Thursday 11 June 2015

Lm Vĩnh Sang DCCT "CÓ MỘT VỊ NGÔN SỨ Ở GIỮA CHÚNG..."




Để thời gian chóng qua và việc tập thể dục đỡ nhàm chán, tôi thường vừa tập vừa bật máy theo  dõi một bộ phim nào đó. Và với mục đích “giết thời giờ” như thế, tôi không mấy quan tâm việc chọn lựa phim, tuy nhiên vẫn xem thử nếu thấy không hợp thì thay phim khác, ngày nay hệ thống mạng toàn cầu giúp chúng ta rất dễ dàng trong công viêc này.
Thế rồi một người bạn có giới thiệu bộ phim Việt Nam nhiều tập mang tên “Một văn phòng luật sư”. Tôi xem thử và không ngờ nó đã cuốn hút tôi trong suốt thời gian vừa qua. Bỏ qua những khiếm khuyết thường thấy trong cung cách làm phim Việt, nội dung bộ phim này chuyên chở khá hấp dẫn. Đề tài chính là vấn đề công lý cho người nghèo, người bị áp bức. Những tình tiết éo le của những vụ án đan xen những diễn biến tình cảm xảy ra giữa các nhân vật trên cái nền xã hội Việt Nam đương đại, gây cho người xem cảm giác bi lụy. Mặc dù bộ phim cố gắng làm nổi bật lên sự trong sáng, tính cương trực và công lý của đôi ba nhân vật, nhưng những tiêu điểm ấy lại rất nhạt nhòa trong toàn bộ chuyện phim, và như thế niềm hy vọng và ước mong công lý sáng tỏ vẫn chỉ là những ước mơ chập chờn ẩn hiện ( Ảnh chụp một cảnh trong bộ phim "Một văn phòng luật sư" ).
Vấn đề được đặt ra cho chúng ta là: hầu hết các nhân vật chính trong phim đều là các nhân vật vướng vào các vụ án oan sai, chính họ là nạn nhân, những oan sai gây ra những cái chết thương tâm, và khi ấy công lý không hề có mặt dù là một chút yếu ớt như những tia nắng cuối ngày. Hoàn cảnh đưa đẩy, họ trở nên những người có học thức, có hiểu biết về luật pháp, họ trở nên những người có quyền lực trong xã hội. Họ lật lại hồ sơ các vụ án trước, họ chật vật để làm sáng tỏ các oan sai, họ phục hồi được công lý, thế nhưng xem ra rất gượng gạo vì những tình tiết giúp họ thành công có phần không thật, những sắp đặt có vẻ rất... sân khấu. Câu hỏi được đặt ra: nếu không có những can thiệp có phần không thật ấy thì oan sai sẽ còn giăng mắc đến bao giờ ? Hay hỏi đúng hơn là, với con người và nền tảng luật pháp hiện tại, giải oan có phải là một vấn đề không thể nào thực hiện được, một cố gắng vô vọng chăng ?
 Nhân vật chính nữ của bộ phim là nạn nhân của một vụ án oan sai gây ra cái chết cho cả cha và mẹ cô, cô căm hờn và nuôi chí trở thành luật sư bênh vực người nghèo, người bị oan sai, những may mắn lần lượt mỉm cười với cô, Văn phòng luật sư Công Lý nơi cô làm việc, nhanh chóng trở thành một văn phòng luật danh tiếng, nhưng cuối cùng, những thước phim đề cao công lý lại kết thúc bởi cái bế tắc của chính nhân vật nữ này.
Thánh An Phong là một luật sư danh tiếng của kinh thành Napoli thế kỷ 18, ngài mang ước vọng bảo vệ công lý, ngài sống quyết tâm bênh vực người nghèo, nhưng cuối đoạn đường của người luật sư trẻ này là một bế tắc, bế tắc khiến cho tất cả kiến thức, lòng nhiệt thành, những gì mà ngài thủ đắc đều bất lực, đúng hơn không phải là bất lực, bế tắc, nhưng là bẻ lối chuyển hướng hẳn cuộc đời của ngài. Trở thành Linh Mục, An Phong đem tất cả những gì mình có cộng thêm với trái tim tràn đầy lòng yêu mến và sự sung mãn sức mạnh của quyền năng Thiên Chúa, để sống chết cho công lý, cho người nghèo, người bị bỏ rơi. Để trung tín với ơn gọi này, An Phong đã phải trải qua nhiều gian nan vất vả, kể cả cái gian nan không tìm được đồng thuận nơi anh em. An Phong đã đi đến cùng, An Phong không bao giờ bỏ cuộc.
Tuần qua, có một vị Giám Mục về Sàigòn có việc ghé thăm chúng tôi, ngài ghé thăm như một người bạn tìm gặp lại bạn bè cũ khi có dịp. Không ngờ Tỉnh Dòng đang có cuộc họp các Bề Trên đầu năm, khi được mời vào gặp hội nghị, phát biểu vỏn vẹn hơn 5 phút, Đức Cha trích một đoạn trong sách Edêkien: “Ta sai ngươi đến với chúng, và ngươi phải nói với chúng: Ðức Chúa Yavê phán như vầy. Phần chúng, dù chúng có nghe hay chẳng nghe – vì chúng là nhà loạn tặc – chúng cũng phải biết là có tiên tri ở giữa chúng” ( Ed 2, 4 – 5 ). Tủm tỉm cười, vị Giám Mục nhắc đi nhắc lại: “Nghe hay không nghe, kệ chúng, phải nói để chúng biết: có một vị ngôn sứ ở giữa chúng”.
Chỉ khi nào chúng ta nhận ra sứ mạng của chúng ta là nói lời chân lý, khi ấy công lý mới sáng tỏ, hay có thể nói, chúng ta chỉ có thể nhận ra công lý sáng tỏ khi chúng ta ý thức sứ mạng ngôn sứ của chúng ta, bằng không, chỉ lờ mờ xem việc này như là một chọn lựa xã hội hoặc chính trị mà thôi, như thế chỉ là quanh quẩn chuyện nhân gian !
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 28.5.2015

No comments: