Phần 1. Những thay đổi sâu xa
Ba tôi có cách dạy con nghiêm khắc, rất dữ đòn, nhưng sau năm người con
đầu, đến hai chị em út ít chúng tôi thì ông thay đổi hẳn. Lúc ấy ông khoảng 40
tuổi. Mẹ bảo: “Bố các cô các cậu bây giờ là... bụt đấy !”
Dù vậy,
mỗi khi tôi hư cũng vẫn phải đòn. Ông quát: “Đi ra lấy cái phất trần rồi lên
giường nằm úp mặt xuống...” Dứt lời ông bỏ ra nhà ngoài làm một điếu thuốc lào.
Thế là trong này, mẹ tôi chạy vội đi lấy cái khăn mặt cũ, đã dùng làm giẻ lau,
đang phơi trên dây thép ngoài sân, đem vào lót dưới lớp quần đùi của thằng bé.
Thả xong
những hơi khói thuốc lào, ba tôi quay vào nhìn “tội nhân” đang nằm xấp, hắng
giọng hỏi: “Tội như thế thì mấy roi ?” Tôi lí nhí: “Dạ, thưa ba, mười roi !”
Ông hừ một tiếng: “Hơi nhiều đấy, hạ xuống đi !” – “Dạ, thưa ba, một roi ạ !”
Lần này ông quát: “Tội thế mà có một roi thôi à ?” Tôi vội vàng mặc cả: “Dạ, ba
roi ạ !” Cuộc đối thoại tiếp tục: “Được ! Thế đánh mạnh hay đánh nhẹ ?” Hiểu ý
ông, tôi lúng búng trả lời: “Dạ, mạnh !” – “Mạnh thì đau, đau có khóc không ?”
– “Dạ, đau không khóc ạ !” – “Tại sao đau mà không khóc ?” – “Dạ thưa ba, đúng
tội nên không khóc ạ !”
Tôi vừa
dứt lời, rất nhanh, ông dơ cao cái phất trần lên, quất mạnh xuống mông thằng bé
liên tiếp 3 roi đâu ra đấy, bật lên ba tiếng bộp, bộp, bộp. Tôi chẳng thấy đau
gì, nhưng cũng giả vờ oằn người lên, mếu máo nhổm dậy kêu “A, A, A !” ra cái
điều...
Dạo ấy tôi
cứ ngỡ hai mẹ con “phối hợp tác chiến” độc chiêu lót đít lừa được ba tôi vì chả
thấy ông bảo gì, đánh đòn xong chỉ vứt cái phất trần xuống rồi bỏ ra ngoài
phòng khách ngồi xem sách. Mẹ bảo: “Ra xin lỗi bố đi...” Sau này lớn rồi, nghĩ
lại, tôi mới hiểu làm sao mà “lấy vải thưa che mắt thánh” ? Có điều ông thay
tính đổi nết, cũng đổi cách giáo dục con cái, cốt đánh đòn là để nhớ, sau khi
đã hiểu lỗi thì chừa chứ không phải do sợ đòn mà không dám tái phạm !
Có lần, mẹ tôi ngồi bàn máy may, bảo tôi phụ đánh mấy cái suốt chỉ, bà
mới nhẩn nha phân tích cho tôi hiểu nguồn cơn mọi sự về ba tôi như thế này: “Ấy
bố cậu từ ngày gia đình mình di cư vào Nam năm 54, sinh cô Hiền chị cậu, rồi
năm năm sau sinh thêm cậu nữa là út ít trong nhà, tự nhiên bố cậu đổi tính, dịu
hẳn đi, nóng tính chỉ bằng nửa ngày xưa, lại không còn dữ đòn nữa. Có lẽ cũng
nhờ bố cậu không còn phải căng thẳng chuyện với họ nội họ ngoại, và nhất là
chuyện thoát được cái họa CS ở miền Bắc...”
À, thì ra
gia đình và xã hội ảnh hưởng rất lớn lên tâm sinh lý con người ta sâu xa và ghê
gớm lắm. Hiểu như thế rồi tôi càng thương ba tôi nhiều hơn.
Sau biến
cố 75, ba tôi như rơi vào một cơn bi quan yếm thế trước thời cuộc. Cơ quan Quân
Quản Sàigòn lúc ấy không ghép tội ba tôi là ngụy quyền, chỉ bắt cải tạo tại
chỗ, ngồi dưới sân nắng ba ngày, rồi sau đó cố gắng thuyết phục ba tôi ra làm
việc tiếp. Hình như lúc ấy họ cần ông để có thể vận hành được nhà máy sữa
Foremost sau này đổi tên là sữa Thống Nhất ở Thủ Đức. Ba tôi từ chối thẳng:
“Chúng tôi đã trốn CS các ông mà chạy vào Nam, được 21 năm tự do, bây giờ các
ông lại vào đến đây thì chúng tôi đành chịu vậy chứ làm sao mà lại có thể cộng
tác với các ông ?!?”
Ba tôi dạo ấy chỉ đi Lễ bên Nhà Thờ Phanxicô Đakao rồi về nhà, loay hoay
với chuyện ra xếp hàng chờ mua dầu hôi, mua củi, mua khoai lang và các thứ nhu
yếu phẩm lỉnh kỉnh ở cửa hàng hợp tác xã. Sau hai đợt đổi tiền thì ông suy sụp
hẳn, lo đến thắt ruột cho tương lai cả gia đình có thể phải đi Kinh Tế Mới.
Nhà tôi
bán dần đồ đạc và xe gắn máy, chỉ để lại mấy chiếc xe đạp, để lấy tiền thăm
nuôi ông anh trong trại cải tạo, rồi dọn phòng khách đào lỗ căng khung dệt chiếu.
Ba tôi lui cui lo việc phơi nắng trước hiên nhà mớ cói lác còn ẩm mốc. Còn tôi
ngồi xệp một bên đưa cói cho mẹ lom khom trên khung dệt mà giập go. Của đáng
tội, nhà tôi làm kỹ quá, giập go mạnh quá, đan chặt quá nên cái chiếu nặng
chình chịch, lại tốn nhiều lác, đã lỗ công tốn của còn bị hợp tác xã trả về.
Thế là cũng chỉ được mấy tháng rồi dẹp luôn, chuyển qua đan các loại rổ bằng lá
buông. Chuyện hoàn toàn của đàn bà nên hai cha con tôi thành ra... thất nghiệp
!
Và đây là
lúc Chúa ra tay cứu vớt những năm cuối đời ba tôi một cách kỳ diệu không ngờ !
Phần 2. Không chịu bị khuất phục
Năm ấy,
khoảng cuối 1977, hết cha Jean Marie Nguyễn Văn Phán, rồi lại đến cha Guy Marie
Nguyễn Hồng Giáo bên Dòng Phanxicô, sang nhà đề nghị với ba tôi: “Nghe nói ông
Lộc giỏi tiếng Pháp, ông dịch giúp mấy cuốn sách Đạo nhé !” Cuốn đầu tiên là
một bộ bài giảng của cha Bernard Bro, Dòng Đa Minh, mang tựa đề “Contre toute
espérance”.
Thoạt đầu
ba tôi giữ nguyên tựa đề theo ý của cha Phán là "Tuyệt vọng mà vẫn một
niềm cậy trông", nhưng sau ba bảo phải dịch mạnh hơn, sắc hơn nữa cho đúng
ý tác giả, ba chọn là "Niềm cậy trông bất chấp tuyệt vọng", rồi cuối
cùng lại đổi cho gọn hơn: "Niềm cậy trông bất khuất".
Vậy là ba
tôi như được hồi sinh. Từ một con người tuyệt vọng, cứ ngỡ phải chịu khuất phục
bởi định mệnh nghiệt ngã của thời cuộc, nay tìm lại được ý nghĩa cuộc sống: ông
không còn làm gì được để giúp đời, giúp gia đình như trước nữa, thì nay, Chúa
cho ông cơ hội được chuyển sang phục vụ Hội Thánh bằng chính năng lực phong phú
của ông.
Cuốn sách
dịch đầu tay ấy không ngờ cái tựa đề và nội dung của nó lại như vận vào xác vào
hồn của ba tôi để ông sống với niềm cậy trông bất chấp tuyệt vọng !
Cứ thế,
miệt mài trong suốt mười năm, đến cuối năm 1988, chỉ mấy tháng trước khi qua đời
vì bạo bệnh, ông khoe với tôi, hồn nhiên đơn sơ như một em bé cuối tháng ở
trường về khoe học bạ loại giỏi với cha mẹ: "Uy ơi, ba không ngờ, lụi cụi
mười năm mà tạ ơn Chúa, ba đã dịch được 17 cuốn sách cho Dòng Phanxicô, Dòng
Kín và Dòng Chúa Cứu Thế..."
Người ta
thường bảo con trai theo mẹ, con gái xán bố. Nhà tôi cũng nghiệm đúng nét tâm
lý ấy. Tuy nhiên nếu từ bé lúc nào tôi cũng quấn quít gần mẹ, bú tí mẹ đến hai
tuổi rưỡi, ăn cơm cũng do mẹ mớm, ngủ chung với mẹ mãi đến mười tuổi, thì đến
khi trưởng thành, không ngờ tôi lại được mười năm liền gắn bó gần gũi bên cạnh
ba tôi.
Ngay cuốn
sách dịch đầu tiên, tôi lúc ấy mới 19 tuổi, đã được ba tôi tin cậy cho được làm
"trợ lý" về ngôn ngữ tiếng Việt, hễ dịch được xong một đoạn dài hay
một chương, tôi vừa đi đâu về, thế nào cũng được gọi đến, ngồi vào bàn, nghe ba
tôi đọc đoạn văn Việt, phân tích chi tiết, đối chiếu bên nguyên bản tiếng Pháp,
rồi diễn giải lại cho tôi hiểu ý nghĩa sâu xa bên dưới các từ ngữ. Cuối cùng
ông cho tôi được phép biên tập lại câu văn tiếng Việt. Ông nịnh thằng bé:
"Ba chỉ giỏi tiếng Pháp, dịch xong rồi đọc nghe nó vẫn thế nào ấy, con gỉi
tiếng Việt, con sửa lại giúp ba cho nó ra kiểu nói người Việt mình..."
Trời ơi, thằng bé được dịp phổng mũi lên, vận dụng hết khả năng giỏi văn của
mình để cùng dịch với bố.
Cũng có
khi câu tiếng Việt nghe rất xuôi nhưng ba tôi vẫn ngần ngừ đắn đo, ông bảo:
"Dịch ra như con nghe hay rồi đấy, nhưng chữ ấy nếu dịch ngược sang tiếng
Pháp thì nó lại ra chữ khác, ý khác, không còn đúng nguyên tác... Hay ba đề
nghị thế này..." Vậy là chẳng biết từ lúc nào tôi đã được cất nhắc để làm
việc với ba tôi như hai đối tác bình đẳng, trao đổi thẳng thắn, thậm chí có lúc
tranh luận sôi nổi cho ra ngô ra khoai, đến nỗi ba tôi quên mất đang ngồi đối
diện với thằng con út sinh viên non choẹt, còn tôi cứ ngỡ người cha nghiêm khắc
của mình là một... người bạn ngang hàng !
Tính ba tôi chu đáo cẩn trọng lắm. Nhiều cuốn sách được dịch xong, các
cha đã nhờ in roneo chui, phát hành cũng chui trong giới Linh Mục Tu Sĩ, bán
chui cả ra cho các Giáo Dân cả năm rồi, một hôm, ba tôi chợt nghĩ ra một chi
tiết nào đó, mở sách ra xem, gọi tôi đến mà bảo: "Uy ơi, ba thấy chỗ này
không ổn, mạch văn như thế này thì phải hiểu như thế kia, con xem có chữ nào
tiếng Việt hay có cách nói nào khác của tiếng Việt để diễn ý đúng không ?"
Hai cha con lại vắt óc, lại mổ xẻ tranh cãi, đến khi tìm được một từ đắc dụng,
ông sung sướng tỉ mỉ gõ máy đánh chữ, cắt ra dán đè lên chữ đã dịch trước đây.
Xong xuôi, đọc to lên một lần nữa toàn đoạn văn, ông vỗ bàn một cái, hỉ hả hút
một điếu thuốc lào hạnh phúc !
Đến cuốn
sách dịch cuối cùng, ba tôi đã yếu đi nhiều, bệnh tật tuổi già cái này lôi kéo
cái kia nhưng vẫn chưa quật ngã được ba tôi. Cuốn sách này không do cha nào,
Dòng nào đặt dịch cả, tự ba tôi không biết tìm được ở đâu, đọc thấy hay quá,
bắt tay luôn vào việc. Đó là một giáo trình dạy Giáo Lý của Giáo Phận Lyon bên Pháp,
tựa đề "Parlez-nous de Jésus".
Có thể nói đây là tác phẩm dịch... giối già của ba tôi. Thật vậy, ông đã
giốc hết sức tàn cuối đời cho cuốn sách tâm huyết. Ông bảo tôi: "Ba dịch
quyển này là để dành cho mấy chị em anh em trong nhà, rồi cho cả các cháu nội
cháu ngoại nữa. Sau này con có điều kiện thì đem in ra phổ biến cho mọi người
học Giáo Lý rất hữu dụng..."
Cũng phải đến gần 20 năm sau ( 2008 ), tôi mới thực hiện được ước nguyện
cuối cùng của ba tôi. Cuốn sách được Nhà Xuất Bản Tôn Giáo in, nằm trong bộ
sách Nối Lửa Cho Đời, có tựa đề "Xin hãy nói về Chúa Giêsu cho chúng
tôi". Và đây là di sản tinh thần vô giá ba tôi đã để lại cho gia đình. Khi
nhận dạy môn Sư Phạm Huấn Giáo cho các Học Viện Liên Dòng, tôi vẫn hãnh diện
khoe với các học viên rằng giáo án chính mà tôi sử dụng chính là tác phẩm của
ba tôi...
Phần 3. Lòng thanh thản ra đi
Trong vòng
có 6 tháng thôi mà ba tôi suy sụp hẳn. Tinh thần của ông đã gượng dậy được suốt
trong 10 năm, nhưng công việc phiên dịch liên tục bất kể ngày đêm đã khiến ông
rệu rã về thể xác. Có lần, ông đi bộ ra hớt tóc một chỗ gần nhà, bất ngờ quỵ
ngã, may mà được một chú bé tốt bụng đỡ kịp, gọi xích lô đưa về tận nhà. Ba tôi
phải nằm nhà cả tháng, một bên chân phù to tím bầm.
Bác sĩ Vũ
Tam Tỉnh là con trai của cụ Vũ Tam Tư, bạn thân thiết với ba tôi, khám rất kỹ
rồi bảo: "Bác ơi, may mà bác làm việc thiên về trí óc nên các mạch máu
trên đầu bác tương đối dẻo dai, không bị vỡ làm cho bác bị bại liệt, nhưng bù
lại, do bác ngồi một chỗ nhiều quá nên mạch máu chân bị giòn, áp lực dồn xuống
nặng quá nên mới bung..."
Thế rồi ba
tôi như linh cảm thấy cái ngày Chúa gọi về đã cận kề, nói như Thánh Phaolô:
"thời gian đang co rút lại", ông gắng lên, giốc hết sức chạy đua với
định mệnh, mong hoàn tất được các bản dịch các Dòng đã mang tới với bao niềm kỳ
vọng...
Nhưng rồi cuối cùng cũng phải đến lúc không còn cầm được chiếc bút mực,
nói chi đến chuyện gõ lóc cóc trên bàn phím máy đánh chữ. Ba tôi bị áp huyết
rất cao, lại tiểu đường hành hạ, thêm một chứng bệnh chi đó trong dạ dày và ruột,
gan, khiến ông cứ ăn chút gì vào lại nôn thốc nôn tháo. Ông gầy xọp đi, chỉ còn
nằm một chỗ, thỉnh thoảng gượng ngồi dậy được lại bảo tôi đọc cho nghe một bài
suy niệm trong cuốn "Niềm Tin từ cuộc sống" hoặc "Đức Tin sống
động" mà ông đã dịch mấy năm trước. Lắm khi vừa đọc xong, tôi bất chợt
liếc thấy ông rươm rướm nước mắt mếu máo khóc như một em bé.
Một lần ba
tôi trở bệnh nặng, nhà phải đưa ông cấp cứu vào Bệnh Viện Sàigòn. Mẹ tôi, chị
áp tôi và tôi cứ thay phiên nhau mỗi ngày vào trực trong nhà thương. Có bà
người Bắc trông ông chồng bệnh nằm giường bên cạnh, để ý thấy tôi lau chùi dọn
dẹp mỗi khi ba tôi không cầm được tiêu chảy ra máu, bà khen xối xả: "Cái
cậu này còn trẻ, lại là con trai mà khéo thế nhỉ ? Đâu ra đấy ! Choe choét ra
như vậy mà cậu không thấy buồn nôn à ?" Tôi trả lời: "Thưa cô, sự
thường cháu cũng hay ọe lắm, chẳng dạm đụng tay đụng chân đâu, nhưng sao chăm
sóc cho ba cháu, cháu lại thấy chẳng ghê sợ gì, chẳng phải cố gắng chút nào, cô
ạ !" Bà người Bắc buông cho một câu: "Tiếc tôi không có con gái, chứ
không tôi gả phắt cho cậu !"
Các bác sĩ
làm các xét nghiệm nhưng không tìm ra nguyên nhân chính, quyết định đưa ba tôi
sang Bệnh Viện Bình Dân để nội soi. Hôm ấy đúng phiên trực của tôi, tôi ngồi
trên xe cứu thương, bên cạnh chiếc băng ca ba tôi nằm thiêm thiếp. Tiếng còi hụ
xe rú lên liên hồi nghe mà se thắt lòng, tôi chỉ biết thầm đọc kinh Mai Khôi
cầu cho ba tôi được chữa lành mà lòng lại tự nhủ chắc cũng đã đến lúc ba tôi
được an nghỉ rồi...
Một bác sĩ của Bệnh Viện Bình Dân làm nội soi cho ba tôi hôm ấy, dáng
người chầm chập, khuôn mặt rạng rỡ phúc hậu, giọng nói rổn rảng, khiến tôi tự
dưng hình dung ra hình tượng Ông Thiện tôi từng gặp trước cổng các ngôi chùa.
Bác sĩ hoàn tất mọi việc rất nhanh gọn sạch sẽ và êm ái, chỉ trong khoảng 10
phút, ông cởi găng tay, vỗ đùa một tiếng bép lên mông của ba tôi rồi nói to:
"Ông cụ yên tâm nhé, chẳng có bệnh tật gì ghê gớm mà phải lo..." Bác
sĩ còn quay sang tôi bảo: "Cả nhà làm ngay bữa cỗ ăn mừng... Rồi ! Hai cha
con có thể xin bên Bệnh Viện Sàigòn cho xuất viện hôm nay luôn !"
Lúc ấy tôi
tưởng thật, ba tôi chắc cũng tưởng thật, xuất viện về nhà, cả nhà ai cũng tưởng
thật, vì ba tôi khá hẳn lên, uống được chút sữa, ăn được mẩu bánh. Mãi sau này
tôi mới hiểu ông bác sĩ tốt bụng ấy nói thế, giấu hẳn kết quả nan y bi đát để
chính bệnh nhân và người nhà lên tinh thần khi mọi sự đã hoàn toàn không còn
chút hy vọng nào nữa.
Từ giữa
năm 1988, cha PX. Nguyễn Hữu Tấn, linh hướng bên Đại Chủng Viện, đã nhắc tôi
phải chịu khó hoàn tất nghĩa vụ với Nhà Nước thì mới mong được duyệt vào tu.
Tôi đã chọn Thanh Niên Xung Phong và chuẩn bị mọi sự. Bây giờ, tiến thoái lưỡng
nan, giấy gọi lên đường đến đúng vào lúc ba tôi bệnh tật yếu nhược. Mẹ tôi vốn
trước đây vẫn muốn ép tôi sớm đi tu, nay chỉ im lặng nhường cho ba tôi quyết
định.
Cuối tháng
10, một hôm ba tôi nhỏ nhẹ bảo: "Uy à, con cứ lên đường đi TNXP đi, sức ba
khá lên rồi, không sao đâu !" Cha Tiến Lộc đến thăm cũng bảo: "Có gì
Uy cứ để mình lo cho bác !" Mà thể trạng ba tôi khá lên thấy rõ nên cuối
cùng đầu tháng 11, Lễ các Thánh Nam Nữ xong là tôi balô lên xe của Tổng Đội 1
TNXP chạy một chặng đường dài mới vào đến Tổng Đội Bộ nằm giữa lòng chảo Tà
Nung, một xã người dân tộc ngoại thành của Đà Lạt. Nhờ lý lịch đại học chính
quy, tôi được giao luôn cho làm hiểu trưởng trường Bổ Túc Văn Hóa của Tổng Đội
1.
Thế rồi,
giữa tháng 11 năm 1988 thì ba tôi ra đi. Mẹ tôi kể ba tôi ra đi thanh thản bình
an lắm. Vậy mà khi xe của Tổng Đội đưa tôi từ Tà Nung về đến cửa nhà, tôi bước
vào giữa những vành khăn trắng, chỉ mới đặt tay nhẹ lên trán thi hài ba tôi,
ông liền ứa máu tươi hai bên mép. Chị tôi lấy bông thấm mãi mà không hết, mẹ
tôi mới nói: "Thôi ông ơi, con nó đã về, ông chứng nghiệm như vậy đủ rồi,
ông đừng ứa máu nữa, trông thương quá !" Máu cầm lại ngay ! Tôi nhìn kỹ
thật lâu khuôn mặt ông, hình như ông mỉm cười...
Vâng, tôi
tin là ba tôi đã thanh thản ra đi, cho dù nhà chỉ có hai con trai mà chẳng đứa
con trai nào có mặt khi bố sinh thì. Tôi tin một con người như ba tôi, chắc lầm
lỗi sai sót không thiếu, nhưng những gì ông đã cố gắng trong suốt cả cuộc đời
73 năm, ông đã dạy vợ con và các cháu phải sống thật lương thiện thì ắt là
Thiên Chúa không thể từ khước đón lấy ông.
Không thấy
ba tôi để lại di chúc gì, nhưng chỉ cần nhớ lại bao nhiêu câu chuyện tốt lành
có thật trong đời ba mẹ được ông kể lại rất sinh động và hóm hỉnh trong các bữa
ăn ngày xưa để gián tiếp giáo dục con cái, chỉ nhìn 17 cuốn sách ông đã cần cù
dịch liên lỉ trong suốt những năm tuổi già yếu mệt, tôi cũng thấy gia tài ba
tôi để lại thật sự đầy ắp và quý giá không gì sánh được, tất cả đã theo tôi, và
sẽ còn theo tôi trong cả cuộc đời...
QUANG UY, DCCT,
21.6.2015
No comments:
Post a Comment