Trong hai
Chúa Nhật trước, các bài Tin Mừng nói về cách hành xử của Kitô hữu đối với
những người thân cận. Bài Tin Mừng hôm nay ( Mt 6, 24 – 34 ) dạy chúng ta về
mối tương quan đối với những giá trị và thực tại vật chất trần gian.
1.
“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” ( c. 24 )
Trước hết,
bài Tin Mừng bắt đầu bằng một giáo huấn quan trọng của Chúa Giêsu: “Không ai có
thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với
chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi
Tiền Của được” ( c. 24 ).
Làm tôi ( douleuein ) là phục vụ với một lòng trung thành tuyệt đối,
chấp nhận bị chủ sai khiến và quyết định thế nào mặc lòng. Người nô lệ không có
quyền gì trên cuộc đời mình. Là vật sở hữu của chủ, anh ta phải chịu chủ sai
khiến và phải tuyệt đối tùng phục theo những quyết định của chủ. Vì thế, không
ai có thể làm tôi hai chủ, nhất là khi hai chủ ấy hoàn toàn trái ngược nhau và
cả hai đều là những người rất đòi hỏi.
Nhưng sự
“làm tôi” mà Đức Giêsu nói đến ở đây còn đi xa hơn cách hiểu thông thường rất
nhiều. Khi đưa ra hai cặp đối lập yêu / ghét và gắn bó / khinh dể, Người muốn
cho thấy sự “làm tôi” ở đây phải là sự dấn thân phục vụ hết mình, trọn vẹn,
chân thành, với tất cả lòng yêu mến. Theo nghĩa này, người ta càng không thể
làm tôi hai chủ được. “Vì anh ta hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ
gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ”.
Cuối câu 24, Đức Giêsu nêu rõ danh tánh hai ông chủ: Thiên Chúa và Tiền
Của. Người khẳng định một cách rõ ràng và mạnh mẽ: “Anh em không thể vừa làm
tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được”. Hạn từ “Tiền Của” ở đây có thể được
hiểu ở nhiều cấp độ khác nhau. Một số người hiểu đó là tiền bạc theo nghĩa
thông thường. Một số khác hiểu đó là những tài sản vật chất khác nhau mà người
ta kiếm chác được, nhất là bằng những hoạt động bất chính. Nhiều người hiểu (
một cách hữu lý ) rằng “Tiền Của” ở đây là tất cả những gì người ta tìm kiếm
được và sở hữu được, ngay cả quyền lực, công danh, sự nghiệp, tài năng…, nói
tóm lại là tất cả những giá trị và thực tại trần thế, không loại trừ đó là
những thực tại tốt lành. Tất cả những thứ đó đều có thể được người ta sùng bái
quá đáng, và đều có thể trở thành đối thủ cạnh tranh không khoan nhượng với
Thiên Chúa trong tâm hồn và cuộc sống của người ta.
Chúa Giêsu
không lên án “Tiền Của”, nhưng Người không chấp nhận những ai để cho thói tôn
sùng “Tiền Của” làm chủ mình. Người nặng lời phê phán những ai yêu mến và gắn
bó với những thực tại trần gian mà họ làm ra và sở hữu. Vấn đề không phải là
không có “Tiền Của”, mà là không được ưu tiên nó như là thực tại quan trọng
nhất và có sức chi phối khao khát, suy nghĩ, chọn lựa, quyết định và hành xử
của chúng ta. Thiên Chúa phải chiếm vị trí số một, và các đồ đệ của Đức Giêsu
phải không được từ nan bất cứ điều gì Thiên Chúa đòi hỏi. Họ phải làm tôi Thiên
Chúa trong tình yêu và trong sự gắn bó sâu xa với Ngài. Chính trong thái độ tâm
linh căn bản đó, người đồ đệ sẽ có một cách hành xử đúng đắn đối với những thực
tại và giá trị trần thế, ngay cả những thực tại và giá trị cốt thiết để hiện
hữu và sống còn, như của ăn và áo mặc chẳng hạn.
2.
Đừng lo lắng khi phải đối diện với những vấn đề của cuộc sống ( cc. 25-32 )
Những của
cải và giá trị trần gian có thể chiếm trọn trái tim, chi phối hành động và biến
thành một thứ thước đo giá trị của con người. Con người bị các thực tại phàm
trần tác động và điều kiện hoá, vì ai cũng phải đối diện với những nhu cầu rất
căn bản của cuộc sống như cái ăn, cái mặc… Các thực tại vật chất là rất cần
thiết để con người có thể sống được: chúng ta không thể chỉ sống bằng suy tưởng
hay bằng ý chí và không cần bất cứ thứ gì khác. Để sống, người ta buộc phải ăn,
phải uống, phải mặc; và chính trong sự tuỳ thuộc vào các thực tại vật chất như
thế mà mối tương quan của người ta với của cải trần gian được thực hiện. Không
ai có thể tránh né được mối tương quan này. Vấn đề là chúng ta phải sống sự tuỳ
thuộc đó như thế nào.
Chúa Giêsu
dạy: "Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng
đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân
thể chẳng trọng hơn áo mặc sao ? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không
gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em
lại chẳng quý giá hơn chúng sao ? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo
dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay ? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng
làm gì ? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học:
chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả
vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy
nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp
cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng
lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây ? Tất cả những thứ đó, dân
ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ
đó” ( cc. 25-32 ).
Với một
loạt những quan sát và suy tư, Đức Giêsu nhắc chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa biết
rất rõ chúng ta và Người luôn sẵn sàng bảo đảm cho cuộc sống của chúng ta.
Người đã ban cho chúng ta món quà lớn lao hơn tất cả: thân thể và mạng sống, lẽ
nào Người lại chẳng sẵn sàng ban cho chúng ta những món quà nhỏ hơn, tức là
những phương tiện giúp chúng ta gìn giữ quà tặng lớn lao kia ? Chim trời vẫn
tìm được của ăn, cho dù không gieo không gặt. Đoá huệ ngoài đồng vẫn được trang
điểm diễm lệ, cho dù không làm lụng canh cửi. Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá, luôn lo
liệu mọi sự cho chúng. Há Người lại chẳng làm như thế cho con người, vốn là những
con cái mà Người quý hơn tất cả và hằng âu yếm lấy tình phụ tử mà chăm nom gìn
giữ ? Và cuối cùng là một suy tư đơn giản: Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo
lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không ? ( c. 27 ).
Chúng ta
được mời gọi đón nhận những thực tại căn bản, ví dụ như độ dài của cuộc sống
trần gian của mỗi người, như Thiên Chúa đã ấn định. Nhưng Đức Giêsu không có ý
nói rằng chúng ta đừng làm lụng canh cửi, đừng gieo gặt trồng cấy, đừng để ý
lưu tâm hay đừng xây dựng những dự phóng tương lai… Người muốn nói rằng tất cả
những điều đó phải được thực hiện nhưng không phải là với một sự lo lắng bận
tâm thái quá và mù quáng, mà là với lòng tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha chúng
ta. Thiên Chúa đã ban cho con người bàn tay và khối óc, tức là Người đã lo liệu
trước để chúng ta có thể xây dựng cuộc sống cho phù hợp với phẩm giá cao cả của
mình.
Đức Giêsu
biết rõ sự vận hành bình thường của cuộc đời. Người không phủ nhận rằng đôi khi
chim trời và con người vẫn phải chết vì đói. Nhưng ngay cả trong những trường
hợp cực đoan đó, sự lo lắng thái quá cũng không hề giúp chúng ta tiến bước bình
an và chắc chắn trong cuộc sống trần gian này. Trái lại, trong những trường hợp
cực đoan bi đát đó, chúng ta càng có lý do để trông cậy và hy vọng nơi Thiên
Chúa, không chỉ hy vọng về những thực tại trần gian mà thôi, mà nhất là hy vọng
về những thực tại Nước Trời, là nơi duy nhất có cuộc sống viên mãn thật sự.
Sự “không
lo lắng” của chúng ta, như vậy, theo lời của Đức Giêsu, không đặt cơ sở trên
một sự lạc quan ngây thơ hay trên khả năng làm chủ cuộc sống của chúng ta ( khả
năng ấy quá bé nhỏ ). Sự “không lo lắng” đó được đặt cơ sở trên sự thực vững
chắc, rằng Thiên Chúa quyền năng và thông biết mọi sự, rằng Thiên Chúa luôn
luôn nhân lành yêu thương ta, rằng Thiên Chúa luôn luôn trung thành với lời
sáng tạo của Người.
3.
Chọn lựa căn bản của cuộc sống:
Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người ( cc. 33-34 )
Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người ( cc. 33-34 )
Sau khi đã
dạy chúng ta đừng lo lắng, Đức Giêsu nói cho chúng ta biết đâu là thực tại phải
chi phối ước muốn của chúng ta, lấp đầy con tim của chúng ta, xác định thước đo
giá trị của chúng ta và đòi hỏi những hoạt động của chúng ta. Người nói: “Trước
hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những
thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ
để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” ( cc. 33-34 )
Nước Thiên
Chúa và sự công chính của Người. Đó là những giá trị cao cả nhất và sâu xa
nhất; và chúng ta được mời gọi hoàn toàn quy hướng tất cả con người của mình về
những thực tại đó. Nước Thiên Chúa là chính Thiên Chúa đang tỏ mình hoàn toàn
cho chúng ta trong tư cách là Đức Chúa quyền năng và tràn đầy ân nghĩa, Đấng
luôn đón nhận và yêu thương che chở chúng ta trong sự hiệp thông vào sự sống
của chính Người. Tất cả lòng tin của chúng ta, tất cả niềm hy vọng của chúng ta
và tất cả lòng yêu mến của chúng ta đều phải được quy hướng về Người trong một
ý hướng hoàn toàn thuần khiết. Đó là tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Sự công chính
của Thiên Chúa là sự công chính đến từ chính Thiên Chúa. Đó là cách hành xử của
người công chính, phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa và được Đức Giêsu nói rõ
trong bài giảng trên núi. Tất cả nỗ lực của chúng ta và tất cả sức mạnh của
chúng ta, đều phải được huy động để thực hiện sự công chính ấy.
Nếu chúng
ta trước hết chỉ tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người như thế,
thì những điều khác sẽ được ban cho chúng ta như những phương tiện để chúng ta
thực hiện chọn lựa căn bản đó của cuộc đời. Ý nghĩa của sự hiện hữu của chúng
ta không tuỳ thuộc vào những mối bận tâm về cuộc sống hiện tại này, mà là ở sự
hoàn toàn quy chiếu của chúng ta, ngay trong cuộc sống thế tạm hôm nay, vào
Thiên Chúa, và ở sự chuẩn bị của chúng ta, nhờ những hành động công chính, cho
cuộc hiệp thông viên mãn vĩnh cửu với chính Thiên Chúa.
Đó mới là
tương lai đích thật mà chúng ta phải hướng tới, chứ không phải là cái ngày mai
trong cuộc đời thế tạm này. Vì thật ra, cái ngày mai thế tạm vẫn sẽ là cái ngày
mai vất vả: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” ( c. 34 ). Nhưng sự vất vả trong
ngày mai thế tạm sẽ rất khác nhau. Đó sẽ là sự vất vả nhọc nhằn và cay đắng,
nếu chúng ta vất vả vì những lo lắng cho cuộc sống thế tạm và vật chất này.
Trái lại, đó sẽ là vất vả phúc lạc và bình an, nếu chúng ta tìm kiếm Nước Thiên
Chúa và sự công chính của Người, tức là nếu chúng ta hoàn toàn quy hướng về
Thiên Chúa và sống theo những mối phúc mà Chúa Giêsu đã công bố trong bài giảng
trên núi ( 5, 3 – 12 ).
Tất cả
chúng ta đều chịu tác động của các thực tại thế tạm. Lời Chúa hôm nay nhắc cho
chúng ta rằng: ngay trong mối tương quan của chúng ta với những thực tại cần
thiết cho cuộc sống thế tạm, Thiên Chúa vẫn phải chiếm vị trí mang tính quyết
định. Ta được mời gọi đừng để cho những lo toan về các nhu cầu ( cho dù là khẩn
thiết nhất ) của cuộc sống, hoàn toàn chi phối tâm trí chúng ta, đến nỗi chúng
ta đánh mất sự tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha chúng ta. Quan trọng hơn tất cả
những bận tâm lớn nhỏ của cuộc sống, là lòng tin và niềm xác tín rằng: “Cha anh
em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó” ( c. 32 ). Nếu lòng tin
tưởng vững chắc vào Thiên Chúa và xác tín mạnh mẽ về sự nhân lành vô biên của
Người, làm người bạn đồng hành với những mối bận tâm về cuộc sống vật chất của
chúng ta, thì chắc chắn tâm hồn chúng ta sẽ được bình an, và chúng ta sẽ đối
diện với cuộc sống ( có khi rất khắc nghiệt ) này với một sự tự do nội tâm đích
thực.
“Trước hết
hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” ( Mt 5,
33 ).
Lm. Giuse NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT
No comments:
Post a Comment