Saturday, 24 November 2012

Lm Frank Doyles sj: “Ta lớn khôn rồi, vẫn trẻ thơ “



Suy niệm Chúa nhật Lễ Kitô Vua năm B

“Ta lớn khôn rồi, vẫn trẻ thơ "
Hồn nhiên nuối mộng, thuở nào xưa
Lâu đài ta vẫn, xây trên cát
Ôm trái tim người, đứng ngẩn ngơ!
(thơ Vương Đức Lệ)
Ga 18: 33-37
            Mộng thuở xưa, là mộng vàng tuổi thơ, rất hồn nhiên. Hồn tự nhiên, nhưng vẫn là lâu đài xây trên cát. Mộng hôm nay, phải là chân lý xác thực. Xây dựng, ở trong tim. Xây trong tim, vì tim là đền đài vững chắc Chúa dựng xây cho loài người. Hệt Đức Vua.
            Trình thuật hôm nay, thánh Gioan nói về cuộc đời nhà Đạo, không đặt trong mộng, dù lớn nhỏ. Nhưng, đặt vào niềm tin vững chắc, của dân Chúa. Vững và chắc, vì dân con Chúa nay đã biết hợp lòng cùng vị chủ tế vinh danh Đức Vua, như kinh Tiền Tụng đà ghi rõ: “Là Vua, Ngài tỏ bày quyền uy trên mọi thọ tạo để dâng lên Cha, Vương quốc trải rộng toàn cầu, vĩnh cửu. Đức Giêsu Kitô là Vua của chúng con, Đấng dẫn đưa mọi dân tộc đến với Cha.”           
            Bài đọc 2, sách Khải Huyền cũng nói Ngài là “AnPha và Ômêga, Đấng Hiện Có, Đã Có và Đang Đến”. Ngài, là Khởi Đầu và Cùng Tột của cuộc đời chúng ta. Và mọi loài.
            Tin Mừng nay ghi lại cuộc đối đầu giữa Philatô, tổng trấn La Mã và Đức Giêsu. Cuộc đọ sức giữa một người tự cho mình có quyền uy dũng mãnh như lãnh tụ một chế độ thực dân hà khắc, và Đức Giêsu, Đấng rày đây mai đó giảng rao Nước Chúa. Không tham vọng làm vua, quan, lãnh chúa.
            Philatô hỏi: “Ông có phải là Vua dân Do thái không?” (Ga 18: 33) Nói xong, ông cảm thấy bứt rứt khi Chúa hỏi ngược lại xem câu của ông có là câu hỏi chân phương, lương thiện. Hoặc, chỉ cốt để xác minh lời đồn đoán hoặc kết án, từ đối phương. Philatô có hỏi đấy, nhưng vẫn ngượng ngùng khi thấy Chúa đối đáp tay đôi với ông, như người cân tài cân sức. Không sợ hãi. Cán cân quyền lực nay chừng như đã và đang chuyển đổi. Philatô không muốn thế. Ông cũng chẳng lấy làm thích thú gì, khi biết rằng sức mạnh quyền uy đích thực không tuỳ vào cương vị/chức tước, nhưng vào phần nội tâm, bên trong con người.   
            Chúa Giêsu trả lời, không để vùi dập một ai, như Philatô đã từng làm. Sức mạnh và quyền uy của Chúa không phải để trấn át bất cứ người nào, nhưng là để nâng đỡ/hỗ trợ. Chỉ những người yếu kém mới tìm cách lấn lướt, để khuynh loát người khác. Đó là điều mà các bậc có quyền có thế, cũng nên chú ý, như: cha mẹ, thầy cô, chủ nhân, linh mục, quan chức chính quyền, thủ trưởng…
            Dù Chúa không đáp trả bằng câu nói “Tôi chính là vua”, nhưng Ngài minh định rất rõ: “Nước Tôi, không thuộc về thế gian này.” Nước của Ngài bắt đầu thế gian này, nhưng không THUỘC về thế gian. Điều đó, có nghĩa: nguồn gốc của hứng khởi và quyền lực là chính Chúa. Đặc biệt hơn, là ở Tình Yêu của Ngài.      
            Đức Giêsu là Vua, nhưng ảnh hình của Vua Kitô hoàn toàn khắc hẳn ảnh hình ta vẫn có, về vua quan ở đời. Khác ảnh hình, mà dân con người người vẫn có về Đấng Mêsia-Vua mà họ trông ngóng. Ngài không có quân đội. Cũng chẳng màng tìm ảnh hưởng chính trị. Trước mặt Philatô lúc ấy, Ngài không giống một ai khác, ngoài Đức Vua Kitô. Ít lâu sau, Philatô bình tĩnh trở lại, đã nghĩ về cơ nghiệp của mình, mới ra lệnh hành hình Vua vũ trụ, là Vua các vua. Là, Chúa các chúa. Từ lúc đó, lính tráng của Philatô mới kết triều thiên gai lên đầu Ngài, mà chế riễu: “Kính lạy Vua Do thái.”
            Thế rồi, khi dẫn Chúa ra trước mặt chúng dân, Philatô nói: ”Này là Người!” Lời này, có thể diễn dịch cách thông thoáng, như: “Hãy xem kìa! Kẻ đứng trước mặt các ngươi đây, dù các ngươi có tin hay không, vẫn chỉ là con người.” Với lời lẽ thảm thương ấy, “Vua quyền” của Đức Giêsu Kitô đã bị chối bỏ. Để từ đó, họ bắt đầu coi Ngài như kẻ tội phạm. Và từ đó, dân con Ngài cũng đã chối từ Đức Vua của vũ trụ. Của con người. Điều này không còn gì để ngỡ ngàng. Bởi, đây không là ý tưởng về Đức Vua-Mêsia, Đấng cứu độ được hứa ban cho dân Do thái.     
            Ở đây, cần nhớ rằng: thập giá nhục nhã Chúa cam chịu, không phải là dấu chỉ của một thất bại. Ta cần hiểu rằng: thập giá ấy, là chính ngai vàng của Đức Vua Vũ trụ. Với các vị đứng gần bên thập tự, giây phút xem ra như một thất bại nhãn tiền, nhưng sự thực, lại là giây phút Chúa tỏ bày một chiến thắng quang vinh. Chiến thắng của sự sống. Của Sự thật. Và, của  Tình yêu. Chiến thắng ở bên trên mọi tủi hổ. Trên sự suy sụp. Trên chính cả sự chết nữa. Đức Giêsu chiến thắng sự chết là bởi Ngài chấp nhận nó. Ngang qua nó. Ngài lấy lại sự sống. Ngài sẵn sàng để sự sống qua đi.
            Đức Kitô Vua Vũ Trụ chết trên thập tự, đã trở thành chiến thắng của sự thật. Của công lý, lòng xót thương. Và trên tất cả là chiến thắng của Tình yêu. Thứ tình, mà chẳng một ai có thể cho đi chính sự sống của mình, cho bạn bè. Và đây, chính là quyền uy sức mạnh của Đức Vua Vũ trụ. Sức mạnh mà không một thứ gì có thể sánh tày, rày lướt thắng.
Vua Vũ trụ, không thể thực sự là Vua của chúng ta, nếu như ta không nhận làm thần dân của Ngài. Ngài sẽ là Vua của ta, nếu ta không chịu nghe lời Ngài. Phục vụ ngài. Theo chân Ngài. Ngài không là Vua của chúng ta nếu như ta không tự nhận dạng với cứu cánh/mục tiêu của triều đại Ngài trị vì. Ta đến với triều đại của Ngài không vì ta được thanh tẩy hoặc vì ta mang danh tín hữu, người Công giáo. Cũng chẳng vì ta tham dự vào các sinh hoạt phụng vụ, và lễ nghĩa. Ta chỉ dám nói mình thuộc triều đại của Ngài, khi mà:
-ta cố gắng bước theo Ngài
-cố gắng sống cuộc đời tràn đầy tinh thần của Phúc Âm
-Tinh thần của Phúc Âm xâm nhập mọi khía cạnh của cuộc sống.
Ta chỉ thuộc triều đại của Ngài, khi –giống như Ngài-  tức là ta đạt đến cấp độ tự do, qua đó ta có thể để mọi thứ ra đi, cả sự sống trong chiến đấu để biến thế giới của ta thành một thế giới của sự thật. Của công lý. Của Tình yêu. Đó là cuộc chiến đấu giúp cho lời cầu của mọi người thành hiện thực. Lời cầu ta tuyên xưng ít nhất là mỗi tuần: “Xin cho Nước Cha trị đến”.
Và, ta không thể theo chân Chúa , Đức Vua của ta được, nếu như ta không am hiểu Ngài nhiều hơn. Điều này đòi hỏi ta không chỉ gật đầu hứa hẹn tìm đọc Tin Mừng, Lời của Chúa. Bởi, đơn giản là nếu không biết rõ Tin Mừng, ta sẽ không thể biết Chúa, như thánh Giêrônimô từng minh định. Ta cần nguyện cầu có sự khôn ngoan ấy hầu am hiểu tường tận tinh thần của Đức Kitô Vua. Am hiểu cả bản chất quyền uy và cứu cánh, cũng như đối tượng của thế giới, ta đang sống. Và rồi, ta mới tự đặt mình vào với thế giới ấy.
Cuối cùng ra, ta quyết tâm tin rằng Đức Kitô không chỉ là Vua của người tín hữu nhưng còn là Chúa của thế giới này. Ngài là Chúa theo dạng thức, rất đặc biệt. Bổn phận của ta, là phải giúp mọi người hiểu biết căn tính của Vua Vũ trụ, Ngài chính là:
*Vị Vua, từng yêu ta không điều kiện
* Vị Vua, từng muốn hoà giải hoà hợp với kẻ tội phạm
* Vị Vua, vốn chỉ muốn giúp đỡ, chữa lành kẻ ốm yếu, tật bệnh.
* Vị Vua, rất khiêm hạ, chẳng bao giờ kiêu hãnh lẫn tự hào
* Vị Vua chỉ muốn san sẻ cuộc sống với ta, bây giờ và mãi mãi.
Để am hiểu Lời Ngài, trước nhất ta phải tự giúp mình am hiểu cương vị Vua nơi Ngài, sau đó giúp mọi người hiểu và biết đến Ngài. Nghịch thường thay, cách thức hay nhất để biết Đức Kitô Vua là ra đi giùm giúp mọi người biết đến Ngài. Để làm việc san sẻ nhận thức, sự am hiểu và lòng yêu thương Đức Kitô Vua với người khác, ta phải khám phá ra nhận thức, sự am hiểu và lòng yêu thương của chính mình.
Lm Frank Doyle sj
Mai Tá lược dịch


No comments: