Thursday, 1 November 2012

“Bụi che tay, không thấy hết đường về”

Suy niệm Chúa nhật thứ 31 thường niên năm B

“Bụi che tay, không thấy hết đường về”
Trời rất nắng, còn anh buồn đến vậy
Khác chi ngày hiu hắt, nép hiên mưa .
(dẫn từ thơ Từ Kế Tường)
Mc 12: 28-34
            Trời rất nắng vào ngày hiu hắt, bụi che tay nên không thấy đường về. Đường nhà thơ về, hay đường Chúa đi, vẫn mang mác buồn. Buồn, như dân con/đồ đệ chẳng biết đường, mà thưa Ngài.
            Trình thuật hôm nay thánh Máccô ghi lại sự việc xảy đến vào ngày tháng, cuối đời Ngài. Trước lúc Ngài bước vào sự thống khổ. Có hy sinh. Chết chóc. Phục sinh, quang vinh. Sự việc xảy ra ở Giêrusalem, luôn là bối cảnh quan trọng cho công trình cứu độ. Cụm từ: “hy sinh” được nhắc đến ở bài đọc 2 và ở Tin Mừng, nối kết với Cựu Ước. Có Đền thờ. Và với lề luật người Do thái.
            Một kinh sư lỗi lạc về luật, đến gần gạn hỏi Chúa đôi điều, về Cựu Ước. Kinh sư nhớ vanh vách hơn 600 điều luật mà người bình thường không làm sao nhớ nổi. Kinh sư đưa ra câu hỏi mà các nhà kinh viện thời đó vẫn tranh luận: điều luật nào đứng hàng đầu cần tuân giữ? Điều nào tóm gọn ý hướng căn bản luật của Chúa? Vấn nạn ông đưa ra, không mang dáng dấp của một bẫy cạm hoặc kình chống. Thật sự, ông chỉ muốn biết ý của Chúa, về vấn đề này mà thôi.
            Hãy để ý cung cách Chúa tiếp đón vị kinh sư, nay thắc mắc. Thông thường, Biệt Phái/Kinh sư hay tỏ thái độ kình chống đối nghịch Chúa, ra mặt. Lẽ đáng ra, Chúa phải đóng vai người thủ thế. Tức, chỉ phản ứng đối đáp một cách tiêu cực thôi. Nhưng, ở mọi trường hợp, Ngài luôn đối xử với mọi người một cách đồng đều. Không thành kiến. Chẳng coi nhẹ một ai. Dù, Biệt Phái, Kinh sư. Luật sĩ.
Ngài coi trọng hết mọi người. Chẳng lên án một ai. Không phân biệt giai cấp. Sắc tộc. Tuổi tác. Gái trai. Ngài vẫn để mọi người bộc bạch mọi thắc mắc, rất tự nhiên. Ngài chấp nhận đối đáp với từng người. Đối đáp theo tư cách một nhân vật. Đó là mẫu mực để người theo chân Chúa, biết mà bắt chước. Biết, để tạo quan hệ tốt, với hết mọi người.
            Khi đối đáp, Chúa trích lời Cựu Ước, là định vị những điều thân quen, mà mọi người dễ chấp nhận. Ngài dùng cả hai bản văn kết hợp thành một. Một thị kiến. Một trọng tâm sống Đạo. Bài đọc 1, khuyến khích mọi người hãy kính mến Chúa, hết lòng. Hết khả năng. Đồng thời, giữ gìn luật Chúa ban, đúng qui cách. Và, chú giải về “người thân cận”, là câu trích từ sách Luật khác, sách Lêvi đoạn 19 câu 18.
            Kinh sư hôm ấy, mãn nguyện với ứng đáp của Chúa, nên đã chấp nhận điều Chúa nói. Ông coi việc đó, còn quý hơn lễ vật toàn thiêu, hy sinh. Điều này, làm nổi bật tính chất thánh thiêng của vị Thượng Tế Vẹn Toàn, nói ở bài đọc 2.
            Bài đọc 2, vị thượng tế chuyên về luật, là người luôn quan tâm nhìn xuống nỗi yếu hèn, tồi tệ của dân con: “Đức Giêsu, vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi.”(Dt 7: 24). Ngài là Thượng Tế Duy Nhất. Thánh thiêng. Trọn hảo, vì tình yêu thương Ngài dành cho Cha. Và vì tình thương yêu Ngài dành cả cho ta, nữa.
            Về lại với chính mình, ta không thể để tình Chúa yêu thương dành cho mình, tách rời ta ra khỏi mọi người, đang cùng sống với ta. Sống cạnh ta. Có lẽ do có mặc cảm, nên ta tưởng rằng mọi lỗi lầm ta vướng mắc, là những trở ngại kình chống Chúa. Chống lại anh em. Nên, ta về với toà cáo giải, tức để được tha thứ. Và ta thường nghĩ rằng làm như thế đã đủ. Tuy nhiên, nhiều lúc đến với Chúa, ta chỉ xin ơn thứ tha. Nhưng, lại không biết việc mình cần làm, là tha thứ. Là, sống hài hoà, với những ai từng xử tệ, với ta. Bởi lẽ, nếu không thương yêu người đồng loại, làm sao ta có thể nói là mình yêu Chúa được. (1 Ga 4: 20)
            Tiếp theo, là câu hỏi: ai là người cận thân của tôi? Với tôi? Thời của Chúa, đó là người Do Thái. Như Chúa từng dạy, cận lân vẫn là người cần đến tình thương của ta. Là, những người mà ta cần quan tâm. Ưu tư lo lắng. Và cận lân là những người từng để ý đến ta. Tức, những người bất kể khó khăn/rào cản, vẫn không ngại ngần đến với ta dù ta có chấp nhận hay chối bỏ, hoặc bỏ rơi. Những người dù có ở sát ngay bên mình, nhưng ta chưa hẳn coi họ là người cận lân. Nói tóm lại, cận lân là những người mà danh hề Charlie Brown nói: “Tôi yêu hết mọi người. Cả những người mà tôi không thể chịu đựng, nữa.”
            Vấn đề là, ta được dạy: hãy yêu thương người lân cận, như yêu chính mình. Đây là một lệnh truyền. Một đòi hỏi có hơi quá đáng? Thật ra, đây chỉ là một phần của vấn đề. Vấn đề, ở chỗ: phần đông trong chúng ta vẫn chưa biết yêu chính mình tới đâu là đủ. Phần đông, ta muốn người khác coi mình hơn thế nữa chứ không phải chỉ là như thế hoặc chỉ có thế.
            Đây, còn là âm vang phản ánh một trong những quan niệm của tác giả Dòng Tên, Lm John Powell, người từng viết sách mang tựa đề “Sao tôi vẫn sợ. Vẫn không cho mọi người biết mình là ai?” và “Tôi thực sự là người muốn vùng dậy?” Quả đúng như linh mục quan niệm rằng đã lâu rồi, ta vẫn cứ giấu đi sự yếu kém, không thức thời của mình. Bỏ ra quá nhiều tiền bạc/của cải để đầu tư vào nhà cửa. Xe cộ. Quần áo. Nữ trang. Đầu tư, nuôi thẩm mỹ viện. Để tiền vào chốn ăn chơi. Vào những nơi để tạo phong cách/chỗ đứng mình đang có, trong xã hội.  
            Điều trước tiên, cứ kính Chúa trước đã. Và rồi, vì Ngài, ta tiến tới chứng tỏ lòng yêu thương nhau. Yêu, quên bản ngã. Quên cả chính mình. Để hy sinh. Thêm vào đó, ta được dạy: chớ vị kỷ. Đừng tập trung mọi sự vì mình. Cho mình. Có như thế, ta mới về với người khác. Mới làm mọi sự, vì người khác. Cho người khác.
            Cũng từ đó, ta sẽ khám phá ra rằng: khi học cách yêu thương rất mực và vô vụ lợi, ta sẽ được người người yêu lại. Dù có lúc, không phải tất cả mọi người sẽ lại yêu ta. Dù cũng có khi, chẳng ai yêu ta hết. Dù rằng, lắm lần, người người không yêu ta, chỉ vì họ không có khả năng để yêu. Không biết yêu.
            Chỉ khi nào ta hiểu được hoặc có kinh nghiệm về tình thương yêu đích thực và thực sự được người khác yêu, thì khi đó, và chỉ lúc đó, ta mới nói được về Chúa, là Đấng yêu thương đích thực. Ngài là Đấng yêu không điều kiện. Ngài yêu, vô vụ lợi. Việc này, quan trọng hơn của lễ hy sinh. Hơn việc chăm chú đi nhà thờ. Đọc kinh. Rước lễ. Bởi, dù có làm nhiều việc như thế, cũng chẳng nghĩa lý gì nếu ta không thực sự yêu mình. Yêu người. Yêu Chúa. 
            Trở lại câu Chúa nói về kinh sư: “Anh ta rất gần với Nước Trời.” Điều này, Chúa từng nói ở đoạn khác: “Để chứng tỏ anh em là môn đệ Thầy, anh em biết yêu mến Thiên Chúa.” Và, điều kiện ắt và đủ để yêu mến Thiên Chúa, là: yêu tha nhân. Yêu người ở gần, lẫn người ở xa. Không quen, không biết. Yêu tha nhân, là yêu Chúa. Như nghệ sĩ Bob Geldof của nước Anh cũng từng đưa ra câu hỏi trong cuốn sách anh viết mang tựa đề: “Phải thế không?” Vâng đúng thế. Rất đúng.


No comments: