Wednesday, 19 March 2014

PHÉP LÀNH TÂY NGUYÊN

PHÉP LÀNH TÂY NGUYÊN

Chuyến đi miền Bắc vừa qua chủ yếu là công việc, lần này đến ba tỉnh Tây Nguyên là những cuộc viếng thăm, hành hương và đôi chút nghỉ ngơi. Chặng đầu Saigon – Buôn Ma Thuột thăm một khách hàng cũ có ba con đi du học Úc, mỗi năm chi phí cho các cháu cả 100 ngàn USD. Từ khách hàng trở thành bạn, khi anh sa cơ mất hết sự nghiệp lẫn gia đình, giao mọi thứ cho người vợ, anh đã phải bỏ phố lên núi tay không, đến Buôn Ma Thuột tìm sống bằng ngón đàn guitare ngày cũ. Khi gia đình, bạn bè ruồng bỏ, anh tìm đến tôi, nơi cuối cùng anh không bị xa lánh.
Buôn Ma Thuột cũng là nơi hơn 10 năm trước, tôi đã đến thăm nhà nuôi trẻ khuyết tật của các sơ Saint Paul de Chartres, lúc đó mới được nhà nước cho phép giới hạn lập nhà chăm sóc trẻ. Sau đó, các sơ đã giao tôi một cháu gái bẩm sinh không có hậu môn, cháu đã được giải phẫu và làm liệu pháp thành công tại Bệnh Viện Nhi Đồng 2 Sàigòn. Tôi có nhiều duyên phận với các sơ Saint Paul de Chartres từ Buôn Ma Thuột đến nhà trẻ mồ côi ở Đà Nẵng, rồi cả ở Úc, khi tôi đại diện một trường quốc tế của các sơ gốc Tỉnh Dòng Hongkong ở gần Sydney.
Đi thăm anh ở Buôn Ma Thuột tôi mang theo sự bùi ngùi thương cảm, ưu tư cho đời sống anh, thấm thoát đã hơn hai năm từ ngày anh mất tất cả, phải nương tựa một người quen ở đó, mỗi tuần vài đêm chơi nhạc cho một phòng trà cà phê tỉnh lẻ để kiếm sống. Không ngờ khi đón tôi ở phi trường, anh hồng hào, đầy đặn và tươi vui gấp bội ngày cũ, chỉ có mái tóc chớm vào tuổi sáu mươi đã thưa thớt phía trước và để dài hơn phía sau. Hai năm lăn lóc từ quán này sang quán khác với cây guitare mỗi tuần chỉ kiếm được vài ba trăm ngàn đồng, cộng vào tiền lương hưu bộ đội giới hạn, anh vẫn vui sống trong căn nhà trọ nhỏ ở ngoại thành.
Từ một ông chủ chễm chệ trên xe hơi, hai năm qua anh không có được chiếc xe gắn máy, đi làm phải dùng xe ôm, trong nhà cũng không tivi, mùa đông không nước nóng, chỉ một chiếc bếp ga nhỏ loại các nhà hàng hay dùng nấu lẩu tại bàn cho khách dùng để tự nấu nướng, nhưng căn phòng khách nhỏ của anh sáng lên trang trọng hai tấm hình Chúa Cứu Thế không có khung chỉ được dán trên tường, nơi đây anh cũng đôi khi kèm dạy guitare cho các em học sinh. Anh từ một người bỏ Đạo suốt hơn 20 năm đi bộ đội, nay thường xuyên tham gia ca đoàn Giáo Xứ địa phương và giữ đạo nghiêm cẩn.
Chính anh đã cho tôi niềm vui thật lớn từ sự an nhiên và Đức Tin phó thác mạnh mẽ nơi anh, những mất mát lớn lao đã không đánh gục anh mà chỉ giúp anh tìm ra được nguyên do của đau khổ và những thiếu sót của chính mình. Đức Tin đó đã sưởi ấm anh trong cô quạnh và thiếu thốn, tuyệt đối anh không hề có chút cay đắng, mặc cảm nào. Các con anh từ Úc về, đã đến Buôn Ma Thuột thăm anh dịp Tết. Các bạn bất kể nghèo giầu của anh, tiếp đón tôi rất niềm nở, cùng nhau vui hát tại phòng trà anh làm việc. Ngày hôm sau, Lễ Tro tôi vẫn giữ chay, nhưng xin Chúa cho anh em tôi được dùng bữa tối đoàn tụ với các món chay tôm cá thịnh soạn hơn thường lệ, thưa với Chúa tôi có thể tìm gặp Ngài mỗi ngày trong kinh nguyện nhưng bạn tôi đã xa cách đến hai năm và sẽ còn lâu mới gặp lại, vì thế dù ăn chay không thịt chúng tôi thêm vào mấy lon bia cho đêm Tây Nguyên bớt lạnh.
Hai đêm, ba ngày ở Buôn Ma Thuột, anh đã cho tôi sự an nhiên khó tìm thấy trong đời sống thị thành. Hai anh em lang thang trên phố xá chắc chỉ bằng một quận lớn của Sàigòn, rồi rong ruổi cưỡi xe máy cả mấy chục cây số đi đến một thác nước chỉ để thấy tấm bảng: “Thác tạm nghỉ không mở cửa”. Đầu tóc đỏ bụi, lưng mỏi nhừ mà vẫn nhìn nhau cười vui. Loanh quanh như thế mà vui, không nói chuyện chính trị, kinh tế, triết lý, hiểu rằng tìm gặp nhau là sự chia sẻ bình đẳng quý báu cho cả hai.
Rời Buôn Ma Thuột từ sáng sớm bằng xe đò, qua 200 cây số đến Pleiku, bốn giờ căng thẳng ngồi ghế trước bên tài xế lái xe lao vùn vụt giữa đồi dốc, ổ gà tung bụi mịt mù và xuôi ngược xe cộ đủ loại. Bỏ lại phố núi gió nhẹ mêng mang, sương rừng lành lạnh buổi sớm tối mà ngày thì tràn ngập nắng hạ, thành phố thủ phủ Tây Nguyên mỗi góc đường là một quán cà phê với những ly nhỏ xíu mà đậm quánh. Xứ Tây Nguyên thời bình không còn nét buồn muôn thuở của mây ngàn gió bụi thời chiến chinh mà giờ đây chỉ là phố núi thật bình yên êm ả. Loáng thoáng trở về trong tâm tưởng hình ảnh cuộc di tản khủng khiếp trên Quốc Lộ 13, dòng người bỏ Tây Nguyên xuôi về Nha Trang, như lần tôi tham dự cuộc di tản trên Quốc Lộ Kinh Hoàng Quảng Trị năm 1972.
Tôi hỏi anh sống một mình có buồn không ? Anh nói cũng có vài chị cảm thông cảnh ngộ, có tình cảm với anh, nhưng anh bằng lòng với sự an bình đạm bạc hiện tại, chuyện tương lai xin giao cho Chúa. Trả lại anh cho Buôn Ma Thuột những đêm réo rắt tiếng guitare buồn khi sương đêm rơi trên phố núi. Cầu chúc anh luôn mãi an bình để được chia với anh "Phép Lành Tây Nguyên" đó.         NGUYỄN TRỌNG TƯỜNG

No comments: