xuống cũng là lẽ thường, còn hay mất cũng là chuyện tự
nhiên. Dù vậy có một lẽ cũng thường hằng, ấy là chúng ta tin trong số đó có kẻ
đã hồi tâm và đấm ngực sám hối. Biết đâu trong dòng người trắng khăn tang vào
viếng Bố, có những trái tim thổn thức ăn năn vì lời ngông cuồng thốt ra ngày ấy
vì miếng cơm manh áo.
Bố ơi, khi con muốn khóc vì thương nhớ Bố, con lại thấy Bố cười trêu
con, Bố vẫn cười như thế nhiều thập niên qua, lúc Bố vui nhiều hay vui ít cũng
thế ( con nghĩ chẳng có khi nào Bố buồn ). Con nhớ có một lần khi các em sinh
viên yêu cầu cựu sinh viên chúng con trình bày một tiết mục văn nghệ trong buổi
họp truyền thống. Tụi con kéo lại với nhau và con phân vai lên diễn kịch ngay
tại chỗ, con chỉ nói ý chính vở kịch rồi mạnh ai nấy diễn. Trong vở kịch mà con
“chế biến” tại chỗ ấy, có một câu mà một bác sĩ trẻ đóng vai Bố nói như thế
này: “Con ơi, Bố đi tu đâu có biết gì chuyện ngoài đời đâu”. Mọi người xem cười
vui vẻ.
Sau buổi họp mặt, Bố nói với con: “Bố biết cái đó là do Vinh đạo diễn !”
Và bố con cùng cười. Nhưng đúng là oan cho con Bố ạ, cái đó là do anh bác sĩ ấy
“cương” trên sân khấu, con chỉ biết há hốc miệng vì bất ngờ !
Vâng Bố
ơi, Bố đi tu cho Chúa và cho cuộc đời nên Bố biết cuộc đời như thế nào. Bố
không chỉ biết, Bố còn hiểu sâu về lẽ đời và sự đời. Bố không chỉ hiểu mà Bố
còn đồng cảm, hơn nữa, thấu cảm với con người và cuộc sống. Bố không chỉ thấu
cảm, mà Bố còn hòa vào trong đó, để “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ
tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi
lầm” như lời Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô.
Bố ra đi
rồi, trần gian vắng một “Giọt Nắng Giọt Mưa”. Nơi lạnh lẽo thiếu giọt nắng, nơi
khô cằn mất giọt mưa. Mà Bố vẫn cười sao Bố, Bố vui lắm hở Bố, con muốn khóc
lên được mà Bố. Bố nhẹ nhàng ra đi. Tối qua bé Samuel trách chúng con: “Sao
Daddy và Mommy không đưa con vào thăm Ông trước ngày Ông đi”. Chúng con nói vì
con trai bận đi học, nhưng bé vẫn không vui. Từ người lớn đến trẻ con đều cảm
được thế nào là xa Bố Mátthêu. Mà Bố vẫn nụ cười ấy…
Bố đi bình
an. Bên lòng Chúa Giêsu, Bố đang cầu xin cho nhiều người, trong đó có nhóm con
cái thân yêu của Bố. Con tin rằng “Giọt Nắng Giọt Mưa” thiêng liêng còn đổ
xuống trên nhân gian để “bạt núi đồi, lấp hố sâu và uốn đường quanh co”.
Thế gian này rồi sẽ đi qua. Thánh nhân đi qua, kẻ gian hùng cũng đi qua.
Người tài năng xuất chúng như sao trời đi qua và kẻ bé nhỏ nhất cũng đi qua. Bố
đã đi qua cuộc đời này một cách nhẹ nhàng nhưng để lại quá nhiều dấu ấn. Còn
những kẻ lê trái tim gian tà đi qua thì chẳng để lại gì.
Cuộc đời của Bố với những sự kiện gần như lịch sử là một bài học, rất dễ
học và dễ nhớ. Xin tạ ơn Chúa vì Chúa đã gửi Bố vào trần gian làm một vị Mục Tử
đàng hoàng đĩnh đạc đi qua cửa chính mà vào chuồng chiên, và khi ra đi, Bố vẫn
như còn đứng giảng dạy Lẽ Sống cho nhân gian, cho cuộc đời này…
No comments:
Post a Comment