Tuesday, 27 November 2012

Lm Nguyễn Thể HIện CSsR: “NƯỚC TÔI KHÔNG THUỘC VỀ THẾ GIAN NÀY”




Trong những lời đối thoại với ông Philatô mà bài Tin Mừng hôm nay ( Ga 18, 33b – 37 ) thuật lại, Đức Giêsu khẳng định một cách rõ ràng vương quyền của Người và nêu ra hai đặc trưng quan trọng của vương quyền đó, khác hẳn với quan niệm mà ông Philatô có thể có về vương quyền và sứ mệnh của các vị vua trên thế gian này.
1. Đức Giêsu nói rõ với ông Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” ( c. 36a ). Trước đây, khi tranh luận với người Pharisêu về lời chứng liên quan đến bản thân Người, Đức Giêsu đã từng nói: “Tôi không thuộc về thế gian này” ( 8, 23 ), trong ngữ cảnh là lập tức ngay sau đó Người khẳng định “Tôi Hằng Hữu” ( Êgo êimi ) ( 8, 24.30 ). Cái “thế gian này” được đề cập đến ở đây chính là cái hệ thống bất chính, cái hệ thống đang áp đặt sự thống trị gian ác của nó trên con người, cái hệ thống mà sự gắn kết với nó bị coi là tội lỗi. Đối ngược với cái hệ thống ấy, Đức Giêsu phục vụ con người và từ khước việc người ta suy tôn mình ( x. 6, 15 ). Trong tư cách là vua của “Nước không thuộc về thế gian này”, Đức Giêsu sẽ là Con Người bị giương cao lên, Đấng hiến ban mạng sống để cứu độ nhân loại.
2. Đức Giêsu xác định với ông Philatô: “Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái” ( c. 36b ). Lời này giả thiết cách hiểu rằng một trong những đặc trưng của các ông vua của thế gian này là họ sử dụng sức mạnh để thiết lập và bảo vệ quyền thống trị của họ. Nhưng Đức Giêsu thì không như vậy. Người coi việc sử dụng bạo lực là một thành phần của cái hệ thống bất chính và tội lỗi. Chính ở điểm này mà vương quyền của Đức Giêsu khác hẳn vương quyền của vua chúa thế gian. Người tự nguyện chấp nhận bị nộp vào tay người Do Thái và ngăn cản ông Phêrô dùng sức mạnh chống lại những kẻ đến bắt Người ( 18, 11 ). Người từ chối sử dụng sức mạnh, chứng tỏ Người không làm vua như những người khác. Người chấp nhận bị nộp cho người Do Thái thay vì huy động lực lượng để thoát khỏi số phận bi tương của một kẻ bị kết án tử hình.
3. Vương quyền của Đức Giêsu không đặt nền hay bắt nguồn từ bất cứ nền tảng pháp lý hay chính trị hay kinh tế hay ý thức hệ nào của cái thế gian này. Người nói rõ: “Thật ra, Nước tôi không thuộc chốn này” ( c. 36c ). Vương quyền của Người có nền tảng hoàn toàn khác. “Không thuộc chốn này” tức là “không thuộc về thế gian này”. Vương quyền của Đức Giêsu thuọc “thượng giới” chứ không phải “hạ giới” ( x. 8, 23 ), tức là thuộc cảnh vực của Cha và của Thánh Thần. Đó là vương quyền mang lại sự sống ( x. 4, 47.49 ) chứ không phải sự chết.
4. Lời tuyên bố của Đức Giêsu đã khiến ông Philatô ngạc nhiên. Ông không thể hiểu một vị vua mà lại tuyên bố như vậy. Ông không thể quan niệm một vị vua mà lại từ chối sử dụng sức mạnh để bảo vệ uy quyền của mình. Vì thế, ông hỏi thẳng Đức Giêsu: “Vậy ông là vua sao ?” Thực ra, khộng chỉ ông Philatô ngạc nhiên. Mọi người đều phải nạc nhiên khi nghe công bố về vương quyền của Đức Giêsu như Người đã nói ở c. 36 trong bài Tin Mừng hôm nay, nếu họ nghe bằng đôi tai của những con người thuộc hạ giới. Thế giới hôm nay, và cả cái phần thuộc về thế giới này trong các thực tại và tập thể Kitô giáo nữa, vẫn không thể hiểu được vương quyền của Đức Giêsu và vẫn phải ngạc nhiên mà chất vấn Người: “Ông là vua sao ?”
5. Đức Giêsu trả lời: “Tôi là vua” ( c. 37a ). Hoàn toàn phù hợp với những gì được nói ở câu 36, Đức Giêsu tường minh khẳng định về vương quyền của mình. Rồi lập tức Người nói rõ: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian chính là để làm chứng cho sự thật” ( c. 37b ). Người giải thích sứ mệnh làm vua của Người. Sứ mệnh đó không hệ tại ở sự thống trị hay cai quản, theo kiểu các vị vua của thế gian này. Sứ mệnh làm vua của Đức Giêsu trước hết và trên hết là “để làm chứng cho sự thật”.
“Đã đến thế gian” là kiểu nói đã hai lần được Gioan áp dụng cho ánh sáng: 3, 19 và 12, 46. Đáng chú ý là ở 12, 46, Đức Giêsu khẳng định một cách tỏ tường ánh sáng là chính bản thân Người. Đàng khác, sự thật là chính bản thân Đức Giêsu như Người đã nói: “Chính Thầy là sự thật” ( 14, 6 ). Như thế, sự thật mà Đức Giêsu đã đến để làm chứng được đồng nhất hóa với ánh sáng, tức là ánh rạng ngời của sự sống ( “sự sống là sự sáng...”: 1, 4 ).
Về lời chứng của mình, Đức Giêsu đã từng nói: “Chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy” ( 3, 11 ). “Người làm chứng về những gì Người đã thấy và đã nghe” ( 3, 32 ). Đó cũng là lời chứng về sự từ khước của Người đối với thế gian vì cách hành xử xấu xa của nó: “Tôi làm chứng rằng các việc thế gian làm thì xấu xa” ( 7, 7 ). Đó còn là lời chứng về chính bản thân Người trong liên hệ với sứ mạng của Người ( 8, 14 ).
Trong khía cạnh tích cực, sự thật mà Đức Giêsu-Vua đến để làm chứng, là kinh nghiệm của chính bản thân Người ( 3, 11.32 ), kinh nghiệm về Thần Khí là Tình Yêu và là Sự Sống. Đó là sự thật về tình yêu của Thiên Chúa đối với thế gian: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” ( 3, 16 ). Tình yêu đó được thể hiện nơi con người và hoạt động của Đức Giêsu. Đức Giêsu là sự thật về Thiên Chúa bởi vì Người thể hiện tình yêu của Thiên Chúa, và Người là sự thật về con người xét như là sự thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa về con người. Đó chính là sự thật mà Đức Giêsu-Vua làm chứng.
6. Đức Giêsu làm chứng cho sự thật bằng chính cái chết của Người trên thập giá. Và quả thực, cách nói “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian là để làm chứng cho sự thật” ( c. 37b ) cho thấy sứ mệnh của Vua Giêsu được thực hiện trong lịch sử. Vương quyền của Đức Giêsu hoàn toàn khác với vương quyền của cái thế gian xét như là một hệ thống bất chính, nhưng vương quyền đó cũng vẫn phải được thực hiện ngay trong lịch sử nhân loại, và hơn nữa, phải là yếu tố định hướng lịch sử nhân loại.
Vì thế, trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu cầu nguyện với Cha cho những kẻ thuộc về Người trằng: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” ( 17, 15 – 19 ).
Kết luận:
Có hai đặc trưng của Đức Giêsu-Vua được khắc họa trong những lời Đức Giêsu nói với ông Philatô trong bài Tin Mừng hôm nay: ( 1 ) sự từ khước sử dụng sức mạnh, ( 2 ) sứ mệnh làm chứng cho sự thật. Tôn thờ Đức Giêsu-Vua, chúng ta được mời gọi phải xây dựng cuộc sống và cộng đoàn của mình cho phù hợp với hai đặc trưng quan trọng đó.
Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT


No comments: