Sunday 2 August 2015

Lm Vĩnh Sang DCCT Thiên tai hay ...nhân hại



THIÊN TAI HAY… NHÂN HẠI ?
Báo chí mấy ngày qua đưa tin liên tục về “trận mưa lịch sử” tại tỉnh Quảng Ninh. Cho đến hôm nay, thứ tư 29.7.2015, đã có 17 người chết, 9 người mất tích, trên 1.000 căn nhà bị cuốn trôi, thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Những cái chết đột ngột thương tâm như cái chết của một gia đình ba thế hệ, cả ba căn nhà bên cạnh nhau bị lũ bùn đổ ập, cuốn trôi, vùi lấp 9 nhân mạng trong tích tắc, người ta đào bới tìm ra xác một bà mẹ còn đang lom khom trên giường cố gắng che chắn cho đứa con, cả hai đều đã chết. Thật đau lòng !
Nguyên nhân được cho là do mưa quá lớn, đất đá từ các núi đồi kéo xuống theo nước mưa đầu nguồn. Chuyện rừng đầu nguồn bị tàn phá, núi đồi trơ đất nên rất dễ bị phá hoại theo nước mưa kéo xuống đồng bằng là chuyện ai trong chúng ta cũng đều biết. Năm nào cũng vậy, không nơi này thì nơi khác, thiệt hại về của cải đã đành, nhưng mạng sống con người mất đi thì không bao giờ lấy lại được. Đau thương cứ cứa sâu mãi vào trái tim của dân tộc, vậy mà tất cả chỉ là những tiếng thét vô vọng, không mấy ai quan tâm, hô hoán lên rồi bỏ, nhiều phóng sự cụ thể được đưa lên màn hình TV, nhiều thống kê với những hình ảnh cụ thể được cấp báo, nhưng rừng vẫn tiếp tục bị phá, phá một cách thê thảm, lâm tặc hoành hành như chốn không người, một số các bài báo mới đây còn loan tin chính những cán bộ trong ngành lâm nghiệp hoặc bảo vệ rừng lại là những lâm tặc phá rừng hung hăng và tàn hại nhất.
Wikipedia cho biết: “Theo báo cáo số liệu năm 2005 của Tổ Chức Lương Thực và Nông Nghiệp Liên Hiệp Quốc ( FAO ), Việt Nam là nước có tỷ lệ phá rừng nguyên sinh đứng thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Nigeria. Tuy nhiên, tổng diện tích rừng tại Việt Nam đã trải qua quá trình chuyển đổi: Sau nhiều thập kỷ xảy ra nạn phá rừng thì độ che phủ của rừng đã tăng lên đáng kể từ đầu những năm 1990. Vào năm 2005, Khoảng 12.931.000 ha ( tương đương với 39,7% diện tích đất của Việt Nam ) đã được trồng rừng, mặc dù chỉ có khoảng 85.000 ha ( 0,7% của độ che phủ đất ) là rừng nguyên sinh, với nhiều hình thức rừng khác nhau."
Nếu ai có dịp ngồi xe trên các chặng đường xuôi qua miền Trung và miền Bắc, chắc chắn bằng mắt thường chúng ta nhìn thấy trùng điệp núi đồi trơ đất đá, cây mọc lưa thưa như những cọng cỏ sân nhà. Và đó là nguyên nhân của sự tan hoang nhà cửa, mất mát thương vong, đời sống dân lành điêu linh lầm than khốn khó.
Cũng báo Tuổi Trẻ số ra ngày 29.7.2015, một thông tin khác làm đau lòng về thân phận con người: “Chạy biển”, “chạy sông”. Bảng thống kê cho thấy mỗi năm mất trên dưới 10.000 ha đất do nền đất lún sụt, đất lún kéo theo rừng ngập mặn bị tàn phá, các loại cây rừng gãy đổ, nước mặn xâm thực sâu vào đồng bằng, tác động đến nồi cơm của hàng triệu người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân của việc hạ mực nước ngầm là do khai thác nước ngầm vô tội vạ. Nguyên nhân chỉ ra rồi nhưng không làm sao khắc phục, cứ thế cái phá tăng lên, cái tàn kéo đến.
Và cũng báo Tuổi Trẻ nơi trang 18, một phóng sự về việc bảo vệ voi rừng thật vất vả, nạn săn bắn voi để lấy ngà đã tiêu diệt gần cạn kiệt voi rừng tại Việt Nam. Rừng thu hẹp, thú rừng bị săn bắt, tài nguyên của chúng ta chỉ còn là một vùng đất nghèo nàn, rừng vàng biển bạc chỉ còn trong… sách giáo khoa.
Bây giờ cây cổ thụ trong các thành phố đang bị đốn hạ, bao nhiêu giấy bút, cả mồ hôi và nước mắt đã tiêu tốn. Thành phố này, Thảo cầm viên ( Sở Thú ) đang kêu cứu, chẳng phải góp tiếng than để níu kéo kỷ niệm về một vùng cây cối giữa lòng thành phố gắn liền với tuổi niên thiếu của nhiều thế hệ, hay nuối tiếc một bộ sưu tập về thực vật nhiệt đới mà cha ông đã dày công vun trồng chăm sóc, nhưng là tiếng thét của con người trước nguy cơ thiên tai đang đổ sầm sập vào thành phố, mấy tháng qua nhiệt độ đã nóng lên rất nhiều, chưa bao giờ lại nóng kinh khủng như vậy !
Giáo Hội lên tiếng về bảo vệ môi trường thiên nhiên như một lời loan báo Chân Lý…
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 29.7.2015

No comments: