Wednesday, 3 July 2013

Lm Nguyễn Thể Hiện DCCT: THÂN PHẬN CỦA ĐỨC GIÊSU VÀ CỦA CÁC ĐỒ ĐỆ




Bài Tin Mừng chia thành hai phần rất rõ ràng:
- Một làng Samari không đón tiếp Đức Giêsu ( Lc 9, 51 – 56 )
- Giáo huấn về việc đi theo Đức Giêsu ( Lc 9, 57 – 62 ).
1. Một làng Samari không đón tiếp Đức Giêsu
Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người cương quyết đi lên Giêrusalem” ( c. 51 ). Trong tư cách là Tôi Trung của YHWH, hoàn toàn sẵn sàng đón nhận những đau khổ đang chờ đón mình, và hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa, Đức Giêsu cương quyết và mạnh mẽ đi lên Giêrusalem, nơi Người sẽ hoàn tất cuộc “siêu thăng”, tức là hoàn tất cuộc khổ nạn và phục sinh của Người.
Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Samari để chuẩn bị cho Người đến” ( c. 52 ). Kể từ sau cuộc lưu đày lần thứ nhất, giữa người Do Thái và người Samari đã bắt đầu có những sự xung khắc ngày càng mạnh mẽ.
Vào khoảng thế kỷ IV trước Công Nguyên, dân Samari đã xây một đền thờ riêng cho mình trên núi Garizim; đền thờ này bị tàn phá vào năm 128 trước Công Nguyên. Giữa dân Samari và những người Galilê muốn đến Giêrusalem vẫn thường xảy ra những vụ đụng độ. Vì thế, việc Đức Giêsu sai mấy sứ giả đi trước để chuẩn bị khi Người sắp đi qua một làng Samari là điều có thể hiểu được. Nhưng trong bản văn Luca hiện thời, việc sai mấy môn đệ đi trước này không chỉ là một dữ kiện lịch sử, mà còn là một sự báo trước sứ mạng của các đồ đệ sau biến cố phục sinh ( x. Lc 10, 1 ). Họ mang tư cách là các sứ giả loan báo biến cố Đấng Mêsia đến và chuẩn bị lòng người ta đón nhận Ngài.
Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem” ( c. 53 ). Trong tư cách là khách hành hương tiến về Giêrusalem, Đức Giêsu bị từ chối, không được dân làng Samari đón tiếp. Tất nhiên là có lý do lịch sử cho sự từ chối này. Nhưng ngoài ra, có thể nghĩ đến một lý do mang tính thần học không ? Nhiều người nghĩ rằng việc tác giả Lc cố ý nhắc lại câu 51b ( về hướng Giêrusalem ) đề nghị cách hiều sau đây: giống như các đồ đệ của Đức Giêsu, dân cư Samari không hiểu được rằng Đức Giêsu nhất thiết phải lên Giêrusalem theo chương trình của Thiên Chúa để hoàn tất cuộc “siêu thăng” của Người.
Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không ?” ( c. 54 ). Phản ứng của hai môn đệ này không phù hợp với quan niệm và đường lối Mêsia của Đức Giêsu. Vì thế, “Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông” ( c. 55 ). Người quay lại, vì trong tư cách Tôn Sư, Người đang đi trước các ông trên con đường hướng về Giêrusalem. Người quở mắng các ông tức là Người tỏ một thái độ hết sức mạnh mẽ và nghiêm khắc đối với các ông. Nên biết rằng đó cũng là thái độ của Người đối với ma quỷ ( xem 9, 42 ).
Nước Thiên Chúa không đến với con người bằng sức mạnh. Trong câu Lc 19, 10 Đức Giêsu sẽ nói: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”. Vì thế, thay vì dùng bạo lực trừng phạt những người Samari không tiếp đón, thậm chí ngăn cản mình, thì Đức Giêsu chọn một giải pháp khác để thực hiện chương trình của Người: “Thầy trò đi sang làng khác” ( c. 56 ).
Rất nhiều khi trong cuộc sống thừa sai và mục vụ, chúng ta bị cám dỗ hành xử như hai ông Giacôbê và Gioan. Có những yếu tố lịch sử, văn hóa và cả tâm linh nữa, khiến cho không ít người không sẵn sàng, thậm chí từ chối, Đức Giêsu và Tin Mừng của Người. Một sự nhiệt thành quá đáng cộng thêm những quan niệm sai lầm về ơn cứu độ… có thể khiến cho một số vị thừa sai và một số vị mục tử chọn cách phản ứng đáng tiếc. Câu chuyện Đức Giêsu bị từ chối hôm nay và cách phản ứng của Người trước sự từ chối này, là một bài học đáng suy nghĩ đối với tất cả Hội Thánh, nhất là trong thế giới đa nguyên và phức tạp hiện đại.
2. Giáo huấn về việc đi theo Đức Giêsu
Ba trường hợp được kể trong đoạn Tin Mừng này cho thấy tính chất nghiêm túc của ơn gọi làm môn đệ của Đức Giêsu. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả Tin Mừng đặt những đòi hỏi dành cho người độ đệ của Đức Giêsu ở đầu cuộc hành trình lên Giêrusalem của Người và ngay trước khi Người sai các môn đệ đi giảng ( 10,1tt ).
Trường hợp thứ nhất:
Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo." Người trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu."” ( cc. 57 – 58 ).
Đức Giêsu vừa bị một làng Samari từ chối. Lời xin đi theo Đức Giêsu lúc này bao hàm ý định sẵn sàng chia sẻ với Người thân phận của một kẻ lang thang không nhà. Người ngỏ lời xin tỏ ra có ý thức chọn lựa một cách sống không tiện nghi và sẵn sàng đi theo Đức Giêsu không điều kiện: “Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. “Đi theo”, trong cách nói của các rabbi đương thời, là làm môn đệ. Lời xin làm môn đệ ở đây đã giả thiết sự sẵn sàng ứng đáp triệt để những đòi hỏi của Đức Giêsu và sẵn sàng đồng thân đồng phận với Người.
Đáp lại, Đức Giêsu nêu rõ đòi hỏi nghiêm ngặt dành cho các đồ đệ của Người. Ngay cả những loài thú suốt ngày di chuyển như con chồn và con chim cũng có chỗ trú thân, đang khi Đức Giêsu và cùng với Người là các độ đệ, lại không có chỗ nào tựa đầu. Các đồ đệ cần phải ý thức rõ ràng về chọn lựa của mình. Thực ra, “chỗ tựa đầu” ở đây không chỉ có nghĩa là một nơi chốn nghỉ ngơi hay trú ẩn mang tính vật chất. Chúng ta hoàn toàn có thể hiểu xa hơn và sâu hơn. Những đồ đệ của Chúa hoàn toàn có thể bị cám dỗ tựa đầu vào những thực tại mình có được hay làm ra được: vật chất, quyền hành, vinh dự, sự nghiệp trí thức, sự nghiệp tông đồ, thậm chí cả sự “thánh thiện” sau bao năm đi đàng nhân đức hay hoạt động tông đồ. Tất cả những thứ đó, ngay cả những thứ cao quý nhất do mình làm ra và thủ đắc được, đếu có thể trở thành một thứ gối để tựa đầu. Hiểu như thế, rõ ràng đòi hỏi của Đức Giêsu rất triệt để.
Trường hợp thứ hai:
Đức Giêsu nói với một người khác: "Anh hãy theo tôi !" Người ấy thưa: "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã." Đức Giêsu bảo: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa” ( cc.59-60 ). Trong trường hợp này, chính Đức Giêsu có sáng kiến. Người ngỏ lời mời gọi. Tác giả Tin Mừng không cho biết rõ hơn về người được gọi. Ông chỉ muốn trình bày một trong những trường hợp có lẽ mang tính điển hình.
Người được kêu gọi không từ chối lời kêu gọi của Đức Giêsu, nhưng anh ta xin được làm một việc hết sức hợp lý: chôn cất cha anh ta trước khi lên đường đi theo Đức Giêsu. Việc chôn cất cha này là một đòi buộc của đạo hiếu. Đó là một việc tốt lành.
Nhưng câu trả lời của Đức Giêsu lại có vẻ hết sức chướng kỳ: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ”. Câu trả lời này đi ngược lại lời dạy của Luật, phản bội tâm tình đạo đức của dân và chống lại cảm xúc bình thường của mọi con người bình thường. Vì thế, nhiều người phải nghĩ ra những cách giải thích làm cho đòi hỏi này bớt chướng kỳ đi. Có lẽ cần phải hiểu “kẻ chết” ở đây theo một nghĩa ẩn dụ; đó là những kẻ “chết về thiêng liêng”, tức là, trong Do Thái giáo đương thời, đó là những kẻ tội lỗi.
Thực ra, đòi hỏi trên đây của Đức Giêsu chỉ có thể hiểu được nếu chúng ta đặt dưới ánh sáng của lời công bố của Đức Giêsu: Nước Thiên Chúa đã đến gần. Đặt bên cạnh biến cố Nước Thiên Chúa đến, tất cả mọi thứ khác đều trở thành tương đối. Đức Giêsu không hủy bỏ Luật, không coi thường lòng đạo đức của dân chúng và không xúc phạm tình cảm của người ta. Nhưng nhiệm vụ loan báo Nước Thiên Chúa phải được coi là ưu tiên hơn tất cả mọi thực tại khác của đời sống con người.
Đàng khác, đòi hỏi này của Đức Giêsu còn hàm ẩn một gợi ý: đi theo Đức Giêsu, người môn đệ phải từ chối trật tự cứu độ do Luật ấn định và phải hoàn toàn đặt mình trong tương quan sâu sắc với Đức Giêsu đến độ lấy chính ý muốn của Người làm tiêu chuẩn tối hậu.
Trường hợp thứ ba:
Một người khác nữa lại nói: "Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã." Đức Giêsu bảo: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” ( cc. 61 – 62 ).
Trong Cựu Ước, ông Êlia đã đồng ý cho ông Êlisê từ biệt gia đình trước khi theo mình ( 1V 19, 19 – 21 ). Nhiều người nghĩ rằng đòi hỏi được trình bày ở cc. 61 – 62 đã được thêm vào như một sự diễn giải rõ hơn cc. 59 – 60, để làm cho rõ hơn trong hoàn cảnh hậu phục sinh chính đòi hỏi đã được nói đến ở câu 60: uy quyền của Đức Kitô vượt quá uy quyền của ông Êlia.
Tóm lại, trước khi trình bày sự kiện Đức Giêsu sai 72 môn đệ đi giảng, tác giả Luca đã kể lại ba cuộc đối thoại cho thấy tính cách triệt để của những đòi hỏi mà Đức Giêsu đưa ra cho những ai muốn làm môn đệ Người. Họ phải đặt nhiệm vụ loan báo Nước Thiên Chúa trên tất cả mọi thực tại khác.
Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT

No comments: