Thursday 29 November 2012

Lm Richard Leonard sj: Mấu chốt niềm tin rất Nước Trời




Cuối năm 1999, dân chúng khắp nơi chừng như vẫn hối hả, ưu tư khi thế giới đang từ từ bước dần vào những ngày đầu của thiên niên kỷ mới. Có người dựa vào Phúc âm, để quyết đoán rằng: ngày thế tận đã gần kề. Và, Đức Kitô nhất định sẽ quang lâm giáng thế một lần nữa, vào ngày sinh thứ 2000 của Ngài.
Những ai quả quyết chuyện này, xem ra đã liên tưởng đến câu ngạn ngữ mà các cụ ngày xưa vẫn dặn dò: hãy luôn đặt mình vào tình huống xấu nhất, để rồi từ đó mình mới tự tìm cách thoát ra, mà đi vào chốn lạc quan, đầy ân huệ. Thật ra, Đạo Chúa đã bước vào chốn lạc quan niên lịch từ thế kỷ thứ tư, sau công nguyên. Đúng hơn, đấy là năm 526 tại La Mã, tu sĩ uyên bác tên là Dionysius Exiguus đã dày công nghiên cứu các niên biểu ghi rõ ngày Đức Giêsu sinh ra, tử nạn và sống lại để biên soạn làm niên lịch cho Hội thánh.
Nhiều năm sau, ông đã định ngày cho các nghi lễ phụng vụ để rồi đúc kết thành một bộ gọi là lịch Hội thánh. Với các dụng cụ sơ sài tự kiếm, một thày dòng chuyên tu như thày Dionysius làm được niên lịch Hội thánh như thế, cũng là chuyện phi thường, hiếm thấy. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào các nguồn sử liệu bên ngoài và nhất là vào Tân Ước, khi kể về các vị cầm quyền Do Thái và La Mã ở Palestine, thì dứt khoát là lịch của Dionysius đã đi trễ, những 4 năm.
Đến năm 1582, Giáo hội biết rõ những sơ hở này, đã định sửa đổi. Tuy nhiên nếu sửa, thế giới sẽ phải bỏ phí đi, mất 4 năm. Chung cuộc, đã có quyết định là ta cứ để vậy. Như thế, tính đúng thực tại, phải thừa nhận rằng ngày Đức Giêsu quang lâm, lẽ đáng phải là năm 1996, chứ không phải 2000, như một số dân con nhà Đạo khẳng định. Thêm một thực tế khác nữa, là: mỗi khi bắt đầu kỷ nguyên mới, tín hữu Đạo Chúa lại được nghe kể về điềm thiêng dấu lạ trên mặt trời, mặt trăng cùng các ngôi sao. Rồi đến, thiên tai hạn hán mất mùa, động đất sóng thần, cứ liên tục xảy đến. Và, người dân ngoan hiền quận huyện sẽ cho rằng: ngày Chúa tái lâm đã gần kề. Tuy nhiên, rõ ràng là ta vẫn chờ. Và, vẫn cứ chờ.
Nếu ai muốn xác minh về điềm báo khốc liệt như thế, có lẽ nên nhớ lại lời dặn: “Các con chẳng thể biết được thời gian và nơi chốn khi Con Người đến trong vinh quang.” Chính vì lời dặn dò này, mà cộng đoàn thánh Luca nghĩ rằng Đức Kitô sẽ nhanh chóng quang lâm, trong tương lai rất gần. Ngài sẽ đến lại trong huy hoàng, lộng lẫy. Thời gian vẫn cứ trôi qua. Điềm báo, dấu hiệu vẫn cứ xảy đến. Và, cộng đoàn tiên khởi lúc đó mới vỡ lẽ rằng: ngày Đức Chúa quang lâm không mang mốc chặng thời gian và không gian gì rõ ràng cả.
Thực tế cho thấy: thời gian và không gian luôn thuộc về Ngài. Hy vọng đợi chờ từ nơi tín hữu thời ban sơ đã phản ảnh tình huống bách hại, và những chịu đựng khổ đau. Các tín hữu Đạo Chúa nay đà hiểu rõ: chẳng thể tuyên xưng lòng tin vào Đức Kitô một khi hành vi, cuộc sống của mình không phản ảnh được sự sống Nước Trời, Ngài hằng nói đến. Đó là mấu chốt của niềm tin. Đó mới là mốc chặng của Tin Mừng mặc khải. 
Nói rõ hơn, nếu tín hữu Đạo Chúa sống và thực hiện điều Đức Kitô truyền dạy nơi Tin Mừng, bằng và qua cuộc sống thường nhật, thì chắc chắn thế giới này cần phải đổi thay. Thế giới này sẽ có thay đổi. Thay đổi rất nhiều. Thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp. Và khi đó, Đức Kitô mới quang lâm trong huy hoàng lộng lẫy, như mọi người chờ mong.
Cho đến nay, chưa nắm rõ được ngày giờ thế giới nhân trần đã đi vào giai đoạn tận tuyệt chưa. Nhưng ở đây, vào những giây phút đầu của niên lịch Hội thánh, ta biết rõ được hai điều: Đức Chúa sẽ trở lại bất cứ lúc nào khi ta thực hiện được tình yêu thương - tha thứ. Khi ta biết san sẻ tài sản ta có. Và, biết xót xa, độ lượng. Biết hy sinh cho những người có nhu cầu hơn ta. Thứ đến, vào ngày quang lâm Ngài đến lại, có thể sẽ không có hiện tượng mặt trời mặt trăng quay cuồng, nhảy múa. Và có thể, cũng chẳng thấy hiện tượng thủy triều dâng sóng ngút ngàn, đâu. Và cuộc đời ta vẫn cứ phẳng lặng. Vẫn trĩu nặng tình thương yêu, như trước.
Thực tế Nước Trời quang lâm đang diễn tiến. Quang lâm chính là lúc tình yêu dũng cảm của bậc cha mẹ đối xử với con. Quang lâm là, lòng thương yêu triển nở của vợ hoặc chồng đang diễn tiến với người phối ngẫu yếu đau. Quang lâm còn là, lòng cảm thương yêu giúp đỡ của thế giới đã phát triển đang đùm bọc các quốc gia nghèo, thuộc thế giới thứ ba. Đại để là, mỗi khi ta có được những tình thương cao cả như thế, thì Vương quốc Nước Trời đã nguy nga, tráng lệ đủ để chứng minh rằng những điều Đức Giêsu loan báo về việc Ngài quang lâm, vẫn đến với chúng ta mỗi ngày, mỗi giờ. Ở mọi nơi, vào mọi lúc. Trong Vương Quốc Nước Trời Hội thánh.   
Cầu mong sao Tiệc thánh ngày đầu niên lịch phụng vụ, đem cho ta ý nghĩa và vị ngọt của Vương quốc Nước Trời đã và đang hiện diện, sẽ còn đến với ta luôn mãi. Cầu và mong sao tinh thần mùa Vọng luôn gìn giữ chúng ta trong tư thế đợi chờ Tình Yêu Chúa Cha sẽ đến lại. Và, Tình yêu Cha đem đến cho ta lòng quả cảm để tiếp tục sống cuộc sống hiện tại. Cuộc sống nhiễu nhương, nhiều bất ổn. Nơi đó, có sự quay cuồng múa nhảy của mặt trời mặt trăng. Có, sóng dữ gầm thét. Một cuộc sống mang nặng những ưu tư triền miên, muộn phiền. Nhưng, không quên đợi chờ. Đợi và chờ rất tốt. Rất đẹp. Lm Richard Leonard sj

No comments: