( Kỳ II )
Bài trước
đã đăng trên Ephata, chúng ta đã thấy Đức Chân Phước
Gioan XXIII trong diễn văn khai mạc Công Đồng, ôn lại lịch sử Giáo Hội và nhìn
tổng quát thế giới đương thời. Từ tầm nhìn đó ngài đề ra sứ mạng và tinh thần của Công Đồng Vatican II:
“Như vậy, thưa chư tôn huynh đệ, chức năng Công Đồng phải đảm đương trong
lĩnh vực đạo lý đã tỏ rõ:
Quả thế, Công Đồng chung thứ XXIII... muốn đề xuất đạo lý Công Giáo toàn
vẹn, không giảm nhẹ, không lệch hướng. Đạo lý ấy bất chấp những khó khăn và đấu
tranh đã trở nên như gia sản chung của nhân loại. Đã đành đạo lý ấy không được
tất cả mọi người chấp nhận, mà vẫn được đề xuất cho mọi tâm hồn thiện chí, như
một khó báu rất phong phú đặt vào tay mọi người.
Tuy vậy nhiệm vụ của chúng ta không phải chỉ là giữ gìn kho báu vật ấy, như
thể chúng ta chỉ có bổn phận với quá khứ; Bây giờ chúng ta đừng sợ hãi, hãy
toàn tâm tra tay vào sự nghiệp mà thời đại chúng ta đòi hỏi, tức là đi tiếp con
đường mà Hội Thánh đã đi được 20 thế kỷ rồi.
Mục đích đầu tiên công việc của chúng ta chủ tính cũng chẳng phải là luận
bàn những điểm chính trong đạo lý của Hội Thánh, cũng chẳng phải là nhắc lại để
triển khai thêm những luận điểm mà các Đấng Giáo Phụ và các thần học gia cổ kim
đã đề xuất... Để tổ chức những cuộc bàn luận như vậy, thì không cần gì phải họp
Công Đồng chung...
Thời đại này, phải làm sao để đạo lý Chúa Kitô nguyên tuyền toàn vẹn được
mọi người ngày nay chấp nhận, với một mức quan tâm mới, với tinh thần trong
sáng và bình an, hình thức thì phải giữ được tính chính xác của các ý niệm và
ngôn từ...” Điều cần thiết nữa là “làm sao để nhận thức về đạo lý này lan
rộng hơn nữa và sâu hơn nữa trên khắp thế giới, ngõ hầu thấm nhuần và đào tạo
nhân tâm; Sau nữa đạo lý chắc chắn và bất biến mà ta phải kính tin, cần được
nghiên cứu và giảng dạy theo cung cách thời đại chúng ta đòi hỏi...”
Câu tiếp theo được các nhà quan sát và bình luận nhắc
mãi, coi như điểm quan yếu của bài diễn văn:
“Tự thân kho tàng Đức Tin, tức là các chân lý của Đạo
Thánh là một mặt, nhưng một mặt khác là các diễn bày các chân lý ấy sao cho vẫn
giữ nguyên ý nghĩa, vẫn giảng dạy mãi một điều. Cách diễn tả đó là một điều rất
quan trọng; nếu cần ta sẽ phải nhẫn nại làm việc để biểu đạt; quả vậy, sẽ cần
du nhập những phương pháp trình bày tương hợp hơn với một sứ vụ giáo huấn chủ
yếu có tính cách mục vụ.”
Người ta cho rằng, từ “mục vụ” chính là điểm nhấn của Vatican II. Đức Gioan
XXIII đã nói mục đích của Công Đồng này “chẳng phải là luận bàn những điểm
chính trong đạo lý của Hội Thánh”. Những tín điều căn bản thì các Công Đồng
chung từ các thế kỷ đầu đã xác lập rồi, ‘Nicea năm 325, Constantinopoli I năm 381, Epheso năm
431, Chalcedonia năm 451, Constantinopoli II năm 553, Constantinopoli II năm 680, Nicea II năm 787. Các Công Đồng này đã định tín về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi
và mầu nhiệm Chúa Kitô. Công Đồng Trento họp nhiều khoá rất lâu từ 1545 đến
1563 cũng góp phần quan trọng làm sáng tỏ Đức Tin của Hội Thánh Công Giáo sau
cuộc khủng hoảng Tin Lành. Kèm theo các giáo huấn
chính thức của Hội Thánh là rất nhiều “những luận điểm mà các đấng Giáo Phụ và
các thần học gia cổ kim đã đề xuất”.
Đến Công Đồng Vatican II này thì Giáo Hội với Đức Gioan XXIII càng thấy
không cần đặt lại vấn đề gì về di sản đồ sộ đó nữa. Đó là một mặt, nhưng mặt
khác, Vatican II mở ra một hướng nhìn mới rất “quan trọng”. Những trải nghiệm về
Đức Tin, về Thần Học mà Hội Thánh đã tích luỹ đó phải được diễn dịch ra ngôn
ngữ của ngày nay, để nuôi sống con người ngày nay. Những thành quả của quá khứ
đó vừa phát xuất từ Đức Tin hằng sống, mà trong quá trình đạt tới Đức Tin đó
cũng mang đầy những nét văn hoá, lịch sử, tâm lý của những thời đại mà Hội
Thánh và xã hội cùng kinh qua. Từ đó tới nay, xã hội loài người, trong đó có
Hội Thánh, đã đi thêm và sắp đi thêm những chặng đường mới với những nét văn
hoá, lịch sử, tâm lý mới, tạo ra một bầu khí và một tâm trạng khác trước.
Trải nghiệm quá trình ấy Đức Gioan XXIII cũng nói rõ trong một đoạn trước
đó rằng: “Giáo Hội đã không bị động chứng kiến những phát hiện tuyệt vời của thiên
tài con người cùng sự phát triển của các nền tư tưởng hiện nay”. Chẳng những
thế giới phát triển ngày một nhanh chóng mà chính Giáo Hội cũng không ngừng
phát triển về Thánh Kinh học, thần học, triết học, sử học.
Kết quả là đã đến lúc đặt vấn đề mang hạt giống Đức Tin gieo vào thời
đại như gieo vào một vùng đất mới cho những mùa gặt mới. Ở đây đạo lý có khả
năng bén rẽ sâu hơn để “đào tạo nhân tâm”, sinh ra những hoa quả với hương vị
độc đáo. Cho nên đạo lý chân truyền phải được nói bằng ngôn ngữ của thời đại
cho con người thời đại. Hội Thánh mà nói được cho con người thời đại hiểu thấu
cõi thâm tâm của cả Hội Thánh lẫn của con người thì đó là “mục vụ”. Vatican II
là Công Đồng Mục Vụ.
Sau khi nói tới mục đích và tính cách Mục Vụ của Công Đồng, Đức Thánh Cha
nói đến tinh thần của Công Đồng. Điểm này cũng có một ý nghĩa đặc biệt.
Chẳng là không biết từ lúc nào, trong trí não của nhiều người, kể cả một số
vị trong hàng ngũ lãnh đạo của Giáo Hội, thì Giáo Hội đã biến thành một bộ máy
để hạch sách và lên án thế gian, và hạch sách lên án
cả con cái mình nữa. Cái sự lệch lạc không đáng có ấy từ đâu mà đến ? Có thể rằng nhân loại, cũng như từng cá nhân, đã đi qua nhiều giai đoạn
nhận thức khác nhau. Khi người ta còn bé dại, có khi cha mẹ phải cấm đoán, đe
nẹt, theo nghĩa “yêu cho roi cho vọt”. Các bậc cha mẹ ở một môi trường tâm lý
văn hoá nào đó đã quan niệm như thế một cách rất ngay lành, “xin thầy, xin cô
cứ thẳng tay trị tội con tôi”…
Nhưng đến một lúc đứa bé lớn lên, nó không còn tự động
nói theo người lớn, rằng thế này là tốt, thế kia là xấu, vì bố, vì mẹ đã bảo thế. Từ nay nó cần lý giải,
cần được thuyết phục, nó cần tâm phục khẩu phục. Lúc ấy sự cấm đoán hay trừng
phạt không kiến hiệu nữa. Xã hội loài người cũng vậy, ở một giai đoạn phát
triển nào đó, đại chúng sẵn sàng và mong mỏi được phục tùng quyền bính. Nhưng
rồi xã hội ấy cũng lớn mạnh dần lên về mặt tinh thần, cũng tích luỹ kiến thức,
và nhận ra mình là những con người có phẩm giá tự do. Lúc ấy người ta sẽ cảm thấy mình có
quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do đi tìm chân lý. Xã hội đã chín để
chuyển sang giai đoạn dân chủ. Thậm chí ngay cả sự trừng phạt, đe nẹt đối với
trẻ thơ người ta cũng không muốn nữa, người ta đi tìm những phương cách mới để
giáo dục trẻ.
Lịch sử Giáo Hội cũng đi qua những chặng đường tương tự. Vào một thời nào
đó, quần chúng tín hữu chỉ mong được hướng dẫn, được
tuân phục. Và Giáo Hội, theo nghĩa là giáo quyền, là hệ cấp lãnh đạo, cũng chăm
lo giữ gìn đoàn chiên của mình khỏi mọi lầm lạc, giữ gìn đoàn chiên trong đường
ngay nẻo chính. Khi đó, một cách rất đơn giản, Giáo Hội đưa ra những chỉ thị,
cái gì xấu thì cấm, cấm mà con chiên vẫn bị nó tuyên truyền, cám dỗ thì có những biện pháp đe nẹt, trừng phạt để người ta sợ. Đó là “yêu cho
roi cho vọt”, là “thuốc đắng giã tật”.
Trong những vấn đề rất hệ trọng cho sự chính thống của Đức Tin, tức là khi
những tư tưởng sai lầm có nguy cơ lan tràn, nhiều khi những biện pháp đe nẹt,
trừng phạt mang những bộ mặt dễ sợ. Ví dụ có một công thức dùng để lên án những
sai lầm nguy hiểm: Anathema Sit ! Thật ra từ ngày nhân
loại không còn sống trong thời kỳ chiến tranh tận diệt, cả người lẫn vật để tế
thần thì cũng chả ai xác định được cụ thể “Anathema” là những gì gì. Có lẽ có
thể dịch là: Trời tru đất diệt. Giáo Hội liền có công thức: Kẻ nào dám nói, dám chủ trương thế này thế nọ, thì Anathema Sit ! Cho đến Công Đồng Vatican I, năm 1870, công thức Anathema vẫn còn được sử dụng.
Đức Phật có hình ảnh dụ ngôn về ngón tay chỉ mặt trăng.
Hiểu theo hướng đó thì Anathema dễ sợ kia là một ngón tay sù sì chỉ đường cho
người ta khỏi lạc nẻo chân lý, xa lánh chỗ nguy hại, hướng về cõi giải thoát.
Nhưng để thờ phượng thì ai mà thờ phượng cái ngón tay
! Tuy thế dần dần thái độ có phần
nghiêng lệch như Hội Thánh sẽ nói đối với tín lý vẫn thâm nhiễm một số giáo sĩ
và cả dư luận nói chung. Giáo sĩ thì có khuynh hướng coi nhiệm vụ chính của
mình là soi mói và lên án, dư luận thì có khuynh hướng coi Giáo Hội như một bộ
máy khổng lồ chuyên trói buộc tự do và cấm đoán. Cho đến khi Công Đồng họp,
trong thâm cung Vatican một số vị vẫn muốn Công Đồng chủ yếu phải lên án thế
giới hiện tại.
Tâm thế như vậy làm hại Giáo Hội không ít, đặt biệt trong các giới có trình
độ kiến thức và tư duy. Có thể nói trong đoạn sau đây của diễn văn khai mạc,
Đức Chân Phước Gioan XXIII vừa tái lập quân bình vừa thắp sáng đạo lý của Tin
Mừng:
“Trong ngày khai mở Công Đồng chung Vatican II này, ta thấy rõ hơn bao giờ rằng chân lý của Chúa đời đời tồn tại. Trái lại ta
thấy, thời gian đắp đổi thì những hệ thống tư tưởng mông lung cứ lần lượt khai
trừ lẫn nhau, và những sự lầm lạc vừa phát sinh đã vội tan biến như sương mù dưới ánh mặt trời. Xưa nay Giáo Hội vẫn chống lại
những lầm lạc đó, và đã nhiều lần lên án một cách rất cương quyết. Còn hiện tại
thì Hiền
Thê Chúa Kitô ( tức là Hội Thánh ) muốn dùng vị thuốc trắc ẩn hơn là những khí giới nghiêm khắc. Hội Thánh tin rằng, thay vì lên án, nên tỏ rõ thêm nữa
sự quý giá của đạo lý, đó là cách tốt hơn để đáp ứng những nhu cầu ngày nay.
Đã đành là có những nguỵ thuyết và những quan điểm sai lầm. Đã đành là có
những nguy cơ cần phải ngăn ngừa và đẩy lui. Nhưng những sự lạc hướng đó đối
chọi với các nguyên lý thần lương một cách thật hiển nhiên, cho nên ngày nay
lòng người tự giác mà lên án những sai lầm đó; Nói rõ ra là những sai lầm về
lối sống phủ nhận Thiên Chúa và các giới luật của Ngài, là sự tin tưởng quá
đáng vào tiến bộ kỹ thuật, là một sự thịnh vượng chỉ lấy tiện nghi làm động
lực. Càng ngày người ta càng tự mình nhận thức rằng nhân phẩm được tôn trọng
đầy đủ là điều rất quan trọng và rất khó đạt. Nhất là kinh nghiệm cuối cùng đã
dạy rằng sức mạnh áp đặt từ bên ngoài, quyền lực của võ khí và sự chuyên quyền
về chính trị là những điều hoàn toàn không có khả năng giải quyết một cách tốt
đẹp các vấn đề rất nghiêm trọng đang khiến lòng người xao xuyến.
Trong hoàn cảnh như vậy, Hội Thánh Công Giáo nhờ Công
Đồng chung mà thắp cho bừng sáng ngọn đuốc chân lý của Đạo, Hội Thánh muốn được
như một người mẹ hiền cho mọi người, nhân ái, nhẫn nại, đầy lòng khoan dung từ
hậu với con cái tản lạc. Với người đời đang mang gánh nặng của biết bao nhiêu
lầm than, Hội Thánh công bố như Thánh Phêrô ngày xưa với anh nhà nghèo: “Bạc vàng tôi không có, nhưng có gì thì tôi cho anh: nhân danh Giêsu
Kitô người Nazareth, anh hãy đứng dậy mà đi” (
Cv 3,
6
). Thành ra Hội Thánh không hiến tặng cho người ngày nay những sự phong phú lỗi thời,
nhưng... Hội Thánh khai thông những nguồn suối đạo lý để cho mọi người, dưới
ánh sáng Chúa Kitô, có khả năng thâm nhập ý nghĩa chân thực của đời người, phẩm
giá của mình, và cứu cánh mình phải dõi theo; sau hết qua con cái của mình, Hội Thánh muốn mở
đường cho Lòng Mến của Đức Kitô lan toả khắp nơi”.
Đoạn diễn văn này, phản ánh tâm hồn mênh mông của Đức Gioan XXIII, phản ảnh
cái gì đã làm cho vài năm ngắn ngủi khắp nơi muốn tìm đến
với Ngài nhưng hơn thế nữa, nó là một lúc Hội Thánh tự kết nối mình với Đức
Giêsu khi Ngài trách móc mấy ông đồ đệ nóng tính, chỉ mong cho lửa trời đốt rụi
những kẻ không theo mình, nối kết mình với Đức Giêsu
“hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, Đức Giêsu thương yêu “những kẻ khó nhọc
và gánh nặng”...
Chưa nói tới những lý thuyết và nếp sống trái đạo, ngay trong Công Đồng này
cũng có những vị đang phục vụ với tính cách chuyên viên hay thần học gia đã cảm
thấy niềm an ủi dâng lên trong lòng. Đấy là
những vị mới mấy năm trước đấy còn bị các đấng bậc ở cơ quan kiểm duyệt Rôma
đầy đoạ thi hành kỷ luật sắt, cấm nói, cấm giảng dạy chỉ vì họ đã dám chỉ rõ những điểm chưa đạt trong cách hành xử của Giáo Hội chỉ
vì họ nêu cao một vài chân lý mà những người thủ cựu nhưng có nhiều quyền muốn
che lấp đi. Cha Congar, OP., trong lúc đang bị Bộ Thánh Vụ (
chuyên kiểm duyệt sách ở Rôma ) thi hành kỷ luật thì Đức Gioan
XXIII khi đó đang làm Sứ Thần Toà Thành ở Paris, lại chăm chú đọc và ngẫm nghĩ
về những tác phẩm lớn của cha như “Những nguyên lý cho phong trào Đại Kết Công
Giáo” (
Chrétiens Désunis – Principes d’un Oecuménisme Catholique ) và nhất là “Cải cách thật và cải cách giả trong Giáo Hội” ( Vraie et fausse réforme dans l’Eglise ). Năm 1960, chính Đức Gioan XXIII triệu vời cha Congar và nhiều người khác
cùng một hoàn cảnh như cha ( cha Chenu, cha de Lubac ) bị các đấng ở Bộ Thánh Vụ coi là “khả nghi” về Rôma làm cố vấn Công Đồng.
Hơn thế nữa, về sau người kế vị ngài là Đức Gioan Phaolô II sẽ trao tặng Hồng Y cho cha de Lubac ( năm 1983
) và cha Congar ( năm 1994
) để nhìn nhận công lao của các ngài với Công Đồng Vatican II, chỉ ít lâu trước khi hai ngài qua đời. Đức
Gioan Phaolô II, khi chuẩn bị mừng Năm Thánh thiên niên kỷ 2000, và nhìn lại lịch sử Dân Chúa, đã liệt kê tinh thần “bất
bao dung” vào số những tội lỗi Giáo Hội cần phải sám hối:
“Thật ra nếu muốn đánh giá lịch sử chính xác thì không thể không nghiên cứu
kỹ về sinh cảnh văn hoá của các thời đại, từ đó mà nhiều người có thể thành tâm
cho rằng chứng tá đích thực cho chân lý có thể bao
hàm sự huỷ tiêu quan điểm của người khác hoặc ít ra là không lý gì đến các quan
điểm ấy. Lắm lúc nhiều yếu tố tích tụ lại tạo ra những thiên kiến khả dĩ biện
minh cho sự bất bao dung gây nên một bầu khí xúc cảm mà chỉ có những tinh thần vĩ đại, thật sự tự do và đầy Thiên Chúa
mới có khả năng vượt thoát một cách nào đó. Tuy vậy, dù có xét đến những yếu tố
giảm khinh cũng không bãi miễn được cho Giáo Hội nghĩa vụ phải bày tỏ niềm hối
hận sâu xa về những yếu đuối biết bao nhiêu con cái đã làm xấu mặt Giáo Hội, khiến cho Giáo Hội không phản ảnh được đầy đủ hình ảnh
Chúa mình chiều đóng đinh, là chứng tích tuyệt vời của tình yêu thương nhẫn nại
và hiền hoà khiêm nhường. Từ những thời điểm đau đớn ấy của quá khứ có thể rút
ra bài học cho tương lai khiến cho mọi Kitô Hữu tâm phục nguyên lý tuyệt cao do
Công Đồng Vatican II đề xướng: “Chân lý không thể tự xác
lập chính mình, trừ phi là dựa vào sức mạnh của chính chân lý, sức mạnh ấy thu
phục nhân tâm một cách vừa hiền hoà, vừa mãnh liệt” ( Tông Thư Thiên Niên Kỷ Tertio Millennio Adveniente ).
Việc Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II kết thức đoạn văn trên đây bằng lời trích dẫn tuyên ngôn của Công Đồng
Vatican II về tự do tôn giáo ( Dignitatis Humanae số 1 ) cho thấy Công Đồng này là một thời điểm lớn Giáo Hội đề cao sức mạnh tự
thân của chân lý và khước từ mọi sự cưỡng bức hẹp hòi mà một số người vào một
số thời trong Giáo Hội đã mắc phải. Nhìn theo hướng đó sẽ thấy Đức Gioan XXII
và Công Đồng đã tái lập những định hướng quan trọng và khai phóng như thế nào.
Với tinh thần hiền hoà ấy, Đức Gioan XXIII kêu gọi Công Đồng rộng lòng
trình bày Đức Tin cho người ngày nay, vừa “về nguồn”, vừa tìm đến với thời đại.
Ngài hy vọng Công Đồng sẽ đóng góp cho sự hiệp nhất của tất cả những người tin
vào Chúa Kitô, và Công Đồng sẽ thắp sáng Lòng Mến của Chúa Kitô để phục vụ toàn
thể nhân loại. Ngài kêu gọi mọi người đồng tâm nhất trí cầu nguyện với ngài...
Lm. VŨ KHỞI PHỤNG, DCCT, 1.11.2012
No comments:
Post a Comment