Tuesday 9 July 2013

Lm Nguyễn Thể Hiện CSsR: ĐỨC GIÊSU SAI CÁC ĐỒ ĐỆ ĐI GIẢNG




 
Lm Nguyễn Thể Hiện DCCT
Bài Tin Mừng tường thuật một sự kiện đặc biệt: Đức Giêsu sai 72 Môn Đồ đi rao giảng.
Tác giả Tin Mừng dùng những kiểu nói long trọng để trình bày sự kiện sai đi. Đức Giêsu hiện diện trong tư cách quân vương Mêsia. Người “chỉ định” và “sai đi” những đồ đệ mà người đã tuyển chọn, và họ sẽ lên đường trong tư cách là những sứ giả đi trước Người, đến những nơi mà chính Người sẽ đến. Nhiệm vụ của họ không phải là chuẩn bị một chỗ nghỉ chân cho Người, mà là chuẩn bị cho biến cố Đức Chúa đến trong Nước của Người, vì họ đi trước là để công bố với người ta rằng “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông” ( c. 9 ).
Các thủ bản dị biệt nhau về con số các đồ đệ được sai đi. Có bản viết 70. Có bản viết 72. Nhưng điều quan trọng là giá trị biểu tượng của con số: quy chiếu về thực tại nào ? Có hai khả năng chính. ( 1 ) Chi tiết này được hiểu theo nghĩa ám chỉ St 10 về danh sách các dân hậu duệ của ông Nôê, gồm 70 dân tộc ( theo bản Hípri ) hoặc 72 ( theo bản LXX ); vậy con số này biểu tượng cho toàn thể các dân trên thế giới. ( 2 ) Chi tiết này quy về Ds 11, 24 – 30, theo đó YHWH đã ban Thần Khí Ngôn Sứ cho 70 vị kỳ mục do ông Môsê tuyển chọn và 2 người khác vốn không được chọn ( tổng công là 72 người ). Hiểu theo khả năng thứ hai này, tác giả Luca muốn nhấn mạnh ở đây sứ mạng phổ quát của Hội Thánh tiên khởi, được thực hiện bởi các vị Thừa Sai không thuộc số các Tông Đồ được Chúa Giêsu sai đi trong Lc 9, 16.
Thánh Luca nói rõ rằng các đồ đệ sẽ đi từng hai người một. Điều này cho phép các ông tự vệ tốt hơn trong những hoàn cảnh nguy hiểm, nhưng nhất là, cho phép các ông, theo Đnl 19, 15, hoàn thành tốt hơn vai trò làm chứng của mình. Và quả thực, sau này, trong sách Công Vụ các Tông Đồ, Thánh Luca sẽ kể về những chuyến đi Thừa Sai của những cặp Thừa Sai khác nhau: Phêrô và Gioan, Phaolô và Sila, Barnaba và Marcô…
Người bảo các ông: Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” ( c. 2 ). Các ngôn sứ và văn chương khải huyền Do Thái thường dùng hình ảnh mùa gặt để nói về cuộc phán xét chung cục dành cho Israel ( Is 27, 12 ) và các dân tộc ( Ge 4, 13 ). Vào ngày đó, Thiên Chúa sai các thiên sứ của Người “thu lượm” các dân và chính Israel như người ta thu lượm mùa màng. Nhưng đó không phải là viễn tượng của Luca trong đoạn văn này. Mùa gặt ở đây không được hiểu như là một hình ảnh của biến cố cánh chung vĩ đại, mà là hình ảnh diễn tả cánh đồng Thừa Sai phổ quát và rộng lớn, trong đó, những dân cần được nghe Tin Mừng thì đông vô kể mà những nhà Thừa Sai loan báo Tin Mừng thì thật ít ỏi và bé nhỏ. Tuy nhiên, chính Thiên Chúa mới là chủ của công cuộc loan báo Tin Mừng: “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.
Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” ( c. 3 ). Lập tức ngay sau lời sai đi là lời nói về số phận bi thương của những kẻ được sai đi. Đó là số phận của chiên con đi vào giữa bầy sói, đầy thù hằn và nguy hiểm. Nhưng đồng thời, ẩn bên dưới hình ảnh chiên con giữa bầy sói còn là một lời mời gọi các đồ đệ không sử dụng bạo lực: như chiên con giữa bầy sói, người đồ đệ biết rằng bạo lực không phải là phương thế hữu hiệu giúp hoàn thành sứ mạng. Hơn nữa, hình ảnh chiên con ở đây còn gợi ý một sự quy chiếu kín đáo về người Tôi Tớ của YHWH: “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” ( Is 53, 7 ).
Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” ( c. 4a ). Các đồ đệ được sai đi trong tư thế nghèo triệt để. Các ông không được mang theo mình ngay cả những thứ tối thiểu rất cần thiết cho cuộc hành trình. Được đặt ở vị trí đầu tiên trong số các đòi hỏi dành cho vị Thừa Sai, sự nghèo khó triệt để này có một vai trò quan trọng không thể giảm trừ. Và người ta sẽ chỉ sống được như thế nếu hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng luôn sẵn sàng ân ban cho những con người nghèo khó các sự trợ giúp và bảo vệ cần thiết ( 12, 22tt ).
Sự nghèo khó triệt để này còn có chức năng chứng tá. Trong cách sống nghèo khó và không có khả năng tự vệ của mình, các sứ giả cụ thể hoá lý tưởng hoà bình mà họ muốn công bố và làm chứng. Họ cho thấy mình không thuộc vào tập hợp những kẻ giàu có và quyền thế, nhưng thuộc về những người nghèo và những người con của sự Bình An. Chắc chắn Thánh Luca có thừa kinh nghiệm để biết rằng không thể áp dụng lệnh truyền ở câu 4a này theo sát nghĩa mặt chữ. Nhưng sự nghèo khó triệt để luôn luôn vẫn là lý tưởng cần phải nhắm tới của mọi vị Thừa Sai, vì đó chính là hệ quả lôgích dành cho những người được kêu gọi bán mọi sự để đi theo Đức Giêsu.
Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường” ( c. 4b ). Lệnh cấm chào hỏi dọc đường này có lẽ cần được hiểu trong đường hướng của 2V 4, 29, tức là vì một lý do khẩn cấp: không có thời gian để thực hiện những hành vi và lời nói theo nghi thức chào hỏi thường được sử dụng trong thế giới đông phương cổ thời. Nhưng cũng có người hiểu lệnh cấm này theo những cách giải thích khác. Ví dụ: nhà Thừa Sai cần phải dành lời chào bình an cho những người mà mình được sai đến với họ chứ không phải với bất cứ ai mình gặp trên đường ( xem c. 5 ); hoặc nhà Thừa Sai không được chào hỏi ai tức là không được ghé thăm cha mẹ và bè bạn khi đang trên đường thi hành sứ vụ… Điều quan trọng là theo Thánh Luca, sứ vụ Thừa Sai phải là yếu tố thu hút tất cả sức lực và sự quan tâm của vị Thừa Sai, khiến họ chỉ còn chú tâm vào sứ vụ đó mà thôi.
Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này !” ( c. 5 ). Lời chào bình an ở đây không chỉ có giá trị của một công thức chào hỏi lịch sự thông thường của người Do Thái. Đức Giêsu đã đem vào công thức đó một nội dung hoàn toàn mới mẻ. Nhiệm vụ của các sứ giả thời Cánh Chung, theo Is 52, 7, là công bố bình an, tức là công bố sự khởi đầu của thời Cứu Độ. Thời Cứu Độ ấy đã được khai mở rồi với biến cố Đức Giêsu Kitô. Bình an được nói đến ở đây là thực tại Cứu Độ, một khi được đón nhận, sẽ có thể đem lại cho nhà ấy những hiệu quả rất cụ thể, như trong trường hợp nhà ông Giakêu ( x. Lc 19, 1 – 10 ), tức là sẽ làm cho sức mạnh của Nước Thiên Chúa mà Đức Giêsu công bố được thi thố hữu hiệu trong nhà ấy.
Nếu ở đó, có con cái của sự bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em” ( c. 6 ). Sự bình an “của anh em” được nói đến ở đây thực chất là Ơn Cứu Độ của Đức Giêsu mà các vị Thừa Sai có nhiệm vụ đem đến cho người ta. Tác giả Tin Mừng sử dụng một lối nói khá đặc biệt: “sẽ ở lại”, dịch sát là “sẽ đậu xuống”. Trong 2V 2, 15 và Ds 11, 25, lối nói “sẽ đậu xuống” này được sử dụng để nói về Thần Khí của Thiên Chúa.
Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia” ( c. 7 ). Trước hết, chúng ta gặp ở đây ( c. 7a ) một lời căn dặn các đồ đệ thực hiện theo đúng gương mẫu của Đức Giêsu: sống sự hiệp thông sâu xa với những người mà mình được sai đến, đồng bàn với họ, không e dè những thức ăn mà họ dọn cho ( mặc dù những thức ăn này có thể “không thanh sạch” theo nghi tiết ), không phòng thủ, nhưng đón nhận tất cả những gì họ dành cho mình. Câu 7b ( vì làm thợ thì đáng được trả công ) được thêm vào sau này, vì đã nói đến “quyền” của các vị Thừa Sai, tức là giả thiết một vấn đề tế nhị nảy sinh trong Hội Thánh hậu phục sinh. Câu 7c ( đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia ) giả thiết một vấn đề khác của hoạt động Thừa Sai trong Hội Thánh tiên khởi: cám dỗ đi tìm những nơi chỗ tiện nghi và thoải mái hơn.
Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em” ( c. 8 ). Từ phạm vi “nhà”, hoạt động của các Thừa Sai được chuyển sang phạm vi “thành”. Thực ra, câu này khó giải thích. Nó lặp lại những điều đã được nói trong câu trước liên quan đến những quy tắc ăn uống. Vả lại, rõ ràng ăn uống trong một nhà nào đó thì tự nhiên hơn ăn uống trong một thành, và thật lạ lùng khi mối bận tâm trước hết mà người Thừa Sai đối diện vừa khi vào thành lại là chuyện ăn uống thay vì giảng dạy ! Nhưng thực ra, câu này phản ánh và đưa ra một nguyên tắc giải quyết cho vấn đề của một hoàn cảnh cụ thể của các Thừa Sai thời kỳ đầu của Hội Thánh, khi công cuộc loan báo Tin Mừng vừa bắt đầu lan tới các thành phố của dân ngoại. Trong hoàn cảnh đó, các Thừa Sai thường phải đối diện với một vấn đề: sự thanh sạch theo nghi tiết của thức ăn mà những người Do Thái phải lưu tâm. Chúng ta hãy đọc, ví dụ 1Cr 10, 27: “Nếu có người ngoại nào mời anh em và anh em muốn đi, thì cứ ăn tất cả những gì người ta dọn cho anh em, không cần phải đặt vấn đề lương tâm”.
Sau khi nói về các quy tắc phải tuân thủ khi thi hành sứ vụ được sai đi, Đức Giêsu nói với các đồ đệ về hoạt động mà họ phải thực hiện: “Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông” ( c. 9 ). Chữa lành và công bố sứ điệp Tin Mừng. Trật tự giữa hai yếu tố này là một điều đáng chú ý. Thực ra, trật tự này được coi như một đặc điểm của phần trình thuật của Luca về cuộc hành trình Đức Giêsu đi lên Giêrusalem: ba lần tác giả đặt việc chữa lành đi trước lời giảng dạy về Nước Thiên Chúa ( 13, 10 – 17 + 18 – 21; 14, 1-6 + 7 – 14.15 – 24; 17, 11 – 19 + 20 – 21.22 – 37 ).
Có lẽ theo Luca những cuộc chữa lành đó là những dấu hiệu của sự kiện Nước Thiên Chúa đến như Ơn Cứu Độ đạt thấu con người toàn diện. Đàng khác, việc đặt sự chữa lành trước lời công bố Tin Mừng về Triều Đại Thiên Chúa trong bài Tin Mừng còn có một lý do đặc biệt khác nữa. Nếu Triều Đại Thiên Chúa đến gần “các ông”, mà “các ông” này lại là những người vừa được chữa lành, tức là những người vốn bệnh hoạn tật nguyền, thì điều đó có nghĩa là Ơn Cứu Độ được ban trước hết cho những con người bệnh tật, tội lỗi và bị gạt sang bên lề, tức là những con người “bé mọn” theo kiểu nói ở 10, 21.
Lần đầu tiên tác giả Luca dùng công thức “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông” như là cô đọng điểm cốt yếu nhất của sứ điệp Tin Mừng của Đức Giêsu. Các nhà chú giải tranh luận nhiều về cách Luca hiểu công thức này. Nói một cách nôm na, vấn đề là tác giả Luca hiểu động từ “eggizein” theo nghĩa nào: “đến gần” hay “gần đến” ?
Gợi ý suy niệm:
1. Sự kiện Đức Giêsu sai 72 Môn Đệ đi rao giảng trong bài Tin Mừng được đặt ngay sau đoạn văn nói về những đòi hỏi của Đức Giêsu dành cho những ai muốn đi theo Người ( Lc 9, 57 – 62 ). Điều này chứng tỏ bản chất Thừa Sai của việc theo Đức Giêsu và làm Môn Đệ của Người. Thực ra, chính Đức Ái tông đồ sẽ là yếu tố thống nhất toàn bộ đời sống của người đồ đệ Đức Kitô. Người đồ đệ được kêu gọi vì sứ vụ Thừa Sai và cho sứ vụ Thừa Sai.
2. Lời Đức Giêsu: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” đặt chúng ta đứng trước cánh đồng truyền giáo bao la. Cứ theo lôgích bình thường, người nghe sẽ chờ Chúa tiếp tục nói gì ? “Anh em hãy mau ra đồng và nhanh tay làm việc” ? Nhưng không. Người lại bảo: “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Chính Thiên Chúa mới là chủ mùa gặt, và tác động đầu tiên của chúng ta lại phải là cầu nguyện. Cầu nguyện để đặt mình vào trong cái nhìn của Thiên Chúa và để ý thức về vai trò của Thiên Chúa và của chính chúng ta trong công cuộc truyền giáo. Đức Giêsu sai chúng ta loan báo Tin Mừng, nhưng Người không muốn chúng ta sống theo chủ nghĩa duy hoạt động. Không thể phủ nhận giá trị ưu tiên của việc cầu nguyện trong cuộc đời Thừa Sai.
3. Tin Mừng trước hết phải được loan báo cho người nghèo. Sứ mạng của Hội Thánh trước hết là rao giảng Tin mừng cho những người nghèo, những người đau yếu và bị gạt ra bên ngoài ( “Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông” ). Sứ mạng đó bao gồm việc cứu độ con người toàn diện, chứ không chỉ là Ơn Cứu Độ thiêng liêng và thuộc về thế giới mai hậu.
4. Những đòi hỏi của Đức Giêsu đối với các đồ đệ được sai đi trong bài Tin Mừng hôm nay ( cc. 4.7.8 ), luôn luôn cật vấn tất cả chúng ta, nhất là những Thừa Sai đang trực tiếp tham gia công việc loan báo Tin Mừng. Là Thừa Sai, chúng ta được mời gọi đem lòng trông cậy mà nhận lấy sự nghèo khó của chính Đức Kitô: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” ( 2Cr 8, 9 ). Đức Ái tông đồ cũng đòi hỏi các nhà Thừa Sai sống nghèo thật sự, phù hợp với cảnh nghèo của lớp người nghèo mà họ được sai đến loan báo Tin Mừng, bởi lẽ chính bằng cách sống ấy, họ chứng tỏ mình liên đới với người nghèo và trở nên dấu chỉ niềm hy vọng cho người nghèo.
 Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT

No comments: