Nén hương
lòng thắp muộn
______________________________________________
Lm Trần Quốc Húng, CSsR
VRNs (26.03.2014) - Bến Tre –
Thế là đã 40 năm kể
từ khi Học viện rời Đàlạt về Thủ đức, dọn dẹp trong đống film ảnh cũ bất ngờ
tìm được tấm film này. Mày mò suốt 1 buổi trong phòng tối để in ra (cám ơn Cha Cao đăng Minh đã cung
cấp giấy ảnh và Hóa chất cho 1thời chơi ảnh). Đây là tấm ảnh hiếm
hoi của cha giáo Yuse Nguyễn thế Thuấn, kỷ niệm ngày ngài chịu chức linh mục.
Nghe nói phải vất vả lắm mới thuyết phục được ngài đi ra tiệm ảnh quen tại 1
con phố Đalạt để lên ảnh…(Xem ra cũng không đến nỗi nào,
thế mà nhiều người vẫn cho rằng cha giáo của tôi không có …ngoại
hình!).
Cha Yuse Nguyễn Thế Thuấn, CSsR –
dịch giả trọn bộ Kinh Thánh
[Tân-Cựu]
theo nguyên bản đầu tiên tại Việt
Nam
Tôi là học trò có
thể nói là những lớp cuối của ngài… Kỷ niệm đầy ắp nhưng khốn nỗi không “có mả
ăn nói” - lời của cha má tôi khi cho tôi vào đệ tử DCCT - nên đành giữ
kỹ mà suy niệm trong lòng, tấm ảnh này kẹp trong sách nguyện cho mãi tới hôm
nay. Cũng chẳng biết vì căn duyên nào mà tôi được chọn: “mày lên phòng đọc
bản dịch Kinh Thánh xem có hiểu gì không” -“nhưng con mới lên Học viện có
biết gì đâu?’ – “thì chính bởi mày dốt mới xem có hiểu bản dịch
không!” Thế đó, tiêu chuẩn được chọn của tôi là “mày dốt”, nhờ
dốt mà không có thiên kiến, tạp niệm để có thể hiểu câu văn như nó thể hiện.
Thú thật, nhờ “mày dốt” mà tôi không biết bao lần cãi phứa phừa
những câu văn như “bửa củi” của cha giáo; và đa phần thì đành phải thúc thủ
trước những lý lẽ, chứng cứ và nhất là ý tứ ngài dành cho từng câu, từng
chữ; và lần nào cũng vậy, với nụ cười thật đôn hậu y như là ngài lại phán “mày dốt”! Không biết có phải tại dốt không, nhưng quả
thật nghe ngài cắt nghĩa, tôi tâm phục khẩu phục mà nhận ra những rộng, dài,
cao, sâu và đầy lửa của những câu Kinh Thánh vừa dịch – đặc biệt là những thư
của Phaolô – Duy chỉ một lần mà tôi vẫn ấm ức cho tới tận hôm nay; đó là những
khi Chúa Yêsu xuống thuyền (Mt 13,2; 14,24 … ấn bản 1969) thì ngài đều dùng chữ
“đò”, tôi năn nỉ “cha ơi, đò dọc đò ngang là
đều có yếu tố chở thuê, thậm chí xe hơi chở thuê người ta còn gọi là “xe đò”!”
Thế nhưng ngài lấy ra một cuốn Tự điển (chính xác của tác giả nào thì tôi không
nhớ ra) chỉ cho thấy định nghĩa: đò = con thuyền nhỏ, và dĩ nhiên vẫn là câu
đánh giá muôn thủa “mày dốt”! Và cứ thế, mỗi khi
dịch xong một đoạn, ngài lại gọi tôi và mấy thầy Học viện lên để đọc xem có
hiểu chăng ?
Mùa hè 1972-1973,
thay vì Học viện đi thực tập Mục vụ, ngài kêu tôi lên Đàlạt ở với ngài, để ngài
dạy tiếng Hipri và Hylạp – mấy thứ tiếng này, ngài nói “tao toàn tự học khi đi
xe buýt tới trường” – báo hại tôi phải đánh vật mỗi ngày mấy tiếng đồng hồ mà
chẳng thu hoạch được bao nhiêu vì quá khó! Ngài động viên: “mày dốt nhưng ít ra cũng biết nhận ra mặt chữ và
hiểu lõm bõm để sau này biết đường mà sửa morasse”; chính
vì lý do này mà tôi có tên trong nhóm ấn hành Bản Kinh Thánh trọn bộ của Cha
Nguyễn thế Thuấn, năm 1976.
Lại một mùa Phục sinh sắp tới, nhớ
cha giáo suốt ngày tiếc từng phút đồng hồ cặm cụi bên đống sách vở dịch Kinh
Thánh và lo lắng dạy cho các thầy chúng tôi, là thế hệ mới sau Vatican II,
nhưng năm nào ngài cũng dành thời gian suốt Tuần Thánh để ngồi tòa và cử hành
Tam nhật Thánh cho giáo xứ Di Linh. Giữa lúc tưởng như Giáo hội đang cần một
đầu óc và một giáo sư nhiệt huyết như cha, thì Thiên Chúa lại có chương trình
cất ngài đi giữa tuổi chín muồi tư tưởng và sự nghiệp còn dang dở, ngay trong
Lễ Phục sinh 1975 !
Thầy Nguyễn Ngọc Lan
có nói: “Giáo sư thì ta có nhiều, nhưng
thầy dạy thì chẳng có bao nhiêu”: Xin thắp nén hương tưởng nhớ đến thầy,
nhớ những “mày-tao” đầy thương mến, thầy ơi!
Thomas Trần
Quốc Hùng, CSsR
No comments:
Post a Comment