Monday, 29 June 2015

Lm Vĩnh Sang DCCT: KẺ NGANG NGƯỢC




Tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, cả tuổi thơ, niên thiếu và trưởng thành của tôi gắn liền với bom đạn, với những cuộc chia ly, những vành khăn tang trên đầu góa phụ và trẻ em. Tôi may mắn hơn rất nhiều người vì không phải gánh chịu trực tiếp với làn tên mũi đạn, nhưng biến cố Mậu Thân đã cho tôi kinh nghiệm chênh vênh ranh giới giữa sống và chết, kinh nghiệm mỏng manh thân phận làm người. Mới vừa ban chiều gặp nhau nhìn vội vàng cô bạn gái gần nhà dễ thương, nửa đêm tiếng nổ của đạn pháo thật gần, sáng mai chạy đi xem bạn ấy chỉ còn là đống thịt vụn.
Rồi cũng từ năm ấy, bạn bè trong xóm ngõ, bạn bè đồng môn, lần lượt chia tay lên đường. Cứ vài tháng lại có một lần gạt nước mắt tiễn bạn, cái quan tài nhỏ bé xiêu vẹo được khiêng đi trong tiếng khóc nức nở của mẹ già. Thằng bạn nằm im trong quan tài, ánh mắt trên di ảnh u buồn nhìn người sĩ quan đơn vị trưởng gắn lên chiếc gối tấm huy chương Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, và bạn ấy “lên lon giữa hai hàng nến chong”, mặc cho tiếng gào thét đến khàn giọng của người vợ trẻ, đứa con thơ ôm chặt chân mẹ ngơ ngác nhìn mọi người.
Nhiều lần tôi tiễn người thân ra Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, người lính Trung Đội Chung Sự xếp chiếc cờ vàng lại sau những tiếng súng đơn lẻ tiễn biệt, tiếng kèn đồng ai oán như vẫn còn thoang thoảng đâu đây giữa núi đồi và cây cỏ. Chiều nghĩa trang vắng lặng buồn thảm, người mẹ bất hạnh nằm im, hình như đã ngủ vùi trên nấm mộ vừa đắp.
Hơn 40 năm qua rồi, tôi không quên được những hình ảnh vừa bi hùng vừa đau thương ấy. Qua báo chí, qua phim ảnh, mỗi lần nghe tin tức về chiến sự chỗ này chỗ kia, tôi không khỏi nhớ về bạn bè, về những người thân trong chiến tranh, nhớ những cảm xúc xót xa cay đắng, nhớ những cảnh thương tâm xé lòng. Tôi sợ chiến tranh và sợ chia ly, càng lớn tuổi tôi càng sợ chiến tranh và chia ly. Rồi tôi cũng sợ những xung đột, những tranh chấp sống còn giữa những người thân với nhau.
Hàng ngày qua báo chí, qua mạng toàn cầu, ở Việt Nam mình xảy ra quá nhiều những kiểu hành xử dã man, những vụ án chỉ cần đọc thôi cũng đủ làm cho lợm giọng. Chúng tôi, một nhóm anh em thân thiết trên bàn cơm hay tự hỏi, tại sao vậy, tại sao lại có những kiểu hành xử ngang ngược với nhau, tại sao lại có những tranh chấp không đáng có, ai cũng biết không ai có thể mang một tấc tài sản ra khỏi thế giới này, nhưng sao vẫn tranh chấp một sống một chết với nhau như vậy ?
Thứ ba tuần 12 Thường niên, bài đọc một, Lời Chúa trong Thánh Lễ cho nghe câu chuyện của hai ông Abraham và ông Lót. Họ quyết định chia tay và mỗi người đi về một hướng với tâm nguyện: "Bác không muốn có sự bất bình giữa bác và cháu, giữa các người chăn chiên của chúng ta, vì chúng ta là anh em với nhau. Trước mặt cháu có cả một miền rộng rãi, xin cháu hãy lìa khỏi bác: nếu cháu đi bên tả, thì bác sẽ đi bên hữu; nếu cháu chọn phía tay phải, thì bác sẽ đi về phía tay trái" ( St 13 ). Họ quyết tâm không để vật chất làm mất tình nghĩa thân tộc, Kinh Thánh cho thấy Abraham đã nhường cho ông Lót vùng đất màu mỡ hơn.
Chúng tôi lại tự hỏi: Sao chúng ta không nhường nhịn nhau ? Đức Thánh Cha Phanxicô vừa ban một Thông Điệp về Môi Trường, cùng với bức Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng sâu sắc, mạnh mẽ, kiên quyết, đậm tính Tin Mừng và rất sống động, nhưng xem ra không lay chuyển tình hình ở Việt Nam bao nhiêu, dù trên các thông kê, Tông Huấn này làm thay đổi quan điểm cũng như tình cảm thế giới dành cho Giáo Hội thật tích cực. Chúng ta cầu nguyện cho kết quả bức Thông Điệp về Môi Trường được thiết thực và mạnh mẽ hơn nữa, đánh động toàn thế giới hơn nữa.
Sáng hôm nay, thứ năm tuần 12 Thường Niên, Lời Chúa trong bài đọc một, trích sách Sáng Thế lại cho chúng ta nghe tiếp câu chuyện của ông Abraham. Đứa con sinh ra bởi cô hầu gái cùng với lời của sứ thần, đã lý giải cho chúng tôi nhiều chuyện, anh em chúng tôi cười ngặt nghẽo vì khám phá ra rằng, nguyên nhân gây ra những bất hòa ở bất cứ cấp độ nào, cộng đoàn, gia đình, quốc gia hay quốc tế, là bởi vì có sự hiện diện của Ismael. ( Tranh vẽ cổ: Abraham, nàng hầu và con trai Ismael ).
"Này ngươi đã thụ thai và sẽ sinh một con trai, ngươi sẽ đặt tên cho nó là Ismael... Trẻ này sẽ là đứa hung dữ: nó đưa tay chống đối mọi người và mọi người sẽ chống lại nó. Nó sẽ cắm lều đối diện với các anh em..." Thế nào rồi cũng có kẻ hung dữ, chuyên nói ngang và gây chống đối giữa anh em, vì Ismael đã được sinh ra, hiện diện trong nhân loại, mà nhớ rằng Ismael là anh em ruột thịt với mọi người chứ chẳng ai xa lạ, hàng ngày anh ta cắm lều đối diện với chính anh em của mình.
Chúa Giêsu Cứu Thế là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề của nhân loại, của sự vĩnh hằng. Chúng ta được mời gọi đến để được giải quyết. Năm Thánh Lòng Thương Xót mở ra cho chúng ta cánh cửa đến với Ngài.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 25.6.2015

No comments: