Monday 13 July 2015

Lm Vĩnh Sang DCCT NGƯỜI BỊ BỎ RƠI HƠN CẢ




Ngồi đối diện với tôi trên bàn cơm mỗi ngày là một cha già vui tính, chúng tôi chọc ghẹo nhau mỗi ngày và thường tranh chấp những chuyện nhỏ thiệt nhỏ, thiệt dễ thương. Thí dụ chuyện dọn bàn ăn, bao giờ cũng vậy, ông cụ ăn xong là đưa tay thu dọn tất cả tô chén của chúng tôi rồi mang xuống nhà bếp, chúng tôi giành giật mấy cũng thua cụ. Cụ lý luận rằng để cụ làm như thế hầu cụ sớm được vào... Thiên Đàng, đứng chờ lâu ở ngoài “mỏi chưng” lắm !
Nhà Hưu Dưỡng chúng tôi còn kiêng chữ “già”, các cụ bắt phải nói là “cao tuổi” chứ dứt khoát không được nói “già”. Thật ra cũng chẳng húy kỵ gì đâu, chỉ là bày chuyện mà chọc ghẹo nhau thôi. Cha già ( sau lưng ngài mình cứ nói là già ) ngồi đối diện với tôi năm nay đã 89 tuổi, tuổi đó chẳng gọi là già thì trẻ với ai ? Thế mà ngài cũng cau mặt lên tiếng điều chỉnh nếu có ai nói lỡ miệng gọi ngài là cha già ! Tôi bèn lấy hai con số tuổi của ngài mà cộng lại thành 17, mà gọi ngài là cha 17 tuổi, cái cách gọi này xem ra ngài rất thích vì ngài nhắc rằng: năm ngoái tôi “đôi tám tuổi trăng tròn” ( 88 tuổi – đôi tám ). Mấy cô bé giúp việc cứ tròn xoe mắt chẳng hiểu sao lại gọi là “đôi tám tuổi trăng tròn”, có lẽ văn chương ngày nay người ta không còn viết và nói theo kiểu người "cao tuổi" chúng tôi nữa rồi, không biết tuổi 16 của thiếu nữ Việt Nam giờ ra sao !
Trong Dòng chúng tôi, cứ vào đầu tháng bảy, mọi sinh hoạt học tập tạm dừng, dành thời gian cho việc tĩnh tâm, khấn và chịu chức hàng năm. Năm nay cũng vậy, vào đêm trước ngày lễ khấn lần đầu và khấn trọn đời, thân nhân của anh em về rất đông, tràn ngập sân Nhà Dòng, đủ thứ sắc màu, đủ thứ ngôn ngữ, ngay cả nói tiếng Kinh cũng chưa chắc đã hiểu nhau, đặc biệt những năm gần đây số người thuộc các sắc tộc thiểu số về dự rất đông. Không chỉ những Giáo Điểm mà anh em DCCT đã đi qua và để lại những tình cảm, những công trình loan báo Tin Mừng đầy ấn tượng, nhưng còn là các thân nhân, bà con ruột thịt của chính các em khấn sinh nữa.
Cha già "17 tuổi" rơm rớm nước mắt nói với tôi: “Con dzui mầng lắm, thấy người dân tộc về dự lễ đông, thấy mấy anh mới khấn người dân tộc, con dzui lắm !” Rồi ngài thêm: “Người ta dzề đông là người ta thương mình”.
Trong danh sách khấn lần đầu có hai khấn sinh người dân tộc thiểu số miền cao nguyên: Luka Kpă Yưk người thuộc tộc Jrai, và Phaolô Bơ Yam Ha Her người tộc Mơ Nông. Với việc tuyên lời khấn lần đầu của hai thầy này, Tỉnh DCCT Việt Nam chúng tôi hiện tại có tất cả 4 Tu Sĩ người dân tộc ( trước là cha K’Nhoang và thầy Y Chương, bây giờ thêm hai thầy tân khấn ). Thân nhân của hai thầy này bồng bế nhau về Sàigòn dự lễ đã tạo cho buổi lễ một sắc màu rất đặc biệt. Người ta không còn chỉ thấy các buổi lễ là của người miền xuôi mình như quen nhìn ở thành phố này, nhưng các dân tộc anh em hiện diện như hình ảnh của đại gia đình Hội Thánh, sinh động và ấm áp.
Tập quán và sinh hoạt của các sắc dân cho chúng tôi kinh nghiệm về người nghèo và người bị bỏ rơi, nét đơn sơ, giản dị, khó nghèo và thật thà của các sắc dân này dạy chúng ta những bài học ý nghĩa trong cuộc sống.
 Công Hội Tỉnh Dòng nhiều lần xác nhận công cuộc loan báo Tin Mừng của Tỉnh Dòng ưu tiên hàng đầu dành cho những người bị rơi hơn cả và người nghèo, đối tượng ưu tiên là các sắc dân thiểu số miền cao. Nhưng làm sao để Tin Mừng được rao giảng bằng chính ngôn ngữ của các sắc dân ? Vì sự làm chứng và rao giảng bằng chính ngôn ngữ bản địa sẽ có sức thuyết phục lớn nhất cho công cuộc rao giảng. Đào tào Tu Sĩ người bản địa là giải pháp mà chúng ta cần quan tâm hơn cả nếu muốn đẩy nhanh công cuộc loan báo Tin Mừng cho các sắc dân này.
Các Thừa Sai ngoại quốc đã tận tụy hy sinh để xây dựng hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Các Thừa Sai Canada thuộc Tỉnh Dòng Thánh Anna, Beaupré, Québec, đã hết lòng với việc đào tạo Tu Sĩ DCCT người Việt. Chúng ta mắc nợ các ngài, các Tu Sĩ DCCT Việt Nam mắc nợ cha anh một tinh thần, một tấm lòng, một quyết đoán đầy sự khôn ngoan, lòng yêu mến và tinh thần can đảm.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 10.7.2015

No comments: