Chương trình “Tri ân
Anh – Thương Phế Binh VNCH.” là một chương trình do Phòng Công Lý và Hòa Bình,
Dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn, thực hiện. Chương trình nhằm tri ân những con người
đã cống hiến cả tuổi xuân và một phần thân thể cho sự an lành ổn định của mọi
người. Những tổ chức, những sinh hoạt nhằm mang lại cho các vị TPB – VNCH những
niềm an ủi, những khuyến khích nâng đỡ và những bù đắp phần nào những thiếu
thốn quá lớn lao từ hơn 40 năm qua. Chương trình được sự hỗ trợ của nhiều thành
phần khác nhau ở khắp nơi gần xa, chứng tỏ sự quan tâm, yêu mến mà cộng đồng
dành cho quý TPB – VNCH.
Ngoài những buổi sinh
hoạt tầm soát sức khỏe, hỗ trợ chữa trị ( giải phẫu, điều trị, cắt kính đeo mắt…
), cấp phát các dụng cụ giúp người khuyết tật ( xe lăn, xe lắc, nạng, … ),
chương trình tổ chức các chuyến viếng thăm các ông ở miền sâu miền xa, đặc biệt
những ông không thể di chuyển được, các chuyến đi mang thêm trọng trách hỗ trợ
sửa, xây, hoặc tu bổ thêm cho ngôi nhà khiêm tốn của anh em được tương đối tiện
dụng. Đã có hơn 800 lượt người ( trong hơn 2.000 người ghi danh ) được tầm soát
sức khỏe, hỗ trợ nhiều trường hợp nằm bệnh viện, trợ giúp an táng khi qua đời,
cấp phát hàng trăm chiếc xe lăn, xe lắc và nạng, tu sửa hoặc xây mới hơn 50 căn
nhà ( tính đến thời điểm này ).
Trên hết vẫn là một
cuộc gặp gỡ để chữa lành vết thương đã hằn sâu trong cuộc đời của quý ông TPB –
VNCH. Tình thương và sự kính trọng dành cho anh em, những con người đã bị mất
mát quá nhiều, một sự chữa lành cần thiết cho những ngày cuối đời còn lại.
Tôi được tháp tùng
một số chuyến đi của chương trình, đặc biệt chuyến đi lên miền Tây Nguyên vừa
qua. Được gặp gỡ, hầu chuyện từng người khi đến tận nơi anh em sinh sống, chúng
tôi cảm nhận phần nào nỗi thống khổ và niềm đau anh em đã và đang phải mang
vác. Những ký sự hành trình được thực hiện bởi Ban Tổ Chức sau mỗi chuyến đi
phản ánh phần nào nỗi cơ cực khổ ải này, nhưng chắc chắn đến tận nơi, nhìn tận
mắt, gặp gỡ đích thân đã cho chúng ta cảm xúc thật đắng cay hơn nhiều.
Chúng tôi đến Sa
Thầy, một thị trấn heo hút miền cao nguyên thuộc tỉnh Kontum, cây cối xanh tươi
hai bên đường che khuất hoàn toàn các dấu tích chiến tranh của hơn 40 năm
trước. Khác hẳn với không khí đô thị, sự tĩnh lặng và vắng vẻ của những con
đường vùng biên giới làm chùng xuống tâm tư người miền xuôi. Đường đi khá xa
nhưng không khó để hỏi ra địa chỉ của người TPB – VNCH mà chúng tôi muốn viếng
thăm. Căn nhà của ông ngay gần chân đồi Charlie, địa danh một thời gánh chịu những
trận đánh khốc liệt và là nơi người anh hùng miền Nam mang tên Nguyễn Đình Bảo gởi
thân xác lại. Người ta bảo với tôi là những người đào vàng đã lên khai thác
trên đồi, họ đã phá tan tành các chiến hào, trong đó có cả chiến hào nơi đại tá
Bảo đã hy sinh.
Trên đường đi, chúng
tôi liên lạc trước theo địa chỉ người TPB đã ghi cho chúng tôi, nhưng cuối cùng
lại chỉ gặp được bà, bà nói ông bây giờ mệt lắm, không nói được ba ngày nay rồi.
Chúng tôi phải cố gắng đi thật vội vã vì sợ không còn kịp gặp ông. Trong điện
thoại bà chỉ đường cho chúng tôi rất rành rẽ với các mốc có sẵn của địa phương,
chúng tôi có cảm tưởng rằng bà rất tỉnh táo.
Sự thật không phải
như vậy, bước vào nhà, căn nhà tồi tàn như phần nhiều các căn nhà của anh em
TPB, bàn thờ ông với bức di ảnh còn thơm mùi nhang đèn. Chúng tôi lặng đi khi
thấy bà bối rối nói huyên thuyên rằng ông vừa mới chết cách đây ba ngày, nước
mắt bà trào ra nghẹn ngào. Thắp nhang cho ông, chúng tôi phát hiện ra tờ kinh
cầu cho ông sau bài vị, tờ kinh cho biết ông đã mất từ đầu tháng bảy chứ không
phải mới mất ba ngày như bà nói. Bà lại đi quanh quẩn trong nhà và nói lung
tung. Chúng tôi cố gắng trấn an bà, thăm hỏi các chuyện này chuyện kia bà nói rất
rõ ràng, chỉ khi nào nói đến ông thì bà lại mất bình tĩnh và nói lung tung.
Ông
mất đi để lại cho bà một người con gái bị tâm thần, bà cho biết cô đã 37 tuổi.
Cô cứ lấp ló ở phía sau nhà, như rất muốn lên nghe chuyện, nhưng lại mất ý thức
nên cứ cởi quần áo ra một cách tự nhiên như không có ai. Chúng tôi hiểu rằng
tuy ốm đau, nhưng ông vẫn là chỗ dựa tinh thần cho bà, nay ông mất, bà hoảng
loạn với một thực tại quá đau xót. Chúng tôi liên lạc với một ông TPB cùng thị
trấn Sa Thầy, ông đến nhà và chia sẻ cho chúng tôi biết nỗi nghèo khổ và bệnh
tật của người quá cố, nhiều năm qua, hai ông đi lại với nhau thân thiết, sự ra
đi của một “huynh đệ chi binh” làm người ở lại ngẩn ngơ. Hàng xóm thấy có khách
lạ thì ghé qua, kể thêm cho chúng tôi nhiều chi tiết về gia đình này, thật quá
khổ và quá đau đớn, chúng tôi chỉ còn biết an ủi bà… ( Ảnh chỉ có tính minh họa ).
Chia tay, ánh mắt bà
như muốn níu kéo chúng tôi lại. Chúng tôi hỏi nhau, bây giờ bà sẽ sống ra sao đây
? Một đời người, bao nhiêu năm gian khổ, bây giờ những năm tháng cuối đời, con
thuyền định mệnh vẫn chưa hết trớ trêu, chưa hết nghiệt ngã.
Chúng tôi vừa rời
thành phố với những náo nhiệt, quay cuồng, nơi ấy có một “bộ phận không nhỏ” vẫn
đang hoang phí, hưởng thụ những phương tiện vật chất kiêu sa. Còn nơi đây, lúc
này, cũng ngay trên mảnh đất Việt, ở một góc rừng cao nguyên lại có những con
người khổ ải không kể xiết, và người ta bảo đó là cuộc đời ! Không ! không bao
giờ Thiên Chúa muốn như vậy. Sự công bằng là điều Thiên Chúa sẽ thực hiện nếu
chúng ta không tự thực hiện. Ngày sau chúng ta sẽ gặp lại hai ông bà, và giữa
chúng ta sẽ có một cuộc thương lượng, ai ở trong lòng Abraham, ai ở ngoài ?
Lm.
VĨNH SANG, DCCT, 8.8.2015
No comments:
Post a Comment