Tuesday, 18 March 2014

NHÂN LỄ TẤN PHONG CÁC HỒNG Y MỚI – Phần 2



NHÂN LỄ TẤN PHONG CÁC HỒNG Y MỚI Phần 2

Như chúng tôi đã nói trong bài trước, những nhu cầu đa dạng của Giáo Hội ngày nay khiến cho thành phần các vị Hồng Y và các Tòa Hồng Y có một vài nét mới. Danh sách các vị Hồng Y kỳ này có thể nói phản ảnh quan niệm thường được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh là: việc mục vụ trực tiếp của Giáo Hội khắp nơi trong hoàn vũ quan trọng hơn là công việc quản trị thuần túy. Vì thế, trong số 16 vị Hồng Y còn đang hoạt động thì đã có 12 vị Giám Mục coi sóc các Giáo Đoàn địa phương và chỉ 4 vị thuộc Giáo Triều.
Đương nhiên có những chức vụ ở Giáo Triều, phải do các vị Hồng Y đảm nhận. Do đó, đứng đầu danh sách các Hồng Y mới kỳ này là Đức Hồng Y Piero Parollin, Quốc Vụ Khanh mới của Tòa Thánh, tức là nhân vật số 2 ở Vatican, sau Đức Thánh Cha. Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Giáo Lý Đức Tin trước đây được Đức Benêđitô XVI bổ nhiệm là vị Giám Mục người Đức Gerhard Ludwig Muller và vị Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ là Đức Cha Beniaminô Stella là hai vị tân Hồng Y khác trong Giáo Triều. Một vị khác không chính thức thuộc Giáo Triều nhưng giữ một chức vụ có quan hệ với Giáo Hội hoàn vũ là Đức tân Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng Thư Ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới. Cơ chế này được thiết lập sau Công Đồng Vatican II nói lên tính hợp nhất đồng trách nhiệm của Giám Mục Đoàn thế giới. Đây là một phương diện rất được Đức Thánh Cha Phanxicô coi trọng.

Cha Lomdbardi, phát ngôn viên Tòa Thánh nói rằng Đức Giáo Hoàng không bị trói buộc bởi những tục lệ cũ. Chính vì điều này mà theo thông lệ một số Tòa Giám Mục ở Ý trước đây kể như đương nhiên do một vị Hồng Y cai quản, thì lần này lại không có Hồng Y. Cụ thể như Tòa Tổng Giám Mục Torino và Tòa Thượng Phụ Venizia ( Venice ). Đây là một nơi nổi tiếng vì trong quá khứ đã từng là Tòa Thượng Phụ của Thánh Giáo Hoàng Piô X khi ngài còn là Hồng Y Sarto và của Đức Chân Phước Gioan XXIII khi ngài còn là Hồng Y Roncalli. Cũng thế, kỳ này hai Giáo Hội lớn là Pháp và Hoa Kỳ không có Hồng Y mới; thực ra thì hai Giáo Hội này cũng không tổn hại gì vì đã có nhiều Hồng Y rồi: Pháp có 4 vị và Hoa Kỳ 11 vị. Nhưng một số Giáo Hội ở những nước Châu Âu khác, như Bỉ và Ái Nhĩ Lan cũng không có Hồng Y.
Bù lại, có những Hồng Y mới đến từ những Tòa không nhất thiết có Hồng Y. Ở Ý người ta đặc biệt chú ý đến Đức Hồng Y Bassetti, Tổng Giám Mục Peruggia. Tòa này đã 160 năm nay không có Hồng Y, nhưng đây là một Tòa danh tiếng. Lần cuối cùng Tòa Peruggia có Hồng Y là vào năm 1853 với Đức Hồng Y Gioacchino Pecci. Vị Hồng Y này trong một thời gian dài có vẻ như bị loại ra không được tham gia vào các công tác của Giáo Triều. Nhưng chính ngài lại trở nên một vị Giáo Hoàng vĩ đại.
Năm 1878, ngài được bầu lên kế vị Đức Chân Phúc Piô IX, dưới danh hiệu Lêô XIII. Chính Đức Giáo Hoàng Lêô XIII là người đã đưa Giáo Hội Công Giáo vào thời hiện đại khi mà tuyệt đại đa số Giáo Hội như còn trầm kha luyến tiếc thời quân chủ phong kiến. Đức Lêô XIII là người đã mở đường cho những giáo huấn xã hội Công Giáo để đáp ứng nhu cầu công bình xã hội trong cuộc cách mạng công nghiệp đang phát triển vũ bão với những vấn đề nghiêm trọng như vấn đề đấu tranh nghiệp đoàn, vấn đề chủ nghĩa xã hội. Chính nhờ ngài, người Công Giáo đã thức tỉnh trước những đòi hỏi của xã hội và đã tích cực góp phần tạo ra những tiến bộ cho giới công nhân nghèo. Đức Lêô XIII còn mở đường đưa người Công Giáo đến chỗ chấp nhận những luật chơi của chế độ dân chủ đại nghị đang thành hình ở hầu hết các nước Âu Mỹ. Ngài cũng chấn chỉnh và canh tân, mở rộng sự học và các công trình nghiên cứu vào một thời mà Giáo Hội có phần bê trễ trong lãnh vực này. Chính nhờ thế, Giáo Hội Công Giáo đang có khuynh hướng lụn bại trong các lãnh vực tư tưởng, chính trị, khoa học, xã hội, văn hóa đã phục hồi uy tín một cách rạng rỡ. Từ đó, các đời Giáo Hoàng, với những nét đậm nhẹ khác nhau đã duy trì được uy tín lớn đó. Đức Lêô XIII là một vị Giáo Hoàng thiên tài.
Tất nhiên không phải chỉ vì ký ức lớn về Giáo Hoàng Lêô XIII mà 160 năm sau người kế vị của ngài là Đức Cha Bassetti đã nhận Hồng Y. Ngài là một vị Giám Mục có phong cách đơn sơ giống như Đức Thánh Cha Phanxicô, sống rất gần với mọi người, luôn bênh vực người nghèo, thường đi đến với các công nhân và các bệnh nhân. Ngài chủ chương như Đức Giáo Hoàng rằng: Các mục tử phải nhiễm mùi của đàn chiên.
Lần này, đa số các vị Hồng Y đến từ những nước nghèo. Đặc biệt phải kể đến một đất nước lần đầu tiên có Hồng Y là Haiti, ở vùng biển Caribê, Trung Mỹ. Haiti là một trong số những nước nghèo nhất trên thế giới, chính trị hỗn độn, xã hội rối loạn, lại liên tiếp bị thiên tai ( trong cuộc động đất khủng khiếp năm 2010, Đức Tổng Giám Mục thủ đô đã chết khi Nhà Thờ Chính Tòa sụp đổ ) và sau đó là những cơn đại dịch. Quốc tế đã phải xô vào cứu trợ vì Haiti không thể tự mình đứng lên được. Haiti là một nước dân số 10.500.000, trong đó 80% là Công Giáo, và Công Giáo cũng là quốc giáo. Năm 1983, khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viếng thăm nước này, ngài đã lên tiếng chỉ trích chế độ độc tài là bất công. Người ta coi bài diễn văn của Đức Gioan Phaolô II như một nhân tố dẫn đến vụ lật đổ chế độ độc tài của Tổng Thống Duvalier. Lần này, Đức Cha Langlois được phong Hồng Y có ngụ ý nói lên Giáo Hội đồng hành với những dân tộc đớn đau nghèo khổ, chậm tiến trên con đường phát triển khó khăn cả về tinh thần lẫn vật chất.
Hai vị Hồng Y của Tây Phi cũng được nhiều người chú ý. Vị thứ nhất là Đức Hồng Y Jean-Pierre Kutwa đứng đầu Giáo Phận Abidjan nước Bờ Biển Ngà ( Côte d’Ivoire ). Ngài được Đức Giáo Hoàng Benêđitô XVI bổ nhiệm vào năm 2006. Khi đó, đất nước Bờ Biển Ngà đang còn tan hoang sau những biến loạn, thậm chí nội chiến kéo dài 10 năm. Đức Hồng Y Kutwa là một người nhấn mạnh rất nhiều vào những cuộc đối thoại đại kết giữa các Giáo Hội Kitô giáo và đối thoại liên tôn giữa các tôn giáo với nhau. Sự hiện diện của các Giáo Sĩ lãnh đạo Hồi Giáo Bờ Biển Ngà trong lễ tấn phong Hồng Y vừa qua là một hình ảnh đẹp và có ý nghĩa. Bờ Biển Ngà là một đất nước mà 32,5% dân số theo đạo Kitô ( 19% là Công Giáo ) và 38,6% theo Hồi Giáo, 11,9% theo những tôn giáo bản địa cổ truyền; dân số là 23 triệu. Trong lễ tấn phong vừa qua, Đức Hồng Y Kutwa là người ngồi xe lăn vào cuối nghi lễ được Đức Thánh Cha xuống tận nơi trao mũ và ôm hôn, ngài mới bị một tai nạn giao thông nên không thể tự bước đi được.
Bên cạnh Bờ Biển Ngà là nước láng giềng Burkina Faso cũng có Hồng Y mới là Đức Tổng Giám Mục Philippe Ouédraogo, đứng đầu Giáo Phận Ouagadougou. Đây cũng là một đất nước nghèo, với dân số 16 triệu, trong đó hơn 60% theo Hồi Giáo và 23% theo Kitô Giáo. Rất may mắn là cuộc sống chung giữa các tôn giáo ở đây hài hòa, không có những thế lực chính trị lợi dụng những khác biệt tôn giáo để tranh chấp nhau. Đức tân Hồng Y Phillipe Ouédraogo là người đấu tranh mạnh chống lại tình trạng nghèo khó và tham nhũng. Trong một thư mục vụ gần đây, ngài đã nhắc đến một cuộc khủng hoảng các giá trị đưa đến những thảm cảnh cho đất nước. Nhìn chung thì Giáo Hội ở Burkina Faso đã đi đầu trong cuộc tranh đấu vì quyền con người, thậm chí khi cần còn đương đầu cả với Tổng Thống Compaoré. Khi vị Tổng Thống này muốn lập một thượng nghị viện để giúp ông cải tổ Hiến Pháp hòng tiếp tục ra tranh cử một nhiệm kỳ nữa, thì các Giám Mục ở đây đã ra một thư chung nói rằng, trong một đất nước nghèo khó, các nhu cầu căn bản của con người về y tế, giáo dục, việc làm, nhà ở, lương thực thực phẩm còn chưa giải quyết được thì làm sao lại phải mở thêm một thượng nghị viện. Chống lại ý kiến lập thượng viện cũng là một cách các Giám Mục khước từ đặc ân chế độ muốn dành cho mình, vì trong kế hoạch của Tổng Thống sẽ có những ghế thượng nghị sĩ dành cho các vị lãnh đạo tôn giáo.
Nay quay sang Á Đông chúng ta, thì có hai vị HồngY mới. Vị thứ nhất là Đức Giám Mục Andrew Yeom Soo Jung của Seoul ( Hàn Quốc ). Ngài là dòng dõi các Thánh Tử Đạo. Tổ tiên 4 đời của ngài thuộc thế hệ các Kitô hữu đầu tiên của Hàn Quốc. Giáo Hội Hàn Quốc có lịch sử phát triển rất đặc biệt, bởi vì những người đầu tiên truyền đạo vào đất nước không phải là những Thừa Sai nước ngoài, mà chính là những sĩ phu Hàn Quốc. Họ đã đọc được sách vở về đạo bằng chữ Hán phổ biến ở Trung Quốc và đem lòng mộ mến rồi tự thành lập cộng đoàn Kitô Giáo với nhau trước khi các vị Thừa Sai đến. Trong số những tín hữu đầu tiên này, có nhiều người đã tử vì đạo, trong đó có hai vị là tổ tiên của Đức tân Hồng Y hiện nay.
Đức Giám Mục Andrew Yeom Soo Jung đã tốt nghiệp đại học Công Giáo Hàn Quốc. Đặc biệt ngài thúc đẩy Giáo Hội phải có mặt trong các lãnh vực truyền thông, từ đó đã lập ra các cơ quan truyền thông, truyền hình Công Giáo của Hàn Quốc. Các kênh truyền thanh và truyền hình này cổ võ cho hòa bình, hòa giải, nhân phẩm, nhân quyền và bênh vực sự sống. Nói đến lãnh vực bảo vệ sự sống thì hiện nay trong nhiều trung tâm khoa học ở Hàn Quốc, người ta đang dùng thai người để làm các cuộc thí nghiệm.
Giáo Hội Hàn Quốc trong những năm gần đây đã phát triển rất mạnh và đã gửi các Thừa Sai đi các nước khác, ưu tiên cho các nước Châu Á. Về phương diện này, một nét đặc biệt nữa của Đức Hồng Y Andrew Yeom Soo Jung là ngài kiêm nhiệm chức Tổng Giám Mục Seoul của Hàn Quốc với chức vụ Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Bình Nhưỡng ( Bắc Triều Tiên ). Từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950 và kết thúc năm 1953 thì Giáo Hội ở Miền Bắc Triều Tiên đã hoàn toàn sống trong thầm lặng với một số rất ít Giáo Dân. Với một chế độ đóng kín vào bậc nhất thế giới như ở Bắc Triều Tiên thì không ai hiểu được số mệnh của Giáo Hội nhỏ bé đó ra sao. Chỉ trong thời gian gần đây, quan hệ giữa Bắc và Nam Triều Tiên đã có một số đột phá bước đầu thì người ta mới tìm cách móc nối lại. Trong bối cảnh mà thế giới đang đặc biệt chú ý tới Bắc Triều Tiên với một chế độ bí hiểm và hết sức hà khắc, nhưng cũng để lộ những khả năng biến chuyển thì vị thế của Đức Hồng Y Yeom Soo Jung có tầm quan trọng của một tiền đồn Giáo Hội trước một thế giới mới còn nhiều ẩn số đang chờ đợi công cuộc loan báo Tin Mừng.
Vị Hồng Y thứ hai của Á Đông là Đức Hồng Y Quevedo, Giáo Phận Cotabato, Philippines. Philippines là một đất nước đại đa số dân chúng theo Công Giáo, vì thế từ trước tới nay đã có nhiều Hồng Y. Nhưng đây là lần đầu tiên, đảo Mindanao ở Miền Nam có Hồng Y. Những hòn đảo phía Nam này được kể là những vùng nghèo nhất của Philippines, lại có một tỉ lệ khá cao dân số theo Hồi Giáo. Ngay trong Giáo Phận Cotabato của Đức Hồng Y Quevedo cũng chỉ có khoảng 50% dân số là người Công Giáo. Tình trạng nghèo khó, bất công và dị biệt tôn giáo đã từng gây những biến động lớn trong xã hội, với sự xuất hiện của Mặt Trận Giải Phóng Hồi Giáo Moro, gây ra một cuộc nội chiến âm ỉ chỉ mới tạm nguôi ngoai gần đây.
Đức Hồng Y Quevedo được coi là một người xuất sắc. Hồi thập niên 1970, ngài được bầu là một trong 10 người trẻ xuất sắc nhất của Philippines. Ngài còn được coi như “kiến trúc sư mục vụ cho các Giáo Hội Châu Á”, vì ngài đã nhiều năm làm Tổng Thư Ký Liên Hiệp các Hội Đồng Giám Mục Á Châu ( FABC ). Chính ngài là một tay thợ cả thảo các văn kiện của Liên Hiệp các Đức Giám Mục. Với kinh nghiệm và uy tín như vậy, ngài đã đắc cử với số phiếu cao nhất vào Đoàn Thư Ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 1994.
Đức Hồng Y Quevedo chủ trương: “Hội Thánh ở Châu Á phải nỗ lực hòa đồng trong nền văn hóa Châu Á, phải bám rễ sâu vào Châu Á, phải nhập thể giữa Châu Á. Đồng thời Hội Thánh phải coi nhiệm vụ đối thoại liên tôn như một đòi hỏi cấp bách trong hành trình chung của nhân dân Châu Á tiến về Nước Chúa. Giáo Hội phải là tôi tá khiêm tốn của nhân dân Châu Á. Đây là lục địa mà đại chúng còn nghèo khổ, nên Hội Thánh phải đối thoại với người nghèo, phải là Giáo Hội của người nghèo thì tiếng nói mới đáng tin và mới hiệu nghiệm”.
Sau hết, còn một vị tân Hồng Y hiện nay là người lớn tuổi nhất trong Hồng Y đoàn, đó là Đức Hồng Y Loris Capovilla, năm nay 98 tuổi. Với tuổi tác ấy, ngài không còn tiêu chuẩn để dự Mật Hội bầu Giáo Hoàng, nếu có. Ngài cũng không thể về Rôma để lãnh áo đỏ, nhưng áo mũ sẽ được đưa đến tận nơi ngài đang hưu dưỡng. Sự kiện Đức Hồng Y mới này lại là người cao tuổi nhất trong Hồng Y Đoàn là một điều rất có ý nghĩa. Đức Hồng Y Capovilla là thư ký riêng của Đức Chân Phúc Gioan XXIII, suốt từ khi ngài còn làm Thương Phụ ở Toàn Venizia cho đến khi ngài lên ngôi Giáo Hoàng. Suốt thời gian đó, Đức Cha Capovilla đã luôn ở bên Đức Gioan XXIII. Sau khi Đức Chân Phước Giáo Hoàng, Đấng khai sáng Công Đồng Vatican II qua đời, thì Đức Cha Capovilla đã thừa kế rất nhiều tài liệu, giấy tờ của Đức cố Giáo Hoàng. Và trong suốt 50 năm nay, ngài luôn gìn giữ, sưu tập thêm và xuất bản các tài liệu này. Hiện nay ngài được coi như truyền nhân của Đức Gioan XXIII. Những ai viết sách báo về Đức cố Giáo Hoàng đều coi Đức Hồng Y Capovilla như một từ điển sống về các biến cố và tư tưởng của Đức Chân Phúc. Hiện Đức Hồng Y Capovilla đang giữ gìn bảo tàng về Đức Gioan XXIII tại quê hương của Đức cố Giáo Hoàng ở Sotto in Monte.
Trong tháng Tư tới đây, Đức Chân Phúc Gioan XXIII sẽ được tôn phong Hiển Thánh cùng với Đức Chân Phúc Gioan Phaolô II. Việc trao tặng Hồng Y cho vị thư ký 98 tuổi của ngài vừa là một sự nhìn nhận công nghiệp của bản thân Đức tân Hồng Y và cũng là một sự tôn vinh với Đức Chân Phước. Đó là một cách để nói rằng, con đường Đức Gioan XXIII đã mở với Công Đồng Vatican II, cùng với sự nối tiếp của Đức Gioan Phaolô II là những biến cố có tầm thời đại cho Hội Thánh trong lịch sử. Đương nhiên Đức Hồng Y Capovilla sẽ vô cùng hạnh phúc trong ngày Hội Thánh tôn phong người cha tinh thần của mình, cũng là cha tinh thần của cả một kỷ nguyên trong Hội Thánh Công Giáo.
Lm. Matthêu VŨ KHỞI PHỤNG, DCCT ( Hết )

No comments: