Kể từ khi nhận trách nhiệm chăm sóc đoàn chiên của Thiên Chúa ở trần
gian, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở ra cho Hội Thánh một hướng đi hết sức cụ thể
và thu phục đươc sự đồng thuận của nhiều người, thật ra không phải là hướng đi
mới nhưng ngài dẫn chúng ta trong một góc cạnh, một tầm nhìn, một ánh sáng đã
được Công Đồng Vatican II mở ra mà bây giờ ngài làm cho rõ nét hơn trong thực
tế.
Những vấn
đề ngài quan tâm rất thực tế: Người nghèo, hòa bình và môi trường, đó là những
vấn đề mà Hội Thánh đeo đuổi bao nhiêu thế hệ, Công Đồng Vatican II đề cập mạnh
mẽ, không vị Giáo Hoàng nào không miệt mài lên tiếng và hoạt động tích cực cho
các vấn đề vừa nêu. Nơi Đức Thánh Cha Phanxicô, không chỉ lên tiếng, xác định
lập trường, nhưng gây dấu ấn mạnh mẽ bởi sự tham dự đích thân của ngài cho các
vấn đề của Tin Mừng đặt ra. Những quyết định và những chọn lựa của ngài trong
cuộc sống đời thường tự nó cho chúng ta lời khẳng định về đường hướng, sẽ là dư
thừa nếu kể ra những sự kiện đó ở đây, các phương tiện truyền thông ghi lại đầy
đủ những hành động này.
Câu nói
nổi tiếng “Ngày nay chúng ta cần chứng
nhân hơn là cần thầy dạy” đã được chứng mình rất cụ thể từ nơi con người
của vị tân Giáo Hoàng. Chúng ta có một câu trả lời phỏng vấn của vị được bổ
nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Hưng Hóa, Đức Cha An Phong Nguyễn Hữu Long
khi ông Lê Quang Vinh đặt câu hỏi cho website Vietcatholic ngày 2 tháng 7 vừa
qua:
"Đức Cha An Phong: Đức Phanxicô đã lay
động con tim mọi người từ khi được chọn làm Giáo Hoàng ( … ) Cảm kích về một
câu nói ấn tượng trong bài giảng Lễ Dầu Thứ Năm Tuần Thánh năm nay, tôi đã chọn
câu nói đó làm châm ngôn: “Mang vào mình mùi chiên”. Tôi nguyện sống gần gũi
với đoàn chiên, chia sẻ đau khổ và khó khăn, nhận lấy bệnh tật của họ như là của
mình. Chúa Giêsu đã nêu gương như thế, khi “mang lấy các tật nguyền của ta, và
gánh lấy các bệnh hoạn của ta” ( Is 53,4 ). Ngài không ngần ngại ăn uống với
người thu thuế, tiếp xúc với người cùng đinh, cúi xuống với những người đau khổ
bệnh hoạn...”
Đọc những
dòng chữ trên làm chúng ta nhớ đến lời mở đầu Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong
Thế Giới ngày nay của Công Đồng Vatican II: “Vui
mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người
nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của
các môn đệ Chúa Kitô...”
Chọn lựa
như trên thật bình thường nhưng cũng phải thật can đảm vì Chúa Kitô đã chọn lựa
và đã phải trả giá cho sự chọn lựa đó, Giáo Hội từng nơi từng lúc và từng con
người cũng đã chọn lựa như vậy, và cũng đã phải trả giá cho sự chọn lựa. Chúa
Kitô dám sống dám chết cho bầy chiên, có những vị Mục Tử tốt lành đã dám sống
dám chết cho bầy chiên, cái định luật sống chết cho bầy chiên là định luật của
Lòng Xót Thương bất di bất dịch.
Ngày nay,
trên quê hương đất nước này, mùi của chiên không dễ nhận một chút nào, không
nói hết và không diễn tả hết được mùi của chiên, chỉ khi dấn mình vào, sống
giữa bầy, cùng ăn cùng uống với bầy, tự nhiên mùi chiên sẽ “ám” vào thân thể,
có thể lúc đầu rất khổ sở vì những mùi không phải là của mình, nhưng mảnh đất
sẽ không trở nên tốt nếu không có lưỡi cày sắn vào, xới tung lên.
Chúng ta
cầu nguyện cho Hội Thánh Việt Nam luôn có những Mục Tử dám “mang vào mình mùi
chiên”, chúng ta cầu nguyện đặc biệt cho vị tân Giám Mục đáng kính đủ sức mạnh
Thần Linh để can đảm “mang vào mình mùi chiên”, cách riêng thân phận mùi chiên
ở Việt Nam không dễ mang chút nào ! Chúng ta có bổn phận cầu nguyện và đồng
hành với ngài, đồng hành với quyết định quảng đại và đầy lòng yêu mến của ngài.
Lm.
VĨNH SANG, DCCT, Chúa Nhật 21.7.2013
No comments:
Post a Comment