Thật là một sự trùng hợp rất ý nghĩa khi
chúng ta được kính trọng thể Lễ các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam vào dịp cuối Năm
Phụng Vụ và ngay trước Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Bài Tin Mừng Lc 9, 23 – 26 có
thể được chọn đọc trong Thánh Lễ hôm nay khắc họa một cách rất rõ ràng dung mạo
người đồ đệ mà Chúa Kitô đòi hỏi và các Thánh Tử Đạo đã thực hiện một cách anh
hùng.
Thực ra, Lc 9, 23 – 26
gồm bốn lời Đức Giêsu nói trong những dịp khác nhau, được tập hợp lại (có lẽ do
Marcô trước tiên) và áp dụng vào hoàn cảnh bị bách hại mà cộng đoàn Hội Thánh
đang phải trải qua: “Khi ấy, 23 Đức
Giêsu nói với mọi người: "Ai muốn đi sau tôi, hãy từ bỏ chính mình, hãy
vác lấy khổ giá mình mỗi ngày và hãy theo tôi. 24 Quả vậy, ai muốn
cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu
được mạng sống ấy.25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất
chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì ?26 Ai xấu hổ vì tôi
và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến
trong vinh quang của mình, của Cha và các thánh thiên thần”.
Chúng ta sẽ suy niệm đoạn văn Tin Mừng trên
đây trong ngày lễ trọng thể này.
1.“Đức
Giêsu nói với mọi người” (
c. 23 ). Những điều sắp được công bố là
đòi hỏi phổ quát và căn bản, được nói cho mọi
người thuộc mọi thời ( thay vì cho đám đông và các môn đệ như trong Mc 8, 32
). Động từ “nói” ở đây được chia ở
thời vị hoàn ( thay vì thời aorist như trong Mc và Mt ) nhằm nhấn mạnh tính
chất thường xuyên của giáo huấn được trình bày.
2. "Ai muốn đi sau tôi, hãy từ bỏ
chính mình, hãy vác lấy khổ giá mình mỗi ngày và hãy theo tôi” ( c. 23b ).
Khi nói “đi
sau tôi”, Đức Giêsu không chỉ có ý nói đến sự gia nhập vào trường của Ngài,
sự trở thành đồ đệ của Ngài, mà còn là sự thực hành một cách cụ thể chính lối
sống của Ngài. Quả thực, trong Hội Thánh, lối nói “đi sau Đức Giêsu” đồng nghĩa với lối nói “là Kitô hữu”.
- Điều kiện thứ nhất để trở nên đồ đệ đích
thực của Đức Giêsu là “từ bỏ chính mình”. Tác giả sách tin mừng không có ý nói
đến một vài sự thực hành tu đức, mà là nói đến một thái độ căn bản của đời sống
Kitô hữu. Đó là: không tìm sống tự tại nơi mình. Từ bỏ chính mình, như thế,
không có nghĩa là huỷ bỏ chính con người hay phẩm giá mình, mà là ý thức và đón
nhận chính con người và cuộc sống của mình như là một ơn huệ và không tự tại
nơi mình như thể mình là chủ tể của cuộc đời mình. Nói theo ngôn ngữ của Thánh
Phaolô, thì đó là: “Tôi sống, nhưng không
phải tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” ( Gl 2, 20 ). Theo nghĩa này, sự
từ bỏ chính mình thực ra lại là điều làm cho người đồ đệ trở nên hết sức mạnh
mẽ, vì sức mạnh làm cho họ sống là sức mạnh của chính Thiên Chúa. Hơn ai hết,
các Thánh Tử Đạo đã được trải nghiệm sự thực này một cách đặc biệt.
- Nhìn theo một khía cạnh khác, từ bỏ chính
mình là “vác lấy khổ giá mình mỗi ngày”.
Đó là chấp nhận đau khổ và vượt qua những khó khăn mỗi ngày mà trung thành với
những đòi hỏi của Đức Chúa. Đó là quyết định bước đi trong một cuộc sống mà
đích đến không còn là cái tôi vị kỷ của mình, không còn là chính mình nữa.
Không có quyết định này và sự thực hành quyết định này, thì sẽ không thể có
được những chọn lựa anh hùng trong những khoảnh khắc kinh khủng nhất của những
cuộc cấm cách đẫm máu. Sở dĩ cha ông chúng ta đã là những vị tử đạo anh hùng
trong các cuộc bách hại, ấy là vì các ngài đã từng kiên tâm “vác lấy khổ giá mình mỗi ngày”.
- Đòi hỏi cuối cùng là “hãy theo tôi”.
Thoạt nhìn, đây có vẻ là một sự lặp lại của
ngữ đoạn “đi sau tôi” ở đầu câu.
Chúng ta biết: vào thế kỷ I, dân chúng xứ Palestina đã từng và sẽ còn chứng
kiến nhiều cuộc hành hình đóng đinh vào thập giá, một cách thi hành án tử hình
rất tàn khốc của đế quốc Rôma. Sinh thời, Đức Giêsu hoàn toàn có thể nghĩ đến
kết cục bi thảm đó cho chính bản thân Ngài. Vậy khi nói “hãy vác lấy khổ giá mình và theo tôi”, Đức Giêsu đang mời gọi các
đồ đệ ý thức và đón nhận những thách đố quyết liệt của việc đi theo Đấng Mêsia,
đến độ sẵn sàng chết và là chết một cách đau thương, nhục nhã và tàn khốc như
người ta có thể đã từng chứng kiến trong các cuộc hành hình thập giá đương
thời.
“Vác lấy khổ giá mình”, theo nghĩa đen, chính là việc người bị kết
án tử hình vác lấy thanh ngang của cây thập tự trên vai, đi giữa đám đông đang
la ó sỉ vả mà đến nơi hành hình. “Đi theo
Đức Giêsu” là chấp nhận một cuộc đời cay đắng và đau thương như của một
người bị kết án tử hình đang vác lấy khổ giá mình mà đi ra pháp trường vậy. Ở
đây, “vác lấy khổ giá mình” có nghĩa
là người đồ đệ của Đức Giêsu phải sẵn sàng bị nhục mạ, bị vu khống, bị sỉ nhục
và bị loại trừ khỏi xã hội. Lịch sử Hội Thánh Việt Nam chúng ta đã được kết dệt
bằng muôn vàn những cuộc đời chấp nhận bị nhục mạ, vu khống và loại trừ như
thế.
Sau khi Đức Giêsu phục sinh từ cõi chết, lời
mời gọi đó của Đức Giêsu được hiểu là lời mời gọi chấp nhận bước đi trên chính
con đường đau khổ mà Đức Giêsu đã đi, tức là sẵn sàng chấp nhận sống chính thân
phận bi thương của Đức Giêsu. Trong hoàn cảnh Hội Thánh đang trải qua những
ngày tháng bị bách hại tàn khốc, thì lời mời gọi này thực sự có tính thời sự:
lòng trung thành đối với Đức Giêsu đòi hỏi các tín hữu sẵn sàng đi vào cuộc tử
vì đạo trong thực tế cụ thể.
Thánh Luca đã thêm vào yếu tố “mỗi ngày”, không phải để loại bỏ cách
hiểu về sự sẵn sàng chịu tử vì đạo, nhưng là để thêm vào một sắc thái nữa: đó
là đòi hỏi hàng ngày trong đời sống tín hữu. Đó không chỉ là đòi hỏi của những
tháng ngày bị bách hại, mà còn là quy luật sống mỗi ngày của người tin.
3. “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống
mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” ( câu 24 ). Câu này là một lời
có vẻ mâu thuẫn. Nhưng nội dung thì thật đơn giản: ai trốn tránh cái chết bằng
cách từ chối Đấng Mêsia, thì sẽ bị kết án trong ngày Con Người đến để phán xét;
còn ai sẵn sàng chết vì đạo, sẵn sàng hy sinh mạng sống mình, thì sẽ không bị
kết án trong ngày đó, tức là sẽ “giữ được mạng sống cho sự sống đời đời” theo
kiểu nói của Ga 12, 25. Lời này quả thực ám hạp và mang tính thời sự trong
những hoàn cảnh Hội Thánh bị bách hại. Khác với Mc 8, 35 ( “vì tôi và vì Tin Mừng” ), tác giả Luca
chỉ ghi đơn giản: “vì tôi”. Ông muốn
nhấn mạnh mối tương quan thiết thân của người tín hữu với Chúa Kitô xét như yếu
tố căn bản chi phối thái độ sống và cách hành xử của Kitô hữu.
4. “Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt
thân, thì nào có lợi gì ?” ( câu 25 ). Đây là một loghion
không liền mạch với cc. 23 – 24 đi trước. Có lẽ nó được nối vào đây chỉ vì
động từ “mất”. Tác giả Lc không có ý nói đến câu chuyện của một người được lời
lãi cả và thế gian rồi sau đó đi vào cõi chết, mà là câu chuyện của một người
phải trả giá cho việc được lời lãi cả và thế gian bằng chính việc thiệt mất
mạng sống mình. Vậy đây không phải là sự cay đắng của kiếp nhân sinh phù vân,
mà là sự phi lý đến độ ngu đần của một sự đánh đổi dại dột. Các Thánh Tử Đạo đã
không chọn sự phi lý và ngu đần của sự đánh đổi đó. Chính vì thế, các ngài đã
sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình chứ không chấp nhận những bả vinh hoa thế
gian dâng tặng. Gương anh hùng của các ngài cho chúng ta thấy đâu mới là những
ích lợi đích thực và vĩnh cửu mà chúng ta phải bằng mọi giá đạt tới.
5. Câu 26 ( Ai
xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi
Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Cha và các thánh thiên thần )
là một lời của Đức Giêsu cảnh báo một nguy hiểm khác mà Lc coi là một nguy hiểm
hiện thời trong cộng đoàn tín hữu: mối nguy của việc hổ thẹn vì cớ Đức Giêsu và
Tin Mừng của Ngài. Tác giả nhấn mạnh đến trách nhiệm của những tín hữu hổ thẹn
vì Tin Mừng của Đức Giêsu. Ông cố ý nhắc đến vinh quang của Con Người, của Cha
và các thánh thiên thần, tức là nhấn mạnh đến thế giới thiên thai và cuộc sống
vĩnh cửu. Số phận vĩnh cửu của mỗi người tuỳ thuộc vào thái độ và vị trí của họ
đối với bản thân và sứ điệp của Đức Kitô.
Nói cách khác, Lc 9, 26 cảnh giác mối nguy
thoả hiệp với cái thế gian trong đó người ta chỉ tìm cách xây dựng cho mình một
bộ mặt đẹp giữa xã hội, đến độ hổ thẹn vì những đòi hỏi của Tin Mừng. Đó cũng
có thể là mối nguy buông mình theo những trào lưu và học thuyết sai lầm nhưng
“dễ coi” hơn và “danh giá” hơn Tin Mừng của Đức Giêsu. Những mối nguy hiểm đó
luôn luôn có trong các cộng đoàn tín hữu mọi thời. Và chắc chắn, đó cũng là
những mối nguy mà chúng ta đang phải đối diện hàng ngày trong cuộc sống hôm
nay.
Tóm lại, Lc 9, 23 – 26 đưa ra những đòi
hỏi căn bản cho người Kitô hữu trên con đường làm đồ đệ của Chúa Kitô. Họ được
mời gọi bước đi trên con đường đau khổ, được mời gọi từ bỏ chính con người vị
kỷ của mình, từ chối tìm kiếm lời lãi và vinh dự thế gian, và cuối cùng được
mời gọi can đảm trung thành với Đức Kitô và với những đòi hỏi của Tin Mừng.
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã trung kiên đi
theo sau Đức Giêsu, từ bỏ chính mình, vác lấy khổ giá mình mà theo Đức Giêsu,
chấp nhận bị ngược đãi, bị hành hình và sỉ vả. Các ngài đã thực hiện lời mời
gọi ấy mỗi ngày, nên vào những giai đoạn khốc liệt nhất của các cuộc bách hại
đẫm máu, các ngài đã có thể can trường làm chứng cho Chúa Kitô bằng chính mạng
sống mình. Là con cháu các ngài, chúng ta được kêu mời bước đi trên cũng một
con đường ấy, mỗi ngày trong suốt cuộc đời.
Lm. Giuse NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT
No comments:
Post a Comment