Tuesday, 13 November 2012
Lm Nguyễn Thể Hiện: HAI ĐỒNG TIỀN XU CỦA BÀ GÓA
Trong câu truyện về bàn góa nghèo dâng hai đồng tiền xu vào Đền Thờ ( Mc 12, 41 – 44 ), Đức Giêsu đề nghị cho các môn đệ của Người một gương mẫu đời sống tôn giáo đích thực và tuyệt vời.
“Khi ấy, Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma. Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình."
Người đàn bà góa bụa nghèo khổ đã chỉ dâng cúng vào thùng tiền Đền Thờ có hai đồng tiền kẽm, tức là một số lượng tiền rất nhỏ. Nhưng theo sự đánh giá của Đức Giêsu, bà đã dâng cúng nhiều hơn ai hết. Nhận định này của Đức Giêsu có vẻ mâu thuẫn và phi lý. Tuy nhiên, cái căn cứ mà trên đó Đức Giêsu đưa ra nhận định độc đáo đó của Người là sự kiện bà đã dâng cúng tất cả những gì bà có, chứ không phải tổng số giá trị vật chất của tài sản đã được dâng cúng. Tiêu chuẩn đánh giá, như vậy, không phải là số lượng tiền, mà là tính cách toàn thể của những gì được dâng và tương quan của những gì được dâng đối với người dâng cúng. Người đàn bà góa bụa và nghèo khổ này đã dâng tất cả những gì bà có trong tay, và là những thứ thiết yếu để nuôi thân bà, tức là bà dâng cúng cho đến mức độ tận cùng, cho dù tổng giá trị vật chất của đồ dâng cúng thật bé nhỏ so với của những người khác.
Đức Giêsu đã coi hành động dâng cúng này là đúng đắn và gương mẫu.
Tác giả Tin Mừng đã cố ý nhấn mạnh trên một chi tiết quan trọng: đây là một người đàn bà góa bụa và nghèo khổ ( cc. 42.43 ). Sự bất hạnh bị nhân đôi: góa bụa và nghèo khổ. Là người phụ nữ giá bụa, bà thuộc về tập hợp những con người bé mọn và yếu thế xét về phương diện xã hội. Bà lại nghèo khổ, có lẽ phải sống nhờ việc ăn mày, vì tất cả những gì bà có chỉ là hai đồng tiền kẽm giá trị một phần tư đồng xu Rôma, tức là bằng một phần sáu đồng quan denarius hay bằng một phần sáu lương công nhật của một người thợ hạng xoàng. Chắc chắn bà chẳng có của nả gì, cũng chẳng có công ăn việc làm gì để nuôi thân, ngoài nghề ăn xin. Bà không chỉ nghèo, mà hơn nữa, bà còn phải hoàn toàn tùy thuộc vào bá tánh để có thể sống qua ngày.
Thế mà bà đã dâng cúng vào hòm tiền Đền Thờ tất cả hai đồng tiền kẽm nhỏ bé ấy.
Có một vài điều cần phải chú ý để hiểu ý nghĩa của hành động này.
Vấn đề quan trọng nhất không phải là bà đã dâng cúng vào Đền Thờ. Bởi nếu giá trị của hành động nằm ở đó, thì người ta hoàn toàn có thể đặt câu hỏi: tại sao bà góa nghèo này không đem hai đồng tiền kẽm của bà mà bố thí cho những người nghèo khổ khác vốn đầy dẫy xung quanh bà và vốn cần số tiền đó hơn là Đền Thờ ? Quả thực, kho bạc của Đền Thờ chắc chắn đã có nhiều hơn số tiền bà vừa bỏ vào có đến hàng vạn vạn lần rồi. Nếu bà đem hai đồng tiền kẽm bà có mà giúp một người ăn xin bên cạnh bà, thì đó há lại chẳng phải là hành động đáng khen hơn nhiều sao ? Tình yêu đối với những người thân cận nghèo khổ chắc chắn có giá trị gấp nhiều lần tất cả những lễ toàn thiêu và hy lễ, như Đức Giêsu đã từng đồng ý với một ông kinh sư trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật tuần trước ( x. Mc 12, 33 ). Vậy nếu Đức Giêsu khen bà, thì chắc chắn đó không thể là vì lý do “dâng vào Đền Thờ”.
Vấn đề, thật ra cũng chẳng phải ở chỗ “tất cả tài sản”. Đúng là Đức Giêsu đã từng bảo một người giàu có rằng: “Anh hãy đi bán tất cả những gì anh có mà cho người nghèo... rồi hãy đến theo tôi” ( 10, 21 ). Cho đi tất cả những gì mình có là một giá trị, và là điều không dễ thực hiện, nhất là trong trường hợp một người giàu có. Nhưng trong trường hợp người đàn bà góa nghèo dâng cúng hai đồng tiền kẽm, thì nói như thế là có phần mỉa mai. Bởi lẽ khi dâng cúng hai đồng tiền kẽm này, bà sẽ có thể không quá khó để có hai đồng tiền kẽm khác sau một buổi ăn xin, như bà vẫn làm từ lâu nay. Nếu Đức Giêsu coi hành động dâng cúng hai đồng tiền kẽm của bà có giá trị gương mẫu, thì chắc không phải vì bà đã dâng cúng “tất cả tài sản”.
Vậy đâu là yếu tố làm nên giá trị gương mẫu của thái độ và cách hành xử của bà góa nghèo ở đây ?
Cái làm cho hành động của bà nên gương mẫu là sự tự do của bà trong những nhu cầu của đời sống thế tạm và sự tín thác hoàn toàn của bà vào Thiên Chúa. Có lẽ vì vậy mà Đức Giêsu đã không chỉ nói rằng “bà đã bỏ vào đó tất cả tài sản”, mà là bà đã “bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình”. Người đàn bà góa này đã không lo lắng bận tâm thái quá cho cuộc sống thế tạm, không để cho những lo lắng sự đời xâm chiếm cõi lòng đến độ có thể bóp nghẹt hạt giống Lời được gieo vào lòng ( x. 4, 19 ). Sự tự do và sự tín thác đó mới làm cho hành động của bà góa nghèo nên gương mẫu, bởi nếu không, đó có thể là hành động thiếu khôn ngoan hay liều lĩnh.
Yếu tố thứ hai quan trọng là lòng yêu mến trong hành động dâng cúng này. Trong hoàn cảnh cụ thể của mình, người đàn bà góa đã diễn tả, theo cách thức của bà, lòng yêu mến Thiên Chúa với tất cả sức lực của bà. Đối với bà, hai đồng tiền kẽm này là tất cả những gì làm nên sức lực và sự sống của bà. Và bà dùng nó để diễn tả lòng yêu mến Thiên Chúa theo cách bà có thể làm được. Chính lòng yêu mến Thiên Chúa đã làm cho “tất cả những gì bà có” trở thành có giá trị.
Hai đồng tiền kẽm vốn chẳng có mấy giá trị về vật chất, nhưng việc dâng cúng số tiền ít ỏi ấy của bà góa nghèo lại trở thành gương mẫu cho các môn đệ Chúa Kitô là vì thái độ tâm linh và tôn giáo được thực hiện và hàm chứa trong hành động ấy...
Lm. Giuse NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment