Wednesday 21 November 2012

Lm Vĩnh Sang CSsR: BÊN BỜ GIẾNG THIÊNG



Vừa qua, cùng với Hội Thánh, chúng tôi có những suy nghĩ băn khoăn về việc loan báo Tin Mừng trên quê hương đất nước của chúng ta, với những trăn trở làm sao để Tin Mừng được loan báo một cách hữu hiệu, làm sao để những cánh đồng của chúng ta thu hoạch được những mùa lúa dồi dào, năng suất ngày một tăng, phẩm chất ngày một hoàn thiện, ngày càng có thêm người nhận biết Chúa, quy phục quyền Ngài, gia nhập vào Vương Quốc Tình Yêu của Ngài, và tham gia vào việc thờ phượng Ngài. Làm sao để những giá trị Tin Mừng được thấm sâu vào văn hóa, sinh hoạt và đời sống thường ngày, quyền năng của Tin Mừng sẽ đẩy xa bóng tối đang hoành hành trong xã hội, thanh lọc tâm hồn con người, nâng cao phẩm giá Sự Sống.
Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ 13 vừa gởi đến cho chúng ta một sứ điệp quan trọng ( Vatican, 30.10.2012 ), nội dung nói về việc Truyền Giảng Tin Mừng, một vấn đề nổi cộm được đề cập đến đó là việc “Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền Đức Tin”. Quả thật Hội Thánh trăn trở với sứ mạng mà Chúa Giêsu đã trao cho mình, cùng với lời sai đi luôn văng vẳng bên tai và canh cánh trong lòng.
Tuần qua chúng tôi có dịp gặp một người anh em Linh Mục về từ vùng truyền giáo miền Trung Việt, nơi mà ngày xưa, trước năm 1964 hàng loạt người nhận Bí Tích Thanh Tẩy gia nhập Hội Thánh, họ thi nhau vào Đạo để hưởng ân lộc gạo thóc của chính phủ, các vị quan lãnh đạo địa phương vào Đạo, công chức cán bộ vào Đạo và dân chúng vào Đạo. Một thời người ta gọi là… “đạo gạo”.
Thế rồi ngay sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị sát hại ngày 2.11.1963), người ta lần lượt bỏ Đạo, không còn cấp phát gạo nữa, những vị quan lãnh đạo địa phương không còn hưởng ân lộc của chế độ nữa nên không còn tha thiết đến Đạo nữa ! Từ ngày ấy, nhất là sau năm 1975, những khó khăn trắc trở đặc biệt dành cho đạo Công giáo, vùng này dần dần “trắng” trở lại, người ta thờ ơ với Nhà Thờ, người ta không còn giữ đạo nghĩa Đức Chúa Trời.
Nhiều vị Thừa Sai đã đến đây để truyền giáo, có những vị đã nằm xuống trên chính mảnh đất ấy vì công cuộc loan báo Tin Mừng, thân xác vẫn còn gởi gắm nơi đấy như là những chứng nhận của những nỗ lực thừa sai. Những vị Thừa Sai con sót lại thì cố gắng bám chặt vào cánh đồng khô hạn, chấp nhận mọi giao lao khổ cực, chấp nhận sự thờ ơ lạnh lẽo, chấp nhận cả những bạc bẽo của kiếp người. Những năm gần đây, thêm những Thừa Sai trẻ được gởi đến, họ tiếp tục nối bước cha anh, âm thầm, lặng lẽ, cầu nguyện, kiên trì miệt mài. Họ di chuyển không mệt mỏi trên những vùng bạc trắng nhưng ngày xưa đã một thời sầm uất, không nản lòng, không thất vọng, họ cứ tiếp tục vượt qua gian khổ lặng lẽ tìm kiếm và thăm viếng những “con chiên xa đàn”.
Rất khiêm tốn, người Linh Mục nói với tôi: “Anh đừng viết về chúng em, kỳ lắm !”, nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ với mọi người. Vài năm gần đây, anh em chúng tôi ghi nhận đã bắt đầu có sự trở lại, không ồn ào, nhưng nhẩm tính đã có đến hàng trăm người lần lượt trở lại với Hội Thánh, từ chỗ chỉ còn ba Giáo Điểm chính có Thánh Lễ, hôm nay đã có thể dâng Thánh Lễ Chúa Nhật ở toàn bộ gần 20 Giáo Điểm năm xưa từng dâng lễ. Đến cả ngày thường bây giờ các thừa sai cũng cố gắng “lữ hành” hàng chục cây số lên rừng xuống biển để dâng Lễ cho những “Giáo Dân trở lại”. Một mùa lúa bắt đầu…
Tôi hỏi anh em “vì sao ?” Vì một thế hệ Thừa Sai đàn anh đã kiên trì hiện diện như bờ giếng cổ xưa lặng lẽ chờ người phụ nữ Samari ( Sứ điệp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ 13 ), vì một thế hệ Thừa Sai đàn em dám tin vào nỗi khát khao là có thật nơi con người để lặng lẽ tiếp tục làm một… bờ giếng. Vì chiếc giếng âm thầm đơn sơ làm chứng tá cho một sự gặp gỡ diệu kỳ giữa con người và Thiên Chúa, một Thiên Chúa luôn chờ đợi, tìm kiếm và bắt chuyện, ân cần ngỏ lời với con người. Những chiếc vò rỗng đã được đổ đầy nước, nhưng quan trọng hơn hết, ấy chính là người đàn bà Samari đã chạy về làng của bà mà khoe, mà cao rao với mọi người về cuộc gặp gỡ kỳ diệu đó.
Đã đến lúc chúng ta cần phải nói đến niềm hy vọng của người Kitô hữu, một niềm hy vọng không được phép tắt lịm, cần phải nói đến trái tim của người Kitô hữu, một trái tim đủ lớn để yêu mến mọi người, và cần phải nói đến một sự thay đổi gương mặt của người Kitô hữu, một gương mặt chứng nhân khiêm tốn, hiền hòa, giản dị và trung kiên.
Mọi sự còn lại, Chúa làm…
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 18.11.2012

No comments: