Tuesday, 25 March 2014

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Chú giải Thơ Thánh Phaolô I Corinthô Đoạn 12 và tiếp theo



Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Chú giải Thơ Thánh Phaolô I Corinthô Đoạn 12 và tiếp theo  

Đặc-sủng của Thánh Thần: Đoạn 12-14

Tín-hữu hội-họp không những để dự bữa tối của Chúa, nhưng còn để xây dựng đạo-đức. Trong dịp này, trong cộng-đoàn thấy fát-hiện những hiện-tượng lạ-thường: những ơn Thánh-Thần. Nhân đó có những thắc-mắc lớn. Những việc xuất-thần gây xôn-xao, làm cho nhiều trí-não bồng-bột: nảy ra một trí-não đua tài tranh sức, xem ai có những gì lạ nhất (và chúng ta thấy tín-hữu Corinthô sính nhất là ơn nói tiếng lạ!). Đây lại nảy ra vấn-đề liên-lạc giữa lòng đạo Tin Mừng đem đến và thứ đạo-đức hay thần-bí của thế-giới La-Hy và Tiểu-Á: thánh Faolô, một lần nữa, fải giúp tín-hữu nhận-định đâu là ơn Thánh-thần đích-thực, kéo tín-hữu ra khỏi thứ tôn-giáo mập-mờ khả-nghi lẫn lộn vào chính việc tìm cách hợp-nhất với Thiên Chúa: vạch ra cho tín-hữu thấy họ còn trẻ con chừng nào, họ tìm kiếm hưởng vui, hay cái hư-vinh của họ.

Những ơn-lạ của Thánh-thần trong Hội-thánh sơ-thời là một kinh-nghiệm lớn của Hội-thánh về quyền-năng của Chúa sống lại đã ban Thành-thần cho những kẻ thuộc về Ngài, là một động-lực lớn chinh-fục Do-thái và dân ngoại. Hiện-tượng đó kéo dài mãi đến gần thế-kỷ thứ 3 (Irênê còn nghiệm thấy).

Nhưng hiện-tượng xuất-thần cũng đã là một hiện-tượng tôn-giáo đã từng diễn ra trong thế-giới Hy-Lạp (Platô đã bàn đến trong Phêđra và Timeus): ý-thức cao nhất về tôn-giáo lại đồng-nhất với xuất-thần vô-ý-thức, một thứ điên-cuồng (mania). Thứ ân-tứ thần-linh đó chỉ có ích cho người được (hoạ hoằn điều đó mới có ích cho kẻ khác: giáo dục, cải-thiện luân-lý). Thứ thần-bí đó xâm-đoạt lấy cả con người ta, và làm những điều kỳ dị, nói ra những điều huyền-bí. Nhiều tín-hữu Corinthô trước kia cũng đã biết đến; trong số họ có những người đã được thụ-giáo bí-truyền; còn những người khác cũng hâm-mộ và kính-fục.

Nhưng hiện-tượng đó không chỉ có trong thế-giới Hy-Lạp hay Tiểu-Á hay vào những ngày đầu của Hội-thánh mà thôi. Điều đó còn thấy diễn ra nơi các thứ đồng-bóng nơi các văn-hoá khác; và trong lịch-sử Kitô-giáo cũng còn thấy diễn ra lại nhiều lần: thời sau chúng ta còn gặp những hiện-tượng tương-tợ nơi bè Montano, và trong những fong-trào “revival” giữa những bè của Thệ-Fản (prophètes cévenols, irvingianisme, réveil du Pays de Galles, Pentecotistes, Quakers…)

Thánh Faolô lo nghĩ về tâm-trạng tín-hữu Corinthô. Ngài cũng là một người được nhiều ơn đó, những ơn thuộc về “hiện-tượng thần-bí”, cả những ơn lớn hơn cả như quyền làm fép lạ. Đây là một lúc ngài fải áp-dụng lời trong ITh 5: 19-22: Chớ có dập tắt Thần-khí…nhưng hãy nghiệm-xét mọi sự và điều gì lành thì giữ lấy: Trong trật-tự, tiết-độ, tự-chủ mà thẩm-định và sử-dụng các ơn lạ đó:

-những ơn cao-trọng không fải ở nơi họ tưởng (làm người ta bỡ ngỡ), nhưng là ở nơi tin, cậy và nhất là mến.
-các ơn lạ hết thảy không fải vì cá-nhân (nói làm gì đến khoe-trương), nhưng là để xây-dựng Hội-thánh. Những kẻ muốn lợi-dụng ơn lạ để tự cao tự đại thì làm cả-thể không biết họ ở dưới thần-khí nào đâu đó, chứ đừng hòng trông ở dưới sức Thánh-thần.
-Thánh-thần không tỏ-hiện quyền-năng của Người trong hỗn-loạn, mất trật-tự và fi-lý. Ơn Thánh-thần vượt quá trí-khôn người ta, nhưng không nghịch với lý-trí, và nhất là không nghịch với Lời rao-giảng, với đức tin chung của Hội-thánh.

Giá-trị các đoạn này trong Thần-học: đây là một chương về thần-học thần-bí đã rồi, nhưng trong các đoạn này thánh Faolô còn đề-cập đến đạo-lý căn-bản về Hội-thánh, Thân Mình Chúa Kitô và nhất là đoạn 13 bài ca đức mến vạch ra chương thần-học về các nhân-đức đối-thần sự trọn-lành Kitô-giáo.

Các lời nói về đặc-sủng không chỉ có giá-trị lịch-sử về sinh-hoạt Hội-thánh tiên-khởi, nhưng còn trinh-bày một cơ-sở của Hội-thánh, một Hội-thánh luôn luôn ở dưới sức hoạt-động của Thánh-thần.

Fân-tích:
Đoạn 2: đặt những nguyên-tắc về vấn-đề đặc-sủng: hết thảy đều tùy thuộc vào ích-lợi của Hội-thánh, Thân Mình Chúa Kitô.      
Đoạn 13: bàn đến đặc-sủng tối-cao, cần-thiết nhất, không thể không có, và sẽ không hề chấm-dứt bao giờ: lòng mến.
Đoạn 14: bàn đến hai ơn mà tín-hữu Corinthô chú-trọng đặc-biệt là ơn tiên-tri, và ngữ-ân. Rồi ra chỉ-thị về việc sử-dụng đặc-sủng trong các buổi hội-họp cộng-đoàn. (xem Catholicisme, art. Charisme)

                                                                                                (còn tiếp)
                                                                                     
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích bài dạy Kinh thánh hồ thập-niên ’60)

No comments: