Sunday 12 April 2015

Lm Joe Mai Văn Thịnh CSsR: HÃY SỐNG NHƯ LỜI ANH NÓI RỒI TÔI SẼ TIN!




Chúa Kitô Phục Sinh là một Tin Mừng, nhưng là một Tin Mừng không dễ tin. 

Nguyên sự kiện ngôi mồ trống không đủ bằng chứng để tin. 

Những lần hiện ra của Chúa Giêsu để củng cố lòng tin của các tông đồ. Nhưng cũng không thuyết phục được kẻ khác vì họ chống trả bằng cách lý luận rằng đó là kết quả của óc tưởng tượng. 

Nhưng có một điều quả thật khó hiểu và chính điều đó gầy dựng nền móng đức tin của chúng ta; đó chính là chứng tích sống động của các thánh tông đồ, các tín hữu thời đầu tiên và các chứng nhân sau này, trong đó có cha ông chúng ta: các Thánh tử đạo Việt nam. Họ sẵn sàng đổ máu của chính mình để làm chứng rằng Chúa Giesu đang sống và sức sống của họ hoàn toàn được ban tặng bởi Ngài. 

Và đâu là chứng tích của họ. Chứng tích của các Tông đồ và các chứng nhân sau này đều rập khuôn theo chứng tích của Thầy mình. Đó là phải trải qua đau khổ mới đạt tới vinh quang.

Trong những lần hiện ra của Chúa Giê-su, tuy có nhiều điều khác biệt như là một tiếng gọi (đối với Maria), một cử chỉ bẻ bánh (đối với hai môn đệ Emmau) hoặc cũng có thể là một phép lạ xẩy ra theo lệnh truyền của Chúa (như mẻ cá đầy ở biển hồ Tibêria), nhưng đặc biệt là những thương tích nơi tay chân và cạnh sườn của Ngài. Như trong bài Tin Mừng hôm nay, sau khi thấy những thương tích mà Thầy mình đã gánh chịu, Tô-ma đã tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa và là Thiên Chúa. Đây chính là cao điểm niềm tin của Hội Thánh về Đức Giê-su. Chúng ta đã quá quen thuộc với lối tuyên tín (bằng lời) này. 
Nhưng với các tông đồ và Hội Thánh sơ khởi thì khác. Một khi, họ thần phục Đức Giê-su là Chúa và là Thiên Chúa là lúc họ đặt cả sinh mạng, cuộc đời mình trong tay vị Chúa đó. Chúng ta thì sao? 

Như thế, dấu chỉ để người nhận ra Chúa Phục Sinh không phải là vinh quang hay niềm tự hào chiến thắng, mà là khổ nhục và đau thương nói lên sự thất bại. 

Nhưng sau khi được Phục sinh, được siêu tôn vinh hiển; Chúa Giê-su đã không dùng sức mạnh và vinh quang mà Thiên Chúa đã trao ban để chinh phục thế gian, thì phương chi là chúng ta. Ngài hiện ra bằng thân thể đầy thương tích đẫm máu.

Và nếu Chúa đã muốn dùng những đau thương trên thân xác của Ngài làm những dấu chứng phục sinh, thì mỗi người chúng ta cũng không có dấu chỉ nào ý nghĩa hơn là những vết thương và các bi kịch của đời sống mà chúng ta đã, đang và sẽ còn chia sẻ với Chúa. Qua và với những dấu chỉ này mà chúng ta có thể làm chứng cho Chúa Phục Sinh một cách sống động nhất. 

Từ hơn 2000 năm nay, Thánh giá mới bầy tỏ vinh quang, đau thương và khổ nạn mới là dấu chỉ của Chúa Phục Sinh. Chúa Kitô thực sự là “người” khi bị đánh đập sỉ vả.  Ngài thực sự là “một tử tội” khi bị đóng đinh trên thập giá. Nhưng qua sự chấp thuận tự hạ và xin vâng đó mà Thiên Chúa đã siêu tôn, tôn vinh Người làm Chúa của nhân loại.

Ngày nay Ngài cũng vẫn đang hiện diện giữa chúng ta như là “người” và là “Chúa” qua cuộc sống của những người đang bị đau khổ, bị ngược đãi, sỉ nhục, bị tù đày, tra tấn, bị đói khát, trần truồng, bị chối bỏ, bị giết… Đó là những địa danh mới giống như tại Galilea mà Chúa đã rao giảng khi xưa.

Anh chị em thân mến,

Đối tương và môi trường đã có; phần chúng ta có sẵn sàng mang dấu tích của Chúa Phục Sinh, có sẵn sàng trở nên khí cụ bình an của Chúa hay không? Nói khác đi, chúng ta có sẵn sàng chịu đau khổ, chịu đóng đinh để làm chứng cho Chúa Phục Sinh không? Có sẵn sàng hoà giải với Chúa và giúp tha nhân làm hòa với nhau bằng những hy sinh, đôi khi bằng cả giá máu mà chúng ta sẽ đổ ra hay chưa?

Con người ngày nay không dễ tin. Họ cũng đòi hỏi như Tôma, phải được trông thấy, phải được kiểm nghiệm, phải có dấu chứng mới chịu tin. Chúng ta có nhiệm vụ trình bày cho họ thấy rõ khuôn mặt thật của Chúa Phục Sinh. 

Làm sao Tôma có thể tin được khi các bạn của Ngài làm chứng nửa chừng, nghĩa là được trao ban bình an mà lòng vẫn thấp thỏm; được sai đi loan báo Tin vui mà lòng vẫn sợ hãi; được trao ban ấn tín để ra đi mà vẫn tự giam hãm mình trong 4 bức tường đóng kín, không dám mở ra để đón nhận người khác, vì sợ…. Tâm tư, lối sống của các tông đồ khác như thế thì làm sao thuyết phục được Tô-ma để ngài tin.

Chúng ta cũng thế. Làm sao người ta có thể nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu, nếu họ không nhìn thấy những vết thương, những chứng tích của Chúa Kitô đóng đinh nơi tay chân, nơi thân xác, nơi cuộc sống cuả người chúng ta? 

Làm sao họ có thể tin được, nếu chúng ta không biểu lộ lối sống phục vụ tha nhân bằng bàn tay chai cứng, bằng khuôn mặt đẫm mồ hôi của chúng ta vì yêu thương họ. 

Làm sao họ có thể tin được, nếu họ không nhìn thấy lối sống của cộng đoàn chúng ta chưa giống như gương của anh chị em tín hữu thời sơ khai, 

Những kẻ tin, muôn người như một, chuyện cần với lời giảng dạy của các tông đồ, hiệp nhất và cùng chung lo cho người nghèo khó bằng cách để chung tiền của, họ đồng tâm nhất trí chia sẻ bánh thánh và cầu nguyện”.  

Bằng lối sống đó, họ đã thu hút những người không tin, nên “số những người tin Chúa mỗi ngày càng thêm đông”. Đấy xem họ thương yêu nhau dường nào. 

Con người ngày nay cũng đang đòi chúng ta làm chứng bằng lối sống yêu thương, cho dù có trải qua đau thương, khổ nạn… nhưng tất cả đều vì yêu thương. Đạo của ông bà anh chị em là đạo tình yêu ư? Xin đừng nói nhiều, hãy cho tôi xem những chứng tích tình yêu của quí vị đi, rồi tôi sẽ tin!

Ước gì mỗi người chúng ta đều mang trong mình chứng tích tình yêu của Chúa Kitô, Đấng đã bị đóng đinh và đón nhận tất cả những bi kịch của cuộc đời theo ý Chúa. Nếu được như vậy, thì cuộc đời của chúng ta dù trải qua trăm cay nghìn đắng; nhưng vẫn một niềm hy vọng là có Chúa Phục Sinh; Đấng đồng hành và ở cùng với chúng ta luôn mãi. Xin cho chúng ta được niềm tin và niềm cậy trông đó rồi bước đi đến những địa danh Galilea mới thấy. Chúa Phục sinh đang ở đó để đợi chúng ta như lời Ngài đã phán. 

Lm Joe Mai Văn Thịnh, CSsR
Trung Tâm Hoan Thiện, Melbourne 
Chúa Nhật mừng Chúa Từ Bi Nhân Hậu 

No comments: