Sàigòn
những ngày này nóng như lửa, nóng hừng hực từ sáng sớm đến tận đêm khuya, nắng
tắt rồi mà đường, sân, nhà vẫn cứ nóng như lò nung, bởi nhiệt độ cao từ ánh
nắng cả ngày nung chín tường, gạch, bêtông và nhựa đường, khi nắng chiều dần
tắt, nhiệt độ hạ dần xuống, cái nóng từ các vật liệu xây dựng nhả ra, cứ vậy
nhả từ từ cho đến hết nửa đêm, gần sáng may ra mới dìu dịu, chưa được bao lâu
thì nắng sáng lại lên, gay gắt như có một mối hận gì đó với con người.
Mà
có lẽ có một mối hận thật, rảo bộ trên đường phố, cây xanh vắng hẳn trên nhiều
con đường, mặt đường trơ ra những mặt tiền nhà thi nhau khoe mẽ, lộn xộn, màu
mè, hỗn loạn như bức tranh tạp nham của thợ chép tranh vụng về. Cả một thành
phố chỉ nhà là nhà, chỉ bêtông là bêtông, bóng cây thưa thớt, hiếm hoi, lấy đâu
ra bóng mát ? Nhà nhà thi nhau gắn máy điều hòa không khí, cố làm cho nội thất
mát lạnh còn hơi nóng từ “cục nóng” nhả ra thì phà sang nhà người khác, lịch sự
lắm thì nhả vào mặt người đi đường... Như thế thì lấy đâu ra sự thân thiện ?
Rời
Sàigòn, tôi có một chuyến ra miền Trung. Khác hẳn cái nóng Sàigòn, cái nóng
miền Trung không tha bất kỳ chốn nào, nó theo gió len lỏi vào tận bên trong
từng ngóc ngách. Người ta bảo tháng sáu chưa có gió Lào, gió Lào mà thổi nữa thì
chẳng cái gì tồn tại nổi. Những ngày tôi ở Quảng Trị vào mùa gió Lào, quần áo
giặt xong chẳng cần phơi nắng, chỉ rũ nước rồi phơi ở trong bóng mát, không đầy
30 phút sau đã khô quăn cả lên. Làm cách nào ngăn được gió Lào, làm cách nào để
bớt sự khắc nghiệt do thiên nhiên mang lại ? Dọc đường ra Trung, từng ngọn núi
bên đường trơ đất đỏ, cây lưa thưa khẳng khiu như những cọng cỏ khô đét bên
đường. Không có cây, rừng mất hết, lấy đâu vật cản gió Lào ? Lấy đâu tươi mát
làm bớt sự khắc nghiệt của thiên nhiên ?
Mấy
ngày nay trên các mạng xã hội, người ta ghi hình những đám xe trên đường khi
gặp đèn đỏ đã dừng lại thật xa giao lộ có đèn giao thông, họ dừng lại nơi có
bóng mát từ một cao ốc phủ xuống đường, và Hà Nội trụi cây trụi lá đã ứng xử
như vậy trong những ngày nắng nóng.
Cây
xanh mang lại cho chúng ta thật nhiều lợi ích, nhưng chúng ta đang tiêu diệt
cây xanh để lãnh lấy hậu quả bi đát từ một thành phố, một đất nước không còn
bóng cây. Nắng nóng, nước ngầm cạn kiệt, môi trường ô nhiễm. Biết lợi ích của
cây xanh nhưng vẫn chặt, người ta đã coi lợi ích nhóm hơn lợi ích xã hội. Cây
xanh choán mặt tiền nhà đang buôn bán, người ta tìm cách hạ cây xanh bất chấp
hậu quả xã hội, chỉ một mực vì lợi ích bản thân. Có thật nhiều điều cần phải
nói về xã hội, về ứng xử xã hội, về môi trường và ích lợi quốc gia.
Nhà
Thờ và các công trình tôn giáo đang ở đâu trong mạch suy nghĩ về cây xanh, môi
trường và ứng xử xã hội ? Có một lần nói chuyện với một Cha Xứ và đại diện Giáo
Dân, tôi cố thuyết phục cha và mọi người trồng cây xanh trong khuôn viên Nhà
Thờ, nhưng họ nói với tôi rằng, họ không thích trồng cây trong sân Nhà Thờ vì
như thế che mất ngôi Nhà Thờ đẹp của họ, họ hãnh diện về ngôi Nhà Thờ khang
trang họ vừa mới xây xong, nhưng thú thật, trình độ của những người lý luận như
vậy thì không thể xây dựng được ngôi Nhà Thờ đẹp thật sự, cả theo nghĩa giá trị
tinh thần lẫn kiền trúc.
Hẳn
không cần tranh cãi về sự hiểu biết và giá trị trong việc xây dựng các công
trình thân thiện với thiên nhiên. Không phải vô lý khi cấp phép xây dựng, đơn
vị có trách nhiệm chỉ cấp phép các công trình có một tỉ lệ sân vườn cây xanh
hợp lý, một tỉ lệ diện tích xây dựng theo đúng quy định của từng loại công
trình. Quy định, tiêu chuẩn có đầy đủ cả, nhưng khi thực hiện thì người ta có trăm
phương ngàn cách để làm các thứ quy định, tiêu chuẩn ấy không còn giá trị !
Năm
Thánh Đời Thánh Hiến, Đức Thánh Cha nói lên mục đích của Năm Thánh này là Đời
Thánh Hiến có trách nhiệm đánh thức nhân loại. “Sự sáng của các con cũng phải
chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ” ( Mt 5, 13 – 16 ). Nhà Thờ mà cũng
chỉ toàn nhà là nhà, không một bóng cây xanh thân thiện với môi trường thì lấy
đâu ánh sáng để chiếu rọi cho thiên hạ ? Nhà Thờ không có cây xanh và thờ ơ với
việc bảo vệ cây xanh thì lấy đâu sự tỉnh táo để đánh thức thiên hạ ? Có một lần
nào đó trong ngày Thế Giới Hòa Bình 1 tháng 1, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2
đã đưa ra chủ đề “Bảo vệ môi trường là xây dựng hòa bình”, Tin Mừng gọi những
ai xây dựng hòa bình là Con Thiên Chúa ( Mt 5, 9 ).
Lm. VĨNH
SANG, DCCT, 9.6.2015
No comments:
Post a Comment