Tuesday 6 November 2012

Lm Nguyễn Thể Hiện CSsR: ĐIỀU RĂN ĐỨNG ĐẦU


Bài Tin Mừng hôm nay ( Mc 12, 28b – 34 ) kể lại một cuộc đối thoại thú vị và quan trọng giữa Đức Giêsu và một ông kinh sư Do Thái, ngay sau cuộc tranh luận của Đức Giêsu với những người thuộc nhóm Sađốc.
Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giêsu và những người thuộc nhóm Sađốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giêsu đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu ?” ( c. 28 ).
Các điều răn của Thiên Chúa được coi là thành phần quan trọng và quý giá trong mối tương quan giữa Thiên chúa và dân của Người. Các điều răn bày tỏ cho người ta biết ý muốn của Thiên Chúa, cách hành xử đúng đắn mà người ta cần phải thực hiện, và con đường đưa người ta đến sự sống đích thực. Không ai có thể tự mình ban sự sống cho chính mình. Mọi người đều tùy thuộc Thiên Chúa hằng sống, và do đó, đều phải thực thi các lệnh truyền của Người để có thể đạt tời sự sống đích thực.
Trong thực tế, các vị thầy lỗi lạc của Do Thái Giáo đã đưa ra một tổng hợp gốm 613 điều răn, trong đó có 365 điều cấm làm ( tương ứng với con số 365 ngày của năm ) và 248 điều buộc làm ( tương ứng với con số 248 bộ phận của cơ thể con người theo quan niệm của người xưa ). Vấn đề là trong số 613 điều răn đó, điều răn nào đứng đầu ? Đây quả thực đã là đề tài tranh luận sôi nổi giữa các bậc thầy Do Thái.
Chính trong bối cảnh tư tưởng và thực tiễn như vậy mà ông kinh sư đã nêu vấn đề với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu ?” Câu hỏi này, sâu xa ra, là câu hỏi về điều mà Thiên Chúa quan tâm nhất, cũng là về điều mà con người cần phải chú ý nhất và phải nỗ lực thực hiện ở mức độ cao nhất để đạt tới sự sống đích thực.
“Đức Giêsu trả lời: "Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó” ( cc. 29 – 31 ).
Trước hết, Đức Giêsu lặp lại những lời của Đnl 6, 4 – 5 mà người Do Thái đọc mỗi ngày trong lời cầu nguyện buổi mai và buổi hôm, tức là trong kinh Shema.
Điều răn thứ nhất ( yêu mến Thiên Chúa ) được dẫn nhập bởi một lời kêu gọi: “Nghe đây, hỡi Israel...” Lời được ngỏ không phải cho từng người người cô lập và được hiểu theo nghĩa cá nhân chủ nghĩa riêng biệt, mà là ngỏ với dân Israel và với mỗi người trong tư cách là thành phần của cộng đồng con cái Israel. Họ được mời gọi lắng nghe và nhận biết rằng “Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất”. Nói cách khác, họ phải ý thức Đức Chúa mà mình được mời gọi yêu mến là ai. Người là Đức Chúa, là Thiên Chúa chúng ta, và là Chúa duy nhất.
Israel cần sống xác tín rằng Người là “Thiên Chúa chúng ta”, tức là vị Thiên Chúa đã chọn Israel làm dân riêng của Người. Công thức “Thiên Chúa chúng ta”, vì thế, là công thức diễn tả mối liên hệ đặc biệt của Thiên Chúa với Israel. Trong mối liên hệ đặc biệt đó, tình yêu của Thiên Chúa là yếu tố đi bước trước, và tình yêu mà người ta phải có đối với Thiên Chúa, vì vậy, luôn chỉ là lời đáp trả ( tất nhiên còn ) yếu đuối và bất toàn.
Đồng thời Israel cũng được mời gọi ý thức rằng Thiên Chúa mà chúng ta phải yêu mến là “Đức Chúa duy nhất”. Chỉ một mình Người là Thiên Chúa. Mọi thực tại hiện hữu khác đều chỉ là thụ tạo, nghĩa là được Người tạo nên. Vì thế, người ta phải yêu mến Thiên Chúa hơn hẳn và khác hẳn tình yêu dành cho mọi thực tại khác.
Đối diện với Đức Chúa là Thiên Chúa chúng ta và là Chúa duy nhất đó, Israel được truyền phải yêu mến Người “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”, tức là với con người mình trong hiện hữu, trong ước muốn, trong suy nghĩ và trong hành động. Cả bốn thực tại của con người được liệt kê ở đây ( trái tim, linh hồn, trí khôn và sức lực ) đều được xác định bằng yếu tố “tất cả, hết, toàn bộ”. Nói cách khác, toàn bộ con người phải dấn thân vào trong tình yêu đối với Thiên Chúa, chứ không chỉ là vấn đề cảm giác mà thôi. Con người toàn diện với tất cả những khả năng và sức lực của mình, theo cách thức riêng của mỗi người, phải hoàn toàn hướng về Thiên Chúa trong tình yêu để tìm kiếm Người, yêu mến Người, kết hiệp với Người, thuộc trọn về Người. Đó chính là lệnh truyền đứng đầu trong mọi lệnh truyền.
Rồi lập tức, gắn chặt vào với lệnh truyền thứ nhất đó, Đức Giêsu nêu rõ: ( c. 31a ). Lệnh truyền này được trích từ Lv 19, 18, tức là từ một bản văn khác với bản văn của lệnh truyền thứ nhất nói trên. Nói cách khác, trong Cựu Ước, hai lệnh truyền này không được đặt liền kề nhau và không đương nhiên gắn chặt với nhau. Việc gắn kết hai lệnh truyền này với nhau ở đây quả thực là một việc làm đặc biệt của Đức Giêsu.
Đi liền với “Thiên Chúa của ngươi” trong lệnh truyền thứ nhất sẽ là “người thân cận của ngươi” trong lệnh truyền thứ hai. “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa” và “ngươi phải yêu người thân cận” được gắn kết chặt chẽ với nhau. Về cách thức yếu mến, thì một bên là “với hết con người của ngươi” và bên kia là “như chính mình ngươi”. Rõ ràng lệnh truyền thứ hai gắn chặt và phát xuất từ lệnh truyền thứ nhất: tôi không thể yêu mến Thiên Chúa mà đồng một trật lại từ chối và ghét bỏ con người mà Thiên Chúa yêu mến bằng cũng một cách thức và mức độ như Người yêu mến chính bản thân tôi. Tình yêu đối với người thân cận, thực chất, là hiệu quả và là bằng chứng của tình yêu đối với Thiên Chúa.
Gợi ý suy niệm và chia sẻ:
1. Thái độ chân thành tìm hiểu xem đâu là điều Thiên Chúa quan tâm và muốn chúng ta thực hiện trước hết và trên hết, là một thái độ tâm linh cần thiết, quan trọng và hữu ích để chúng ta có thể trung thành thực sự trong đời sống tâm linh, tôn giáo và luân lý. Trong Năm Đức Tin này, thái độ đó càng cần được chú trọng nhiều hơn.
2. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực, chính là điều răn thứ nhất, vì nó mang lại ý nghĩa cho tất cả những điều răn khác và bảo đảm thực chất cho việc tuân giữ mọi điều răn khác mà Thiên Chúa ban cho dân Người. Nhưng đồng thời và gắn chặt với nó là điều răn yêu mến người khác như chính mình. Trong quan niệm của Đức Giêsu, hai điều răn nói trên không thể tách rời nhau và “Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó”. Người yêu mến Thiên Chúa thực sự sẽ phải có cách sống và hành xử hoàn toàn giống Thiên Chúa, Đấng luôn luôn yêu mến con người. Việc tuân giữ nghiêm chỉnh hai điều răn này sẽ tạo nên một cộng đồng xã hội thái bình, công minh và chính trực.
3. Điểm độc đáo trong câu trả lời của Đức Giêsu không phải là ở chỗ Người nói đến hai điều răn vốn đã được những người Do Thái thuộc nằm lòng, mà là ở chỗ Người coi hai điều răn đó quan trọng như nhau và là quan trọng nhất trong toàn bộ Lề Luật. Đàng khác, việc gắn kết hai điều răn mến Chúa và yêu người lại với nhau trong bài Tin Mừng hôm nay, quả thực, cũng là một việc làm đặc biệt của Đức Giêsu. Khi hai điều răn quan trọng nhất được nối kết chặt chẽ với nhau, thì tôn giáo của hai điều răn này phải được đưa ra khỏi đền thờ để đi vào cuộc sống thường nhật hàng ngày. Đạo phải là thực tại sống hàng ngày được diễn tiến dưới ánh nhìn của Thiên Chúa, và con người ta không còn được phép dừng lại trên sự phân biệt giả tạo giữa những bổn phận đối với Thiên Chúa và những thái độ của họ trong đời sống cộng đồng và xã hội.
Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT

No comments: