Wednesday, 24 June 2015

Cố Lm Hồng Phúc DCCT BÃO TÁP CUỘC ĐỜI




Một phái đoàn quan khách đến thăm một trại cùi. Họ rất cảm phục vì thấy các nữ tu vui vẻ săn sóc cho bệnh nhân. Một người trong phái đoàn hỏi một chị: “Vì sao chị lại sống ở đây ? Cho tôi một triệu tôi cũng không dám !” Người Nữ Tu trả lời: “Cho tôi hai triệu tôi cũng không ở. Sở dĩ tôi muốn ở đây và sống chết ở đây vì tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy tôi.”
Với giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô cũng từng nói như vậy: “Lòng yêu mến Đức Kitô thúc bách tôi”. Từ ngày ngài được biết Chúa Kitô và cảm thấy tình thương của Chúa đến độ “hiến thân mình vì tôi” ( Ga 2, 20 ), Phaolô như bị đè nặng dưới khối tình yêu của Chúa. Từ trong thâm tâm, người nghe như có tiếng vọng lại: Hãy yêu mến Ta như Ta đã yêu mến ngươi. Hãy tiến lên nữa. Hãy để Ta dùng ngươi để yêu mến kẻ khác. “Chúa Kitô đã chết thay cho hết mọi người, để những ai đang sống không sống cho mình nữa, mà chỉ sống cho Đấng đã chết và sống lại vì ta.”
Đối với tất cả chúng ta, tình yêu Thiên Chúa cũng thúc bách và đè nặng như vậy.
Bài Phúc Âm hôm nay, dưới ngòi bút linh động của Marcô, là bài phóng sự về một cơn bão táp xảy ra trên mặt biển hồ Tiberiade thường hay có những cơn gió lốc về chiều do bầu khí bị dồn ép trong thung lũng sông Giođan. Sau khi giải tán đám đông, Chúa truyền cho các môn đệ chèo thuyền qua bên kia biển hồ. Ngài lên thuyền. Sau một ngày giảng dạy mệt nhọc, Ngài đến phía sau lái, dựa trên một chiếc gối và ngủ say. Một cơn gió lốc thổi đến, cuộn lên những ngọn sóng lớn làm cho thuyền đầy nước. Các môn đệ tay chống tay tát…, còn Ngài, Ngài vẫn ngủ. Các ông đến thức Ngài dậy: “Chúng con chết mất, Thầy không quan tâm sao ?” Ngài bèn đe gió và phán với biển, như một người bị quỉ ám: “Hãy im đi !” Tức thì gió và biển lặng.
Tường thuật cơn bão táp im lặng có ý nghĩa gì ? Đối với Chúa Giêsu, Ngài muốn dạy cho chúng ta phải có niềm trông cậy và phó thác nơi Chúa: “Sao các con sợ hãi ? Các con không có Đức Tin ư ?” Trong mọi hoàn cảnh, mọi hiểm nguy, chúng ta đều nằm trong bàn tay của Cha trên Trời. Trong một hoàn cảnh tương tự, viên lái đò chở hoàng đế César qua sông, thấy sóng cả đã ngã tay chèo, được nghe một câu nói bất hủ: Anh không biết là anh đang chở vua César ư ? Thì huống hồ ở đây, không phải là một vị vua trần thế mà là Vua Cả trên Trời, “Ngài làm cho bão táp dừng yên phăng phắc, sóng biển yên lặng như tờ” ( Tv 107, 29 ).
Đối với nhiều người đã chứng kiến ( vì Marcô có ghi lại: “Có nhiều thuyền khác theo” ), thì đây là một phép lạ nói lên quyền năng của Chúa Giêsu, Đấng chỉ cần phán lên một lời thì gió yên biển lặng, Đấng có quyền trên vạn vật, là Đấng tạo thành vạn vật. Các Thánh Giáo Phụ nhìn thấy ở đây tác động của hai bản tính của Chúa Giêsu. Thánh Gioan Kim-Khẩu nói: “Họ vừa nhìn thấy Ngài, dựa trên gối, ngủ say, đó là một con người, họ nhìn thấy Ngài bắt biển cả phải lặng yên, đó là vị Thiên Chúa.” Trong khi các nhà thần học minh giáo lại đề cao ý tưởng “con thuyền Giáo Hội” giữa sóng gió ba đào ( Tertullien ). Chúa Kitô vẫn ở trong con thuyền Giáo Hội cũng như Ngài ở trong tâm hồn chúng ta.
Một hôm Thánh Nữ Catarina thành Sienna phải chiến đấu mãnh liệt với chước cám dỗ, bà kêu lên: “Lạy Chúa, trong khi con phải chống lại những ý tưởng nhuốc nhơ thì Chúa ở đâu ? Chúa phán: Ta đang ở trong tâm hồn con, để hỗ trợ con và để chia sẻ sự toàn thắng của con.”
Lạy Thầy, xin cứu chúng con vì chúng con sắp chết mất !
Cố Lm. HỒNG PHÚC, DCCT

No comments: