Thursday 15 November 2012

Lm Frank Doyle sj: “Đấy là tất cả, người anh tiêu tán”



Suy niệm Chúa nhật thứ 33 thường niên năm B

“Đấy là tất cả, người anh tiêu tán”
Cùng trăng sao, bàng bạc xứ Say Mơ
Cùng tình em, tha thiết như văn thơ
Ràng rịt mãi, cho đến ngày tận thế.
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Mc 13: 24-32
            Ràng rịt - tha thiết, mãi cho đến ngày tận thế. Thiết tha - rịt ràng, tiêu tán cả người anh. Tiêu tán đến tận thế, có là tâm tình nhà thơ? Thế còn, tâm tình nhà Đạo có là tình tự Lời Chúa ghi lâu nay? 
            Trình thuật Lời Chúa hôm nay, thánh Máccô ghi về ngày thế tận, tiếp theo sau đoạn văn nói thành thánh Giêrusalem bị phá huỷ. Tình tự âu sầu mà người Do Thái thời của Chúa, từng trải nghiệm. Trải nghiệm, còn sầu buồn hơn việc thành đô La Mã và đền thánh Phêrô bị hư hao. Với người Do Thái, Giêrusalem là chốn thánh Chúa ngự. Đền Giêrusalem dù bị huỷ hoại rất nhiều lần và dân con  từng lưu lạc, rất nhiều năm. Nhưng, huỷ hoại lần này kéo dài hơn 2000 năm, không kém. Và đến nay, đền thờ Hồi giáo đang chiếm lĩnh nơi đó, không biết đến bao giờ mới ngưng.
            Với cộng đoàn tiên khởi, sự kiện huỷ phá đền thờ để lại nhiều dấu vết suy tư, trầm lắng, rất thương đau. Và, thánh Phaolô nói “Đền thờ mới” Thân Mình Đức Kitô. Tức, ngụ ý rằng: thân mình Ngài tìm thấy ở dân con, chứ đâu phải lớp sỏi vụn, bên ngoài. Nên, dù Vaticăng và đền thánh Phêrô có bị huỷ đi nữa, cũng đâu ảnh hưởng gì đến bản chất thiết yếu của Hội thánh. Hội các thánh lớn dần, đầy sinh lực.
            Trình thuật hôm nay, Chúa nói rõ về sự xuất hiện của Con Người. Con Người đến trong vinh quang. Ngài đến, để thiết lập một lần là mãi mãi cho Vương Quốc Chúa ngự trị. Triều đại Ngài, có kẻ đến để thần phục. Có người mải đến để chối bỏ và chọn lựa chốn tối tăm. Họ chối bỏ, để rồi chọn lựa tư thế chỉ làm người ngoài cuộc mãi mãi.  
            Con Người nói ở đây, được hiểu là Đức Kitô, Con Một Chúa mà đồ đệ nhận biết, đã gần gũi. Con Người ấy, nay xuất hiện đầy quyền năng. Quang vinh. Và, trình thuật còn kể: “Con Người ngự đến trong mây trời, đầy quyền uy, sáng chói” đã là lời vang vọng từ sách Tiên tri Đanien. Nhưng ở đây, Con Người oai nghi uy quyền, hơn bao giờ hết.
            Con Người xuất hiện, bằng cũng một ngôn từ như ở Cựu Ước. Nơi Giao Ước xưa, khi thánh sử diễn tả việc Chúa xuất hiện, lại có “thần thiêng sứ giả và tập họp dân con Ngài lại với nhau”. Tập họp, là để Ngài tỏ lộ cho thấy quyền uy vinh quang chói lọi, vẫn có nơi Con Người. Đây, là mặc khải diễn bày nhiều lần, ở Cựu Ước. Thế nên, khi lặp lại những lời của Cựu Ước, tín hữu Chúa nhận ra xác chứng về thiên tính của Đức Giê-su, nơi vai trò của Con Người.
            Phân nửa bài Tin Mừng nay lặp lại ngôn ngữ và ý tưởng truyền thống có từ thời Cựu Ước. Mà lặp lại không để người đọc hiểu theo nghĩa đen rất từng chữ. Cũng không như lời tiên tri về sự việc sắp xảy đến. Lặp lại, là để diễn bày nội dung rất sáng, đang diễn tiến. Ảnh hình có mặt trời mặt trăng muôn tinh tú, là lối diễn đạt phán quyết của Thiên Chúa đối với dân tộc Do Thái.
            Người Do thái xưa, vẫn tin rằng mặt trời, mặt trăng và muôn tinh tú, đại diện cho thần linh/thượng đế luôn kiểm soát vũ trụ, với trăng sao. Người Do thái tin rằng khi Thiên Chúa ra tay hành động, thì không gian tinh tú sẽ vần vũ. Rối bời. Người thời xưa, chẳng thể nào hình dung ra hệ thống và cơ cấu trăng sao tinh tú, rất vũ trụ như hôm nay.
            Điều mà trình thuật nay muốn nói, là: toàn thể tinh cầu vật thể ở vũ trụ mà người đời vẫn nghĩ là đang kiểm soát lịch sử, so với quyền uy của Đức Chúa, vẫn chỉ là hư vô. Và, một khi mặt trời mặt trăng muôn tinh tú, sẽ không còn chiếu sáng. Thì, trăng sao tinh cầu lớn nhỏ, sẽ rơi rụng.
            Đàng rằng, thời thánh Máccô còn sống, niềm tin vào sức mạnh của trăng sao tinh tú đều rất mạnh. Ở Trung Hoa thời đó, các chiêm tinh gia được kính nể rất mực vì các vị đều có thể đoán trước đường đi nước bước của nhiều tinh tú, ngoài vũ trụ. Đoán được cả, cung cách tác động lên cuộc sống của người phàm, dưới thế trần. Nhờ có kỹ năng tinh tế như thế, các thừa sai Dòng Tên đã được trọng vọng, kính nể cả từ bậc trên. Hôm nay, nhiều đấng bậc ở đời vẫn còn giữ thói quen “bấm số”, “cúng sao”, đoán già đoán non cả về tình duyên/gia đạo, rất bạo miệng.
            Dù rằng thế, chẳng có gì để ta có thể đoan quyết được rằng: có mối giây liên kết giữa việc thành thánh Giêrusalem bị phá huỷ, với việc Đức Chúa quang lâm, sẽ tái thế. Cả khi, tín hữu thời tiên khởi vẫn trông ngóng Chúa đến lại. Chúa đến vào thời họ còn sống. Điều này phản ánh nguyên do khiến thánh sử ghi chú bằng những lời lẽ như: “Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy đến.” (Mc 13:30)
            Hiển nhiên là điều này vẫn ám ảnh truyền thống người Do thái, cứ quan niệm rằng kết cục của thành thánh Giêrusalem còn có nghĩa là kết đoạn của thế trần. Ám ảnh đến độ, các thế kỷ sau đó, ngay như thánh Âu-tinh lại cũng hiểu rằng đoàn quân man rợ đánh chiếm LaMã sẽ kết thúc nền văn minh Kitô, thấy rất rõ. Tuy thế, vào thời điểm trình thuật hôm nay được viết lên, chúng dân đã bắt đầu vấn nghi về lý đương nhiên chuyện Chúa đến trong lai thời.     
            Phần cuối trình thuật kể về việc Chúa dùng dụ ngôn cây vả, làm bài học dẫn dụ người nghe. Vả, là loại cây ai cũng biết, sống tràn lan trên núi Oliu, nơi Chúa giảng. Vả, chỉ đâm chồi nẩy lộc vào cuối xuân. Bởi thế nên, khi thấy vả nảy lộc ai cũng biết là mùa hè đang dần đến. Và khi, nghe Chúa tả ngày thế tận bằng từ ngữ như đại hoạ, đồ đệ Ngài đã ứng đáp bằng niềm tin. Hy vọng. Và tiên liệu. Với họ, ngày thế tận như mùa hè, đều rất tốt. Tốt, không vì Chúa quên lịch sử. Nhưng, vì Ngài đưa mọi sự vào giai đoạn kết cuộc toàn thắng. Thắng tà thần. Thắng lòng dạ con người, luôn đổi thay.     
            Xem như thế, trời/đất, trăng/sao, tinh tú/giải ngân hà, và cả đến hành tinh bé nhỏ của ta nữa, rồi ra cũng sẽ đổi thay. Biến mất. Nhưng, Sự Thật, Tình Thương, và Công Lý sẽ không thay đổi. Vẫn lấn lướt. Vẫn hiện diện. Và ngời sáng, đến muôn đời.
            Lâu nay, nhiều người muốn cảnh báo về ngày thế tận, nhưng “khi nào” thì ngày ấy xảy đến, nào ai biết. Cuối năm 1999, nhiều vị đoán là “ngày ấy đã gần kề”, nhất thứ là khi thấy xảy ra nhiều hiện tượng nhiễu nhương được họ coi như một việc trả đũa, từ Thiên Chúa? Ngôn từ trả đũa mang tính xúc phạm. Bởi, Chúa chẳng bao giờ trả đũa lẫn trừng phạt ai. Dù, người ấy có làm quấy. Ngài vẫn xót thương cả người vô tội, lẫn có tội. Vì tội có bao giờ chạm được Chúa, mà chỉ quay về người vi phạm, thôi.
            Chúa nói: không ai biết được ngày/giờ ấy, sẽ xảy đến. Thành thử, cũng chẳng nên lo lắng về chuyện ấy. Chỉ một cách duy nhất nên làm, là: sống mỗi ngày và mọi ngày trong tình thương yêu phục vụ cũng đã đủ. Ngày hôm nay sẽ định đoạt cho tương lai, mai thời.Thế nên, ta cũng nên tập trung vào chuyện ở đây. Bây giờ. Có thế, mới vào với Nước trời. Vào, để sớm muộn gì Ngài cũng sẽ mời ta đến. Đến với Ngài, như buổi họp mặt của bạn thân.
            Quả thật, Ngài đã, đang và luôn luôn có mặt ở nơi đây. Tuy nhiên, vấn đề không phải là để Ngài đến với ta, mà là: ta sẽ đi vào với tương quan đậm sâu với Ngài. Với Ngài, ngang qua nỗi chết. Chết cho chính mình. Chết cho mọi sơ xuất. Tật xấu để về với cuộc sống, đã đổi thay. Như Ngài dạy.


No comments: